Kể từ khi Việt Nam hội nhập quốc tế, ngành hàng không liên tục phát triển, khiến mật độ các chuyến bay trên vùng trời nước ta ngày càng tăng. Trên vùng trời nước ta mỗi ngày có hàng nghìn chuyến bay. Ngoài ra còn có hoạt động bay không có trong kế hoạch, dự báo bay của không quân các nước, nhất là trên khu vực Biển Đông và vùng trời tiếp giáp. Do vậy, nếu thực hiện theo cách truyền thống sẽ dẫn đến thông tin tình báo trên không bị chậm đáng kể, không còn nhiều ý nghĩa cho việc quản lý, điều hành bay. Đặc biệt, khi có máy bay lạ đột nhập vào vùng trời nước ta sẽ làm lỡ thời cơ hạ lệnh cho các lực lượng chuyển cấp làm nhiệm vụ tác chiến.

Trước thực tế đó, năm 1998, Chính phủ quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng hệ thống VQ. Trên cơ sở đó, Bộ Quốc phòng giao Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) phối hợp với Tập đoàn Viettel xây dựng, phát triển hệ thống này với hai giai đoạn chính: Giai đoạn 1 nghiên cứu xây dựng, triển khai một hệ thống tự động hóa, thực hiện chức năng cảnh giới vùng trời quốc gia (hệ thống VQ1-M); giai đoạn 2 nghiên cứu xây dựng, phát triển hệ thống tự động hóa chỉ huy, điều hành tác chiến PK-KQ hiện đại để thực hiện chức năng bảo vệ vùng trời quốc gia (hệ thống VQ2).

leftcenterrightdel
Trung tâm theo dõi hệ thống mạng của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. 

Nhận nhiệm vụ, năm 2012, nhóm kỹ sư trẻ của VHT bắt tay vào chế tạo hệ thống VQ giai đoạn 1, công nghệ mà trước đó chưa một đơn vị nào thực hiện. Chỉ sau hai năm, hệ thống cảnh giới và bảo vệ vùng trời quốc gia VQ1-M do chính những kỹ sư trẻ ấy nghiên cứu nghiệm thu thành công cấp Bộ Quốc phòng và được đưa vào phục vụ sẵn sàng chiến đấu cho Quân chủng PK-KQ. Ngày 8-1-2015, hệ thống cảnh giới và bảo vệ vùng trời quốc gia VQ1-M chính thức hoạt động. Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam có hệ thống công nghệ cao do chính doanh nghiệp trong nước làm chủ và sản xuất đưa vào trang bị phục vụ quân sự.

Trung tá Lê Trần Sự, Giám đốc Trung tâm Chỉ huy điều khiển thuộc Tổng công ty VHT, người tham gia nghiên cứu hệ thống, chia sẻ: “Hệ thống VQ1-M đã tạo ra bức tranh toàn cảnh tình hình trên không với thời gian gần như là thời gian thực. Tình hình trên không sau đó sẽ được phân phối đến tất cả đầu mối có nhu cầu sử dụng là hệ thống sở chỉ huy phòng không các cấp trong toàn quân. Khi có hệ thống VQ1-M, đơn vị có thể tích hợp kết quả trinh sát của các phương tiện làm nhiệm vụ trinh sát. Trước Việt Nam, không nhiều quốc gia có nền công nghệ và tiềm lực kinh tế đủ khả năng nghiên cứu chế tạo thành công sản phẩm có tính năng tương tự.

leftcenterrightdel
Bộ đội Quân chủng Phòng không - Không quân tập huấn khai thác sử dụng hệ thống cảnh giới và bảo vệ vùng trời VQ2. Ảnh: LÊ SỰ 

Việc làm chủ công nghệ từ thiết kế nguyên lý đến viết phần mềm điều khiển toàn bộ hoạt động của hệ thống chỉ huy điều khiển có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đầu tiên là về mặt kinh tế, kỹ thuật. Trước khi nghiên cứu VQ1-M, một đối tác nước ngoài đã “chào hàng” hệ thống tương tự tới Viettel với giá hàng trăm triệu USD. Viettel không mua lại công nghệ đó mà quyết tâm tự mình hoàn thành sản phẩm, bởi các loại vũ khí, trang bị phải nhập khẩu thì đều ẩn chứa sự phụ thuộc về bảo đảm kỹ thuật, nhất là khi gặp trục trặc. Đặc biệt, việc tự chế tạo ra sản phẩm sẽ bảo đảm an toàn về thông tin khi sử dụng”.

Năm 2016, các kỹ sư của VHT tiếp tục bắt tay vào nghiên cứu hệ thống VQ2 trên cơ sở kế thừa sản phẩm VQ1-M. Ở giai đoạn này, các kỹ sư VHT có thuận lợi là đã có kinh nghiệm nghiên cứu sản phẩm, đồng thời nhận được sự tin tưởng và tạo điều kiện hơn từ Bộ Quốc phòng sau khi thành công với VQ1-M. Tuy nhiên, đối với VQ2, các kỹ sư gặp nhiều thách thức trong quá trình xây dựng hệ thống chỉ huy điều khiển thông minh. Không chỉ đơn thuần là các vấn đề kỹ thuật, các kỹ sư còn phải nắm và hiểu được những tham số cũng như phương pháp tác chiến trong Quân đội.

leftcenterrightdel

Kỹ thuật viên Công ty TNHH Một thành viên Thông tin M1 (Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội) sản xuất thiết bị công nghệ cao cung cấp cho các hệ thống thông tin và mạng liên lạc quân sự. Ảnh: HỒNG SÂM 

Để làm được điều này, trước hết, họ phải nghiên cứu tìm hiểu, cập nhật kiến thức quân sự, sau đó thông qua những chuyên gia và quá trình thực tế tại các đơn vị chiến đấu để tích lũy kinh nghiệm. Rồi từ đó áp dụng lý thuyết toán học, thuật toán thông minh cho các bài toán mình tìm hiểu được. Đây là việc phức tạp, đòi hỏi lượng tri thức lớn của những người nghiên cứu.

Sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu, các kỹ sư của VHT đã thành công chế tạo hệ thống VQ2. Tính đến nay, hệ thống đã được triển khai lắp đặt cho các đầu mối của Quân chủng PK-KQ trải dài trên khắp mọi miền Tổ quốc từ cực Bắc đến cực Nam, từ biên giới đến hải đảo. Những kết quả đạt được trong phát triển khí tài công nghệ cao của VHT là cơ sở để Quân đội ta “đi tắt, đón đầu”, góp phần xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

LA DUY