1. Chúng tôi đến thăm Khu di tích lịch sử Đền Hùng (sau đây gọi tắt là Khu di tích) những ngày trung tuần tháng 3-2023, khi những cán bộ, nhân viên và lực lượng vũ trang ở đây đang khẩn trương chuẩn bị cho dịp lễ lớn nhất trong năm: Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng vào mồng 10 tháng Ba âm lịch. Đi cùng đoàn chúng tôi, hai cán bộ của Bộ CHQS tỉnh Phú Thọ, Thượng tá Trần Anh Sơn, Phó chủ nhiệm Chính trị và Thiếu tá Phạm Xuân Lợi, Trợ lý Ban Tuyên huấn sôi nổi kể về sự gắn bó giữa Bộ đội Cụ Hồ với lực lượng bảo vệ, giữ gìn Khu di tích. Xác định trách nhiệm với di tích lịch sử đặc biệt của quốc gia, cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Phú Thọ luôn dành trọn tâm huyết trong công tác phối hợp bảo vệ, giữ gìn nơi đây.

Hằng năm, nhất là vào dịp Lễ hội Đền Hùng được tổ chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh thường tham gia vào công tác bảo vệ tại Khu di tích, nhất là tại các trận địa phòng không ở đồi Sim hay tổ bắn máy bay bay thấp. “Đây là các trận địa dã chiến, vì thế điều kiện không được như ở đơn vị, chỉ có lán để ngủ tạm và che mưa, nắng. Nhưng anh em xác định nhiệm vụ rất tốt, dù có dầm mưa cả đêm hay dưới trời nắng thì vẫn luôn bảo đảm nhiệm vụ trực 100% quân số, 24/24 giờ”-Thượng tá Trần Anh Sơn cho biết-“Những năm qua, nội dung công tác tham gia bảo vệ, phát huy giá trị Khu di tích luôn được đưa vào nghị quyết lãnh đạo và chương trình hành động năm của Bộ CHQS tỉnh để triển khai thực hiện. Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo Ban CHQS TP Việt Trì phối hợp với Ban CHQS các xã Hy Cương, Chu Hóa-nơi có Khu di tích và Ban chỉ huy tự vệ Khu di tích tổ chức tuần tra bảo vệ, nắm chắc tình hình và kịp thời thông báo khi có tình huống xảy ra”.

Những “tình huống” anh Sơn vừa đề cập khiến tôi nhớ đến câu chuyện mà Đại tá Trần Nho Lương, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Phú Thọ kể với chúng tôi mới đây: 18 giờ 30 phút tối 9-3-2023, khi anh Lương và đồng đội đang ăn tối thì nhận được thông tin, tại đồi Ngõa thuộc xã Phù Ninh xảy ra cháy rừng. Bỏ dở bữa cơm, ngay lập tức, anh và Đại tá Nguyễn Đình Cương, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh lên đường ngay. Vừa huy động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy, các anh vừa nhanh chóng chỉ huy đội hình vào vị trí. 200 người cùng 4 xe chữa cháy chuyên dụng nhanh chóng tạo vành đai, phun nước dập lửa. Hơn một tiếng sau, 19 giờ 50 phút, đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn. “Việc giải quyết, xử lý nhanh chóng mọi tình huống hay quên mình vì nhiệm vụ là trách nhiệm, cũng là quyết tâm của chúng tôi trong việc tham gia bảo vệ, giữ gìn an ninh, an toàn cho Khu di tích và Rừng Quốc gia Đền Hùng”-Đại tá Trần Nho Lương khẳng định.

leftcenterrightdel

Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh Phú Thọ tham gia công tác tổ chức Lễ hội Đền Hùng. Ảnh do Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ cung cấp

2. Vài năm trước, một số thành viên trong đoàn công tác chúng tôi đã có dịp lên thăm Đền Hùng. Hôm nay trở lại, nhiều người bày tỏ sự ngạc nhiên trước khuôn viên xanh mát, thoáng rộng của Khu di tích cùng những hạng mục công trình bề thế xung quanh. Đón chúng tôi, ông Lê Trường Giang, Giám đốc Khu di tích thông tin: Từ tháng 4-1962, nơi đây được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia thì mới chỉ có Tổ quản lý di tích với 3 cán bộ, nhân viên. Trải qua quá trình xây dựng, phát triển đến Ban Quản trị rồi Ban Quản lý Đền Hùng và nay là Khu di tích lịch sử Đền Hùng là quá trình phấn đấu đầy trách nhiệm, tâm huyết của cán bộ, nhân viên, người lao động ở đây. Ông Lê Trường Giang cho biết: “Hiện Khu di tích có dự kiến quy hoạch với tổng diện tích 845ha. Thời gian qua, nơi đây đã được đầu tư, tôn tạo với nhiều hạng mục công trình và không gian cảnh quan thêm trang nghiêm, đẹp đẽ”.

