Họa sĩ Đặng Ái Việt tên khai sinh là Đặng Thị Bông, sinh năm 1948 tại Cai Lậy, Tiền Giang. Năm 1964, một bước ngoặt đã đến với cuộc đời bà khi được tham gia lớp học hội họa tổ chức tại Trung ương Cục miền Nam. Sau đó, bà về công tác tại Báo Phụ nữ Giải phóng, thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam. Kể từ đây, bà gắn bó với hội họa và những bức ký họa chiến tranh.
Ở tuổi 17, Ái Việt có thân hình mảnh khảnh, cần mẫn và trách nhiệm. Cô ngồi cả đêm dưới ngọn đèn bão lờ mờ để vẽ bìa, minh họa cho các bài báo. Buông cây bút, Ái Việt lại đào hầm, bổ củi, tải gạo và ca hát cùng mọi người mà không nề hà cực khổ. Nhớ lại thời kỳ ấy, bà Nguyễn Thị Thanh, nguyên Tổng thư ký Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam kể: “Ái Việt là họa sĩ, đồng thời là người tiếp liệu, là chị nuôi quân, là du kích của cơ quan, là thợ mộc, bào ván, vừa vẽ vừa khắc luôn bản gỗ và khi vào nhà in thì là con chim sơn ca... giúp vui cho công nhân nhà in”.
Cũng có thời gian đi thực tế chiến trường, tham gia chiến đấu cùng các đội du kích ở Trảng Bàng, Tây Ninh, Ái Việt say mê vẽ trong bất kỳ hoàn cảnh nào, lúc hành quân đêm cùng bộ đội, khi trên chiến hào, giữa làn bom đạn địch. Hàng trăm bức ký họa của họa sĩ Đặng Ái Việt đã ra đời cùng những trải nghiệm về mất mát, đau thương của chiến tranh.
|
|
Họa sĩ Đặng Ái Việt (bên trái) chia sẻ tại sự kiện “Tâm họa tri ân”, tháng 7-2024. Ảnh: THỦY TIÊN
|
Những người chiến sĩ hy sinh khi tuổi đời còn trẻ, đằng sau họ là những người mẹ, người vợ vò võ nhớ thương ở hậu phương. Ái Việt đã nghĩ đến họ với lòng cảm thương sâu sắc. Đây cũng chính là một trong những lý do để sau khi nghỉ hưu, tạm gác mọi công việc của một giảng viên tại Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, bà bắt đầu hành trình xuyên Việt để vẽ chân dung các Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Tháng 7-2024, trong buổi trao gần 3.000 bức ký họa chân dung các Bà mẹ Việt Nam anh hùng tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, họa sĩ Đặng Ái Việt cho biết: “Hơn 14 năm, từ tháng 2-2010 đến tháng 7-2024, tôi thực hiện các cuộc hành trình xuyên Việt, có chuyến đi dài 6 tháng. Tôi đã gặp và vẽ chân dung 3.157 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Động lực để tôi có thể đi vẽ ở độ tuổi này, đó là tình yêu. Hành trình đến với các mẹ là hành trình đến với tình yêu cuộc sống”.
Với tư trang cá nhân cùng một thùng đồ nghề gồm giấy, màu và bút vẽ, trên chiếc xe máy nhỏ, bà đã rong ruổi khắp các nẻo đường của đất nước để đến với các mẹ. Với họa sĩ Đặng Ái Việt, đó còn là cuộc chạy đua với thời gian để kịp đến gặp các mẹ trước khi quá muộn hoặc sức khỏe của bản thân bà không cho phép nữa. Trong những chuyến đi ấy, bà luôn dành thời gian để trò chuyện cùng các mẹ. Nhiều lần bà không kìm được nước mắt khi biết về hoàn cảnh của các mẹ. Có mẹ mất tới 6 người con, có mẹ trong một năm mất cả 3 người con của mình. Có mẹ tâm sự với bà, cả cuộc đời mẹ không có mong muốn gì hơn là đưa được hài cốt của con mình về với quê hương mà không thể thực hiện được.
