Cùng bộ đội tên lửa vào chiến trường
Ngay từ khi 4 tuổi, cậu bé Đào Duy Cảnh (sinh ngày 19-8-1941) ở Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội đã mồ côi cha. Chứng kiến cảnh gia đình và làng quê bị quân Pháp đốt phá, nên khi mới hơn 10 tuổi, Đào Duy Cảnh xin được làm liên lạc cho tổ chức cách mạng ở địa phương. Năm 1953, nhận thấy tố chất của thiếu niên Đào Duy Cảnh, cán bộ đã đến nhà, động viên mẹ Cảnh là bà Nguyễn Thị Tơ-một cơ sở cách mạng của xã Cổ Loa gửi con ra vùng tự do học tập. Vậy là thoát ly gia đình, Đào Duy Cảnh lên chiến khu. Là người chịu khó, say mê học tập nên Đào Duy Cảnh từng bước rèn luyện, trưởng thành. Vừa học, Đào Duy Cảnh vừa cùng các bạn học sinh đi lao động tại mỏ than Quán Triều, Nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ... để có tiền ăn học cũng như gửi về quê đỡ mẹ. “Có lẽ do hạnh kiểm và điểm thi tốt nên tôi đã được vào học chuyên ngành vô tuyến điện tại Trường Đại học Bách khoa-niềm mơ ước của nhiều thanh niên thời bấy giờ”, ông Đào Duy Cảnh kể.
Ngày 12-7-1965, tốt nghiệp đại học, kỹ sư Đào Duy Cảnh nhập ngũ. Khoảng một tháng sau, ông được điều động về làm trợ lý xe kips đạn tên lửa thuộc Ban Kỹ thuật Trung đoàn 238 (nay thuộc Sư đoàn 363), Quân chủng Phòng không-Không quân. Cho đến bây giờ, ông Cảnh vẫn thấy tiếc nuối vì thời điểm ông được điều về Trung đoàn 238 thì đơn vị vừa kết thúc khóa huấn luyện chuyển loại tên lửa kéo dài 6 tháng do chuyên gia Liên Xô lên lớp. Lúc này, Tiểu đoàn 85 đã có 12 kỹ sư (6 kỹ sư cơ khí, 5 kỹ sư hóa và 1 kỹ sư điện), Đào Duy Cảnh là kỹ sư thứ 13, duy nhất là kỹ sư vô tuyến điện trong khi các khối của khí tài và đạn tên lửa chủ yếu là điện tử. Chính vì vậy, ông quyết tâm học tập tiến tới làm chủ vũ khí, khí tài để phục vụ chiến đấu. Và sau hơn nửa năm khổ luyện cùng sự giúp đỡ của đồng đội, ông đã cơ bản làm chủ kỹ thuật của khí tài, phát hiện và sửa chữa kịp thời hầu hết các hỏng hóc của xe.
|
|
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đào Duy Cảnh. |
Năm 1966, đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Theo chỉ đạo của trên, Trung đoàn 238 nhận nhiệm vụ cơ động vào chiến trường Khu 4 chiến đấu bảo vệ tuyến giao thông và nghiên cứu cách đánh B-52. Cùng các đơn vị của trung đoàn, kỹ sư Đào Duy Cảnh và Tiểu đoàn 85 nhanh chóng đưa khí tài, xe máy cơ động bám sát đội hình, vừa hành quân vừa triển khai sản xuất đạn cho các đơn vị hỏa lực chiến đấu. Trên đường hành quân, xe kips do đồng chí Cảnh chỉ huy đến ngầm Cà Tang (Quảng Bình) gặp nước dâng to, cọc tiêu chỉ còn mập mờ, việc di chuyển lên phía trước của xe gặp nhiều khó khăn. Trước tình huống đó, ông đã lệnh cho đồng chí Khoán lái xe tắt đèn gầm, còn mình ra ngoài ca bin bám sát đầu xe, “xi nhan” dưới ánh pháo sáng của địch để đi, quyết đưa xe vượt qua trọng điểm an toàn. Tháng 7-1967, đạn tên lửa của Tiểu đoàn 84 bị hỏng, Trung đoàn 238 lệnh cho Tiểu đoàn 85 cử một dây chuyền kiểm tra cơ động, trong đó có kỹ sư Đào Duy Cảnh, cấp tốc cùng tổ chuyên gia Liên Xô vào hỗ trợ. Hơn một ngày làm việc, không phát hiện hỏng hóc, chuyên gia đề nghị đóng máy trở ra Hà Nội xin chi viện của quân chủng. Lúc này, mang tâm trạng lo ngại nếu chờ chuyên gia quân chủng tăng cường thì không biết lúc nào mới đến được, trong khi các đơn vị hỏa lực đang rất cần đạn chiến đấu, Đào Duy Cảnh mạnh dạn đề nghị cấp trên cho phép tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân hỏng hóc trong khi chờ đợi. Được sự đồng ý của chỉ huy các cấp cùng sự hỗ trợ của đồng đội, trải qua 56 giờ không nghỉ, kỹ sư Đào Duy Cảnh đã phân tích hoạt động liên quan giữa xe kips và đạn cùng sự phản hồi giữa đạn và xe kips. Ông đã tìm ra vị trí hỏng nên khí tài và đạn tên lửa được sửa chữa sớm, kịp thời cung cấp cho các đơn vị hỏa lực. 3 trong số đạn tên lửa được sửa chữa lần ấy đã đi vào lịch sử khi lần đầu tiên bộ đội tên lửa Việt Nam bắn rơi máy bay B-52 trên bầu trời Vĩnh Linh ngày 17-9-1967...
