Quyết định thay đổi phương châm tác chiến

Năm 1977, tôi về nhận công tác tại Khoa Đường lối quân sự, Viện Khoa học quân sự (đã giải thể cuối năm 1978), đồng chí Hoàng Minh Phương làm Trưởng khoa. Thời gian được cùng công tác và hỏi chuyện, tôi biết ông Phương từng là phiên dịch tiếng Trung của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông Phương kể: “Ngày 14-1-1954, Đại tướng triệu tập cán bộ chỉ huy các đơn vị về dự hội nghị triển khai kế hoạch chiến đấu ở hang Thẩm Púa. Mệnh lệnh chiến đấu được phổ biến trên một sa bàn lớn. Tinh thần chung là mọi người muốn đánh nhanh. Kết luận cuộc họp, Đại tướng nói: Hiện nay, địch chưa có biểu hiện thay đổi lớn. Chúng ta cần ra sức nắm vững địch tình, để một khi địch có thay đổi thì kịp thời xử trí...

Sáng sớm 26-1-1954, Đại tướng cho liên lạc gọi tôi lên gặp, cho biết: Nhiều ngày nay tôi trăn trở, suốt đêm qua cũng không ngủ. Chiều nay trận đánh bắt đầu, nhưng những yếu tố thắng lợi không chắc chắn. Đại tướng bảo tôi báo với đồng chí Vi Quốc Thanh, Trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc là sẽ sang làm việc sớm. Đại tướng triệu tập cuộc họp Đảng ủy Mặt trận bất thường. Đại tướng nêu lên những khó khăn chưa thể giải quyết được để giành thắng lợi nếu đánh theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Cuộc họp diễn ra tranh luận căng thẳng. Cuối cùng, lấy tư cách là Chỉ huy trưởng Chiến dịch, Bí thư Đảng ủy Mặt trận, căn cứ vào lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi ra mặt trận: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”, Đại tướng kết luận: Để bảo đảm nguyên tắc cao nhất “đánh chắc thắng”, cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Nay quyết định hoãn cuộc tiến công. Ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết và kéo pháo ra”...

Kết quả là phải sau 56 ngày đêm chiến đấu, Chiến dịch Điện Biên Phủ mới toàn thắng. Điều đó chứng tỏ quyết định thay đổi phương châm tác chiến đúng đắn, chính xác, quyết đoán và trách nhiệm trước xương máu cán bộ, chiến sĩ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

 
 Đại tá Hoàng Minh Phương. Ảnh chụp lại

Sáng tạo xây dựng hầm cho pháo

Việc bộ đội ta kéo bằng tay hàng chục khẩu pháo, mỗi khẩu nặng hơn 2 tấn, trên chặng đường dài 15km vào tới trận địa đã được xem là kỳ công. Tuy nhiên, do thay đổi phương châm tác chiến, Bộ đội Pháo binh lại nhận được lệnh kéo pháo ra để xây dựng hầm, trận địa cho pháo. Do tính chất công việc liên quan đến lịch sử quân sự, tôi có nhiều dịp được gặp, làm việc với Đại tá Nguyễn Huyên (1931-2019), Thư ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông Huyên nguyên là Chính trị viên phó Đại đội 54, Tiểu đoàn 106, Trung đoàn 151, Đại đoàn Công pháo 351 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông Huyên kể: “Để chuẩn bị thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, chúng tôi vừa tham gia làm đường kéo pháo, vừa xây dựng trận địa pháo. Giai đoạn làm hầm cho lựu pháo 105mm đối với công binh chúng tôi không ác liệt nhưng cực kỳ vất vả, gian khổ. Hầm lựu pháo 105mm trở thành cấu trúc sáng tạo của bộ đội ta. Chúng tôi bạt sườn núi về phía địch thành vách đứng rồi khoét một hang to đủ để khi xếp càng pháo lại là có thể đẩy lùi cả khẩu pháo vào cất giấu. Phía ngoài hang là hầm pháo khá rộng để triển khai chiến đấu. Hầm có nhiều cột chống, đà đỡ. Miệng hầm phải đủ rộng để pháo có thể lùi vào được. Sau đó dùng sọt đất xếp kín, chỉ còn chừa lỗ châu mai cho nòng pháo nhô ra ngoài đủ để bắn. Bắn xong, pháo lại được xếp càng, lui vào hầm phía trong và dùng sọt đất xếp kín miệng hầm đề phòng địch phản pháo. Mỗi trận địa đều có hầm bắn, hầm lui pháo về phía sau, hầm đạn, hầm trực chiến, hầm chỉ huy. Cứ 4 khẩu đội lại có một hầm làm nơi hội họp, có rãnh thoát nước và hố tránh bom cháy, có đường hào đi lại. Mỗi đại đội đều có trận địa dự bị, trận địa giả để cơ động và phân tán hỏa lực địch. Chúng tôi không được phép chặt cây quanh trận địa để làm hầm pháo mà phải đi xa 4-5km, có khi gần 10km để tìm ngụy trang, mà cũng chỉ được chặt cây tỉa rừng sau đó khuân vác về nơi làm trận địa pháo”.

Như vậy, có thể thấy sự kỳ công của Bộ đội Công binh khi làm trận địa pháo đã góp phần quan trọng bảo vệ an toàn cho người và pháo, bảo đảm  pháo phát huy được hiệu suất chiến đấu cao nhất, trở thành cơn ác mộng và nỗi khiếp sợ của quân Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Đại tá, PGS, TS NGUYỄN MẠNH HÀ(Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)