Địa bàn hoạt động chính của Đội là tỉnh Mondulkiri. Sau hai năm gián đoạn vì đại dịch Covid-19, cuối năm 2021, được sự đồng ý của chính quyền Campuchia, các cán bộ, chiến sĩ Đội K51 tiếp tục hành quân sang Mondulkiri thực hiện nhiệm vụ. Tuy đã thực hiện tiêm phòng, cách ly đầy đủ song do quy định phòng, chống dịch nghiêm ngặt của Quân đội Hoàng gia Campuchia, thay vì được bố trí ăn ở, sinh hoạt tập trung trong khuôn viên doanh trại của Tiểu khu Quân sự tỉnh Mondulkiri như trước đây, cả Đội phải chủ động liên hệ, tìm chỗ ở mới bên ngoài.

Với phương châm “khó khăn đến đâu khắc phục đến đấy”, sau khi thuê được một khu nhà tạm nằm biệt lập trên một quả đồi, bộ đội nhanh chóng cải tạo, sửa chữa, bố trí khu hương khói, xây dựng hàng rào, nhà ăn, nhà bếp, nhà kho, công trình phụ, rồi tranh thủ thời gian thu thập, khớp nối thông tin, tỏa về các hướng bắt đầu cuộc tìm kiếm.

leftcenterrightdel

Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ Đội K51 trước khi lên đường thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: AN KHANG

Ngày thứ 12 trên đất bạn, từ nguồn tin của nhân dân về việc phát hiện trên một bãi đất trống, nằm cạnh đường dầu của quân đội Mỹ trước đây ở huyện Petchanda, có nhiều dấu vết xe tăng, xe bọc thép và các phiến đá nhỏ được xếp ngay ngắn, quay đầu về hướng Việt Nam, tổ công tác do Thượng tá Trịnh Ngọc Kiệm, nguyên Đội trưởng Đội K51 chỉ huy vội vã lên đường, tiếp cận hiện trường.

Sau khi phát quang, dọn dẹp sơ bộ, tìm thấy một khoảnh đất nhỏ, khá vuông thành sắc cạnh, rộng bằng chiếc chiếu đơn, hơi lõm xuống so với xung quanh, linh tính mách bảo đây chính là phần mộ liệt sĩ nên các chiến sĩ quyết định đào tìm, kiểm tra. Dưới lớp đất sâu, ngoài những mảnh xương, răng, tăng, võng, cà mèn, cúc áo, dây súng, dép cao su, các chiến sĩ còn tìm thấy rất nhiều di vật, hiện vật của bộ đội ta trong những năm kháng chiến. Xúc động nghẹn ngào, cả tổ cứ thế ôm nhau khóc.

Mùa khô 2023-2024, cán bộ, chiến sĩ Đội K51 đã vượt hàng vạn ki-lô-mét đường rừng, đèo dốc quanh co, hiểm trở, tổ chức đào, tìm kiếm ở hàng nghìn khu vực khác nhau. Tuy đã rất nỗ lực song cũng có chuyến, sau hơn nửa tháng tích cực rà soát, đối chiếu, chắt lọc thông tin, kiếm tìm, các anh vẫn phải về không. Nơi thâm sơn cùng cốc, hầu như năm nào bộ đội cũng phải đối mặt với lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Chuyện sốt rét, sốt xuất huyết, ruồi vàng, muỗi, vắt, bệnh ngoài da... họ cũng đã dần quen.

leftcenterrightdel

 Đón hài cốt liệt sĩ từ Campuchia trở về. Ảnh: AN KHANG

Mở tấm bản đồ đã đánh dấu chi chít địa điểm nghi có mộ liệt sĩ, Thượng tá Đỗ Văn Thiệu, Chính trị viên Đội K51 cho biết: “Theo thống kê của các cơ quan chuyên trách, trên địa bàn tỉnh Mondulkiri hiện còn khoảng 350-400 hài cốt chiến sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh vẫn chưa tìm kiếm được, trong đó chủ yếu là mộ lẻ. Mùa mưa vừa qua, được sự nhất trí của cấp trên, Bộ CHQS tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ cho tổ nắm tin ở lại tỉnh Mondulkiri thu thập, xác minh thông tin về các phần mộ liệt sĩ, tạo điều kiện thuận lợi để đầu mùa khô 2024-2025, khi Đội vừa sang là có thể tổ chức tìm kiếm, quy tập được ngay”.

