Từ lời kể của người thân và qua những lần trực tiếp cùng ông tham gia các chuyến về nguồn, thăm lại chiến trường xưa do các cựu chiến binh Trường Sơn tổ chức, chúng tôi hiểu hơn vì sao đã ở tuổi 80, cựu chiến binh Trần Văn Phúc vẫn miệt mài trên hành trình tri ân. Chỉ khoảng một tháng trước khi rời cõi tạm, khi mắc bệnh trọng, ông mới quyết định dừng làm việc...
“Rời quân ngũ sau hơn 30 năm công tác, anh Phúc đã tích cực tham gia ngay vào ban vận động thành lập Ban liên lạc cựu chiến binh Trường Sơn (nay là Hội truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam). Đảm nhiệm công tác văn phòng của hội, anh Phúc đã tham mưu cho ban chấp hành nhiều chủ trương hoạt động hiệu quả, góp phần giúp đỡ đồng đội có hoàn cảnh khó khăn, nhất là các thương binh, thân nhân liệt sĩ”, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Phó chủ tịch Thường trực Hội truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam nhớ về người cộng sự thân thiết một thời.
    |
 |
Đại tá Trần Văn Phúc (bên phải) trong chuyến về nguồn, thăm chiến trường xưa (năm 2013). Ảnh: THĂNG LONG
|
Theo lời kể của Đại tá Trần Văn Phúc lúc sinh thời, ông vốn là học sinh trung cấp ngành giao thông, sau khi nhập ngũ một thời gian, ông mới hoàn thành chương trình học, trở thành kỹ sư giao thông và vào miền Nam thực hiện nhiệm vụ trên “tuyến lửa” Trường Sơn. “Ngày ấy, do thấy tôi dáng thư sinh, khó đáp ứng được điều kiện chiến đấu khắc nghiệt ở chiến trường nên dù tôi nhiều lần đề nghị được đi B nhưng thủ trưởng các cấp đều từ chối. Để được toại nguyện, tôi kiên trì tập luyện nâng cao sức khỏe. Ngoài các đợt hành quân dã ngoại của đơn vị huấn luyện ở Quảng Ninh, rèn bộ đội leo đèo, vượt núi, mỗi ngày, tôi còn tự nhét gạch vào ba lô luyện đi bộ đường dài, độ nặng và khó tăng dần lên. Khi nhận được quyết định đi B, tôi viết vội lá thư nhờ gửi về nhà báo cho gia đình rồi đóng gói hành lý đến điểm tập kết, căng võng nằm chờ lệnh xuất phát từ hôm trước. Thâm tâm tôi chỉ lo bị gạt lại như mấy lần trước thì công cốc!”, trên chuyến xe vào Làng Ho, Quảng Bình năm 2012, Đại tá Trần Văn Phúc kể với chúng tôi.
Năm 1971, sau gần hai tháng hành quân, Trần Văn Phúc cùng đoàn quân bổ sung cho các chiến trường mới vào đến địa phận Khu 5. Niềm vui bất ngờ là ngay ngày đầu tiên về đơn vị mới, ông đã gặp những người bạn cùng quê ở Đồn Xá, Quỳnh Hồng (Quỳnh Phụ, Thái Bình). Với suy nghĩ, “bản thân lặn lội từ miền Bắc vào mà chưa lập được chiến công gì, dù là nhỏ nhất, mà chẳng may “đi sớm”, Tổ quốc mất đi một người lính, gia đình mất đi một người con yêu dấu thì cái chết vô nghĩa quá”, Trần Văn Phúc quyết định báo cáo chỉ huy Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 cho mình được về cùng đơn vị với mấy anh em đồng hương để có thêm điều kiện học tập kinh nghiệm chiến đấu, cũng như động viên tinh thần nhau mỗi khi nhớ nhà. Từ đây, ông dần trưởng thành hơn. Bấy giờ, đơn vị của Trần Văn Phúc có nhiệm vụ giữ vững trận địa khu vực đèo Sa Huỳnh. Ở Tiểu đoàn 2 được một thời gian, cấp trên điều chuyển ông về làm trợ lý công binh của Binh trạm 29 Trường Sơn. Khu vực hoạt động của Binh trạm không xa đơn vị cũ nên ông vẫn có điều kiện gặp gỡ và kể với đồng đội về những kinh nghiệm khi chiến đấu với kẻ thù.
Sau Hiệp định Paris năm 1973, chấp hành chỉ đạo của trên, những người lính của hai chiến tuyến sẽ đi thăm nhau nhân dịp Tết cổ truyền. Ông kể: “Cả hai bên đều thăm dò đối thủ. Những người lính trinh sát của ta được cùng sang thăm đối phương và bí mật quan sát trận địa, từ cách bố phòng đến thái độ của địch để chủ động, kịp thời phản ứng khi có tình huống xảy ra. Mọi thứ đã diễn ra trong hòa bình. Thời gian ấy, tôi bị thương nhẹ nhưng cũng không thể tham gia các hoạt động của sự kiện đặc biệt này”. Nhưng rồi, một việc đau lòng đã xảy ra.
