Đi trên những con đường rộng rãi, sạch đẹp tỏa về các thôn, xóm của xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, hai bên đường rực sắc cờ hoa, khiến chúng tôi cảm tưởng như đi trong phố phường ngày hội. Đồng chí Hà Văn Trung, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã Hoa Lộc giới thiệu với chúng tôi: “Xã Hoa Lộc đã đạt chuẩn “Nông thôn mới” từ nhiều năm nay”. Kết quả đó có sự đóng góp công sức, hoạt động hiệu quả của các hội viên cựu chiến binh, cựu dân quân, trong đó có bà Hoàng Thị Bích Mợi”.
Chúng tôi đến nhà riêng của bà Mợi, Trung đội trưởng Trung đội nữ dân quân anh hùng năm xưa, ở thôn Hoa Trung, xã Hoa Lộc. Ngôi nhà xây khang trang, rộng rãi đối với bà, vì các con đều đi làm ăn, sinh sống ở xa. “Tôi sống một mình, nhưng không thấy đơn lẻ, vì bà con hàng xóm, cán bộ các cấp chính quyền, đoàn thể thường xuyên đến thăm hỏi, trò chuyện. Hơn nữa, tôi thường xuyên tham gia công tác xã hội ở thôn, xã và sinh hoạt chi bộ Đảng đều đặn...”, bà Mợi chia sẻ.
Sinh năm 1949 tại thôn Hoa Trung, xã Hoa Lộc, làng quê bà Mợi gần Lạch Trường, cầu Hàm Rồng, phà Ghép... từ năm 1964 đã là những mục tiêu của máy bay Mỹ đánh phá. 17 tuổi, cô thiếu nữ Hoàng Thị Mợi hăng hái tham gia lực lượng dân quân, lao động sản xuất và phục vụ chiến đấu. Khi đăng tên vào lực lượng dân quân, đồng chí Xã đội trưởng thêm tên đệm của cô thành Hoàng Thị Bích Mợi “cho hay hơn”. Tên Bích Mợi gắn với bà từ đó.
Những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc và đánh phá dữ dội vào địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Tất cả vì tiền tuyến, vì miền Nam ruột thịt, trai tráng thanh niên đều xung phong tòng quân. Ở làng xóm còn lại chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em. “Nhưng việc chiến đấu đánh máy bay địch không chỉ có bộ đội mà cần phải có dân quân; giặc đến nhà đàn bà cũng đánh mà”, bà Mợi bảo vậy.
Giữa năm 1967, Tỉnh đội Thanh Hóa (nay là Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa) chỉ đạo các Huyện đội thành lập trung đội nữ dân quân phòng không. Thực hiện chỉ đạo của trên, ngày 19-5-1967, kỷ niệm 77 năm sinh nhật Bác Hồ, Huyện đội Hậu Lộc thành lập Trung đội nữ dân quân và ra mắt hoạt động. “Để thành lập trung đội nữ dân quân, Huyện đội giao cho Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam ở địa phương phát động, các nữ đoàn viên, thanh niên tình nguyện gia nhập. Ban đầu, xã Hoa Lộc chọn được 14 chị em, tôi được chỉ định làm Trung đội trưởng. Ngay sau ngày thành lập, chúng tôi được cử lên tỉnh huấn luyện 10 ngày về cách sử dụng súng máy phòng không 12,7mm. Tuy nhiên, mới đến ngày thứ 5, máy bay Mỹ đến đánh phá các mục tiêu: Cầu Hàm Rồng, phà Ghép, phà Thắm, cầu De... Vậy là vừa huấn luyện, chúng tôi vừa tham gia thực hành chiến đấu. Các thành viên trung đội biên chế theo các khẩu đội vào trận địa phòng không để “làm quen” thôi, chưa được bắn đâu!”, bà Mợi nhớ lại.