Trong biên chế của Đội K51, thành viên lớn tuổi nhất đã bước sang tuổi 53, còn thành viên trẻ nhất là 19 tuổi, nhưng các anh thân nhau như ruột thịt, mọi niềm vui, nỗi buồn đều được sẻ chia, tâm sự. Quanh năm ăn rừng, ngủ núi, thường xuyên đối mặt với sốt rét, thú rừng, rắn rết nên cán bộ, chiến sĩ đều có nước da đen nhẻm, chi chít vết muỗi châm, vắt cắn. Mỗi ngày các anh có 2 giờ đồng hồ giao tiếp bằng tiếng bản địa, người biết nhiều dạy người biết ít, người biết ít chỉ người chưa biết. Đến nay, các thành viên trong Đội đều đọc thông, viết thạo tiếng nói, chữ viết của nước bạn, rất thuận lợi trong quá trình thu thập, nắm tin, làm công tác dân vận.

Trung tá Nguyễn Văn Từ, Đội trưởng Đội K51 kể: “Tháng 3-2018, chúng tôi tiếp nhận tin báo về một phần mộ của bộ đội Việt Nam được mai táng giữa khu rừng già trên địa bàn huyện Keosima, tiếp giáp với tỉnh Bình Phước. Lúc khai quật, ngoài bộ hài cốt, mái tóc dài và các di vật đã mục nát, chúng tôi còn tìm thấy những chiếc cúc áo có kiểu dáng khá lạ. Cảm giác chưa chắc chắn, chúng tôi thắp hương xin lỗi người đã khuất rồi lấp đất, mai táng lại như cũ. Tiếp tục cử người đi xác minh, chúng tôi được các nhân chứng cho biết, giai đoạn 1967-1968, ở khu vực biên giới Keosima có một đơn vị biệt động của ta hoạt động.

Do tính chất nhiệm vụ phải thường xuyên tiếp xúc với dân nên trang phục của các chiến sĩ biệt động có nhiều khác biệt. Một cựu chiến binh, nhân chứng lớn tuổi người Campuchia còn khẳng định: “Mộ của bộ đội Việt Nam đấy, cô ấy bị địch bắn chết, buộc thi thể vào ô tô kéo đi khắp làng, mãi đêm khuya, người dân mới lấy được thi thể, bí mật mang ra rừng chôn. Các cháu đưa cô ấy về đi, đừng để cô ấy nằm lại đây nữa mà tội nghiệp”. Đó là ngôi mộ nữ đầu tiên Đội tìm được kể từ khi thành lập đến nay”.

leftcenterrightdel

Đồng chí H’Yim Kđoh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk tặng quà, động viên cán bộ, chiến sĩ Đội K51 trước khi lên đường thực hiện nhiệm vụ mùa khô 2024-2025.

Do điều kiện công tác nên mỗi khi vợ ốm, con đau hay có người thân đột ngột qua đời, các cán bộ, đội viên Đội K51 chẳng mấy khi có mặt. Cách đây vài năm, khi vừa đặt chân sang đất bạn, Trung tá Võ Thành Thân, Phó đội trưởng Đội K51 bất ngờ nhận được tin báo bố anh ở Việt Nam đột ngột qua đời, song do điều kiện công tác nên anh không thể về chịu tang.

“Gác tình riêng lo việc chung” là phương châm hành động để các anh luôn hoàn thành trọng trách được giao. Trên đất bạn, nhiều cán bộ, chiến sĩ trẻ vinh dự được kết nạp Đảng ngay giữa rừng sâu, nơi các thế hệ cha anh từng sống, chiến đấu và hy sinh anh dũng. Những lời thề vang vọng núi sông trong ngày vào Đảng là minh chứng rõ nét cho sự trưởng thành, tiến bộ vượt bậc của những người lính trẻ.

Mới đây, một nhóm cựu binh của quân đội Mỹ từng tham gia chiến tranh xâm lược Việt Nam đã liên lạc và cung cấp thông tin, sơ đồ bản vẽ về vị trí chôn cất 59 liệt sĩ của ta. Đây là những chiến sĩ hy sinh trong trận tập kích vào một căn cứ quân sự của Mỹ-ngụy, đồn trú trên địa bàn huyện Keosima cuối năm 1970.

Tuy nhiên, sau khi khảo sát, tìm kiếm trên một diện tích rộng hàng chục héc-ta, đơn vị vẫn chưa tìm được hố chôn tập thể này. Hiện nay, các chiến sĩ đang cố gắng liên hệ, chắp nối thông tin với những người từng ở phía bên kia và các cựu chiến binh, chuyên gia Việt Nam từng sống, chiến đấu tại khu vực này trong những năm kháng chiến để mùa khô tới, có thể cất bốc, quy tập, đưa các liệt sĩ trở về quê nhà.

NGUYỄN VIỆT HÙNG