Năm 1965, thanh niên Trịnh Hải Đường, quê ở xã Hoằng Trạch (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) viết đơn tình nguyện nhập ngũ khi đang là sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Vinh (Nghệ An). Biên chế về Đại đội 20, Trung đoàn 88, Sư đoàn 308 một thời gian, ông được cử đi học quân y. Tháng 12-1965, ông Đường trở lại đơn vị, sau đó hành quân vào Trường Sơn.

Ông kể, hồi ở chiến trường, Đội quân y thường không ở lâu một chỗ. Để kịp thời phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội, đơn vị thường tổ chức các trạm phẫu lưu động. Đối mặt với không ít khó khăn, ông Đường và đồng đội tận tình cứu chữa nhiều thương binh ngay tại mặt trận.

Trong điều kiện chiến tranh, khi thương binh về nhiều, đội ngũ y tá, bác sĩ phải làm việc liên tục không nghỉ, có lúc tưởng như kiệt sức. Việc thiếu bông băng, thuốc men, thiết bị và dụng cụ y tế diễn ra thường xuyên. Nhiều khi ông Đường còn phải xé áo quần để băng bó cho bệnh nhân. 

leftcenterrightdel

 Cựu chiến binh Trịnh Hải Đường kể lại kỷ niệm chiến trường. Ảnh: NINH NGUYỄN

Ông Đường trầm ngâm nhớ đến một kỷ niệm khi đang thực hiện nhiệm vụ tại khu vực huyện Hóc Môn (nay thuộc TP Hồ Chí Minh). Khoảng 22 giờ ngày 4-5-1968, ông Đường và 8 đồng đội khác đang cứu chữa cho thương binh dưới hầm. Phía trên, bộ đội ta đang thu dọn chiến trường và rút quân về căn cứ mới. Trong lúc đội y tế đang làm nhiệm vụ thì bị 3 chiếc xe tăng M-48 của địch bất ngờ tấn công. Chiếc xe tăng đi đầu đè lên hầm, khiến toàn bộ cấu trúc hầm sập xuống. Nó cũng không thể di chuyển được tiếp. Thấy vậy, những chiếc xe tăng còn lại tìm cách cứu kéo xe bị kẹt và bỏ dở cuộc tấn công.

Địch đã rút quân, các lực lượng của ta nhanh chóng tiếp cận hầm, đào đất để cứu đồng đội ra khỏi đống đổ nát. Khi ấy, ông Đường bị thương nặng ở cột sống. Trong cơn mê, ông loáng thoáng nghe tiếng đồng đội gọi tên mình nhưng không sao trả lời được rồi lịm dần đi. Ông Đường được đưa về bệnh viện ở huyện Đức Hòa (nay thuộc tỉnh Long An) để điều trị. Sau đó ông được biết, hôm ấy có 7 đồng chí hy sinh, ông và một đồng chí khác bị thương nặng.

Sau hơn một năm điều trị, tháng 9-1969, ông Đường trở về đơn vị làm nhiệm vụ, tham gia chiến đấu dọc biên giới Việt Nam-Campuchia. Đến năm 1972, ông về tham gia chiến đấu ở khu vực Đồng Tháp. Có một ca cấp cứu mà ông không thể quên. Chuyện là, trong một đêm trực, ông Đường tiếp nhận một thương binh đang nguy kịch do mất nhiều máu. “Cố gắng cứu tôi với! Bố mẹ tôi chỉ có mình tôi thôi!”-tiếng kêu cứu của đồng đội khiến ông Đường thắt lòng. “Biết không còn nhiều thời gian, tôi vừa trấn an đồng chí ấy, vừa nhanh chóng tiêm thuốc giảm đau rồi bắt tay vào phẫu thuật lấy đạn ra. Ca mổ thành công, tôi đã khâu cho anh ấy 11 mũi. Khi thương binh hồi phục ý thức, tôi đề xuất chuyển về tuyến sau để có điều kiện điều trị cho anh được tốt hơn”, ông Đường kể. 

Đã hơn 50 năm trôi qua, cựu chiến binh Trịnh Hải Đường vẫn canh cánh trong lòng, không biết người thương binh ấy còn sống hay đã mất. Đồng đội cùng đơn vị hoặc người thương binh ấy còn sống, đọc được bài viết này xin hãy liên hệ với ông Đường theo địa chỉ: Số 114, tổ 26, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, TP Hà Nội; điện thoại 0345.744.387 để cùng ôn lại kỷ niệm và kết nối thông tin về những đồng đội khác.

THU HOÀI