Đợt huấn luyện kết thúc, ngày 1-6-1967, Trung đội dân quân gái xã Hoa Lộc nhận 3 khẩu súng máy phòng không 12,7mm về địa phương tổ chức trận địa và bước vào trực chiến. Trung đội xây dựng 4 trận địa phòng không, gồm 2 trận địa chính ở Phà Thắm và Đông Ngàn; 2 trận địa phụ ở Cầu De và Sơn Liên. Ngày 6-6-1967 làm xong trận địa, ngày 7-6 vào trực chiến luôn, đồng thời tiếp tục huấn luyện. Dưới sự hướng dẫn của cán bộ Huyện đội và đơn vị pháo phòng không trên địa bàn, các nữ dân quân làm mô hình mục tiêu giả để luyện tập bắt mục tiêu, thực hành chiến đấu. Sau luyện tập, các khẩu súng phòng không được bảo quản, lau chùi sạch sẽ, sẵn sàng chiến đấu được ngay.
“Ngày 15-6-1967, Trung đội dân quân gái xã Hoa Lộc đánh trận đầu tiên. Hôm ấy, hai tốp máy bay A-4D của địch bay từ hướng Lạch Sung đến đánh phá cầu Hàm Rồng. Chúng tôi còn nhìn rõ bụng máy bay. 3 khẩu đội súng 12,7mm của Trung đội đồng loạt nổ súng, nhưng không trúng. Sau trận đánh, toàn trung đội rút kinh nghiệm, xác định chị em chưa có bản lĩnh vững vàng, kỹ thuật, phương pháp bắn chưa đúng. Trung đội tiếp tục huấn luyện bổ sung. Đến 15 giờ ngày 16-6-1967, địch lại cho 2 tốp máy bay A-4D vào đánh phá. Chúng vẫn bay từ hướng Lạch Sung vào. Các khẩu đội bình tĩnh điểm xạ. Một máy bay địch bốc cháy. Hôm ấy, có nhiều đơn vị phòng không cùng đánh địch nên chúng tôi không nghĩ trung đội mình đã bắn trúng. 7 giờ sáng hôm sau, Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin, Trung đội dân quân gái xã Hoa Lộc đã bắn rơi một máy bay Mỹ. Thì ra Đài quan sát ở Hòn Nẹ quan sát đường bay của máy bay địch đã xác định máy bay Mỹ là do Trung đội dân quân gái xã Hoa Lộc bắn rơi. Với chiến công này, Trung đội được Bác Hồ viết thư khen và tặng 14 huy hiệu của Người cho 14 chị em...”, bà Mợi kể.
Việc bắn rơi máy bay và thư động viên của Bác đã cổ vũ tinh thần chiến đấu, kiên quyết lập thêm chiến công của toàn Trung đội. Những ngày này, Trung đội vừa trực chiến, vừa sản xuất. Trung đội được xã cấp cho 2 mẫu ruộng trồng lúa gần trận địa, năng suất lúa đạt 5 tấn/ha nên được đi báo cáo thành tích ở cấp huyện và tỉnh “vừa chiến đấu giỏi, vừa lao động sản xuất giỏi”.
    |
 |
Bà Hoàng Thị Bích Mợi giới thiệu về Khu di tích lịch sử trận địa Đông Ngàn và Tượng đài Trung đội dân quân gái xã Hoa Lộc đang xây dựng, tháng 7-2024. Ảnh: XUÂN LƯU |
Cuối năm 1967, Trung đội dân quân gái xã Hoa Lộc được trang bị pháo phòng không 14,5mm. Toàn Trung đội lại hăng say luyện tập, làm chủ vũ khí mới. Chúng tôi đọc thư của Bác trên trận địa để động viên tinh thần huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Đến ngày 2-11-1967, khoảng 2 giờ chiều, có 2 tốp máy bay F-4H của địch bay từ hướng Lạch Trường, bổ nhào đánh phá mục tiêu. Các trận địa phòng không của Trung đội lại đồng loạt nổ súng, bắn cháy một máy bay Mỹ rơi xuống biển.
- Trung đội dân quân gái xã Hoa Lộc được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vào tháng 9-1973 với những chiến công đặc biệt xuất sắc. Ấn tượng nhất của bà là trận đánh nào? - Tôi hỏi bà Hoàng Thị Bích Mợi.
