Cho đến ngày 22-1-1954, sau thời gian trực tiếp đi kiểm tra chiến trường và từ những thông tin tình báo, trinh sát ta nắm được về tình hình thay đổi của địch, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp nhận thấy một cách rõ ràng là không thể đánh nhanh được.

“Chỉ được thắng, không được bại, vì bại thì hết vốn”-lời dặn của Bác Hồ văng vẳng bên tai! Cả đêm 25-1, Đại tướng không ngủ. Ông nhớ tới hồi ở Tuần Giáo đã cảm thấy mạo hiểm khi Tham mưu trưởng Chiến dịch Hoàng Văn Thái nói về khả năng đánh nhanh, thắng nhanh. Từ đó đến nay, tình hình địch thay đổi rất nhiều. Chúng đã củng cố công sự phòng ngự, không còn là trận địa dã chiến. Bộ đội ta sẽ phải tiến hành một trận chiến đấu công kiên vào một tập đoàn cứ điểm phòng ngự vững chắc chưa từng có. Trong khi thời điểm ấy, chủ lực ta chỉ tiêu diệt cao nhất là tiểu đoàn địch tăng cường, có công sự vững chắc ở Nghĩa Lộ. Ở Nà Sản, ta mới đánh vào vị trí tiểu đoàn, hoặc dưới tiểu đoàn và vẫn có những trận không thành công, thương vong đáng kể. Trận này, lần đầu tiên ta đánh hiệp đồng binh chủng bộ binh, pháo binh với quy mô lớn nhưng lại chưa qua diễn tập. Đặc biệt, bộ đội ta từ trước tới nay chỉ quen tác chiến ban đêm, ở những địa hình dễ ẩn náu, chưa có kinh nghiệm đánh công kiên ban ngày trên trận địa bằng phẳng với một kẻ địch có ưu thế về máy bay, pháo binh và xe tăng. Mà theo kế hoạch trận đánh, ta dự kiến sẽ diễn ra trên một cánh đồng rộng...

Trắng một đêm suy nghĩ, Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận nhận thấy phải cho các đơn vị rút khỏi trận địa để nghiên cứu một cách đánh khác, phải chuyển từ phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Thời gian chuẩn bị sẽ kéo dài, bộ đội sẽ có thắc mắc. Nhưng để chắc thắng, không còn lựa chọn nào khác. Vì vậy, ngay khi trời vừa hửng sáng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo văn phòng thông báo cuộc họp Đảng ủy Mặt trận và yêu cầu đồng chí Hoàng Minh Phương, Trưởng đoàn phiên dịch của Bộ, chuẩn bị để ông gặp ngay đồng chí Vi Quốc Thanh, Trưởng đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc.

leftcenterrightdel
 Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở lại thăm Điện Biên năm 2004. Ảnh: ĐOÀN HOÀI TRUNG

Trao đổi với đồng chí Vi Quốc Thanh, Đại tướng khẳng định không thể đánh theo kế hoạch đã định, “nếu đánh là thất bại” và nêu ý định sẽ ra lệnh hoãn cuộc tiến công ngay chiều 26-1. Toàn bộ các lực lượng trở về vị trí tập kết, chuẩn bị lại theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Sau khoảng nửa giờ bàn bạc thống nhất, cố vấn Vi Quốc Thanh đồng ý với quyết định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và trở về tiến hành làm công tác tư tưởng với các đồng chí trong đoàn cố vấn.

Tại sở chỉ huy mặt trận lúc này, các đồng chí trong Đảng ủy đã có mặt đông đủ. Bắt đầu hội nghị, Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận Võ Nguyên Giáp trình bày những suy nghĩ đã cân nhắc từ lâu xung quanh cách đánh tập đoàn cứ điểm. Ông khẳng định, tới thời điểm ngày 26-1-1954, địch đã có những thay đổi quan trọng. Quyết tâm tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ của ta vẫn giữ vững, nhưng phải thay đổi cách đánh.

Lần lượt các đồng chí: Lê Liêm, Chủ nhiệm Chính trị; Đặng Kim Giang, Chủ nhiệm Cung cấp, trình bày những khó khăn từ công tác tư tưởng, động viên, giải thích cho bộ đội, đến việc chuẩn bị bảo đảm hậu cần trong thời gian dài. Tham mưu trưởng Chiến dịch Hoàng Văn Thái thì cho rằng nếu đánh như

đã định, ta vẫn có khả năng giành thắng lợi, bởi lúc này, ta đã có ưu thế về hỏa lực pháo 105mm và pháo cao xạ xuất hiện lần đầu sẽ tạo bất ngờ lớn...

“Nếu đánh có chắc thắng trăm phần trăm không?”, câu hỏi mà Đại tướng đặt ra sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu, không đồng chí nào có mặt tại sở chỉ huy lúc đó dám khẳng định chắc chắn. Với tinh thần trách nhiệm trước Bác Hồ, trước Bộ Chính trị và cả xương máu của bộ đội, khi kết luận cuộc họp, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp quyết định: Để bảo đảm nguyên tắc cao nhất là “đánh chắc thắng”, cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Nay quyết định hoãn cuộc tiến công. Ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết và kéo pháo ra. Công tác chính trị bảo đảm triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân như mệnh lệnh chiến đấu. Hậu cần chuyển sang chuẩn bị theo phương châm mới.

Ngay lập tức, với tinh thần “triệt để chấp hành mệnh lệnh”, các cán bộ dự hội nghị nhanh chóng trở về đơn vị, quán triệt chủ trương mới này tới bộ đội. Vẫn chưa rời phòng họp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phân công đồng chí Hoàng Văn Thái ra lệnh cho các đơn vị bộ binh, còn ông trực tiếp ra lệnh cho pháo binh và giao nhiệm vụ mới cho Đại đoàn 308:

- Tình hình địch đã thay đổi. Quyết tâm tiêu diệt Trần Đình (mật danh của Chiến dịch Điện Biên Phủ) vẫn giữ vững. Nay thay đổi cách đánh. Vì vậy, ra lệnh cho các đồng chí từ 17 giờ hôm nay, kéo pháo ra khỏi trận địa, lui về địa điểm tập kết, chuẩn bị lại. Triệt để chấp hành mệnh lệnh! Không giải thích.

- Chú ý nhận lệnh: Tình hình thay đổi. Đại đoàn các đồng chí có nhiệm vụ hướng về Luông Pha Băng (Lào) tiến quân. Dọc đường, gặp địch tùy điều kiện cụ thể mà tiêu diệt. Giữ vững lực lượng, có lệnh trở về ngay. Giữ liên lạc vô tuyến điện. Khi được hỏi, mới trả lời.

“Rõ! Triệt để chấp hành mệnh lệnh”, những tiếng đáp đanh gọn từ đầu dây bên kia của đồng chí Phạm Ngọc Mậu, Chính ủy Đại đoàn Công pháo 351 và đồng chí Vương Thừa Vũ, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308, đã cho thấy niềm tin tuyệt đối của bộ đội vào quyết định của người chỉ huy cao nhất trong chiến dịch. Niềm tin ấy, đầu tiên và trước hết là từ sự lựa chọn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đã giao toàn quyền quyết định cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngày hôm đó, ông đã thực hiện được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình. Một quyết định lịch sử đã đưa Quân đội nhân dân Việt Nam chiến đấu và chiến thắng kẻ thù mạnh, được trang bị vũ khí hiện đại, làm nên một trận Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”.

 TRẦN HỒNG QUANG (Dựa theo hồi ký “Điện Biên Phủ-Điểm hẹn lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp)