Giúp dân an cư, lạc nghiệp ở vùng biên

5 năm trước, nếu ai từng đến những vùng biên giới các xã: Lộc Thịnh, Lộc Hòa (Lộc Ninh, Bình Phước) thì giờ đây trở lại sẽ cảm nhận được những đổi thay mạnh mẽ. Những vùng đất hoang hóa, khô khốc, đất đỏ bụi mù ngày nắng gắt, đường sá đi lại khó khăn, nhiều nơi thưa vắng dân cư... trước đây, nay đã hình thành nhiều điểm dân cư, nhà cửa khang trang; những vườn cây ăn trái sum sê, những đàn bò, dê mải mê trên đồng cỏ xanh ngút ngàn.

leftcenterrightdel

Một điểm dân cư biên giới ở xã Lộc Thịnh (Lộc Ninh, Bình Phước). Ảnh: THẾ ANH 

Tại điểm dân cư Lộc Hòa, hiện nay có 30 hộ dân sinh sống. Để giúp các hộ dân an cư, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình nơi biên viễn, bên cạnh việc cấp đất, xây dựng nhà cấp 4 cho mỗi hộ dân, Bộ CHQS tỉnh Bình Phước và các ngành chức năng còn cấp thêm 5.000m2 đất nông nghiệp để phát triển sản xuất. Ngoài ra, 30 hộ dân còn được cấp 7 con trâu, 44 con bò, 24 con dê giống. Ấp 3, xã Thanh Hòa (Bù Đốp, Bình Phước) trước đây cũng từng là địa bàn heo hút, thưa vắng dân cư, nay đã hình thành khu dân cư Thanh Hòa, ổn định chỗ ở cho 51 hộ dân với gần 200 nhân khẩu. Khu dân cư được xây dựng hệ thống điện, đường nội bộ, nước sạch, nhà văn hóa, khu vui chơi thể thao công cộng... Để có được kết quả nổi bật này, Quân khu 7 và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước, Bộ CHQS tỉnh Bình Phước đã triển khai huy động nhiều nguồn lực khác nhau.

Đại tá Võ Thành Danh, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Bình Phước, người trực tiếp chỉ đạo đề án trên địa bàn, nhớ lại: “Triển khai Đề án “Xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới, đồn, trạm biên phòng” của Quân khu 7, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nghị quyết chuyên đề, kế hoạch để huy động cả hệ thống chính trị cùng thực hiện. Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh quy hoạch, đầu tư xây dựng 11 điểm dân cư trên địa bàn tuyến biên giới dài 260km. Cùng với nguồn đầu tư của Quân khu 7, UBND và các cấp, ngành của tỉnh, các địa phương, doanh nghiệp đã thu hút được nhiều nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ, mục tiêu đề ra. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành mục tiêu vượt tiến độ cả 3 giai đoạn của đề án, xây dựng được 12 điểm dân cư với 245 căn nhà, bố trí 245 hộ dân với hơn 600 nhân khẩu; nhiều điểm dân cư được đầu tư đồng bộ hạ tầng điện, nước, nhà văn hóa, nhà trẻ... với tổng kinh phí hơn 92 tỷ đồng”.

Đại tá Thái Thành Đức, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7 cho biết: “Mục tiêu phát triển những điểm dân cư địa bàn biên giới của Quân khu 7 đề ra đã có nhiều kết quả nổi bật ở 3 tỉnh biên giới: Bình Phước, Long An và Tây Ninh. Đến nay, tỉnh Long An đã hoàn thành 3 giai đoạn, xây dựng 24 điểm dân cư với 254 căn nhà. Giữa tháng 10-2024, Bộ tư lệnh Quân khu 7 phối hợp với UBND tỉnh Long An tổ chức khởi công xây dựng 51 căn nhà tại 7 điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới, Đồn Biên phòng các huyện: Tân Hưng, Mộc Hóa và thị xã Kiến Tường. Trong đó, Quân khu 7 hỗ trợ 5,1 tỷ đồng, kinh phí còn lại do UBND tỉnh, huyện bố trí ngân sách, vận động các doanh nghiệp, mạnh thường quân hỗ trợ và người dân thụ hưởng đóng góp thêm”.

leftcenterrightdel
Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Lộc Ninh (Bộ CHQS tỉnh Bình Phước) thăm hỏi, động viên người dân ở điểm dân cư xã Lộc Hòa. Ảnh: TRUNG KIÊN 