Ngày 25-3-1973, địch mở trận càn lớn lấn đất ở khu vực đèo Sa Huỳnh. Đây là vị trí quan trọng án ngữ Quốc lộ 1 để đánh chiếm vùng giải phóng. Suốt một thời gian, địch cứ tấn công, phá đường, công binh ta lại sửa gấp. Đường thông, bộ binh ta lại tổ chức phản công... Hôm ấy, chúng mở 3 mũi tiến công (1 mũi từ hướng biển lên, 2 mũi còn lại từ hai phía Quốc lộ 1) nhằm giành lại đèo Sa Huỳnh. Tiểu đoàn 2 và Tiểu đoàn 5 của Trung đoàn 12 vẫn bám trụ từng chiến hào, ụ đất, quyết giữ vững trận địa. Khẩu đội ĐKZ của đồng chí Nguyễn Văn Khuê, người cùng làng Đồn Xá với ông Phúc, di chuyển liên tục, diệt nhiều hỏa điểm của địch. Trong khi đó, địch không ngừng bắn pháo bầy, pháo chụp như những trận mưa trùm lên trận địa của ta.
Cựu chiến binh Trần Văn Phúc kể: “Khẩu đội ĐKZ của anh Khuê bỗng im bặt. Vài phút sau lại nghe từng loạt AR15 nổ rèn rẹt, tiếp theo tiếng lựu đạn nổ ầm ầm. Những tên lính ngụy chạy dạt xuống chân đồi cùng những tiếng kêu thảm thiết. Từ công sự cách đó không xa, tôi bò sang thấy khẩu ĐKZ bị trúng mảnh pháo gãy chân, nòng đã chúi xuống đất. Mấy chiến sĩ hy sinh, máu loang đầy áo. Có người tay vẫn bóp chặt quả lựu đạn chưa kịp giật chốt.
Cả trận địa chỉ còn mùi khét của đạn bom và mùi thi thể... Bộ đội công binh chúng tôi nhanh chóng cơ động khắp nơi tìm kiếm, mong thấy người còn sống. Và tôi đã tìm thấy anh Khuê. Anh bị thương nên ngất đi, đội cáng thương nhanh chóng đưa anh về phía sau. Trên đường đi, ngay lần đầu tiên tỉnh lại, anh chỉ hỏi: “Trận địa còn không các anh?”. Vết thương của anh Khuê khá nặng, máu vẫn rỉ ra, thấm vào võng bạt rồi nhỏ từng giọt trên đường mòn. Lần cuối tỉnh lại, anh cố nói với tôi, giọng đứt quãng: “Tôi sắp đi rồi, gửi lời chào anh em... Hãy nói tôi đã hoàn thành nhiệm vụ...”. Sau đó, anh lịm dần”.
Chứng kiến đồng đội hy sinh ngay trước mắt mà không thể làm được gì, đó chính là nỗi khắc khoải khôn nguôi của ông Trần Văn Phúc.
Tâm sự với chúng tôi, ông bảo, vì điều kiện chiến tranh nên phải an táng liệt sĩ ngay tại nghĩa trang mặt trận. Điều này không ai mong muốn, nhưng do nhiệm vụ còn đang chờ phía trước, ông và đồng đội phải để liệt sĩ nằm lại nơi các anh ngã xuống, tự nhủ ngày hòa bình sẽ trở lại đón các anh. Vì vậy, mỗi khi tham gia an táng đồng đội hy sinh, người lính công binh Trần Văn Phúc cố gắng vẽ lại sơ đồ mộ chí, ghi lại danh tính liệt sĩ vào cuốn sổ nhỏ để sau này cần dùng đến. Và chính trong chuyến đi năm 2012 mà chúng tôi được tham gia, ông đã cùng đồng đội xác định chính xác vị trí an táng để cơ quan chức năng tiến hành khai quật, cất bốc được 2 hài cốt liệt sĩ của Trung đoàn Công binh 98 Trường Sơn.
Là người lính đi qua chiến tranh, các cựu chiến binh, trong đó có Đại tá Trần Văn Phúc, là những người hiểu rõ nhất giá trị của hòa bình và trách nhiệm phải đền ơn đáp nghĩa những hy sinh xương máu để có được hòa bình. Có lẽ chính bởi vậy mà sau này, dù khi còn công tác hay đã nghỉ hưu, kể cả những ngày bệnh trọng, ông vẫn đau đáu nỗi niềm tri ân đồng đội. Các đợt quyên góp để thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” do địa phương hay Hội truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam phát động, ông đều tích cực tham gia và động viên người thân đồng hành. Nhận xét về ông, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn cho biết: “Ngày anh Phúc còn sống, việc lớn, việc nhỏ có anh xắn tay vào đều rất trơn tru. Anh sẵn sàng bỏ tiền riêng ra làm việc hội dù kinh tế gia đình không thật dư dả. Anh Phúc đã sống một cuộc đời nhân văn, phúc hậu và hết lòng với đồng đội!”.
BẢO LINH