Những bức tranh đầy tính chiến đấu

Họa sĩ Nguyễn Bích sinh năm 1925 tại phố Liên Trì, Hà Nội. Trong căn gác nhỏ chỉ khoảng 20m2 nơi gia đình ông sinh sống, Nguyễn Bích đã được nuôi dưỡng niềm đam mê vẽ tranh bằng cách đăng ký học vẽ qua... thư. Hằng tuần, ông gửi bài tập vẽ sang Pháp, sau đó nhận bài nhận xét của các giáo sư gửi về. Kháng chiến bùng nổ, ông tham gia Tự vệ thành Hà Nội. Năm 1947, lên chiến khu, ông công tác tại Tỉnh đội Tuyên Quang (nay là Bộ CHQS tỉnh Tuyên Quang) làm công tác quân giới rồi chuyển sang công tác chính trị. Với năng khiếu hội họa, ông tham gia sáng tác tranh cổ động, tuyên truyền về cuộc kháng chiến của quân và dân ta...

leftcenterrightdel
  Chân dung họa sĩ Nguyễn Bích. Ảnh do gia đình cung cấp

Từ năm 1949 đến 1950, ông được điều về làm việc tại Báo Quân du kích. Khi Báo Quân đội nhân dân ra đời tháng 10-1950, Nguyễn Bích trở thành họa sĩ của Báo. Cùng với các cán bộ, phóng viên khác, ông tham gia tòa soạn tiền phương xuất bản báo tại Mặt trận Điện Biên Phủ.

Là họa sĩ của Báo Quân đội nhân dân trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Nguyễn Bích đã đóng góp không nhỏ cho sự thành công của 33 số báo xuất bản tại mặt trận. Ông đảm nhiệm việc vẽ logo, mũ trang, sơ đồ, bản đồ chiến sự cùng các tranh biếm họa, minh họa trên mỗi số báo. Trong những tư liệu lưu trữ của gia đình ông, có một bức tranh khổ nhỏ, giấy nứa đã ngả màu với bố cục liên hoàn về tinh thần “quyết chiến quyết thắng” của bộ đội và nhân dân ta với hàng chữ: “Các cán bộ và chiến sĩ hãy quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ/ Tiêu diệt toàn bộ quân địch tại Điện Biên Phủ”. Ở dưới cùng bức tranh có một dòng chữ nhỏ: “Để dán tại hầm chiến đấu”. Đây là loại tranh in lito từng tờ, đòi hỏi người vẽ phải khéo tay, kiên trì đục từng nét trên đá để có “âm bản” chuẩn, in ra tranh sắc nét. Việc dùng tranh để dán tại công sự, hầm chiến đấu là một sáng tạo rất độc đáo và hiếm có.

Bên cạnh đó, các bức tranh cổ động chiến trường của ông được in màu, tràn cả trang báo như một phụ lục là dấu ấn rất đặc biệt trong 33 số báo. Trong đó có bức in kèm số báo ra ngày 5-3-1954 với hình ảnh hai chiến sĩ phất cao lá cờ Quyết chiến quyết thắng có lồng hình Chủ tịch Hồ Chí Minh, phía sau là đoàn quân trùng điệp ôm súng, giương lê, nã pháo vào đầu quân thù, góc phải của bức tranh là hình ảnh quân giặc bại trận, xin hàng... Bức tranh với dày đặc hình ảnh và chi tiết nhưng lại không hề rối mà rất sinh động đã hoàn thành xuất sắc vai trò cổ động chiến trường, xây dựng ý chí quyết tâm cho bộ đội.

Bằng con mắt hóm hỉnh và hài hước, tranh minh họa, biếm họa của Nguyễn Bích khiến người đọc bật cười mà ấn tượng rất sâu. Có thể kể đến một số bức vẽ như “Cảnh Tây khổ” trong hầm với hình ảnh râu tóc xồm xoàm, ăn mặc vá víu, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn trên số báo ra ngày 24-3-1954. Hay bức vẽ giặc cúi đầu xin nộp súng, trốn vào hầm của đồng bào ta trên số báo ra ngày 28-3-1954. Rồi cảnh giặc trao đổi với nhau từ nay có thể yên tâm, không còn phải thấp thỏm vì đạn đại bác nữa bởi đã nằm trong... trại tù binh của ta trên số báo ra ngày 4-4-1954.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 Một số tranh cổ động của họa sĩ Nguyễn Bích tại Mặt trận Điện Biên Phủ.

Đặc biệt là bức tranh biếm họa tướng Navarre bị sa lầy ở chiến trường Đông Dương trên số báo ra ngày 3-3-1954. Với hình ảnh tên tướng giặc bị ta bóp cổ ở Điện Biên, chân trái dính chông ở Tuy Hòa, chân phải vừa bị trói vừa bị chiến sĩ Pathet Lào đâm lê đã thể hiện cái nhìn sâu sắc, hóm hỉnh mà theo nhà báo Trần Cư, khi đó là Thư ký tòa soạn Báo Quân đội nhân dân, chỉ có con mắt quan sát “tẩm ngẩm nhưng sắc sảo và tinh khôn của Nguyễn Bích mới chộp được”.

Họa sĩ của thiếu nhi

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, họa sĩ Nguyễn Bích về Hà Nội công tác. Năm 1960, ông chuyển ngành sang Báo Văn nghệ, Hội Mỹ thuật Việt Nam rồi về Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam công tác đến khi nghỉ hưu. Ở nhiều cương vị công tác, nhưng cả cuộc đời ông vẫn gắn bó với vẽ, đặc biệt là mảng tranh truyện dành cho thiếu nhi.

