Ông Võ Thành Trung, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hồng Dân nói: “Từ đây vào Cái Chanh gần 20km nhưng cũng phải nửa tiếng chạy xe. Trước kia muốn vô đó phải chạy xuồng máy. Từ khi những cây cầu tạm, cầu dừa được thay thế bằng cầu bê tông, cầu sắt do Ban liên lạc đồng hương Bạc Liêu - Cà Mau tại Thành phố Hồ Chí Minh quyên góp và kêu gọi các mạnh thường quân giúp đỡ kinh phí xây dựng, cùng với người dân tự nguyện hiến đất mở đường, thì việc đi lại đã thuận tiện. Huyện chúng tôi không phải mất một đồng nào cho việc giải phóng mặt bằng”...
Đón chúng tôi ngay tại cổng vào căn cứ Cái Chanh là các anh chị trong Ban Quản lý Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Cái Chanh và cán bộ xã Ninh Thạnh Lợi. Sau hồi bắt tay chào hỏi, chúng tôi được bà Nguyễn Thị Bích, Phó chủ tịch UBND xã giới thiệu: “Căn cứ Cái Chanh nằm trên địa bàn xóm Cái Chanh Nhỏ, ấp Cây Cui, xã Ninh Thạnh Lợi. Việc lựa chọn nơi đây làm căn cứ có nhiều lý do, trong đó lý do chính là xã Ninh Thạnh Lợi nằm ở phía Tây của huyện, có rừng tràm rậm rạp, kênh xáng chằng chịt nhưng dễ dàng tới các sông lớn như: Sông Cái Trầu, sông Gành Hào và đặc biệt là tiếp giáp với các tỉnh: Cà Mau, Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang, rất thuận lợi cho việc liên lạc và phân tán lực lượng. Nơi đây có truyền thống quật cường của những người nông dân trong xã qua cuộc nổi dậy Ninh Thạnh Lợi năm 1927 chống lại thực dân Pháp và cường hào, ác bá”.
Nghe bà Bích nói chuyện, chúng tôi được biết, cha của bà Bích vốn quê ở Vĩnh Phú (nay là Phú Thọ); người chiến sĩ Giải phóng quân ấy bị thương trong một trận đánh và đi lạc vào một nhà dân trong xã. Ông được bà con chăm nuôi, chữa trị vết thương và giấu tung tích. Rồi ông thành du kích xã và nên duyên với một cô gái làng. Sau năm 1975, ông ở lại đất này sinh sống. Bà Bích cho biết: “Bố tôi mới ra Bắc thăm họ hàng do Tết Quý Mão 2023 không về quê được”.
|
|
Du khách tham quan tại nhà bia ghi lược sử Căn cứ Cái Chanh. |
Căn cứ Cái Chanh khá rộng, cây cối xanh tốt và có hệ thống kênh nối nhau. Dường như mọi thứ của thời trước đều được giữ gìn, tôn tạo và phục dựng. Ngày 31-12-2020, di tích căn cứ Cái Chanh được công nhận là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt và tỉnh Bạc Liêu cũng tiến hành đầu tư cơ bản. Khu di tích được bố trí thành hai phần chính với nhiều hạng mục. Phần 1 bao gồm: Nhà trưng bày; nhà bia ghi lược sử và cảnh quan sân vườn, cây xanh, đường dạo. Phần 2 là khu căn cứ cũ với những ngôi nhà ở của các đồng chí lãnh đạo, nhà làm việc của cơ quan Tỉnh ủy, Xứ ủy cùng hội trường, phòng họp, khu nhà hậu cần, y tế. Khu này còn được kết nối với nhau tạo thành một liên kết hệt như những ngày căn cứ còn hoạt động bí mật. Nhìn thế bố trí mới thấy căn cứ trước đây rất thuận lợi cho việc đi lại, cơ động chiến đấu, sơ tán khi địch bắn phá hoặc cho quân lùng sục vào căn cứ. Hiện nay, khu di tích còn có bến đò và cầu tàu cho khách tham quan bằng đường kênh xáng trong và ngoài khu di tích.
