Sau gần 2 giờ xuôi theo Quốc lộ 22 từ TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh đón chúng tôi bằng cơn mưa nặng hạt. Mưa đập vào cửa kính ô tô ràn rạt. Đại úy Đoàn Văn Duẩn, Trợ lý thanh niên Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh, người “dẫn đường” cho chúng tôi trong chuyến đi bảo: “Bây giờ đang là đầu mùa mưa nên những cơn mưa rào thường đến bất ngờ như vậy. Nhưng các nhà báo yên tâm, mưa đến nhanh mà đi cũng nhanh lắm”. Và quả đúng như vậy! Vừa rời trung tâm thành phố, mưa bớt dày hạt rồi ngưng hẳn.
1. Khi chúng tôi đến Di tích lịch sử Chiến thắng Tua Hai (thuộc ấp Tua Hai, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành) thì ánh nắng vàng đã trải mật trên khắp khuôn viên di tích. Vốn là tháp canh cũ của quân đội Pháp, năm 1956, chính quyền ngụy đã xây dựng nơi đây thành căn cứ quân sự, đồng thời là trung tâm huấn luyện biệt kích và kho vũ khí dự trữ cho cả vùng. Căn cứ quân sự địch tưởng không gì có thể bẻ gãy được đã bị quân dân Tây Ninh cùng các lực lượng vũ trang bí mật áp sát và bất ngờ tiến công.
|
|
Bên tượng đài Chiến thắng Tua Hai, tháng 5-2022. Ảnh: VĂN DUẨN |
Để hiểu thêm về trận đánh lịch sử này, chúng tôi tới xã An Cơ, huyện Châu Thành tìm gặp Anh hùng LLVT nhân dân Bùi Văn Thuyên. Ở tuổi 82, với 9 lần bị thương, 72 vết thương trên cơ thể, trong đó có lần bị thương ổ bụng lộ cả ra nhưng vẫn dũng cảm đánh địch, thương binh hạng 1/4 Bùi Văn Thuyên vẫn không thể quên trận đánh năm nào. Năm 1958, 18 tuổi, với vai trò của một chiến sĩ điệp báo, ông Thuyên tìm cách lọt vào hàng ngũ của địch. Gây được thiện cảm với viên đồn trưởng Tua Hai, ông được hắn nhận làm con nuôi. Đầu năm 1960, để chuẩn bị cho trận đánh, lợi dụng sơ hở của địch, ông đã đưa cán bộ chỉ huy của ta vào đồn địch, nhận là anh ruột của mình. Từ đó, tất cả lối đi, kho đạn, cách bố trí hỏa lực của địch... được báo cáo chi tiết ra ngoài. Nhờ nắm rõ được thông tin từ bên trong, đêm 25, rạng sáng 26-1-1960, quân ta với 3 đại đội bộ binh, 1 đại đội đặc công, cùng với lực lượng bộ đội Tây Ninh, dân quân du kích đã tiến công diệt gọn đồn Tua Hai với hơn 500 tên địch, thu hơn 1.000 khẩu súng. Đây là trận đánh mở đầu Phong trào Đồng khởi ở Nam Bộ. Địa điểm Chiến thắng Tua Hai đã được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa năm 1993.
|
|
Anh hùng LLVT nhân dân Bùi Văn Thuyên (giữa) kể lại trận chiến Tua Hai, tháng 5-2022. Ảnh: KHÁNH AN |
2. Khi biết chúng tôi muốn đi thăm những địa danh lịch sử-văn hóa của quê hương, Đại tá Trần Quốc Hưng, Phó chủ nhiệm chính trị Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh hồ hởi nói: “Tây Ninh là mảnh đất trung dũng, kiên cường gắn với những địa danh lịch sử, văn hóa, những chiến công của đồng bào các dân tộc nơi đây. Để đi thăm hết các địa danh ấy, nhà báo phải dành cả tuần đấy!”. Biết vậy nên chúng tôi muốn tranh thủ thời gian để đi được thật nhiều trong thời gian lưu lại đây. Rời Di tích Chiến thắng Tua Hai, chúng tôi đến với Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam ở xã Tân Lập, huyện Tân Biên. Thuyết minh viên Nguyễn Thị Thúy Vy hướng dẫn đoàn đi theo con đường nội bộ lót đá đỏ phủ xi măng tới thăm nhà ở và làm việc của các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam. Nhà ở và nơi làm việc của các đồng chí: Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, Phạm Thái Bường, Phan Văn Đáng, Phạm Văn Xô, Trần Nam Trung được phục chế gần như nguyên vẹn với cột gỗ, mái lợp lá trung quân, dưới mỗi nhà có hầm chữ A, nối thông ra các giao thông hào. Tại nhà của đồng chí Trần Nam Trung, nguyên Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam, tôi rưng rưng khi thấy những hiện vật gắn với ông trong quá trình làm việc tại đây, từ chiếc đèn dầu, chiếc đài cassette đến cây bút, chiếc kính và mấy tờ báo đã nhuốm màu thời gian. Những hiện vật giản dị đã minh chứng cho tấm lòng trung kiên, bất khuất, quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng đến ngày chiến thắng của lãnh đạo, chỉ huy Trung ương Cục miền Nam.
