Những mốc son lịch sử
Đại đoàn 312 trước đây, Sư đoàn 312 ngày nay là một trong những đại đoàn chủ lực, cơ động đầu tiên của Quân đội ta, được thành lập từ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (27-12-1950). Ngay sau khi thành lập, đơn vị đã ra quân đánh thắng trận đầu giòn giã ở Xuân Trạch trong Chiến dịch Trung Du (Trần Hưng Đạo). Tiếp đó, đơn vị đã tham gia nhiều chiến dịch lớn như: Hoàng Hoa Thám, Lý Thường Kiệt, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào...
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại đoàn 312 đã trực tiếp đánh trận mở màn tại cụm cứ điểm Him Lam và cũng là đơn vị đánh trận kết thúc chiến dịch, bắt sống tướng De Castries và toàn bộ Bộ Tham mưu của quân Pháp tại Điện Biên Phủ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, sư đoàn tham gia nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Lào và lập nhiều chiến công, được Đảng, Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tặng thưởng Huân chương Issara (Huân chương Tự do) và bức trướng “Đơn vị lập công xuất sắc”; chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng Quảng Trị (năm 1972), lập nên những chiến công to lớn. Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, sư đoàn đảm nhiệm tiến công trên hướng bắc cửa ngõ Sài Gòn đã tiêu diệt, làm tan rã và bắt sống toàn bộ Sư đoàn 5 ngụy, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Nguyên là trợ lý tác chiến Ban Tác chiến, Sư đoàn 312, trực tiếp tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đại tá Đào Trọng Lạc, nguyên Chánh văn phòng Học viện Quốc phòng nhớ lại: “Đêm 29, rạng sáng 30-4-1975, Trung đoàn 165 được tăng cường pháo binh, xe tăng tiến công căn cứ Phú Lợi là nơi án ngữ phía bắc cửa ngõ Sài Gòn. Đến 10 giờ 30 phút cùng ngày, trên hướng tiến công chủ yếu của Sư đoàn 312, Trung đoàn 165 và các lực lượng tăng cường phối thuộc đã đánh chiếm và làm chủ căn cứ Phú Lợi. Bộ đội ta cắm cờ giải phóng trên nóc nhà chỉ huy Tỉnh trưởng Bình Dương, bắt toàn bộ ngụy quyền, trong đó có tên Tỉnh trưởng, Đại tá Nguyễn Văn Của. Cùng thời điểm đó, trên hướng Quốc lộ 13, Trung đoàn 141 vượt qua Trảng Bàng, phối hợp với Trung đoàn 209 phát triển tiến công địch trên hướng Lai Khê-Bến Cát. Trước nguy cơ bị tiêu diệt và tan rã, Chuẩn tướng Lê Nguyên Vĩ, Tư lệnh Sư đoàn 5 ngụy đã tự sát tại căn cứ Lai Khê. Trong chiến dịch này, Sư đoàn 312 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, làm tan rã Sư đoàn 5 ngụy; bắt sống 7.740 tên, gọi hàng 3.500 tên (trong đó có 40 sĩ quan), thu 327 xe các loại... giải phóng toàn tỉnh Bình Dương, góp phần vào chiến thắng chung của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử...”.
Sau ngày miền Nam giải phóng, Sư đoàn 312 tiếp tục tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. “Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong xây dựng và chiến đấu, ngày 15-1-1976, Sư đoàn 312 vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân...”, Đại tá Nguyễn Xuân Hiền, Phó chính ủy Sư đoàn 312 tự hào về truyền thống đơn vị.
|
|
Đoàn công tác Bộ Quốc phòng và Bộ tư lệnh Quân đoàn 1 tham quan trưng bày mô hình, đồ dùng huấn luyện năm 2022 của Trung đoàn 141, Sư đoàn 312. |
Xứng danh Sư đoàn Chiến Thắng
Trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị trong sư đoàn, ai cũng đều bày tỏ niềm tự hào về truyền thống, với những tên tuổi đã đi vào lịch sử, như: Anh hùng liệt sĩ Trần Cừ lấy thân mình bịt hỏa điểm của địch; Anh hùng liệt sĩ Trần Can cắm cờ Tổ quốc trên cụm cứ điểm Him Lam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ; Anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót hy sinh thân mình lấp lỗ châu mai; Anh hùng Tạ Quốc Luật, Hoàng Đăng Vinh tham gia bắt sống tướng
De Castries. Đặc biệt, hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, có hơn 100 đồng chí từng công tác tại sư đoàn đã trở thành tướng lĩnh, là những cán bộ cao cấp của Đảng, của quân đội, trong đó tiêu biểu như: Đại tướng Lê Trọng Tấn, nguyên Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Đại tướng Phùng Quang Thanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng... và nhiều cán bộ cao cấp đã và đang công tác, góp phần làm rạng danh Sư đoàn Chiến Thắng anh hùng.
Khi chúng tôi hỏi bí quyết, kinh nghiệm giáo dục, phát huy truyền thống, Đại tá Nguyễn Đức Thích, nguyên Phó chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Hà Nam Ninh (trước đây), nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 chia sẻ: “Tôi luôn giáo dục bộ đội xung quanh mấy cụm từ, đó là: “Chức năng của quân đội là chiến đấu, là đánh giặc; nhiệm vụ của bộ đội là ở chiến trường; trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ là phải đánh thắng. Muốn đánh thắng, trước hết, đội ngũ cán bộ các cấp phải đoàn kết, thống nhất từ trên xuống dưới. Ở mọi lúc, mọi nơi, cán bộ, chiến sĩ phải thực sự đồng sức, đồng lòng; chú trọng rèn luyện nâng cao sức khỏe, trình độ kỹ thuật, chiến thuật, tinh thần gan dạ, không ngại khó, ngại khổ, không sợ hy sinh. Quá trình giáo dục, huấn luyện bộ đội thường đặt yêu cầu cao, khó khăn, phức tạp hơn các tình huống thực tế chiến đấu để bộ đội thấu suốt quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao”.
Tiên phong nơi gian khó, nguy hiểm
Đại tá Nguyễn Xuân Hiền cho biết thêm, cùng với thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, sư đoàn còn thực hiện tốt công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu hộ-cứu nạn; xác định đây là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình. Điển hình 3 năm trước, sư đoàn đã lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời Trung đoàn 141 trực tiếp tham gia chữa cháy ở khu vực Núi Đền (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội). “Vào hồi 7 giờ ngày 8-2-2019 (tức mồng 4 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi), thời điểm đó, tôi là Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 141, nhận lệnh chỉ huy đơn vị nhanh chóng cơ động tới khu vực Núi Đền chữa cháy rừng. Sau gần một ngày, cán bộ, chiến sĩ cùng bà con nhân dân đã không quản vất vả, hiểm nguy chiến đấu với “giặc lửa”; đến 21 giờ cùng ngày thì khống chế, dập tắt được đám cháy...”, Trung tá Nguyễn Quốc Trung, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 141 nhớ lại.
|
|
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 141, Sư đoàn 312 tham gia chữa cháy rừng khu vực Núi Đền (tháng 2-2019). Ảnh: NGỌC LÂM |
Chúng tôi đến thăm Trung đoàn 165, đơn vị vinh dự hai lần được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân (năm 1973 và 2004). Đại úy Đặng Văn Luân, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4 chia sẻ: “Đơn vị luôn đề cao vai trò tiên phong, nêu gương của đội ngũ cán bộ các cấp trong thực hiện nhiệm vụ ở những nơi gian khó, nguy hiểm; thường xuyên nắm chắc diễn biến tư tưởng, bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội và luôn tạo bầu không khí đoàn kết, thống nhất, dân chủ trong đơn vị. Với cách làm trên, 3 năm liên tục (2018, 2019 và 2020), tiểu đoàn được công nhận danh hiệu Đơn vị Quyết thắng”.
Để tiếp tục khơi nguồn, phát huy truyền thống “Đoàn kết-Anh dũng-Chiến thắng”, theo Đại tá Nguyễn Văn Tấn, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Sư đoàn 312, những năm tới, đơn vị tập trung thực hiện tốt 3 khâu đột phá: Nâng cao chất lượng huấn luyện; xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện, chấp hành kỷ luật, bảo đảm an toàn; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức và năng lực, trách nhiệm, tính nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì các cấp...
THÁI DUY LÂM