Tại đây, tôi ở cùng thương binh Trần Thanh Ngọc, kém tôi vài tuổi, bị mù hai mắt, quê ở Quảng Bình. Anh có dáng người cao ráo, da trắng, hiền lành và luôn vui vẻ với mọi người. Còn tôi gãy hai chân, một tay, phải mổ bụng, nối ruột và bị giảm thính lực. Đều là thương binh nặng, nhưng ở cùng phòng với Thanh Ngọc, tôi thấy dễ chịu bởi hằng ngày anh cầm đàn ghi-ta bập bùng hát, tôi cũng hát theo.

Những ngày ở khu điều dưỡng, Thanh Ngọc đã trở thành người bạn thân thiết, cùng chia sẻ mọi vui buồn với tôi. Tôi có mắt tinh, Ngọc có tai thính, thỉnh thoảng anh em lại dắt nhau dạo quanh doanh trại hay vào làng vui chơi. Ủng hộ Ngọc cầm đàn, không những tôi hát theo mà nhiều anh em thương binh, bệnh binh ở các phòng khác cũng đến góp vui.

Dù đất nước vừa kết thúc chiến tranh và cuộc sống còn khó khăn, khu điều dưỡng vẫn tổ chức được một đội văn nghệ hoạt động tích cực. Đội do bác sĩ Nguyễn Hữu Châu, Giám đốc Khu Điều dưỡng thương binh 4 Nghệ An trực tiếp chỉ huy. Đội được một số nhạc sĩ nổi tiếng như: Ánh Dương, Hồng Trường, An Thuyên... giúp đỡ sáng tác, dàn dựng chương trình. Các diễn viên là những anh em thương binh, bệnh binh yêu thích ca hát và một số nhân viên phục vụ gồm y tá, hộ lý. Thanh Ngọc dù chưa phải là nhạc sĩ nhưng anh đã viết được một số ca khúc dành cho tốp ca, đơn ca, trong đó có bài tôi cũng được tập và tham gia biểu diễn.

Giai điệu và lời ca anh viết rất đẹp. Được phép của cấp trên, đội văn nghệ đã đi biểu diễn báo cáo tại Bộ tư lệnh Quân khu 4, Tỉnh ủy Nghệ An và trung tâm văn hóa các huyện Tương Dương, Anh Sơn, Con Cuông, Đô Lương... Đến đâu, đội cũng được khán giả yêu mến và ngợi khen. Đặc biệt, đội văn nghệ đã được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ông về thăm Nghệ An. Hôm ấy, Đại tướng đã ôm hôn từng thương binh và nói: “Đây là những chiến sĩ của tôi!”.

leftcenterrightdel

Vợ chồng thương binh Đặng Sỹ Ngọc. Ảnh do nhân vật cung cấp

 

Vào thời kỳ đó, số thương binh nặng về khu điều dưỡng ngày càng đông, bởi một số tỉnh từ Hà Tĩnh trở vào Nam chưa kịp làm trạm đón nhận những người có công về nuôi dưỡng. Bộ tư lệnh Quân khu 4 đã điều động nhiều nam, nữ quân nhân của ngành quân y về phục vụ thương binh nặng hết sức chu đáo. Trong đó có cô Thùy Dương, người dân tộc Thái, quê ở Quế Phong, Nghệ An. Cô Dương được phân công làm hộ lý nhà hai chúng tôi. Qua nhiều ngày tháng, cô đã mến yêu Thanh Ngọc từ lúc nào. Không lâu sau đó, Ngọc và Dương đã báo cáo cơ quan cùng hai gia đình tổ chức lễ cưới. Đám cưới rất giản dị, tất cả anh em thương binh đều đến chúc phúc.

Sau này, tôi có vài lần vào Quảng Trị cùng các đoàn thăm chiến trường xưa nhưng do thương tật và phụ thuộc vào đoàn nên tôi không đến thăm được gia đình Ngọc-Dương. Hỏi thăm nhiều người thì được biết gia đình anh rất hạnh phúc, đã có một trai, một gái. Ngọc được bầu làm Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Quảng Trị, còn Dương làm việc tại trạm đón tiếp thân nhân liệt sĩ.

Năm 2006, nhật ký chiến tranh của tôi được xuất bản với tên “Trời xanh không biên giới” nằm trong tủ sách “Mãi mãi tuổi 20”. Sau đó, tôi được nhiều báo, đài đến viết bài, đưa tin, phát sóng trên kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam... Gia đình Ngọc đã theo dõi, chờ con trai nghỉ hè, hai bố con anh đi xe khách ra Vinh tìm thăm tôi. Hành lý bố con Ngọc mang theo là chiếc đàn ghi-ta quen thuộc. Bố con anh ở chơi với tôi ba ngày rồi mới trở lại Quảng Trị...

ĐẶNG SỸ NGỌC