Trên hành trình công tác xuôi ngược của tôi đến các tỉnh miền Trung, vào Nam ra Bắc, kể cả khi có mặt hoặc vắng mặt, thì những câu chuyện về Anh hùng LLVT nhân dân, cựu chiến sĩ Điện Biên Phủ Phùng Văn Khầu đều rất đặc biệt, vui vẻ. Có những chuyện của ông cười ra nước mắt, nhưng nó đánh dấu một giai đoạn đất nước rất khó khăn mà chúng ta đã vượt qua.

Một trong những câu chuyện mà chúng tôi nghe được là chuyện vợ ông buộc dây thừng vào cổ chân của chồng vì sợ chồng... chết đuối! Chuyện này Anh hùng Phùng Văn Khầu chưa tiết lộ với giới truyền thông, nên nhiều người chưa biết. Chuyện xảy ra vào thập niên 80 của thế kỷ trước, khi Anh hùng Phùng Văn Khầu là cán bộ của Trường Sĩ quan Pháo binh, mang quân hàm cấp tá. Nhà trường đóng quân trên địa bàn thị xã Sơn Tây, đất sỏi khô cằn, bốn bề sim mua đắng chát, bốn phía đói nghèo bủa vây, lại đúng thời điểm vợ yếu, con thơ sài đẹn quanh năm, đã khiến người anh hùng phải hết sức vất vả mưu sinh. Trong hoàn cảnh ấy, gia đình ông cũng như bao gia đình khác phải chăn nuôi gà, lợn rồi bán lấy tiền nuôi sống gia đình. Nhưng thức ăn cho gà, lợn lấy ở đâu ra? Nhất là giống lợn lai kinh tế ngốn thức ăn như “thuồng luồng”. Bị đói là chúng kêu đinh tai nhức óc, vì thế phải làm sao để chúng có đủ thức ăn, lớn nhanh còn xuất chuồng?

Thế là vợ chồng Anh hùng Phùng Văn Khầu dắt nhau đi kiếm rau cỏ khắp nơi để đổ vào máng cho lợn ăn. Nhìn ra xung quanh, nhà nào cũng làm theo phương thức ấy, thành ra rau cỏ dần dần cạn kiệt, đến lá sắn trên đồi cũng bị vặt trụi; những bụi chuối tây, chuối tiêu đắng chát cũng bị đào sạch gốc rễ. Lá cây khoai lang bị các chủ ruộng, chủ hợp tác xã phun thuốc trừ sâu để chống hái trộm. Vì vậy, vợ chồng ông phải đèo nhau trên chiếc xe đạp cà tàng đi xa hàng chục cây số tới các hồ sâu, thùng đấu tìm cây rau tóc tiên mọc sâu ba, bốn thước dưới nước, vớt lên đem về làm thức ăn cho lợn. Khốn nỗi, trời rét, hồ nước nông sâu khó lường, cây tóc tiên dưới nước trơn tuồn tuột như lươn, trạch và cũng khó kiếm, thỉnh thoảng mới có được đám rau. Thế là ông lại phải lặn tìm ở những chỗ xa hơn, đoạn hồ sâu hơn để vớt rau. Khi ông lặn xuống, ngồi trên bờ đợi chồng, người vợ lo thon thót, chỉ sợ ngộ nhỡ có mệnh hệ gì. Một hẻm nước sâu quá hơi nhịp thở? Một thân cây gốc rễ ngoằn ngoèo giăng mắc? Thậm chí bom, mìn còn sót lại đâu đây? Tất cả đều có thể là những tai ương chực chờ phía trước.

leftcenterrightdel
 Vợ chồng Anh hùng Phùng Văn Khầu, năm 2017. Ảnh: MINH THU

Thấu hiểu nỗi sợ hãi phấp phỏng của vợ, ông bèn nghĩ ra một cách: Trong tất cả cuộc lặn xuống vụng sâu mò cây rau tóc tiên, ông đều đem theo một sợi dây thừng rất dài, một đầu buộc chắc vào cổ chân, một đầu dây đặt vào tay vợ, dặn: “Cứ độ hai, ba phút, cho dù là anh có giật dây hay không, thì em cứ phải kéo lên cho chắc ăn, chứ nước ở đây sâu và lạnh lắm!”. Vợ ông mếu máo nở nụ cười, nghe lời chồng căn dặn mà trong lòng như có dao cắt cứa tâm can. Nhưng từ “sáng kiến” ấy mà vợ ông yên tâm hơn mỗi lần ông lặn sâu dưới nước mò rau tóc tiên.

Một hôm sau này, khi có đầy đủ cả vợ chồng Anh hùng Phùng Văn Khầu và bà Hà Thị Cay ở nhà riêng, trong căn phòng ấm áp đầy ắp tiếng cười, tôi bèn hỏi ông: “Bác Khầu! Trần đời cháu chưa thấy ai như bác. Ai lại đi lấy dây thừng tự buộc vào cổ chân lặn xuống âm ti củ tỉ kiếm mấy thứ ba vạ, ngộ nhỡ mắc vào gốc cây ngầm dưới nước rồi không quay trở lại được thì biết kêu ai?”.

Anh hùng Phùng Văn Khầu cười lớn. Khi ông chưa kịp trả lời tôi thì bà Hà Thị Cay đỡ lời: “Ôi dào ơi! Ông Khầu nhà tôi bom đạn giặc Pháp, giặc Mỹ giội ầm ầm không chết, làm sao lại chết ở mấy cái hố nước ấy được!”.

Nhưng ngày 25-8-2021, giữa lúc đại dịch Covid-19 hoành hành, tin người Anh hùng Điện Biên Phủ Phùng Văn Khầu đột ngột trở về với thế giới người hiền khiến tôi lòng dạ bâng khuâng, nuối tiếc. Thế là tôi không còn được gặp ông những lần đi nói chuyện truyền thống, dự hội thảo, gặp mặt kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ... Ông thực sự là tấm gương sáng, hình mẫu Bộ đội Cụ Hồ.

Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI