Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Đặng Kinh, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Kiến An, là người trực tiếp phụ trách trận tập kích sân bay Cát Bi. Theo hồi ức của Trung tướng Đặng Kinh thì sân bay này là một trong những đầu mối tiếp viện quan trọng cho quân Pháp ở cứ điểm Điện Biên Phủ. Sân bay nằm sâu trong vùng chiếm đóng của quân Pháp thuộc huyện Hải An, tỉnh Kiến An (nay là quận Hải An, TP Hải Phòng). Xung quanh sân bay, địch tạo thành một vành đai trắng rộng hàng trăm mét. Bao bọc sân bay là 6 hàng rào dây thép gai, gồm các loại hàng rào đơn, mái nhà, cũi lợn, bùng nhùng. Có 77 lô cốt, tháp canh kiên cố, bố trí ở những vị trí trọng yếu trong sân bay. Bên trong hàng rào dây thép gai còn có 60 vị trí chiến đấu. Ngoài ra, địch còn bố trí 5 vị trí chiến đấu để bảo vệ sân bay từ xa. Giữa các hàng rào, lô cốt, tháp canh đều có lực lượng kiểm soát và các bãi mìn, vật cản gây tiếng động khi va chạm. Cứ 30 phút một lần, các đội tuần tra bằng xe cơ giới mang theo chó săn lùng sục quanh sân bay. Địch còn thường xuyên tổ chức những trận càn quét sâu vào vùng nông thôn Kiến Thụy, lập tề tạo thành khu đệm ngăn cách sân bay với vùng tự do Tiên Lãng của ta.
Lực lượng bảo vệ sân bay có khoảng 3.000 tên được trang bị vũ khí hiện đại, biên chế ở 6 tiểu đoàn (3 tiểu đoàn Bắc Phi, 1 tiểu đoàn lê dương, 1 tiểu đoàn ngụy, 1 tiểu đoàn công binh), một đại đội tham mưu chỉ huy sân bay. Ngoài ra còn hàng trăm phi công, nhân viên phục vụ và 50 cố vấn quân sự Mỹ.
Chấp hành chủ trương của Trung ương về tổ chức phối hợp với chiến trường chính Điện Biên Phủ, Bộ tư lệnh Khu Tả ngạn và Tỉnh ủy Kiến An chỉ đạo Tỉnh đội Kiến An bí mật, bất ngờ tập kích sân bay Cát Bi.
Nhiệm vụ trinh sát được giao cho lực lượng quân báo của Tỉnh đội Kiến An do đồng chí Mai Năng phụ trách (sau này, đồng chí Mai Năng là Thiếu tướng, Tư lệnh Binh chủng Đặc công và được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân). Để chuẩn bị cho trận đánh quan trọng này, lực lượng quân báo đã phải 36 lần vào trinh sát sân bay, xây dựng cơ sở. Từ kết quả trinh sát, Tỉnh đội Kiến An đã xây dựng phương án tác chiến theo phương châm: Sử dụng lực lượng nhỏ, tinh nhuệ, táo bạo, bí mật, bất ngờ, đánh nhanh, rút nhanh.
Lực lượng chiến đấu gồm 32 người, được chọn từ các đơn vị tập trung của Tỉnh đội Kiến An là Đại đội 295, Đội quân báo 208... tổ chức thành một đội chiến đấu, do đồng chí Minh Khánh (tức Lê Thừa Giao), Trưởng ban Tác chiến Tỉnh đội Kiến An chỉ huy. Lực lượng chiến đấu được tổ chức thành hai mũi: Mũi thứ nhất gồm 17 chiến sĩ do đồng chí Minh Khánh chỉ huy. Mũi thứ hai gồm 15 đồng chí, do đồng chí Đỗ Tất Yến, Đại đội trưởng Đại đội 295 chỉ huy. Từng mũi tổ chức thành các tổ 3 người, được trang bị súng, lựu đạn, dao găm và mỗi người có 3 quả bộc phá. Lực lượng bảo đảm chiến đấu gồm: Quân báo Tỉnh đội đảm nhận nắm cơ sở, trinh sát địch, xác định khu vực, mục tiêu tiến công và chuẩn bị địa bàn tác chiến, do đồng chí Mai Năng phụ trách. Lực lượng phối hợp chiến đấu gồm có: 2 tổ thuộc Đại đội 198 có nhiệm vụ phá Đường 14, đánh chặn xe cơ giới địch từ ngã ba Ninh Hải xuống, từ đồn Riêng lên, không cho địch chặn đường vào ra của ta qua Đường 14. Bộ đội địa phương huyện Kiến Thụy kết hợp với du kích bí mật bám sát các đồn: Quý Kim, Đồng Mô, Phúc Xá, Lão Phong. Hai tiểu đội của các đại đội: 295 và 198 áp sát, bao vây các đồn Riêng, Tạm Xá, sẵn sàng kiềm chế địch để bảo vệ đường rút của ta về căn cứ. Hai tiểu đội của Đại đội trợ chiến 29 và Đội đánh thủy lôi (giao thông chiến) được trang bị 2 bazooka và thủy lôi tự tạo, bố trí trận địa phục kích dọc đê Văn Úc từ xóm Vo Am đến bến đò Dương Áo (huyện Tiên Lãng), sẵn sàng đánh ca nô, tàu chiến địch trên sông Văn Úc, bảo vệ bến vượt sông và khu giấu thuyền đón bộ đội qua sông.