Sau chừng 15 phút thăm thú cảnh quan, chị Phan Thị Ánh Trúc, hướng dẫn viên của khu di tích mời chúng tôi vào thăm nhà trưng bày. Theo như chị Trúc giới thiệu, tháng 10-1949, cơ quan Xứ ủy Nam Bộ được dời từ Đồng Tháp Mười về Khu căn cứ Tỉnh ủy này. Tại đây, Xứ ủy Nam Bộ và từ năm 1952 là Trung ương Cục miền Nam đã có nhiều chủ trương quan trọng để chỉ đạo cách mạng miền Nam lúc bấy giờ. Những thành tựu vượt bậc của phong trào cách mạng Bạc Liêu luôn gắn liền với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Xứ ủy Nam Bộ, của Trung ương Cục miền Nam. Sự có mặt của cơ quan Xứ ủy Nam Bộ, của Trung ương Cục miền Nam, các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy, lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam (mà sau này đã trở thành lãnh tụ của Đảng, Nhà nước ta, trong đó có các đồng chí: Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Ung Văn Khiêm, Võ Văn Kiệt...) là niềm vinh dự, cổ vũ lớn lao đối với Đảng bộ và quân dân Bạc Liêu. Kể từ đó, Đảng bộ Bạc Liêu được sự giúp đỡ và chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí lãnh đạo trong suốt hai cuộc kháng chiến.
Khi tham quan, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với chiếc lu đựng nước mà bà con trong ấp đã mang đến trao tặng khu căn cứ. Chị Trúc cho biết: “Do cấu tạo nền đất ở đây là vùng ngập nước nên việc đào hầm trú ẩn rất khó khăn vì nước sẽ ngấm đầy vào hầm. Bà con biết vậy nên đã mang chiếc lu to này vốn dùng trữ nước sử dụng của nhà mình để khu căn cứ chôn xuống đất”. Chiếc lu được chôn và có nắp đậy chắc chắn đã tạo thành một chiếc hầm trú tránh bom đạn không bị ngấm nước, khá an toàn và thiết thực. Chiếc lu này được đặt ngay chân giường của đồng chí Lê Duẩn và nó trở thành căn hầm trú ẩn của đồng chí Bí thư Xứ ủy (sau là Bí thư Trung ương cục). Ấn tượng tiếp theo là chiếc xuồng lườn nhỏ gọn và dài. Chị Trúc cho hay: “Chiếc xuồng lườn này là phương tiện đi lại từ khu căn cứ tới các cơ sở của đồng chí Võ Văn Kiệt khi đồng chí là Khu ủy viên. Đồng chí Võ Văn Kiệt mỗi khi đi công tác được anh em bảo vệ và nhân dân chống chèo đưa xuồng luồn lách qua những vạt cây tràm rậm rạp để che mắt quân thù”.
Rời nhà trưng bày, chúng tôi đi thăm những ngôi nhà xưa từng là chỗ ở, nơi làm việc của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy và Xứ ủy. Những ngôi nhà đơn sơ được dựng từ những thân tràm, lợp lá dừa, tuy độc lập nhưng được bố trí liên hoàn, thuận tiện. Ngôi nhà của đồng chí Lê Duẩn vẫn còn đó, phía trước là gian dành để hội họp, phía bên trong là gian ngủ cùng chiếc hầm trú ẩn độc đáo.
Bên những con đường nhỏ trong khu căn cứ, thấp thoáng dưới tán lá tràm rung rinh trong gió, chúng tôi như thấy đâu đây bóng dáng các đồng chí lãnh đạo vẫn đang vào ra khu căn cứ. Trong không trung lanh lảnh tiếng chim hót véo von, một khung cảnh thật yên bình giữa miền Tây sông nước...
Với 26 năm hình thành và hoạt động (từ năm 1947 đến tháng 1-1973), khu căn cứ Cái Chanh đã đóng góp to lớn vào chiến thắng chung của dân tộc, góp phần làm sáng ngời truyền thống cách mạng hào hùng của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Bạc Liêu.
|
Ghi chép của NGUYỄN TRỌNG VĂN