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2025, tỉnh Long An tiếp tục xây dựng tăng dày thêm 16 điểm dân cư với 120 căn nhà để đạt mục tiêu 25 điểm dân cư/389 căn nhà (trong đó, nhà liền kề chốt dân quân là 16 điểm dân cư/344 căn nhà; liền kề đồn, trạm biên phòng là 9 điểm dân cư/45 căn nhà). Tại địa bàn biên giới tỉnh Tây Ninh, đến nay đã hoàn thành 21 điểm dân cư, bố trí 115 hộ dân. Tháng 9-2024, Bộ tư lệnh Quân khu 7 phối hợp với UBND tỉnh Tây Ninh khởi công xây dựng 30 căn nhà ở các điểm dân cư tại địa bàn biên giới các huyện Châu Thành, Tân Châu, Tân Biên với tổng kinh phí 4,7 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh đã hỗ trợ thêm kinh phí 3 tỷ đồng xây nhà và tặng mỗi hộ dân một con bò giống trị giá 20 triệu đồng. Các điểm dân cư được quy hoạch, xây dựng đều được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư kinh phí từ ngân sách địa phương và huy động các doanh nghiệp, nhân dân bổ sung kinh phí; xây dựng cơ sở hạ tầng, kết nối với các công trình phúc lợi xã hội của khu dân cư hiện hữu liền kề, hỗ trợ chăn nuôi, trồng trọt, phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho các hộ dân trong điểm dân cư để bảo đảm cuộc sống ổn định. Sự chung sức, chung tay này đã giúp các hộ dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, sản xuất, kinh doanh ở biên giới.

Đánh thức vùng biên, xây tình quân-dân

Từ những năm 2018-2019, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 7 đã có chủ trương và triển khai kế hoạch Đề án “Xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới trên địa bàn Quân khu 7 giai đoạn 2019-2025” gắn với mục tiêu xây dựng các điểm dân cư, phát triển kinh tế-xã hội toàn diện, nhanh, bền vững; từng bước hình thành các trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học ở khu vực biên giới; củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững chắc, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, giữ vững ổn định quốc phòng, an ninh.

Thực hiện đề án này, LLVT Quân khu đóng vai trò hạt nhân, nòng cốt, tiên phong trong huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành, cộng đồng, cùng chung quyết tâm, nhận thức, hướng giải quyết, tạo thành khối thống nhất khi thực hiện đề án. Đến tháng 10-2024, Quân khu 7 đã xây dựng được 58 điểm dân cư với 629 căn nhà liền kề chốt dân quân, đồn, trạm biên phòng (tăng gấp đôi số căn nhà so với mục tiêu đề ra) với tổng kinh phí 81 tỷ đồng; giúp ổn định cuộc sống, sản xuất cho hàng nghìn nhân khẩu. Quân khu còn hỗ trợ gần 150 con bò giống và kinh phí tạo sinh kế cho các hộ dân.

Cùng với hoàn thành tuyến đường tuần tra biên giới giai đoạn 1 với 267km và 40km đang tiếp tục triển khai ở giai đoạn 2 đã mở ra con đường an dân, phát triển kinh tế tuyến biên giới Tây Nam. Quân khu 7 và các tỉnh: Bình Phước, Tây Ninh, Long An đã đầu tư, huy động hàng trăm tỷ đồng ngân sách và doanh nghiệp hỗ trợ làm đường giao thông, hệ thống điện, nước sạch, phủ sóng điện thoại, internet, hỗ trợ việc làm, giao khoán rừng, xây dựng thiết chế văn hóa, công trình dân sinh... tại các điểm dân cư.

leftcenterrightdel
Một hộ dân ở điểm dân cư Bến Cừ, xã Ninh Điền (Châu Thành, Tây Ninh) treo cờ Tổ quốc.

Ông La Văn Dân, Phó chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường cho biết, bên cạnh việc huy động các nguồn lực hỗ trợ xây dựng nhà ở và công trình phụ trợ, thách thức và khó khăn lớn nhất là triển khai xây dựng hạ tầng điện nước, đường sá, thủy lợi kết nối đồng bộ để bảo đảm người dân yên tâm, gắn bó lâu dài trên biên giới. UBND thị xã đã tập trung tháo gỡ khó khăn, giải quyết nhanh những thủ tục pháp lý để các dự án hạ tầng kết nối sớm hoàn thành, đáp ứng yêu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Thượng tá Đỗ Huy Hạnh, Trưởng phòng Dân vận (Cục Chính trị Quân khu 7) thông tin: “Cùng với các giải pháp xây dựng điểm dân cư bền vững nơi biên giới, vấn đề xây dựng các cơ sở hệ thống chính trị, thắt chặt tình đoàn kết quân-dân, xây dựng văn hóa cơ sở luôn được chú trọng, đề cao.

Các đơn vị như Ban CHQS huyện, đồn biên phòng, chốt dân quân biên giới tích cực tham mưu cho chính quyền địa phương thành lập những tổ dân cư, khu dân cư, các tổ chức, đoàn thể như: Mặt trận Tổ quốc, hội chữ thập đỏ, hội nông dân, hội phụ nữ... triển khai các chính sách hỗ trợ mang tính bền vững như: Cấp đất sản xuất, giao khoán quản lý, bảo vệ rừng, trồng cây công nghiệp, dạy nghề thủ công truyền thống, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, giới thiệu việc làm... Qua đó xây dựng mối đoàn kết quân-dân, triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, xóa đói, giảm nghèo. Các hoạt động này giúp hình thành điểm tựa của tình đoàn kết, “thế trận lòng dân” nơi biên giới; trở thành chỗ dựa vững chắc cho các lực lượng bảo vệ biên giới và xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị”... 

BẢO MINH