18 giờ ngày 5-3-1954, ta xuất phát từ thôn Chử Khê, xã Hùng Thắng, huyện Tiên Lãng, sau đó tổ chức vượt sông Văn Úc bằng thuyền qua đò Dương Áo sang Tân Trào, Cổ Trai, bơi qua sông Đa Độ sang Minh Tân, Tân Phong. Đến 4 giờ ngày 6-3-1954, bộ đội xuống hầm bí mật ở thôn Hợp Lễ, xã Hòa Nghĩa (Kiến Thụy). 18 giờ ngày 6-3-1954, bộ đội lên khỏi hầm bí mật, tập trung tại đầu làng thuộc xã Hòa Nghĩa.
19 giờ 45 phút ngày 6-3, bộ đội hành quân từ Hòa Nghĩa qua Quán He, Đường 14, vượt qua sông Lạch Tray, lội qua bãi lầy, men theo đường vòng dài hơn 10km trong đêm tối và gió lạnh. Đến gần hàng rào thứ nhất thì dừng lại, cán bộ chỉ huy quan sát, nhận đúng hướng và mục tiêu, lệnh cho tổ quân báo lên cắt hàng rào, mở cửa.
Đúng 0 giờ 45 phút ngày 7-3-1954, cả hai mũi đã triển khai xong, tất cả thành hàng ngang đối diện với đường băng nơi máy bay đỗ. Theo hiệu lệnh tiến công, các chiến sĩ dũng cảm xông vào khu máy bay đang đỗ, móc bộc phá, giật nụ xòe phá hủy máy bay. Hàng loạt tiếng nổ làm rung chuyển cả một vùng, lửa cháy sáng rực bầu trời. Cột lửa từ máy bay cháy lan sang những mục tiêu bên cạnh, tạo thành một đường lửa dài theo đường băng máy bay đỗ. Bộ đội ta vừa đánh vừa hô “xung phong” uy hiếp quân địch... Cuộc chiến đấu diễn ra trong vòng 15 phút, sau đó các mũi nhanh chóng rút ra ngoài theo đường đã được rải vải trắng.
|
|
Các cựu chiến binh tham gia đánh trận Cát Bi và thân nhân các "Dũng sĩ Cát Bi" nhận hoa tri ân của lãnh đạo thành phố Hải Phòng. Ảnh: THANH THẾ |
Kết quả trận chiến đấu, ta đã phá hủy 59 máy bay của địch, diệt 6 lính Âu Phi. Chiến thắng Cát Bi đã cổ vũ tinh thần chiến đấu, phục vụ chiến đấu của quân và dân Hải Phòng, Kiến An và nhiều địa phương khác trong cả nước hướng về Điện Biên Phủ, cổ vũ phong trào chiến tranh du kích đánh sâu vào căn cứ của thực dân Pháp ở Đồng bằng Bắc Bộ; làm cho Bộ chỉ huy quân Pháp, các sĩ quan, binh lính, tay sai địch hoang mang, lo sợ, mất lòng tin vào sự “bất khả xâm phạm” của các căn cứ nằm sâu trong vùng chúng kiểm soát.
Ngay sau khi nhận được tin trận tập kích sân bay Cát Bi thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng danh hiệu “Đoàn dũng sĩ Cát Bi” cho cán bộ, chiến sĩ tham gia trận đánh lịch sử này. Đánh giá về vai trò của trận tập kích sân bay Cát Bi đối với Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh: “Những trận đánh “xuất quỷ, nhập thần” xung kích sân bay Gia Lâm, đặc biệt là sân bay Cát Bi đánh thẳng vào trung tâm quân sự của giặc, đã phá hủy một bộ phận quan trọng không quân địch, tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến trường toàn quốc và chiến trường chính Điện Biên Phủ...”.
Sân bay quân sự Cát Bi xưa nay đã trở thành cảng hàng không hiện đại. Từ ngày 5-5-2016, Sân bay quốc tế Cát Bi được công nhận là cảng hàng không quốc tế, chính thức tiếp nhận các chuyến bay quốc tế từ 0 giờ ngày 11-5-2016.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Cát Bi (7-3-1954 / 7-3-2024), đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng khẳng định: “Chiến thắng sân bay Cát Bi đã qua 70 năm, nhưng những bài học về chiến tranh du kích, về phát huy tinh thần yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng; bài học về xây dựng sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, ý thức tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, xác định đúng đường lối cách mạng và nghệ thuật quân sự Việt Nam, từ đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó là sức mạnh tinh thần, nguồn cổ vũ, động viên to lớn để Đảng bộ, quân và dân thành phố hôm nay tiếp tục đoàn kết khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu, giành được nhiều thành tựu quan trọng, tạo nên những chuyển biến tích cực và sâu sắc trên nhiều lĩnh vực”.
ĐỖ PHÚ THỌ