“Ở Quân chủng Phòng không-Không quân, người ta gọi đùa chúng tôi là “anh hùng buồng tối”. Lính radar mà! Nhưng góp phần để Tổ quốc không bị bất ngờ, để chiến thắng được “siêu pháo đài bay” B-52 của Mỹ trong Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng năm 1972, nhiều đồng đội tôi đã hy sinh. Đường tới chiến thắng thấm đẫm mồ hôi và máu của người lính”-Đại tá Nghiêm Đình Tích nói với tôi như vậy.

Ông sinh năm 1946 ở xã Quảng Phú Cầu (nay thuộc Ứng Hòa, Hà Nội). Tháng 8-1964, tốt nghiệp phổ thông trung học (hệ 10 năm lúc đó), ông nhập ngũ vào Trung đoàn 260 thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân. Đầu năm 1965, ông được cử đi học radar P-35. Tháng 8-1965, Hạ sĩ Nghiêm Đình Tích được điều về Đại đội 45 radar dẫn đường trực thuộc Sở chỉ huy Binh chủng Không quân ở vị trí đài trưởng. Lúc này, Mỹ đã leo thang chiến tranh, dùng máy bay mở rộng đánh phá miền Bắc.

Ban đầu, Đại đội 45 chủ yếu dẫn đường cho không quân đánh máy bay trinh sát có người lái, cường kích, tiêm kích nhỏ. Năm 1966, Đại đội 45 dẫn đường cho không quân đánh máy bay trinh sát tầm cao, máy bay không người lái. Năm 1967, Mỹ liên tục đưa máy bay leo thang đánh phá Hà Nội. Đại đội 45 đã dẫn đường cho máy bay MiG của ta bắn rơi 90 máy bay địch.

- Tháng 11-1967, để mở đợt đột kích lớn đánh phá Hà Nội, không quân Mỹ dùng máy bay EB-66 gây nhiễu rất nặng từ xa gây khó khăn cho ta. Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân lệnh cho radar dẫn đường để không quân đánh EB-66. Quả là nhiệm vụ khó khăn. Chúng tôi chưa bao giờ thấy tín hiệu của EB-66, vì công suất gây nhiễu của nó lớn, hơn nữa, loại máy bay này vừa bay vừa gây cả nhiễu tích cực (máy phát nhiễu vô tuyến) và nhiễu tiêu cực (máy phóng sợi giấy bạc). Bằng việc rút kinh nghiệm chiến đấu từ năm 1965 đến 1967, cuối cùng chúng tôi đã xác định tọa độ của EB-66 khi nó gây nhiễu. Ngày 19-11-1967, tôi là Đài trưởng cùng hai trắc thủ radar đã trợ giúp sĩ quan dẫn đường cho biên đội MiG-21 Vũ Ngọc Đỉnh, Nguyễn Đăng Kính bắn rơi một EB-66 ở phía Tây Thanh Hóa - ông Nghiêm Đình Tích cười vui kể lại.

leftcenterrightdel

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao quà lưu niệm tặng Đại tá Nghiêm Đình Tích (ngoài cùng, bên trái) tại Phủ Chủ tịch, tháng 12-2012. Ảnh chụp lại

Nhưng thành tích nổi bật nhất trong cuộc đời quân ngũ của ông, mà sau này ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, là cùng đồng đội vạch nhiễu, tìm B-52 trong Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng năm 1972.

Cuối năm 1969, Đại đội 45 được lệnh cơ động vào Nghệ An, biên chế thuộc Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 290, trực tiếp bảo đảm dẫn đường cho không quân hai sân bay Vinh và Anh Sơn đánh máy bay B-52 và AC-130.

B-52 được mệnh danh là “siêu pháo đài bay” bất khả xâm phạm, là niềm tự hào của không quân Mỹ. Bên cạnh đó, chúng lại được nhiều máy bay chiến thuật bảo vệ, đã làm cho hầu hết đơn vị radar của ta lúc bấy giờ không phát hiện ra tín hiệu khi nó bay vào. Ngay cả Đại đội 45 được trang bị 6 máy thu đều bị nhiễu nặng khi để cả 6 máy vào màn hiện sóng. Qua nhiều ngày đêm thức trắng và với kinh nghiệm chiến đấu, Nghiêm Đình Tích cùng các trắc thủ phát hiện ra một vấn đề vô cùng quan trọng: Sau khi trinh sát trên 6 máy thu, thấy máy thu số 5 ở ăng ten trên bị nhiễu nhẹ nhất, ông quyết định chỉ sử dụng máy thu này, đồng thời không cho tín hiệu 5 máy thu còn lại vào màn hiện sóng; cho chúc ăng ten trên xuống -7,5 độ và tập trung thao tác chống nhiễu tốt nhất. Lúc này, các dải nhiễu B-52 chỉ còn mờ nhạt và màn hình xuất hiện 3 chấm sáng. Đó là B-52!

Sau đó, Đài trưởng Nghiêm Đình Tích cùng các trắc thủ của Đại đội 45 và Binh chủng Ra-đa hoàn chỉnh quy trình chống nhiễu phát hiện B-52, tạo tiền đề để các đơn vị hỏa lực lập công. Đêm 20-11-1971, Đại đội 45 cùng Đại đội 41 bảo đảm dẫn đường cho phi công Vũ Đình Rạng bắn bị thương một chiếc B-52. Đêm 22-11-1972, Đại đội 45 trực tiếp bảo đảm tình báo cho Trung đoàn Tên lửa 263 bắn rơi một chiếc B-52 ở gần biên giới Lào-Thái Lan. Đây là chiếc B-52 đầu tiên bị bộ đội tên lửa Việt Nam bắn rơi tại chỗ.

