Với danh tiếng rất lừng lẫy được kế thừa từ người cha khả kính, Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng (1912-1982) và với sự khẳng định trong chuyên môn lẫn khi trên cương vị quản lý, bác sĩ Tôn Thất Bách cũng vẫn trung thành với tâm tính nồng nhiệt của mình. Vốn mê thể thao từ bé, anh hồ hởi cho tôi xem bức ảnh anh chụp với danh thủ Maradona trong chuyến công tác châu Âu và những bức ảnh anh chụp với xe mô tô phân khối lớn. Anh cũng tâm sự với tôi nhiều điều tâm huyết về đời và nghề... Sau này, tôi được tham gia một số sự kiện cùng bạn bè trong ngành y, có bác sĩ Tôn Thất Bách cũng như nhiều gương mặt quen thuộc của các ngành. Tôi luôn nhận thấy sự tin yêu, thậm chí ngưỡng mộ mà mọi người dành cho anh.
Phải sống, làm việc và cư xử thế nào thì mới có được tình cảm như vậy từ những người xung quanh. Những năm sau này, ngay cả khi bác sĩ Tôn Thất Bách đã qua đời khá lâu rồi, bạn bè, học trò và người mến mộ anh vẫn thường tụ họp với nhau trong lễ sinh nhật hay ngày giỗ của anh. Anh dường như đã trở thành một điểm tựa của sự tin yêu và đoàn kết đối với họ. Thực tế cho thấy, không phải bất cứ nhân vật thành đạt nào cũng được hưởng một nhân tình thế thái như thế!
Bác sĩ Tôn Thất Bách có thể được coi như một người thuộc diện “con dòng cháu giống”. Ông nội của anh từng là Tổng đốc Thanh Hóa. Cha anh, Giáo sư Tôn Thất Tùng, là một cây đại thụ trong nền y học Việt Nam. Rất ý thức về hoàn cảnh xuất thân của mình, anh đã tâm sự trong một lần trả lời phỏng vấn của tôi: “Những thành công hôm nay của tôi chắc chắn là từ sự giáo dục của cha. Mặc dù tôi không bao giờ dựa vào hào quang đó để đạt được ngày hôm nay, nhưng tôi trưởng thành cũng là nhờ những hào quang đó. Người ta nhìn vào tôi khắc nghiệt hơn, nhưng cũng dễ dàng cảm thông hơn. Cha tôi để lại cho tôi: Thứ nhất là sự trung thực, trung thực từ những việc nhỏ nhất trở đi cho tới việc nghiên cứu khoa học. Một người làm công tác nghiên cứu khoa học, làm việc mổ xẻ mà không trung thực thì không ai có thể phát hiện ra được, nhưng đã không trung thực rồi, đã nói dối một lần là sẽ nói dối lần thứ hai, thứ ba... Thứ hai là tính nghiêm khắc, cái đó cực kỳ quan trọng, tức là mình không được thỏa mãn với cái mình đạt được. Thứ ba là lòng thương yêu con người. Điều này tôi nghĩ, nói rất dễ nhưng khi thể hiện trong tâm tư, tình cảm và hành động của mình thì không dễ. Thứ tư là sự tự lập, tức là mình phải tự làm mọi việc của mình ngay từ bé, không dựa dẫm. Bản thân tôi được cha dạy là tự đứng trên đôi chân của mình. Khi làm gì mà cảm thấy không đúng với lời cha thì đấy là lỗi của mình!”.
|
|
Phó giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Bách, năm 2003. Ảnh: TRỊNH VIỆT ĐÔNG
|
Thời điểm Tôn Thất Bách chào đời tại Hà Nội, cha anh đang là bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác Hồ đã tới thăm và đặt tên cho anh. Ở tuổi mới lớn, Tôn Thất Bách không nghĩ tới việc nối nghiệp cha. Anh kể: “Lúc đầu tôi cũng không nghĩ là theo ngành y. Thế hệ chúng tôi ở thập niên 1960 thì có hai cái ưa thích: Một là đi bộ đội, hai là ngành mới nhất là công nghệ vô tuyến điện. Tôi thích cả hai. Tôi đã ước, nếu đi bộ đội thì sẽ trở thành phi công, hoặc là chiến sĩ hải quân. Còn một cái thú nữa của tôi lúc đó là muốn trở thành vận động viên. Tôi rất thích thể thao. Gần như toàn bộ thời gian rảnh rỗi ngoài lúc đi học, tôi lao vào chơi bóng rổ... Khi thi đại học, tôi 16 tuổi rưỡi, không được nhận vào trường Bách khoa (Đại học Bách khoa Hà Nội ngày nay). Thấy vậy, cha tôi mới bảo đưa hồ sơ để ông nộp thi vào trường y. Và tôi đã vào được trường y. Tuy nhiên, trong năm thứ nhất, thứ hai, tôi vẫn chưa xác định rõ cho mình về nghề, vì vẫn đam mê thể thao.
