Còn mãi K8
Một buổi tối năm 1966, Nguyễn Anh Trí và anh trai được bố-một thương binh trong kháng chiến chống thực dân Pháp-nói hai người sẽ rời quê hương huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đi K8.
Ngày ấy, cậu bé 9 tuổi Nguyễn Anh Trí chưa hiểu K8 là gì. Sau cậu mới được biết đây là cuộc sơ tán theo chủ trương của Đảng và Bác Hồ đưa con em các gia đình có công với cách mạng, học giỏi ra Thanh Hóa sống và học tập. Anh trai là Nguyễn Văn Tài (sau này là Thiếu tướng, GS, TS Nhà giáo Nhân dân) thì không muốn đi vì không nỡ xa ba mẹ, nhưng cậu bé Nguyễn Anh Trí thì lại rất háo hức, bởi nghĩ sẽ được hành quân như các chú bộ đội, được đến những miền quê xa, gặp những bạn bè mới...
Đường ra Bắc rất nguy hiểm do máy bay địch thường xuyên giội bom đánh phá. Đoàn đã phải trải qua những ngày hành quân đêm, khi đi vào những vùng heo hút, leo đèo, vượt dốc để tránh sự phát hiện của máy bay địch... May mắn là chuyến đi an toàn vì đến đâu, đoàn cũng nhận được sự giúp đỡ của chính quyền và nhân dân các địa phương. GS Nguyễn Anh Trí nhớ lại: “Nhân dân đã che chở chúng tôi, nhường hầm cho chúng tôi ngủ. Tôi nhớ khi đến Hà Tĩnh, Nghệ An, có nhà còn nấu cơm nếp, làm thịt gà cho ăn vì thương chúng tôi đói. Khi rời quê nhà, tôi mang theo mấy bộ quần áo cũ, tuy không được lành lặn nhưng vẫn đủ dùng bởi luôn được các mẹ, các chị lấy ra may vá những chỗ sờn rách hoặc nhét thêm áo lành vào”.
Nhưng có lẽ kỷ niệm sâu đậm nhất trong lòng GS Nguyễn Anh Trí là những năm tháng được sống trong sự yêu thương, đùm bọc của gia đình ông Lê Văn Chí và bà Dương Thị Xích ở Thọ Xuân, Thanh Hóa. Trong trí nhớ của ông, đó là một gia đình không giàu có nhưng rất êm ấm, thuận hòa: “Ba năm ở Thanh Hóa là ba năm tôi đã được chăm lo, chỉ dạy như một người con trong gia đình. Chưa khi nào tôi thấy trong gia đình xảy ra tiếng cự cãi. Tôi cũng không bao giờ bị mắng. Bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn thấy hạnh phúc vì điều đó!”. Năm 1969, Nguyễn Anh Trí được bố đón về, nhưng những tháng ngày K8 đã trở thành dấu ấn không phai mờ trong tâm trí ông. “Không chỉ có tôi, tất cả bạn bè đã từng sống một thời K8 đều coi đó là những kỷ niệm không thể nào quên. Chúng tôi luôn mang ơn nhân dân Thanh Hóa và những địa phương đã nuôi nấng, chở che trong những tháng ngày gian khó nhất của cuộc đời!”, GS Nguyễn Anh Trí xúc động nói.
Những “ngân hàng” đặc biệt
Nhắc tới GS, TS, AHLĐ, TTND Nguyễn Anh Trí là nhắc đến ngành huyết học-truyền máu, đến phong trào hiến máu nhân đạo lan tỏa trong cộng đồng với những dấu ấn như: Hành trình đỏ, Lễ hội xuân hồng và các công trình y học-ghép tế bào gốc... Thế nhưng, ít người biết ông xuất thân trong một gia đình nghèo, từng có những trải nghiệm K8 nhớ đời để nung nấu ý chí vươn lên. Và lý do đưa ông đến với nghề y chính là từ việc ông nhận được sự chăm sóc tận tình và lời động viên “sau này làm bác sĩ cứu người” của các y, bác sĩ ở Bệnh viện huyện Lệ Thủy trong một trận ốm “thập tử nhất sinh” năm 18 tuổi.
Sau khi hoàn thành khóa đào tạo bác sĩ nội trú tại Trường Đại học Y Hà Nội, ông về công tác tại Khoa Huyết học-Truyền máu, Bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô (nay là Bệnh viện Hữu nghị). Đến năm 2003, ông đảm nhận cương vị Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cũng là lúc những bệnh về máu gia tăng, trong đó có đến 70% là bệnh nhân mắc ung thư máu. GS Nguyễn Anh Trí chia sẻ: “Thời điểm ấy, ghép tế bào gốc cho bệnh nhân ung thư là phương pháp tiên tiến đã được thế giới áp dụng. Một số bệnh viện lớn của ta cũng đã làm. Là những người “đi sau”, chúng tôi tích cực tạo lập nguồn tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng. Phối hợp với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, tháng 5-2014, chúng tôi đã thành lập được ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng với gần 1.000 mẫu có chất lượng (đến nay, ngân hàng này đã lưu trữ được hơn 4.000 mẫu-PV). Và ca ghép thành công tế bào gốc đầu tiên cho bệnh nhân H.T.T.L, 28 tuổi, vào ngày 30-12-2014 từ ngân hàng này đã khẳng định chúng tôi đi đúng hướng”.
Bên cạnh đó, đứng trước nhu cầu lớn về nguồn máu cho bệnh nhân, cùng các cộng sự, ông đã tìm mọi cách để “gỡ khó” bằng việc mở ra hàng loạt chương trình hiến máu nhân đạo. “Tôi không phải là người đầu tiên đề xuất việc hiến máu thiện nguyện, trước đó, GS Bạch Quốc Tuyên, GS Đỗ Trung Phấn đã khởi xướng việc này nhưng chưa thành công. Tôi suy nghĩ rằng, phải tạo được những phong trào lớn, mang tính toàn quốc để lan tỏa tinh thần vì cộng đồng, nâng cao ý thức của mọi người thì mới thành công được. Bắt đầu bằng các kỳ Lễ hội xuân hồng rồi đến Hành trình đỏ và nhiều chương trình liên tiếp được tổ chức không chỉ ở quy mô cấp viện mà dần lan tỏa ra cả nước, chúng tôi đã vận động được hàng triệu người hiến máu. Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã trở thành một trong những ngân hàng máu lớn nhất cả nước, cung cấp nguồn máu cho các bệnh viện từ Trung ương đến địa phương”, GS Nguyễn Anh Trí cho biết.
Từ năm 2007, khi nguồn máu đã được bảo đảm tại đất liền, ông bắt đầu nghĩ đến việc xây dựng các ngân hàng máu ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Ý tưởng ấy cứ nung nấu, trăn trở trong ông suốt các chuyến công tác đến nhiều đảo, điểm đảo trên cả nước. Và rồi, trong lần đến Côn Đảo, tại buổi họp với lãnh đạo địa phương, một suy nghĩ bỗng lóe lên trong ông: Tại sao lại không xây dựng một “ngân hàng máu sống” bằng lực lượng hiến máu dự bị tại chính nơi đây? Ông cho biết: “Vậy là một chu trình rất khoa học đã được chúng tôi triển khai: Tại mỗi điểm đảo sẽ chọn ra những người nhóm máu O có kết quả xét nghiệm tốt đưa vào danh sách dự bị. Y tế địa phương sẽ kiểm tra máu cho họ 6 tháng một lần để bảo đảm nguồn máu khỏe mạnh. Sau khi tiến hành các cuộc “báo động thử”, chúng tôi đã có “kết quả”: Nhanh nhất là 8 phút, lâu nhất là 21 phút, họ đã có mặt khi lực lượng y tế cần người hiến máu”.
Ông rất vui khi việc xây dựng “ngân hàng máu sống” thành công ngoài mong đợi bởi nó không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn lan tỏa được tinh thần yêu nước, vì cộng đồng. “Năm 2017, tôi có chuyến công tác ở Trường Sa. Trên đường trở về, tôi rất vui và tự hào khi nghe một vị chỉ huy của Quân chủng Hải quân phát biểu rằng, “ngân hàng máu sống” mà chúng tôi thiết lập không chỉ có ý nghĩa cho hiện tại mà còn có ý nghĩa lâu dài. Được nghe, chứng kiến và tham gia hoạt động này, bộ đội hải quân rất cảm kích và có thêm động lực để yên tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc”, GS Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.
Hiện nay, dù đã nghỉ hưu hơn 4 năm nhưng GS Nguyễn Anh Trí chưa hề nghỉ việc. Ông đang là Chủ tịch Hội đồng cố vấn của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Đồng thời, ông vẫn tham gia công tác đào tạo ở các nhà trường và nghiên cứu khoa học. Ông viết văn, làm thơ, sáng tác nhạc với 4 tập thơ và hơn 80 ca khúc đã được xuất bản. Đặc biệt, trong hai kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV, ông đều tự ứng cử và trúng cử với số phiếu cao. Chia sẻ về việc này, ông cho biết: “Vào Quốc hội không phải vì danh vị hay quyền lợi, tôi muốn đem hết sức mình để cống hiến cho cộng đồng và xây dựng đất nước”...
THỦY TIÊN