Tại buổi tọa đàm chủ đề “Binh nghiệp-con đường tôi lựa chọn”, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 3, Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4) có dịp được gặp gỡ, trò chuyện với Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Thành Ngưỡng. Ông thuộc thế hệ cán bộ góp sức xây dựng Trung đoàn từ những ngày mới thành lập. “Hôm đó, tỉnh dậy tại Bệnh viện Quân y 7A sau nhiều ngày hôn mê, tôi thấy các cô y tá cứ nhìn mình cười khúc khích. Tò mò, tôi mới gặng hỏi bác sĩ trực tiếp điều trị để tìm hiểu lý do. Thì ra, lúc tôi được đồng đội đưa về Bệnh viện, trên người chỉ mặc độc chiếc quần đùi. Tôi vừa ngại vừa bất ngờ. Trong trận chiến đấu ác liệt, mình đã gặp may...”, Anh hùng Nguyễn Thành Ngưỡng mở đầu câu chuyện.

Năm 1968, Nguyễn Thành Ngưỡng là Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 95c (nay là Trung đoàn 3, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4). Vào 23 giờ ngày 14-11-1968, Đại đội 1 tham gia mở cửa tấn công cụm chốt dã ngoại. Hỏa lực của địch từ trong các lô cốt và xe tăng bắn ra rất mạnh. Một số đồng chí cơ động lên đã trúng đạn hy sinh bên ngoài cửa mở. Trước tình huống nguy cấp đó, Nguyễn Thành Ngưỡng quyết định một mình xung phong mở “đường máu” cho đơn vị.

Ông Ngưỡng kể lại: “Lợi dụng địa hình và chớp thời cơ địch tạm dừng bắn, tôi bò lên phía trước cách 40m, sử dụng súng B40 của đồng đội vừa hy sinh, bắn phát đầu tiên tiêu diệt được ngay lô cốt bên phải cửa mở. Địch phát hiện ra liền bắn như vãi đạn về hướng tôi đang ẩn nấp, đồng thời chúng đưa xe tăng án ngữ cửa mở. Trước tình huống đó, tôi bình tĩnh ngắm bắn phát thứ hai tiêu diệt xe tăng địch, sau đó tiếp tục vận động ngắm bắn phát thứ ba tiêu diệt lô cốt bên trái cửa mở. Trong lúc vận động, quần áo tôi bị móc vào hàng rào dây thép gai. Địch lại chống trả quyết liệt. Không chần chừ, tôi cởi luôn quần ngoài ra, nhảy lên xác xe tăng địch, hô to: “Xung phong!”.

leftcenterrightdel

Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Thành Ngưỡng kể chuyện truyền thống với cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 3, Sư đoàn 9. 

Khi nghe tiếng hô, lực lượng phía sau liền ào lên vượt qua cửa mở, chiến đấu ngoan cường, giành giật quyết liệt với địch, đánh chiếm các mục tiêu, tạo điều kiện cho đơn vị bạn tiêu diệt toàn bộ địch tại cụm chốt dã ngoại. Trên đường lui quân, Nguyễn Thành Ngưỡng trúng mảnh đạn pháo của địch, bị thương nặng ở ngực và chân, rồi ngất đi, được đồng đội đưa về tuyến sau điều trị. Trận này, Trung đoàn tiêu diệt hơn 1 tiểu đoàn lính Mỹ. Cá nhân Nguyễn Thành Ngưỡng tiêu diệt khoảng 50 tên địch, phá hủy 2 lô cốt, 5 hầm, các ụ pháo, 1 xe tăng của địch...

“Mặc dù vết thương chưa khỏi, sức khỏe chưa hồi phục, tôi vẫn xin về đơn vị tiếp tục chiến đấu chuẩn bị cho trận đánh tại Quốc lộ 2, đoạn ngã ba Đất Sét, suối Ông Hùng (Tây Ninh). 8 giờ ngày 17-12-1968, khi đoàn xe của địch chạy từ Sài Gòn lên khu vực hồ Dầu Tiếng (thuộc địa bàn huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh), lọt vào trận địa mai phục của đơn vị, tôi chỉ huy bộ đội đánh vào giữa đội hình đoàn xe. Địch phản ứng dữ dội, bắn như vãi đạn vào quân ta. Trong 15 phút, tôi dùng súng B41 bắn liên tục 4 quả, diệt 2 xe tăng, 1 xe chở lính cùng toàn bộ số lính trên xe. Dù tai bị ù đi nhưng tôi vẫn tiếp tục dùng B41 bắn cháy thêm 4 xe tăng, xe bọc thép của địch”, ông Ngưỡng nhớ lại.

Cả hai trận đánh trên, Nguyễn Thành Ngưỡng đều được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt xe cơ giới” và Huân chương Chiến công hạng Nhất. Ngày 28-5-2010, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Năm 1970, vì điều kiện sức khỏe, ông Ngưỡng chuyển ngành. Với ý chí kiên cường và sự nỗ lực không ngừng, ông theo học và tốt nghiệp 4 trường đại học (Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội-nay là Trường Đại học Hà Nội-và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). Dù ở đâu, trên cương vị nào, ông vẫn giữ vững và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Hiện nay, ông là Trưởng ban Liên lạc truyền thống của Trung đoàn 3, Sư đoàn 9. Ông luôn tích cực gắn kết đồng đội, tham gia tuyên truyền, giáo dục truyền thống, làm công tác xã hội, góp sức xây dựng các tổ chức đoàn thể địa phương vững mạnh.

Bài và ảnh: NGUYỄN HIẾU