Những nỗi đau ấy lặn vào trong và hằn lên qua mỗi đốm đồi mồi trên da, những vết nhăn nheo trên gò má, đuôi mắt các mẹ. Ngắm kỹ những gương mặt đã nhuốm màu thời gian, bà tìm thấy trong đó bản lĩnh, nghị lực, cũng như cuộc đời chịu đựng, hy sinh và vẽ với tất cả tấm lòng kính yêu, cảm phục. Bà đã cố gắng để lột tả hết các điều ấy trong những “nét vẽ tri ân”, như bà vẫn thường nói: “Cái tôi vẽ không chỉ là gương mặt mà là linh hồn của các mẹ!”.
Đi qua 63 tỉnh, thành phố của đất nước, hành trình đến với các Bà mẹ Việt Nam anh hùng của họa sĩ Đặng Ái Việt không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Có lần chạy xe ở Phú Yên, gặp thời tiết không thuận lợi, đi đến giữa đèo thì mưa, bà cứ cố gắng đi, không dám chạy nhanh, giữ thật chặt tay lái, sau 5 tiếng dừng lại thì hai đầu gối muốn sụm xuống vì tê.
Rồi lần ở Mường Tè (Lai Châu), trời mưa như trút, nhiều đoạn núi lở, bùn ngập bánh xe, bà và xe ngã ngang giữa dốc, bô xe đập vào chân bỏng rát, nhưng khi đến nơi, được tin Bà mẹ Việt Nam anh hùng mình muốn gặp vẫn mạnh khỏe, vậy là mọi mệt nhọc đều tan biến. Hay có lần đến được nhà trọ ở Chi Nê (Hòa Bình) đã 8 giờ tối, xung quanh núi rừng heo hút, chẳng tìm được gì ăn, đôi chân thì tê nhức, bà đành lấy cháo ăn liền lót dạ. Buồn nhất là khi đến nơi thì hay tin các mẹ vừa qua đời.
Nhưng điều đọng lại sau mỗi chuyến đi với bà luôn là tình cảm chân thành mà các mẹ gửi trao. Có lần bà đến thì mẹ đang bị ốm, ái ngại bà định quay xe đi, nhưng mẹ vẫn gắng sức ngồi dậy để bà vẽ. Các mẹ thường dặn bà quay trở lại, nhưng đó luôn là câu nói khiến bà sợ nhất, bởi bà biết điều ấy rất khó thực hiện.
Trong nhật ký, bà đã ghi lại đoạn hồi ức đầy xúc động khi đến nhà mẹ Tịnh đã 10 giờ, sau hơn một giờ đồng hồ thì bà vẽ xong chân dung mẹ. Nhật ký viết: “11 giờ 30 phút thì vẽ xong. Mẹ khen: “Tuyệt vời, đẹp hơn cả ảnh chụp. Giống lắm”. Ăn cơm trưa cùng mẹ. Không biết gạo gì mà ngon cơm lắm. Lúc chia tay, hôn mẹ thật sâu, cố tận hưởng hạnh phúc tràn ngập. Mẹ bỗng ôm choàng ta: “Chừng nào gặp lại?”. Không trả lời mẹ. Không biết chừng nào mới trở lại đây. “Con đi mẹ ráng giữ gìn sức khỏe”. “Ừ, con đi”. Mẹ lất khất đưa ra tận cửa. Ta rồ ga không dám nhìn lại. Sợ giọt nước mắt rơi!”.
|
|
Họa sĩ Đặng Ái Việt (bên phải) và Bà mẹ Việt Nam anh hùng H’Nar Rơ Ông, ở xã Đắk Phơi, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, tháng 12-2023. |
Trong hơn 3.000 bức ký họa đã hoàn thành của họa sĩ Đặng Ái Việt luôn có những dòng chú thích ghi sơ lược lý lịch cũng như xác nhận của chính quyền địa phương nơi các mẹ sinh sống. Họa sĩ giải thích, bà muốn khẳng định những việc bà làm hoàn toàn là người thật, việc thật. Ghi nhận những đóng góp của họa sĩ Đặng Ái Việt, năm 2020, bà đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
THẢO NGUYÊN