Sau khi ta giải phóng Buôn Ma Thuột, buộc địch phải tháo chạy khỏi Tây Nguyên, Trung đoàn 64 chúng tôi cùng Sư đoàn 320 được lệnh truy kích và chặn địch trên Đường số 7 (nay là Quốc lộ 25), tạo nên những trận đánh nổi tiếng: Cheo Reo, cầu Sông Bờ, Củng Sơn... Trưa 24-3-1975, sau ít giờ đơn vị bạn nổ súng đánh chiếm Củng Sơn (Phú Yên), lực lượng rút chạy của địch lọt vào trận địa phục kích của đại đội tôi.
Chính trị viên đại đội Nguyễn Đình Tập động viên mọi cán bộ, chiến sĩ thi đua diệt xe tăng địch. Tôi vác khẩu B40 dẫn tiểu đội men theo bờ sông Ba truy tìm xe tăng địch. Khoảng 15 phút sau, tôi phát hiện một chiếc M41 đứng tại chỗ đang bắn xối xả vào rừng cây bên kia đường. Rất bình tĩnh, tôi tì B40 lên thân cây đổ, lấy đường ngắm và bóp cò. Khói đen phun ra trùm kín xe tăng địch. Tôi vội di chuyển để tránh hỏa lực địch bắn trả.
Cùng lúc đó, có chiến sĩ của Đại đội 5 thuộc tiểu đoàn tôi bị thương gãy chân, được đồng đội cõng từ rừng ra đang cần cấp cứu gấp. Tôi đoán trong xe tăng địch thế nào cũng có nẹp cáng, bèn trèo lên tháp rồi chui vào trong xe. Đang loay hoay tìm kiếm thì thấy đạn lửa nổ đanh trên nóc xe. Nhìn qua mắt kính ở tháp pháo, tôi phát hiện một xe tăng địch đứng cách đó không xa đang nã đạn vào chiếc xe tôi vừa chui vào. “Chắc chúng nó thấy mình chui vào trong xe nên định dùng pháo tăng bắn hủy luôn”-nghĩ vậy, tôi thắt lại dây mũ, dây lưng, rút chốt lựu đạn, đếm 1, 2, 3 rồi ném mạnh về phía chiếc xe tăng đang nhả đạn. Lợi dụng khói bụi do lựu đạn nổ, tôi vọt qua tháp pháo, lăn xuống bờ sông. Lát sau nhìn lên, tôi thấy chiếc xe mình mới rời khỏi bốc cháy ngùn ngụt. Hút chết!
Ngày 28-4-1975, Quân đoàn 3 cùng với toàn mặt trận mở đợt 2 Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đại đội 7, Tiểu đoàn 8 chúng tôi trong đội hình Trung đoàn 64 làm nhiệm vụ luồn sâu tiêu diệt đồn Ấp Chợ-Tân Phú Trung để bảo đảm đường tiến công chủ yếu của chiến dịch đánh vào Sài Gòn. Trận đánh ác liệt suốt từ mờ sáng đến 10 giờ chưa dứt điểm. Địch dựa vào lô cốt, hàng rào dây thép gai cố thủ. 10 giờ 30 phút, Trung đoàn trưởng Trần Văn Thân xuống tận công sự chiến đấu của chúng tôi nắm tình hình rồi ra lệnh: “Mỗi đảng viên nhận một quả bộc phá lên mở cửa đánh chiếm đồn địch ngay. Chủ lực của ta từ Củ Chi sắp tới đây rồi!”.
Tôi nhận quả bộc phá ống thứ tư, đồng nghĩa với việc là người thứ tư lên mở cửa. Hỏa lực chi viện vẻn vẹn có 2 khẩu 12,7mm của tiểu đoàn, 2 khẩu cối 60mm và vài khẩu B40, B41 của đại đội. Yếu tố bí mật, bất ngờ không còn, khó khăn, nguy hiểm đang ở phía trước, biết vậy nhưng không một ai trong chúng tôi ngần ngừ, toan tính. Tôi tự nhủ, nếu chẳng may bị thương thì phải cố lăn ra ngoài cửa mở càng nhanh càng tốt để đồng đội xông lên. Đang chuẩn bị thì bỗng ở ngoài Đường 22 ầm ầm tiếng xe tăng, xe bọc thép chạy tới.
Nhìn ra thì thấy xe của địch từ Đồng Dù, Củ Chi tháo chạy về Sài Gòn. Ngay sau đó là đoàn xe tăng ta cắm cờ giải phóng truy kích địch đang lao tới. Chúng tôi chạy ra đường chào đón và chỉ tay vào tháp canh trong đồn Ấp Chợ. Ngay lập tức, xe tăng ta dừng lại, quay nòng pháo bắn sập tháp canh rồi vượt qua. Chúng tôi lao vào cổng chính của đồn thì đã thấy quân địch vứt súng đứng hàng trong sân. Trận đánh thắng lợi bất ngờ mà đơn vị tôi không có ai hy sinh, đó là nhờ uy lực của xe tăng ta.
Nhớ lại kỷ niệm đó, sau này, trên cương vị chỉ huy cấp sư đoàn rồi quân đoàn, tôi đều dành ưu tiên quan tâm đến việc xây dựng, huấn luyện, kiểm tra, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng xe tăng, thiết giáp, như ngầm trả ơn những người lính tăng đã chia lửa vô cùng kịp thời và quý giá trong trận đánh trước ngày toàn thắng.
Đại tá KHUẤT DUY HOAN (Nguyên Phó tư lệnh Quân đoàn 3)