Đi giữa những tán cây rừng xanh mướt, tôi phần nào hình dung về công tác bảo mật nghiêm ngặt ở nơi đây trong những năm kháng chiến. Trong thời gian tồn tại (từ năm 1962 đến 1975), căn cứ đã trở thành địa chỉ “bất khả xâm phạm” với quân địch. Theo lời giới thiệu của chị Thúy Vy, thời gian đầu, xung quanh căn cứ được bố trí hai lớp hàng rào cây bảo vệ xen kẽ. Lớp thứ nhất gồm những thân cây vạt nhọn (thân cây có đường kính từ 20cm trở lên, dài khoảng 4m) cắm chi chít ở những trảng trống, bưng, bàu... để chống trực thăng địch đổ bộ. Lớp thứ hai gồm nhiều tầng lớp bịt bùng những thân cây còn nguyên cành lá bị cưa đổ nhưng vẫn còn xanh tốt. Cách thức này gọi là “cò” cây (cây bị cưa vào thân khá sâu, đổ xuống nhưng không đứt hẳn, một phần trên vẫn dính vào phần dưới nên cây vẫn tiếp tục sống). Các hàng rào này che chắn rất tốt cho căn cứ, đồng thời vẫn bảo đảm được yếu tố bí mật. Với cách làm ấy, từ máy bay nhìn xuống, toàn bộ cánh rừng vẫn xanh tươi như chưa hề có sự tác động của con người (!).
Trước sự bố phòng cẩn mật ấy, mà 53 ngày đêm (từ 22-2 đến 15-4-1967) “tìm diệt” cơ quan đầu não kháng chiến cũng như phá hủy căn cứ kháng chiến lớn của quân và dân ta ở đây... trong cuộc hành quân Junction City của Mỹ-ngụy đã hoàn toàn thất bại. Về cuộc hành quân này của địch, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từng đánh giá: “Cuộc hành quân Junction City là một cuộc hành quân lớn nhất của quân Mỹ vào vùng căn cứ Bắc Tây Ninh, lại là cuộc hành quân thua đau nhất, là cái mốc đánh dấu đỉnh cao sự thất bại của chúng trong cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai trong âm mưu tìm diệt của chúng”.
|
|
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại nhà đồng chí Võ Văn Kiệt trong Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, tháng 5-2022. |
Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam chính thức được khởi công phục chế, trùng tu vào hai đợt, trong các năm 1992-1994 và 2002-2005. Sau khi hoàn thành, quy hoạch tổng thể khu di tích chia làm 3 phân khu chức năng rõ rệt với khu di tích; khu tưởng niệm và khu bảo tồn cảnh quan thiên nhiên trên diện tích 47ha. Năm 2012, Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (gồm cụm các di tích Trung ương Cục miền Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) đã được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Theo anh Lê Trung Hiếu, Phó trưởng phòng Quản lý và Khai thác di tích, Tổ trưởng di tích Trung ương Cục miền Nam, di tích đã thành “địa chỉ đỏ” trong các đợt về nguồn, sinh hoạt truyền thống, giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay. Anh Hiếu cho biết, chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm 2022, đã có hơn 20.000 lượt người về đây tham quan.
|
|
Dưới chân tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn ở Khu du lịch Quốc gia Núi Bà Đen, tháng 5-2022. Ảnh: THỦY TIÊN |
3. Điểm dừng chân cuối cùng của chúng tôi là Khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen. Núi Bà Đen được ví là “Đệ nhất thiên sơn”, là biểu tượng cho mảnh đất và con người Tây Ninh. Từ bao đời nay, người dân phường Ninh Sơn, TP Tây Ninh vẫn truyền tai nhau về những sự tích kỳ bí nhuốm màu sắc huyền thoại xung quanh ngọn núi này. Trong đó có câu chuyện về người con gái vì giữ tấm lòng trung trinh với người yêu, để không bị kẻ xấu hãm hại đã gieo mình xuống khe núi... Với người dân nơi đây, Bà Đen thường hiển linh để phù hộ dân chúng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Từ năm 2020, UBND tỉnh Tây Ninh và Tập đoàn Sun Group đã chính thức đưa vào vận hành hệ thống cáp treo mới hiện đại. Theo dòng cáp treo lên đỉnh núi có chiều cao 986m-được ví là “nóc nhà Nam Bộ”, chúng tôi hết trầm trồ lại phấn khích khi mây trắng như sà xuống từng chỗ ngồi “làm quen” với du khách. Hết tuyến cáp treo, vừa bước ra khỏi nhà ga Vân Sơn, du khách cảm thấy choáng ngợp trước bức tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn. Được biết, tổng chiều cao của bức tượng là 72m, được đúc bởi hơn 170 tấn đồng đỏ, đã được xác lập kỷ lục về bức tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất châu Á tọa lạc trên đỉnh núi. Trong mây trắng bảng lảng, chắp tay vái lạy tượng bà, đưa mắt ngắm nhìn màu xanh trùng điệp cùng lòng hồ Dầu Tiếng ăm ắp nước, lòng tôi rộn lên những niềm vui. Tôi bỗng nghĩ, một Tây Ninh gắn với những trầm tích văn hóa và cái nôi của cách mạng trong tương lai không xa sẽ “cất cánh” cùng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Điều ấy là có thể tin tưởng và kỳ vọng!
Ghi chép của THU THỦY