Trước đó, việc điều tra tình hình địch gặp một số khó khăn. Tỉnh Cao Bằng không có đội trinh sát chuyên môn, chỉ tổ chức nắm tình hình thông qua những tổ chức quần chúng. Phương tiện thông tin rất thiếu, phải dựa vào đường dây bưu điện không bảo đảm bí mật, dùng liên lạc “chạy chân” thì mất nhiều thời gian. Vì vậy, nhiệm vụ của bộ phận tiền phương là phải tăng cường bám sát các mục tiêu, làm binh yếu địa chí và điều tra nắm chắc các vị trí địch dọc Đường số 4, trọng tâm là các cứ điểm lớn ở Cao Bằng, Đông Khê và Thất Khê.
Lực lượng quân báo thuộc Phòng 2 (Bộ Tổng Tham mưu) tham gia bộ phận tiền phương này gồm các đồng chí Quốc Trung, Phạm Y và một cán bộ bản đồ. Căn cứ yêu cầu, đồng chí Phan Phác giao cho đồng chí Quốc Trung làm Trưởng trạm Quân báo Cao Bằng kiêm chỉ huy chung bộ phận quân báo tiền phương. Đồng chí Phạm Y phụ trách Trạm Quân báo Đông Khê. Trạm Quân báo Thất Khê được giao cho đồng chí Tuấn Hùng (Trưởng ban Quân báo Trung đoàn 174) phụ trách. Lực lượng trinh sát của Bộ Tổng Tham mưu vừa phải khẩn trương hướng dẫn về chuyên môn cho cán bộ địa phương vừa phải tổ chức nắm tình hình trực tiếp.
Năm 2010, tôi từng gặp và trò chuyện với đồng chí Phạm Y, lúc này ông đã gần 80 tuổi, trong cuộc gặp mặt nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Biên giới tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Nhớ lại những ngày tháng không quên ấy, ông kể: “Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, chúng tôi nhanh chóng về các địa bàn thực hiện nhiệm vụ. Tôi về vùng Bắc Đông Khê tập hợp lực lượng trinh sát của trạm, khẩn trương tổ chức nắm lại tình hình hoạt động của địch, tìm hiểu, xác minh lại các đầu mối cơ sở của ta đã gây dựng được trong lòng địch tại thị trấn Đông Khê. Chúng tôi phát triển thêm được một số cơ sở tại các gia đình người địa phương trong vùng tiểu khu Đông Khê, sẵn sàng cung cấp nội tình địch cho ta. Tôi được biết, ngày 5-8-1950, Đại tướng Võ Nguyên Giáp dẫn đầu đoàn nghiên cứu thực địa đến Cao Bằng. Tại đây, anh Quốc Trung đón và phục vụ đoàn...
|
|
Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái (bên trái) và Cục phó Cục Quân báo Cao Pha trong Chiến dịch Biên giới năm 1950. |
Mọi công tác đều được triển khai một cách khẩn trương, bí mật bởi đến giữa tháng 8-1950, Ban Quân báo mặt trận yêu cầu chúng tôi báo cáo bố trí phòng ngự của Pháp ở Cao Bằng, Đông Khê, Thất Khê, chuẩn bị cho các đơn vị chủ lực bước vào trận đánh quyết định đầu tiên. Ngày 16-8 đã diễn ra cuộc họp liên tịch Đảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch mở rộng, thông báo quyết định thay đổi phương án tác chiến mới: Tiêu diệt Đông Khê trước, đánh tiếp viện rồi sẽ đánh Thất Khê, cuối cùng là tập trung lực lượng giải phóng Cao Bằng.
Đầu tháng 9-1950, trên tăng cường đồng chí Lê Sinh làm Trưởng trạm còn tôi làm Phó trưởng trạm Quân báo Đông Khê. Tôi còn được lệnh chọn một mỏm núi đá cao gần Sở chỉ huy chiến dịch ở Nà Lạn, cách Đông Khê chừng 10km, từ đây, có thể quan sát được tình hình các mặt trận từ Thất Khê lên Đông Khê và Cao Bằng. Sáng 16-9-1950, đài quan sát vinh dự được đón Bác Hồ lên theo dõi trận đánh mở màn. Sự kiện này đã được ghi lại qua bức ảnh nổi tiếng của nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Năng An”.
Theo lời kể của ông Phạm Y, Trạm Quân báo Đông Khê đóng ở bản Bố Trạch, cách thị trấn Đông Khê chừng 5km. Đây là vùng có nhiều núi đá vôi với những hang động rất sâu và rộng. Trong đó, hang Ngườm Khảm với sức chứa tối đa khoảng 3 đại đội, được đơn vị chọn làm chỗ ở cho bộ phận quân báo, trinh sát. Hằng ngày, họ thu thập tình hình qua cơ sở trong thị trấn và bằng các thám sát từ nhiều đài quan sát và nắm được: Ở Đông Khê, quân Pháp chủ trương để quân lê dương đóng xen kẽ với lính ngụy người địa phương ở mọi đồn ngoại vi và trong thị trấn. Còn trên Đồn Cao (nằm trên một quả đồi khá cao có thể chế ngự toàn thị trấn), chúng bố trí hai đại đội lê dương đóng cùng ban chỉ huy tiểu đoàn kiêm chỉ huy tiểu khu Đông Khê. Quân ngụy bị cấm tuyệt đối không được lai vãng. Địch ngày đêm gấp rút sửa chữa và đào thêm nhiều hệ thống hầm hào, có đại bác, súng máy, súng cối tăng cường. Xung quanh các vị trí, chúng bố trí rất nhiều hàng rào kẽm gai bùng nhùng, rải xen kẽ giữa hai hàng rào kẽm gai kiểu mái nhà đã có sẵn từ trước.
Ở các đồn ngoại vi, ta bố trí các đài quan sát để trinh sát theo dõi hoạt động của địch qua ống nhòm và đêm đêm bò vào sát bờ rào, chui vào giữa đồn để kiểm tra, xác minh lại những điều mắt thấy hằng ngày. Kết hợp với lời mô tả của nhân mối, bộ phận tiền phương nhanh chóng nắm rõ tình hình địch và vẽ được chi tiết sơ đồ bố phòng mới. Những thông tin và tài liệu trinh sát nắm được kịp thời báo cáo lên trên, kết hợp với những tài liệu từ các đơn vị báo về đã giúp Bộ chỉ huy chiến dịch củng cố quyết định chọn Đông Khê.
Ngày 14-9-1950, Trạm được lệnh đón bộ đội chủ lực của ta gồm Trung đoàn 209 (Trung đoàn Sông Lô) và một số đơn vị phối thuộc tiến vào chiếm lĩnh trận địa, bao vây và tấn công Đông Khê. Ông Phạm Y đề nghị Ban chỉ huy Trung đoàn 209 đặt sở chỉ huy tại hang Ngườm Khảm. Những đơn vị khác, theo các trinh sát viên của trạm quân báo hướng dẫn ra chiếm lĩnh vị trí xuất kích quanh Đông Khê. Giờ nổ súng được giữ tuyệt đối bí mật cho đến rạng sáng 16-9-1950. Quân địch hết sức hoảng hốt và hoang mang khi những loạt đại bác, súng cối của ta nổ dồn dập vào đầu chúng.
Sau hơn 50 giờ chiến đấu, ta hoàn toàn làm chủ Đông Khê, tiêu diệt và bắt toàn bộ quân địch đóng tại đây. Số tù binh khỏe mạnh được đưa ngay về phía sau. Đồng chí Lê Sinh dẫn một toán tù binh sĩ quan, trong đó có viên quan tư Allioux-Tiểu đoàn trưởng, Trưởng đồn Đông Khê về Bộ chỉ huy chiến dịch. Ông Phạm Y thì ở lại Đông Khê, kiểm tra, xác minh lại các tài liệu mà quân báo ta đã nắm được và vẽ sơ đồ bổ sung các nơi trước đây điều tra chưa chính xác nhằm phục vụ cho công tác sau này. Trạm Quân báo Đông Khê cũng tiếp nhận một số tù binh lê dương bị thương. Trong đó có quan ba Vollarie, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn lê dương kiêm Chỉ huy phó tiểu khu Đông Khê, bị thương khá nặng.
Thực hiện chính sách khoan hồng của Chính phủ và Quân đội ta, đội ngũ quân y cứu chữa tù binh, cho họ ăn uống đầy đủ theo khả năng dự trữ. Chính nhờ thái độ nhân đạo này mà Vollarie trở nên dễ gần hơn. Hắn bắt đầu tâm sự về gia đình, vợ con. Cũng chính viên quan ba này sớm lộ thông tin chỉ huy Pháp ở Đông Dương đang có chủ trương rút khỏi Cao Bằng, Đông Khê, Thất Khê về củng cố tuyến bảo vệ vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Ông Phạm Y nhớ lại: “Một buổi sáng, tôi đang nói chuyện với Vollarie thì có đồng chí trinh sát hớt hải về báo: Phi cơ địch vừa thả hai quả bom có cột khói hình nấm đen lên cao và rất nóng làm nhiều chiến sĩ ta đang thu dọn trên Đồn Cao bị thương, bỏng rất nặng. Tôi hơi hoảng, nghĩ rằng có lẽ Mỹ đã viện trợ cho Pháp loại bom nguyên tử chiến thuật như báo chí phương Tây rêu rao. Tôi đem tin này hỏi Vollarie, hắn lấy bàn tay trái còn lành lặn cầm bút chì tôi đưa viết nguệch ngoạc mấy chữ “napalm” và giải thích đó là loại bom xăng đặc, rất lợi hại, phát minh mới của Mỹ. Tôi liền viết báo cáo, cho người chạy ngay về Nà Lạn. Nhận được tin, đồng chí Cao Pha, Trưởng ban Quân báo chiến dịch cho biết Bộ chỉ huy chiến dịch gửi lời khen Trạm Quân báo Đông Khê đã khai thác, báo cáo tình hình kịp thời giúp tìm ra biện pháp đối phó với bom napalm mới sau này”.
Sau Chiến thắng Biên giới năm 1950, số tù binh đông, có nhiều người bị thương rất nặng. Phó đại đoàn trưởng Đại đoàn 308 Cao Văn Khánh được phân công làm nhiệm vụ trao trả thương binh địch cho Hồng thập tự Pháp. Đồng chí quyết định tổ chức một đêm lửa trại để bộ đội ta mừng chiến thắng và gây ấn tượng sâu sắc với thương binh địch. Trong đêm lửa trại, hầu hết thương binh địch đều có mặt. Thương binh nặng nằm trong lều nghe tiếng hát, tiếng đàn, tiếng vỗ tay vọng vào cũng xin các anh chị hộ lý khiêng cáng ra dự. Quanh đống lửa sáng rực, các chiến sĩ, bác sĩ, hộ lý, dân công hỏa tuyến ta hát vang những bài ca cách mạng. Các thương binh địch hát những bài ca quê hương mình bằng tiếng Pháp và các thứ tiếng Âu, Phi. “Bất ngờ, một tù binh nào đó hô to “Vive Ho-Chi-Minh!”, rồi tất cả thương binh địch đồng loạt hô theo. Chúng tôi cảm nhận đây là thái độ và cảm xúc xuất phát từ đáy lòng họ qua những ngày sống dưới sự quản lý của Quân đội ta. Bằng chính sách nhân đạo, ta đã cảm hóa thành công kẻ thù từ phía bên kia”, ông Phạm Y cho biết.
ANH THƯ