Theo ông Lê Trường Giang, Khu di tích đã chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan 3 lần xây dựng và điều chỉnh dự án Quy hoạch tổng thể các hạng mục công trình di tích, văn hóa, cảnh quan môi trường, dịch vụ du lịch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là những căn cứ pháp lý thực hiện đầu tư xây dựng trùng tu, tôn tạo di tích. Các ngôi đền thờ Vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh được tu bổ, tôn tạo khang trang bằng các vật liệu bền vững, các đồ thờ tự và hoành phi câu đối được sơn son thếp vàng. Đền Tổ Mẫu Âu Cơ, Đền Quốc Tổ Lạc Long Quân được xây mới và khánh thành trong các năm 2005, 2009. Cùng với đó là các công trình văn hóa phụ trợ trong khu vực cũng được xây dựng như: Khu nhà làm việc; đường đi, kè đá, tạo cảnh quan khu ngã năm đền Giếng; hệ thống ao sen khu vực đền Giếng; vườn hoa sinh cảnh, sân vườn khu vực Bảo tàng Hùng Vương và đồi Công Quán; kè đá khu sân lễ hội; con đường mới từ đền Thượng xuống đền Giếng qua cầu Tiên Dung. Bức phù điêu có hình tượng Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong ở khu ngã năm đền Giếng làm cảnh quan thêm sinh động, hấp dẫn. Đặc biệt, vườn cây lưu niệm của các địa phương trong cả nước tại khu đồi Phân Đăng với diện tích 3,3ha có nhiều loại cây đặc thù của 3 miền Bắc-Trung-Nam, tạo cho cảnh quan Khu di tích hùng vĩ, ngút ngàn xanh. “Dự kiến trong thời gian tới, một số hạng mục công trình nữa sẽ được xây dựng, tôn tạo, thu hút đầu tư để phát triển hạ tầng du lịch, phát huy giá trị của Khu du lịch quốc gia Đền Hùng. Về Đền Hùng hôm nay sẽ cảm nhận được diện mạo đổi thay của một di tích lịch sử quốc gia đặc biệt-Trung tâm thực hành nghi lễ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, xứng đáng là “công viên lịch sử” để đông đảo đồng bào cả nước về tham quan như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi về thăm nơi đây năm 1962”-ông Lê Trường Giang khẳng định.

leftcenterrightdel

Rừng Quốc gia Đền Hùng. Ảnh do Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ cung cấp

3. Công tác quản lý các hoạt động văn hóa, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc luôn được quan tâm, chú trọng. Đồng bào và du khách về Đền Hùng được đón tiếp chu đáo và hướng dẫn, giới thiệu cụ thể về lịch sử, tín ngưỡng truyền thống, về nền văn minh sông Hồng rực rỡ của vùng đất Phong Châu xưa... Đó là công việc mà chị Nguyễn Thị Bích Phượng, Phó trưởng phòng Quản lý di tích văn hóa lễ hội của Khu di tích đang làm. Năm 2001, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, chị về công tác tại Bảo tàng Hùng Vương thuộc Khu di tích. Ấn tượng ban đầu của chị là lần đầu tiên được biết đến nhiều hiện vật quý của cha ông. Sinh ra tại TP Việt Trì, lại được làm việc đúng chuyên môn khiến chị luôn dành tâm huyết cho công tác giữ gìn hiện vật cũng như giới thiệu cho du khách tham quan hiểu thêm về văn hóa thời đại Hùng Vương. Khi được hỏi về những khó khăn trong công tác, chị bảo, công việc cứ tuần tự theo chuyên môn, chị không thấy khó bởi trong thâm tâm, với mỗi nhiệm vụ, chị luôn cố gắng hoàn thành thật tốt, để du khách và đồng bào đến với Đền Hùng luôn có ấn tượng tốt đẹp. Và điều chị luôn trăn trở là giữ gìn và tuyên truyền về các hiện vật như thế nào để bà con khắp mọi miền Tổ quốc khi đến nơi đây, sau khi thắp hương vái lạy anh linh tiên tổ sẽ hiểu hơn về thời đại Hùng Vương và nguồn cội của mình qua những gì tai nghe mắt thấy.

leftcenterrightdel

Hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Hùng Vương. Ảnh do Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ cung cấp 

Rồi chị giới thiệu với chúng tôi về chiếc qua đồng-một trong những hiện vật quý được trưng bày tại Bảo tàng. Chị cho biết, tháng 10-2003, Sở Văn hóa-Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tỉnh Phú Thọ phối hợp với Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) khai quật tại Di tích Gò De (ở xã Thanh Đình, TP Việt Trì) đã phát hiện 10 mộ táng, trong đó ngôi mộ số 9 có 17 hiện vật, chủ yếu là đồng thau và chiếc qua đồng này. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã xác định, đây là những hiện vật được tùy táng theo người chết và ngôi mộ này có thể là của một trong những thủ lĩnh thời đại Hùng Vương. Tiếp đó, tháng 12-2006, cũng tại Di tích Gò De, các cơ quan chức năng lại phát hiện thêm hai ngôi mộ với những hiện vật được tùy táng theo như: Giáo, lao, nồi gốm, vò gốm, hoa tai... “Những hiện vật thu được từ Di tích Gò De và nhiều di tích khác trên địa bàn đã khẳng định vùng đất Phú Thọ là trung tâm của Nhà nước Văn Lang cổ đại. Núi Nghĩa Lĩnh chính là nơi các Vua Hùng thực hiện những nghi lễ tín ngưỡng nông nghiệp thời dựng nước, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, muôn dân no ấm. Từ đó, chúng tôi lại càng thấy trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn, bảo vệ Khu di tích cùng những hiện vật này để con cháu đời sau hiểu rõ nguồn cội của mình, từ đó biết tri ân quá khứ, trân trọng hiện tại và sống tốt đẹp hơn trong tương lai!”-chị Nguyễn Thị Bích Phượng nói.

THU THỦY - MAI PHƯƠNG