Năm 1967, 22 tuổi, Bùi Xuân Hình tình nguyện nhập ngũ. Sau 6 tháng huấn luyện, ông và đồng đội cấp tốc hành quân vào chiến trường. Hơn 4 tháng hành quân với ba lô nặng trĩu trên lưng, ông mới vào đến chiến trường B2-miền Đông Nam Bộ, rồi được biên chế về J16 đặc công cơ giới Miền (một trong những đơn vị tiền thân của Lữ đoàn 429, Binh chủng Đặc công hiện nay).

Ông Hình bảo, với ông, những trận chiến thắng giòn giã là câu trả lời xứng đáng nhất cho chuỗi ngày khổ luyện của ông và đồng đội. Từ năm 1968 đến 1970, ông cùng đơn vị liên tục tham gia đánh phá các mục tiêu, căn cứ của địch ở Tây Ninh, Dầu Tiếng, Đồng Dù, Phước Vĩnh...

leftcenterrightdel

Anh hùng LLVT nhân dân Bùi Xuân Hình (bên trái) kể chuyện chiến đấu. Ảnh: THỦY TIÊN 

Một trong những trận đánh tiêu biểu là trận bí mật tập kích căn cứ địch ở Kà Tum (nay thuộc huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh), tháng 8-1968. Đây là căn cứ khá kiên cố, có 9 lớp rào và tường đất khép kín, xung quanh có hệ thống chiếu sáng. Ông trực tiếp phụ trách tổ mở cửa gồm 4 đồng chí, trong đó có một đồng chí mang súng phun lửa được tăng cường từ đơn vị khác. Sau khi cắt hàng rào xong, đội hình không vượt qua được lớp tường đất do địch canh gác đi lại liên tục, buộc phải nằm im bên trong hàng rào chờ nổ súng. Đúng giờ G, cả tổ xông lên chiếm lĩnh cửa mở tạo điều kiện cho các tổ thọc sâu đánh phá những mục tiêu bên trong.

Ông Hình nhớ lại: “Trận đánh diễn ra rất ác liệt. Quân ta chiến đấu rất dũng cảm nhưng địch cũng chống cự quyết liệt. Trong quá trình chiến đấu, tôi bị thương gãy 5 chiếc răng. Nhưng bù lại, tôi vẫn cảm thấy vui bởi tổ của mình đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong đó, tôi đã bắn 6 quả đạn B40 tiêu diệt hai lô cốt và một số ụ súng dọc theo tường đất. Sau khi làm thương vong một số lượng lớn quân địch, 5 giờ sáng hôm đó, toàn đơn vị chúng tôi rút khỏi căn cứ địch”.

Tháng 10-1969, đơn vị ông bí mật tập kích căn cứ Tua Hai (nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh), chuyên huấn luyện lực lượng biệt kích của địch. Nơi đây, địch thường có một đại đội với 3 hàng rào và hệ thống chiếu sáng bảo vệ. Ông Hình trực tiếp chỉ huy trận đánh. Trong quá trình bí mật tiếp cận mục tiêu, vào đến hàng rào trong cùng, do địch tổ chức gác chặn dày đặc nên không cắt được. Với bản lĩnh của người chỉ huy nhiều kinh nghiệm, ông Hình quyết định chuyển cách đánh, kiên trì chờ đợi lợi dụng sơ hở của địch. “Khoảng 4, 5 giờ sáng, bọn lính bỏ gác về nhà ngủ, tôi cho đội hình đột nhập qua cửa ngách vào chiếm lĩnh mục tiêu. Sau 30 phút tấn công dồn dập, địch không kịp trở tay nên bị thiệt hại nặng nề với khoảng 60 tên thương vong, ta phá hủy 3 khẩu cối, 6 hầm trú ẩn, 3 xe tải và nhiều tài sản khác của địch”, ông Hình cho biết. 

Cuối năm 1970, đơn vị của ông Hình nhận nhiệm vụ sang giúp nước bạn Campuchia. Trên đường đi, đơn vị ông chủ yếu hành quân ban đêm. Sang đến địa bàn, ban ngày, ông và đồng đội ém quân ở trong rừng hoặc bưng biền, bãi lầy, tối thì lợi dụng địa hình tiếp cận vào các phum, sóc làm công tác dân vận. Đơn vị ông được giao nhiệm vụ phối hợp với đơn vị bạn tập kích phá hủy sân bay Pochentong. Đây là sân bay lớn của ngụy quân Lon Nol. Từ đây, rất nhiều máy bay địch đã cất cánh để đi đánh phá các vùng của quân cách mạng. Quán triệt nhiệm vụ trên giao, ông Hình và đồng đội tổ chức đi điều tra mục tiêu, tìm phương án đánh địch.