Thế nhưng, khi Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, trường tôi phải đi sơ tán. Thế là không còn chỗ để chơi thể thao nữa nên tôi mới dành thời gian vào việc học. Khi đó, tôi đang học năm thứ ba và bắt đầu hứng thú với nghề y. Đơn giản vì mình không có việc gì khác nên tập trung học, rồi giúp bạn bè trong lớp. Đến khi nghỉ hè, về Hà Nội, rảnh rỗi thì mẹ rủ tôi vào bệnh viện. Ở đây, tôi mới hiểu thêm về nghề và yêu thích ngành y. Khi tôi thích thì cha mới bắt đầu định hướng, còn suốt trong những năm đầu, ông cứ để mặc cho tôi độc lập...”.
Cũng từ năm thứ ba đại học, Tôn Thất Bách đã được cha cho làm phụ mổ. Và luôn luôn trong các kíp mổ, anh đều được bác sĩ Tôn Thất Tùng cho làm người thứ hai trong kíp. Anh giải thích: “Người thứ hai trong kíp là người phải kéo banh vết cắt của bác sĩ chính ra. Tôi khỏe nên được cha cho làm việc ấy...”. Chính những lần được sát cánh bên người cha khả kính trong công việc đã giúp bác sĩ Tôn Thất Bách có được nhiều bài học bổ ích không chỉ về nghề mà cả về đời, về đối nhân xử thế. Anh kể: “Một lần, có anh thương binh vào bệnh viện tranh cãi. Anh ấy không đúng và tôi đã cự lại. Thấy vậy, cha đã gọi tôi lên gặp và bảo: Người thương binh có quyền được như vậy vì người ta đổ máu cho đất nước, ngay cả người ta sai thì mình cũng phải cố gắng nén nhịn để tìm biện pháp giải quyết...”.
Đấy là lời khuyên con trai từ một người cha mà bản thân cũng nổi tiếng vì sự nóng tính trong công việc. Bác sĩ Tôn Thất Bách kể lại rằng, khi làm việc với cha mình trong các ca mổ, không ít lần anh đã bị ông quát, thậm chí còn “dùng cán kéo đánh vào tay”. Điều đó theo anh “là rất cần, vì trong lúc phẫu thuật, dạy nhau không thể nói nhiều. Có hai cách, một là đánh, hai là nói, nhưng mà cha tôi hay dùng cách đánh”. “Đòn đau nhớ đời” không phải là biểu hiện của sự quân phiệt vì: “Trong tình thế căng thẳng, muốn dạy mà không thể nào dạy được. Trước mạng sống của người bệnh, không được phép kéo dài. Bất kể một động tác không hợp lý nào của tôi đều bị sửa và sửa bằng cách đơn giản nhất là dùng cán kéo gõ vào tay. Như vậy tự khắc tôi phải nhớ!”, bác sĩ Tôn Thất Bách kể.
Bác sĩ Tôn Thất Bách cũng thừa hưởng được từ cha tình yêu và sự quan tâm đối với lớp trẻ. Anh nói: “Tôi tâm đắc nhất là những điều mà cha tôi đã nói: Khi người tài giỏi chết đi, cái để lại trên đời không chỉ là danh tiếng mà là thế hệ những người tiếp nối. Cho nên, niềm tự hào của mình là thế hệ trẻ còn bao nhiêu thì danh tiếng của mình còn bấy nhiêu!”. Khi là Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, bác sĩ Tôn Thất Bách rất quan tâm tới công tác Đoàn. Đoàn viên ở trường thời ấy cho đến nay vẫn còn nhớ nhiều kỷ niệm thanh xuân sôi nổi và náo nhiệt mà thầy Hiệu trưởng Tôn Thất Bách đã cùng họ tổ chức. Cá nhân tôi vẫn còn nhớ niềm vui khi theo lời mời của bác sĩ Tôn Thất Bách được về Trường Đại học Y Hà Nội dẫn một chương trình giao lưu với sinh viên.
Bác sĩ Tôn Thất Bách cũng là một người rất nghiêm khắc khi tự đánh giá về mình. Anh từng nói với tôi: “Mỗi con người có một bản tính. Tính tôi cũng thẳng, bộc trực nên nhiều khi những câu nói của mình không đúng chỗ có thể gây sự hiểu nhầm. Cái thứ hai là tự trọng, không cho phép mình luồn cúi. Đấy là những nhược điểm mà mình cố gắng sửa. Mình biết cái đó để làm sao phù hợp với công việc chung, để dung hòa các mối quan hệ xã hội”. Nghe thế, tôi đã hỏi anh: “Nhưng nếu được làm lại, anh vẫn sống với tính cách của mình chứ?”. Bác sĩ Tôn Thất Bách đã trả lời: “Tôi nghĩ là như vậy!”.
HỒNG THANH QUANG