Đại tá, nhạc sĩ Đỗ Minh Quang sinh năm 1951, nguyên Phó giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, hiện trú tại ngôi nhà trong ngõ khu “phố nhà binh”-phố Lý Nam Đế (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Chúng tôi đến thăm ông, mỗi khi nhắc đến âm nhạc là khuôn mặt ông rạng rỡ và câu chuyện về sáng tác, dàn dựng chương trình, phối khí dường như khó dứt. Lần nào tôi cũng đề nghị được nghe những giai điệu của ca khúc “Hoa sim biên giới” qua giọng hát của ông: Nếu em lên biên giới, em sẽ gặp bạt ngàn hoa/ Hoa sim, giữa đồi nắng gió, tím như ai chờ mong/ Sắc hoa sim yêu thương trong lòng người lính trẻ/ Chờ ai nên tím ngát bồi hồi...

Dù giọng đã có phần khàn đục vì tuổi tác nhưng khi những giai điệu được cất lên, dường như cả phía trước ông là một miền ký ức, những ký ức tràn về một thuở nghệ sĩ-chiến sĩ Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội) “nằm gai nếm mật” với bộ đội ở các mặt trận biên giới. Nhạc sĩ Minh Quang bảo rằng, “Hoa sim biên giới” như là tấm giấy thông hành đưa ông đến với nghiệp sáng tác.

Nhạc sĩ Minh Quang vốn là diễn viên Đoàn Kịch nói Thanh Hóa, khi hay tin Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị về xứ Thanh tuyển người, ông đánh liều đi thi và trúng tuyển, trở thành diễn viên hát. Môi trường Quân đội với những lần đi biểu diễn phục vụ bộ đội ở các chiến trường đã làm nên một nhạc sĩ Minh Quang-người dành trọn tâm huyết cho những bản tình ca người lính.

Mùa thu năm 1979, ca sĩ Minh Quang lên biên giới phía Bắc phục vụ bộ đội. Cánh lính trẻ sau khi nghe các nghệ sĩ hát đã đề nghị: “Các chú, các anh lần sau lên biên giới nhớ cho chúng cháu nghe những bài hát mới”. Lời nói và hình ảnh những người lính cứ ám ảnh người nghệ sĩ khi đặt mình vào hoàn cảnh của họ, cùng những mong mỏi giản dị khi nghĩ về hậu phương, nhớ về những người mẹ, người vợ, người yêu ở phương xa... Thì ra, ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất, người ta lại tìm được những phút giây trữ tình nhất.

Nhạc sĩ nhớ lại: “Chiều hôm ấy, khi biên giới ngơi tiếng súng, không gian yên lặng, tôi đứng nhìn từ ngọn đồi này qua ngọn đồi kia, ở giữa hai ngọn đồi ấy là một thảm hoa sim tím ngắt. Hoa sim trên biên giới rất nhiều, nhưng không hiểu sao vào chiều hôm đó, sắc hoa lại tím đẹp như vậy. Tôi chợt thấy, sắc hoa tím ngắt kia đúng như nỗi nhớ da diết của người lính về gia đình, về quê hương... những nơi cho người lính sức mạnh để họ có thể vượt qua khó khăn, gian khổ, hy sinh cho Tổ quốc”. Và rồi câu hát mở đầu: “Nếu em lên biên giới, em sẽ gặp bạt ngàn hoa” nghe giản dị như một câu nói của những người lính trẻ đã bật ra sau 4 năm nhạc sĩ Minh Quang cùng anh trai của mình là nhà thơ Đặng Ái (tên thật là Đỗ Minh Phong) ấp ủ, chung tay viết nên bài hát.

leftcenterrightdel

Nhạc sĩ Minh Quang (bên trái) cùng đồng nghiệp trong một chuyến đi thực tế sáng tác về hải đảo, biên giới ở tỉnh Nghệ An. Ảnh: LÊ HÀ 

Khi ca khúc được vang lên bằng giọng nữ cao của ca sĩ Bích Việt (nay là Nghệ sĩ Nhân dân), cũng ở Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị thì người nghe, đặc biệt là người lính rất xúc động vì bài hát đánh đúng vào tình cảm, trái tim người trẻ. Trong số hàng vạn chiến sĩ đang cắm chốt bảo vệ từng mỏm núi, từng cao điểm hay trong hang sâu cả một dải biên cương xanh thẳm, có rất nhiều người con trai ở tận miền Nam hay miền Trung và họ đều có những người con gái đang chờ đợi mình ở quê hương. “Hoa sim biên giới” đã gợi lên những âm hưởng da diết, lãng mạn và chan chứa tình cảm. Ca khúc tựa như một lời tâm tình với người bạn gái nơi hậu phương, đã được rất nhiều thế hệ người lính nơi biên giới, hải đảo “gối đầu giường” sau những giờ canh gác vất vả. Chính sự ra đời và lan rộng của bài hát đã đánh dấu bước ngoặt lớn trên con đường sáng tác chuyên nghiệp của nhạc sĩ Minh Quang.

Cùng với ca khúc “Hoa sim biên giới”, các ca khúc: “Anh lính tình nguyện và điệu múa Apsara”; “Cây đàn guitar một dây”; “Hoa ban”; “Sông Lô chiều cuối năm”; “Chị ấy hát ru”... đã đưa Đại tá, nhạc sĩ Đỗ Minh Quang tới Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2012. Nhưng với ông, cuộc đời làm nghệ thuật có ý nghĩa nhất chính là những năm tháng cùng đồng đội có mặt khắp các chiến trường, mang lời ca tiếng hát của mình phục vụ cán bộ, chiến sĩ nơi tiền tuyến. Để rồi mỗi chuyến đi là những trải nghiệm giúp ông sáng tác nên các ca khúc xúc động, lãng mạn về người lính. Vốn dĩ là một người lính, ông luôn hiểu đồng đội của mình cần gì, muốn nghe gì và khao khát điều gì sau những thời điểm chiến đấu đầy gian khó, khi ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh. “Họ cần một khoảnh khắc, một màu tím, một điệu múa để ru lòng sau những đau thương và mất mát”, nhạc sĩ Minh Quang bồi hồi chia sẻ.

VƯƠNG HÀ