Đầu tháng 11-1972, Trung đoàn 291-đơn vị thiện chiến nhất của Binh chủng Ra-đa đang làm nhiệm vụ bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng được điều vào Nghệ An. Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 290 được lệnh rút ra, giữ lại Đại đội 45 bổ sung vào biên chế Trung đoàn 291.

- Đây là quyết định sáng suốt có tầm nhìn xa của trên. Bởi vì Quân chủng nắm chắc nguồn tình báo quân sự là B-52 sẽ đánh phá Hà Nội và bay theo hai hướng cơ bản: Một là từ đảo Guam bay qua Biển Đông theo hướng Đông Nam vào Hà Nội; hai là từ sân bay Utapao (Thái Lan) bay qua Lào từ hướng Tây Bắc vào. Bởi vậy, để cảnh giới phát hiện B-52 bên sườn cánh sóng nhiễu của chúng thì khu vực Nghệ An là nơi thuận lợi nhất, radar ít bị nhiễu nhất, lại sớm báo động cho Tổng hành dinh có phương án tác chiến bảo vệ Thủ đô. Thứ nữa là, không quân Mỹ bị bất ngờ khi ta phục kích ở đây nên không cho máy bay đánh phá radar bằng tên lửa shrike-loại tên lửa từng gây tổn thất cho các đơn vị radar của ta. Cho nên trong suốt chiến dịch, Trung đoàn 291 vẫn an toàn-ông Nghiêm Đình Tích nói.

leftcenterrightdel
 Anh hùng LLVT nhân dân Nghiêm Đình Tích (thứ hai, từ trái sang) và đồng đội, tháng 12-2022. Ảnh: CHÍ PHAN

18 giờ 30 phút ngày 18-12-1972, ngày đầu tiên của Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng năm 1972. Nhận được tin của đơn vị bạn báo có B-52 đang vào nước ta, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 291 Đỗ Năm lệnh cho Thượng sĩ, Đài trưởng Nghiêm Đình Tích và hai trắc thủ mở máy. Trên màn hình xuất hiện các dải nhiễu B-52 đang từ đậm đặc bỗng nhạt hẳn. Trên mỗi dải nhiễu nhẹ xuất hiện 3 chấm sáng. Các tốp B-52 đây rồi! Chúng bay gần chục tốp qua Vientiane, dọc theo sông Mê Công rồi vào Việt Nam theo hướng Tây Bắc. Lúc này, tốp xa nhất của chúng cách Đô Lương (Nghệ An), nơi đóng quân của Trung đoàn 291 khoảng hơn 200km. Cả hai trắc thủ nhanh chóng thông báo mục tiêu cho trên. Ít phút sau, trong cáp nghe của Nghiêm Đình Tích vang lên tiếng của đồng chí Hứa Mạnh Tài, Phó tham mưu trưởng Binh chủng Ra-đa:

- Có đúng B-52 không?

Lúc này, sẵn cáp chỉ huy đeo trên tai, Đài trưởng Nghiêm Đình Tích trả lời ngay:

- Báo cáo, chính xác là B-52!

Phó tham mưu trưởng Binh chủng cứ sau vài phút lại lặp lại câu hỏi, Đài trưởng Nghiêm Đình Tích vẫn khẳng định như vậy. Khi B-52 đến Cánh Đồng Chum (Xiangkhouang, Lào), ông báo cáo là chúng có khả năng vào Thanh Hóa. Một phút sau, khi B-52 bay qua vĩ tuyến 20, các máy bay cường kích của Mỹ vào Hà Nội thả nhiễu tiêu cực, kíp trực khẳng định với trên là B-52 sẽ vào đánh phá Hà Nội. Lập tức, trực ban sở chỉ huy báo cáo Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân Lê Văn Tri. Tư lệnh Lê Văn Tri báo cáo với Tổng hành dinh và báo động chiến đấu toàn Quân chủng. Lúc này, B-52 cách Hà Nội 35 phút bay. Do nắm tin tình báo sớm, ta đã chủ động đánh địch. Đêm đầu tiên, 8 máy bay Mỹ bị bắn rơi, trong đó có 3 chiếc B-52. Các đêm sau, radar báo sớm cho Hà Nội 40 phút. Trận then chốt đêm 20-12, bộ đội tên lửa bắn rơi 7 chiếc B-52. Đêm 26-12, ta bắn rơi 18 máy bay các loại, trong đó có 8 chiếc B-52. Bộ đội radar và lưới lửa phòng không đã lập chiến công xuất sắc. Sau chiến dịch này, Đại đội 45 được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; Đài trưởng Nghiêm Đình Tích được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì.

Miền Nam giải phóng, Tổ quốc thống nhất, người lính Nghiêm Đình Tích vẫn tiếp tục phục vụ Quân đội. Ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 2008, sau 44 năm công tác, ông được nghỉ hưu. Ngày 30-8-2018, Đại tá Nghiêm Đình Tích được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

HỒNG SƠN