Khát vọng trao truyền
Năm 1967, được tin quê nhà bị máy bay Mỹ đánh phá, từ chiến trường, Đào Duy Cảnh gửi về xã Cổ Loa 6 tháng lương cơ bản cấp thiếu úy cùng 20% phụ cấp khu vực chiến trường của mình làm phần thưởng cho các em học sinh. Ông mong các em học hành thật tốt, sau này nối tiếp truyền thống cha anh xây dựng, bảo vệ quê hương. Còn bản thân ở đơn vị, ông vẫn miệt mài với những công việc hằng ngày của mình, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ trên giao với nhiều hành động “táo bạo”. Ví như lần cơ động xe kips ra Hà Nội theo chế độ định kỳ do các chuyên gia Liên Xô đưa phòng thí nghiệm sang kiểm tra, hiệu chỉnh. Sau khi qua Ngã ba Đồng Lộc chừng 1km, do đường hẹp, bánh xe phía sau, bên phải tụt xuống mép cống, kẹt lại khi trời vừa rạng sáng. Để bảo đảm an toàn cho khí tài, tránh địch phát hiện, ông nhanh chóng tổ chức ngụy trang xe, đồng thời quyết định tháo toàn bộ các tủ, khối của khí tài gửi nhờ nhà dân, đề phòng trường hợp nếu bị địch tập kích thì chỉ hỏng vỏ xe. Sau đó, ông cùng đồng đội chia các ngả đi vận động chính quyền và các cơ quan chức năng giúp đỡ, nhất định không để lật xe, bảo vệ bằng được khí tài quý hiếm. Gần một ngày mệt và đói lả, rất may, khi mặt trời dần khuất núi cũng là lúc xe xích và lực lượng cứu hộ tới, kéo xe kips lên an toàn. Trên đường hành quân ra Bắc, nhiều lần gặp máy bay địch đánh phá, mặc dù bị sức ép bom, bị thương ở chân trái nhưng với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao, kỹ sư Đào Duy Cảnh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đưa khí tài về bàn giao xong mới đi điều trị vết thương...
|
|
Kỹ sư Đào Duy Cảnh vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, năm 2018. Ảnh: TUẤN TÚ |
25 năm quân ngũ, trải qua nhiều cương vị khác nhau, ông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được đồng đội đánh giá là con người ham học, say mê công tác, điềm đạm, có lối sống hòa đồng, thân thiện. Đến tháng 8-1990, Trung tá Đào Duy Cảnh, cán bộ Phòng Kế hoạch tổng hợp, Văn phòng Bộ Quốc phòng được nghỉ theo chế độ. Về với cuộc sống đời thường, ông tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương, tham gia cấp ủy liên tục hơn 20 năm. Cùng Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 238, ông thường xuyên tổ chức các chuyến đi thăm lại chiến trường xưa, cũng như động viên, chia sẻ với các đồng đội có hoàn cảnh khó khăn. Không phải bận rộn như khi còn trong quân ngũ, ông đã thành lập và là Chi hội trưởng Chi hội Lịch sử họ Đào Việt Nam, biên chế tại Văn phòng Trung ương Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Ông cũng thành lập và là Chi hội trưởng Chi hội Đào Cam Mộc thuộc Hội Di sản văn hóa Thăng Long-Hà Nội, hai lần được Trung ương Hội Di sản tặng bằng khen và kỷ niệm chương. Chia sẻ với chúng tôi, ông cho biết, nhiều năm trước khi sức khỏe còn tốt, ông thường đi điền dã, sưu tầm thông tin từ nhiều nguồn, tập hợp thành tài liệu tham khảo và viết sách, báo. Đến nay, ông đã có hơn 20 bài báo về danh nhân Cổ Loa họ Đào được đăng tải trên các báo, tạp chí.
Hồi tưởng về những năm tháng tuổi trẻ, ông Đào Duy Cảnh cho biết, ông cũng như lớp thanh niên ngày ấy, bước vào cuộc kháng chiến của dân tộc, không quản ngại gian khổ, hy sinh xương máu, đem sức lực, trí tuệ của mình hiến dâng cho độc lập của Tổ quốc. Còn chúng tôi, sau nhiều lần gặp gỡ, trò chuyện với ông đều cảm nhận thấy sự đôn hậu, khiêm tốn của một người lính trưởng thành qua hai cuộc kháng chiến với sự khâm phục sâu sắc. Kỹ sư Đào Duy Cảnh thực sự là một trong những điển hình tiêu biểu cho lớp trí thức trẻ những năm 60 của thế kỷ trước. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, năm 2018, ông được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, toàn bộ số tiền thưởng đi kèm danh hiệu này cùng với số tiền tiết kiệm hằng tháng, ông dành để vào dịp Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7) gửi những món quà thăm hỏi, tỏ lòng biết ơn tới gia đình và người có công với đất nước ở địa phương nơi cư trú, cùng với hai xã quê hương...
SONG THANH