Trong lời giới thiệu cuốn sách “Nguyễn Bích-Họa sĩ của những ô tranh nhỏ” do Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng xuất bản năm 2018, họa sĩ Lương Xuân Đoàn (khi đó là Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam) đã nhận xét: “Là một người đọc thấu chuyện trần gian muôn ngả nhưng chẳng mấy khi ngỏ lời, họa sĩ Nguyễn Bích chỉ lẳng lặng sống đầy đặn bổn phận mình thật nghiêm cẩn và lành sạch. Riêng đôi mắt cười ý vị và mơ mộng giời cho ông là nhẹ nhõm cuốn theo mạch bút đen trắng dày chất thơ trên những trang sách tranh dành cho trẻ em...”. Họa sĩ Nguyễn Bích đã có một gia tài đồ sộ những cuốn sách dành cho thiếu nhi. Theo họa sĩ Hồng Phương, trong khoảng 20 năm cộng tác với NXB Kim Đồng, họa sĩ Nguyễn Bích đã vẽ 51 đầu sách chính cùng những cuốn đặc biệt trong các dịp hè hay tết của thiếu nhi. Trong đó, có thể kể đến những cuốn sách đã ghi dấu trong lòng bạn đọc nhỏ tuổi như: Cây khế, Cây nêu ngày Tết, Sát Thát...

leftcenterrightdel
 Một số bìa sách của Nhà xuất bản Kim Đồng do họa sĩ Nguyễn Bích vẽ. Ảnh chụp lại

Họa sĩ Nguyễn Bích từng kể với các biên tập viên ở NXB Kim Đồng rằng, khi định vẽ tác phẩm nào, ông thường dành nhiều thời gian suy nghĩ về các nhân vật trong đó, xác định nhân vật là người như thế nào, bản chất là gì... Hình ảnh về nhân vật được xây dựng trong đầu như một cuốn phim rồi ông mới bắt tay vào vẽ. Và khi đã vẽ thì ông say mê đến quên ăn, quên ngủ, chỉ cần một nét vẽ chênh, phô là bỏ đi vẽ lại. Họa sĩ Nguyễn Phú Kim, biên tập viên NXB Kim Đồng từng kể lại quá trình Nguyễn Bích sáng tác tranh truyện “Sát Thát”-cuốn sách đã được tặng thưởng giải bạc trong một cuộc triển lãm sách quốc tế: “Thời gian định hai năm là xong... nhưng năm nào cũng “vỡ”... Anh chắt lọc, có khi gần xong, thấy một nét phô, chưa bằng lòng, anh lại bỏ. Phải đến 5 năm trời, cuốn sách mới hoàn thiện”. Năm 2017, họa sĩ Nguyễn Bích đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật cho nhóm tác phẩm tranh truyện Sát Thát và tranh cổ động về Bác Hồ.

Nghiêm khắc và đặt yêu cầu cao với công việc, nhưng ông lại là người rất chu đáo và tình cảm. Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, họa sĩ Nguyễn Hồng Phương nhiều lần rưng rưng xúc động. Bà kể rằng, trong mấy chị em, bà là người gần gũi với cha nhất, cũng là người được cha thương nhất, vì ngày bé nhỏ con, lại hay ốm. Và có lẽ thẳm sâu trong tâm hồn, giữa hai cha con có một sự tương đồng lớn khi cùng đam mê và dấn thân với nghiệp vẽ.

Họa sĩ Hồng Phương cho biết: “Cha tôi có năng khiếu vẽ bẩm sinh và tự học mà thành danh chứ không qua trường lớp đào tạo chính quy nào. Từ bé, tôi đã thấy ông làm việc, cho đến cuối đời, khi ông đột quỵ cũng là lúc đang vẽ dở một bức tranh. Là người sống rất giản dị nên mọi nhu cầu của cuộc sống với ông rất giản đơn. Hầu như trong túi ông không lúc nào có tiền, khi có việc cần đi đâu, cha lại xin tôi tiền gửi xe. Với bạn bè, đồng nghiệp, ông cũng thường giúp đỡ hết lòng”.

Sau khi ông mất, các đồng nghiệp của ông như họa sĩ Trần Nguyên Đán, họa sĩ Duy Minh thường kể với họa sĩ Hồng Phương là ông nhiều lần nhường suất đi nước ngoài hay bán tranh cho các nhà sưu tập hộ đồng nghiệp. Còn bản thân ông, khi được đề nghị gửi tranh và làm hồ sơ tham gia sách lịch sử danh nhân thế giới thì luôn từ chối vì không thích phô trương. Ngay cả với tranh của mình, ông cũng không thích bán, ông thường nói tiền hay danh tiếng đều là những thứ phù phiếm. Với ông, có lẽ thứ quý giá hơn cả chính là tình cảm giữa người với người. “Có lần ông vừa đi ra ngoài đã về lấy mấy bộ quần áo cho vào túi rồi đi ngay. Một lát sau ông quay về, dáng vẻ bần thần, tôi hỏi bố cầm đi đâu thì ông kể, thấy người ta ăn mặc rách rưới nên thương mà mang quần áo ra cho, nhưng quay lại thì họ đã đi mất rồi. Lúc ấy, tôi thấy ánh mắt ông đượm buồn”, họa sĩ Hồng Phương rưng rưng kể.

THU THỦY