- Còn một trận đánh bắn rơi máy bay F-4D của Mỹ ngày 30-7-1972. Toàn Trung đội được xã tặng 18kg gạo đấy. Trận này địch cũng bay từ phía biển vào bằng 2 tốp từ 7 giờ sáng. Chúng lợi dụng trời mới nắng, hòng che mắt trận địa phòng không của ta. Các khẩu đội bắn đón, điểm xạ vừa 9 viên, khiến máy bay trúng đạn bốc cháy. Với thành tích bắn rơi 3 máy bay Mỹ, Trung đội dân quân gái xã Hoa Lộc được tặng 1 Huân chương Quân công hạng Ba, 2 Huân chương Chiến công (hạng Nhất, Nhì). Trung đội trưởng và Phó trung đội trưởng được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba. Tập thể Trung đội được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Trận đánh bắn rơi chiếc máy bay thứ ba đánh dấu sự trưởng thành của Trung đội dân quân gái xã Hoa Lộc. Bởi từ sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc nước ta, nên sau nhiều năm, lực lượng dân quân có thời gian học tập, huấn luyện tốt hơn. Trung đội dân quân gái xã Hoa Lộc cũng được bổ sung quân số. Trong thời gian này, Trung đội trưởng Hoàng Thị Bích Mợi và 5 chị em tiếp tục học văn hóa cho đến hết cấp 3 (nay là trung học phổ thông). Đồng thời, Trung đội trưởng Mợi còn đảm nhiệm chức vụ Xã đội phó, Bí thư Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam xã Hoa Lộc. Bằng sự nỗ lực phấn đấu, thành tích xuất sắc, Hoàng Thị Bích Mợi được kết nạp Đảng ngày 15-10-1968 và là đại biểu được báo cáo điển hình tại Hội nghị mừng công của Quân khu 3 năm 1968. Vinh dự hơn với Trung đội trưởng Hoàng Thị Bích Mợi là trong những năm 1968 và 1970, bà được chọn làm thành viên của Đoàn đại biểu Việt Nam đi thăm Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên để dự các cuộc mít tinh ủng hộ cuộc chiến đấu chống Mỹ của Việt Nam. Tại các nước trên, Hoàng Thị Bích Mợi đã kể chuyện chiến đấu, bắn rơi máy bay Mỹ... Tại cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa IV tổ chức năm 1971, Hoàng Thị Bích Mợi đã trúng cử.
Từ năm 1978, Hoàng Thị Bích Mợi được phân công làm công tác phụ nữ ở thôn Hoa Trung. Suốt cuộc đời, bà luôn phấn đấu với tinh thần trách nhiệm người đảng viên, cựu chiến binh, vừa đảm việc nhà, vừa nhiệt tình công tác xã hội. Những năm gần đây, dù tuổi đã cao song bà vẫn tích cực hoạt động trong Hội Người cao tuổi, Hội Khuyến học của thôn, xã; vận động bà con trong thôn hiến đất làm đường, xây dựng nông thôn mới. Bà vận động con, cháu ủng hộ kinh phí và vận động xã hội hóa để xây dựng, tôn tạo Khu di tích lịch sử trận địa Đông Ngàn và Tượng đài Trung đội dân quân gái xã Hoa Lộc. Những dịp lễ kỷ niệm, bà được mời tham gia sinh hoạt, nói chuyện truyền thống với thế hệ trẻ...
“Cuộc đời chiến đấu, lao động thời trẻ của tôi sôi nổi và rất tự hào. Nay tuổi cao, tôi vẫn tự nhủ mình gương mẫu, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quy định của địa phương. Được chứng kiến quê hương đổi mới, phát triển, tôi rất phấn khởi và mong con cháu tiếp tục làm tốt hơn nữa để xứng đáng với truyền thống, kỳ vọng của thế hệ đi trước”, bà Mợi trải lòng.
GIANG ĐỨC HIẾU