Ông Hình nhớ lại: “Mục tiêu cách nơi đơn vị đứng chân 9-10 giờ đồng hồ di chuyển nên mỗi lần đi trinh sát, chúng tôi đều phải vừa đi, vừa chạy mới kịp thời gian về trước khi trời sáng. Nhiều lần gặp tình huống không về căn cứ kịp, chúng tôi đành ém quân lại trong nương lúa của dân chờ trời tối mới về. Trên cơ sở kết quả điều tra mục tiêu, tiểu đoàn xây dựng phương án đánh và được cấp trên phê duyệt”.

Đơn vị nhận lệnh, ngày N sẽ đánh chiếm các mục tiêu. Khi ấy, trên cương vị Tiểu đoàn phó, ông Hình trực tiếp chỉ huy các mũi của đơn vị phối hợp cùng đơn vị bạn đánh vào khu vực bãi đậu máy bay. Khoảng 1 giờ sáng, trận đánh bắt đầu. Máy bay đậu tại bãi bị đánh cháy, nổ tung, sáng rực cả bầu trời. Nhưng đến khu vực bãi xe thì do địch đã di chuyển xuống khu khác và lập ở đây một khu kho dã chiến, hoàn toàn khác với khi đi trinh sát nên ta không chuẩn bị cách đánh. Giải quyết tình thế, ông Hình lựa chọn phương án dùng hỏa lực đứng đằng sau tường bắn vào khiến kho bị nổ tung, làm cho lực lượng bảo vệ sân bay của địch đóng quân bên cạnh cũng bị tiêu diệt.

Gần 4 giờ sáng, địch điều quân tăng viện nhằm giải cứu quân đồn trú nhưng chúng lại bị lực lượng do ông Hình bố trí phục sẵn đánh bại, phải tháo lui. Kết quả, trong trận đánh này, quân ta đã phá hủy được 90 máy bay các loại, 15 xe tải, 1 kho dã chiến, 1 tiểu đoàn bảo vệ đóng gần khu kho cũng như trung tâm chỉ huy bay của địch...

Cuối năm 1973, đơn vị của ông Hình được lệnh rút về nước chuẩn bị cho những trận đánh mới. Ông kể: “Giữa tháng 4-1975, đơn vị chúng tôi nhận lệnh đánh chiếm cây cầu trên xa lộ Sài Gòn. Đây được coi là cánh cửa để tiến vào Sài Gòn nên địch bố trí lực lượng và hỏa lực mạnh ở cả hai đầu cầu. Quá trình trinh sát mục tiêu, tôi và đồng đội ngày đêm dầm mình dưới nước, tìm các phương án tiêu diệt địch”.

leftcenterrightdel
Chiến đấu viên Lữ đoàn 429, Bộ tư lệnh Đặc công thực hành vượt vật cản. Ảnh: XUÂN CƯỜNG 

2 giờ sáng 25-4, ông Hình chỉ huy đơn vị chiếm lĩnh mục tiêu, sử dụng lực lượng tinh nhuệ đánh chiếm một bên đầu cầu và dùng hỏa lực bắn khống chế đầu cầu bên kia. Không đầy 40 phút, ta đã làm chủ hai bên đầu cầu. Ông Hình nhanh chóng cho đơn vị triển khai công sự, chốt giữ chặt hai bên đầu cầu, đánh chặn lực lượng địch rút về Sài Gòn. “Suốt mấy ngày ở đây, chúng tôi dầm mình trong bùn, không tắm rửa, chờ đón đại quân ta. Sáng 30-4, trong niềm vui vỡ òa khi xe tăng ta tiến vào Dinh Độc Lập, tôi xin phép chỉ huy cho đơn vị bám theo xe tăng vào giải phóng Sài Gòn”, ông Hình cho biết.

Đất nước thống nhất, ông Bùi Xuân Hình cùng đồng đội tiếp tục làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia và tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Năm 1998, ông nghỉ hưu trên cương vị Phó tham mưu trưởng kiêm Trưởng phòng Tác chiến Binh chủng Đặc công. Năm 2018, ông Bùi Xuân Hình được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vì đã có những thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

KHÁNH AN