Bất ngờ “rẽ lối”

Sinh ra tại Đô Lương (Nghệ An), đã định gắn bó với nghề giáo, vậy mà cơ duyên lại khiến cô gái sinh năm 1987 Nguyễn Thị Hường trở thành Bộ đội Cụ Hồ. Đang là sinh viên năm thứ nhất chuyên ngành sư phạm tại Trường Đại học Vinh, một lần, nghe người bạn nói chuyện Học viện Kỹ thuật Quân sự có tuyển sinh viên nữ, Hường quyết định “rẽ lối”. Từ những năm học phổ thông, Hường đã luôn thích học lập trình phần mềm. Đam mê này vẫn luôn cháy bỏng trong cô. Vậy là, ngay mùa tuyển sinh năm ấy, Hường đăng ký thi vào Học viện Kỹ thuật Quân sự. Trúng tuyển với số điểm rất cao, Hường quyết định khăn gói ra Thủ đô theo học chuyên ngành tin học, Khoa Công nghệ thông tin của Học viện.

Từ đam mê đến khi quyết định biến đam mê thành hiện thực, là học viên chính thức của Học viện Kỹ thuật Quân sự, Nguyễn Thị Hường đã xác định đây là một ngành học khó nên luôn chịu khó tích lũy kiến thức. Học tập chăm chỉ, tranh thủ ngày nghỉ, giờ nghỉ và tận dụng mọi cơ hội để trau dồi kiến thức, từ học nhóm đến tham gia nghiên cứu khoa học, nỗ lực của Hường đã được đền đáp xứng đáng với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi năm 2012. Ngay sau đó, Trung úy Nguyễn Thị Hường được phân công về Phòng Nghiên cứu phát triển phần mềm, Trung tâm Kỹ thuật thông tin công nghệ cao làm việc.

leftcenterrightdel
Thiếu tá Nguyễn Thị Hường (ngồi giữa) trao đổi chuyên môn cùng các đồng nghiệp. Ảnh: NAM TIẾN

Hường kể, những ngày đầu về đơn vị, cô khá tự tin với kiến thức mình đã được học. Thế nên trong công việc, đôi khi vì bảo vệ quan điểm của mình mà Hường có phần cứng nhắc và gay gắt với đồng nghiệp. Nhưng người thầy-người chỉ huy đầu tiên của cô là Phó trưởng phòng Lê Đình Bảng (nay là Trưởng ban Công nghệ thông tin của Binh chủng) đã căn dặn: “Với những vấn đề kỹ thuật, mỗi người đều có lý do để bảo vệ quan điểm của mình. Cần lắng nghe để hoàn thiện sản phẩm cũng như tiến bộ lên từng ngày”. Bài học ấy đã được Hường áp dụng vào thực tế ngay từ nhiệm vụ đầu tiên được giao đảm nhiệm chính: Hệ thống quản lý, giám sát, khai thác thông tin quân bưu.

Không tự hài lòng với bản thân

Cho đến bây giờ, những đồng đội ở Tiểu đoàn 78, Lữ đoàn 205, Binh chủng Thông tin liên lạc vẫn nhớ câu chuyện về quá trình thực hiện dự án Hệ thống quản lý, giám sát, khai thác thông tin quân bưu do Thiếu tá Nguyễn Thị Hường triển khai thử nghiệm.

Đại úy Nguyễn Quốc Việt, nhân viên Tiểu đoàn, người trực tiếp phối hợp với Hường trong quá trình thực nghiệm dự án, kể: “Thời điểm ấy, hệ thống khai thác thông tin quân bưu đã bộc lộ một số vấn đề nên cần phải có sự thay đổi. Chúng tôi đã đề đạt những khó khăn, bất cập để cấp trên tìm hướng giải quyết. Và Hường là người được giao phụ trách công việc này. Khi Hường hướng dẫn đơn vị thao tác trên hệ thống mới, từ háo hức, anh chị em chuyển sang... phàn nàn, bởi cảm thấy còn mất công hơn so với hệ thống trước. Đơn cử, với mỗi hồ sơ đều phải dán mã vạch, rồi đưa vào máy quét... Tôi có nêu các vấn đề trao đổi lại thì Hường tự tin bảo, anh cứ yên tâm để mọi người làm, hiệu quả sẽ đến ngay thôi! Thế rồi mọi người nhanh chóng nhận ra, việc dán mã vạch khiến cho việc tìm kiếm tài liệu sau đó trở nên rất tiện dụng, dễ thấy, dễ làm...”.

Nghe lại chuyện ấy, Thiếu tá Nguyễn Thị Hường mỉm cười: “Nếu không hướng đến người dùng thì mỗi nghiên cứu của chúng tôi sẽ nhanh chóng bị... xếp vào ngăn tủ thôi chị ạ!”.

Năm 2018, khi nhận nhiệm vụ này, Hường đã nhiều đêm mất ngủ. Trong đầu cô luôn đặt câu hỏi, phải tính toán như thế nào để vừa khắc phục được điểm yếu của hệ thống cũ, vừa mang lại tiện ích cho người dùng. Với mục đích ấy, cô không tiếc thời gian “đánh vật” với từng thống kê báo cáo, từng mã... để thiết kế phần mềm mang tính ứng dụng cao nhất. Sản phẩm hoàn thành và mang đi thử nghiệm được đánh giá rất cao. Trung tá Vũ Hữu Thắng, Phó trưởng phòng Nghiên cứu phát triển phần mềm cho biết thêm, sản phẩm hoàn thành từ 10 nhiệm vụ ban đầu, nay đã lên đến hơn 30 nhiệm vụ và được ứng dụng tại 16 trạm quân bưu cấp chiến lược, 24 trạm cấp chiến dịch. Phần mềm đã được triển khai ứng dụng thực tế tại 40 trạm quân bưu trong toàn quân, giúp tiết kiệm thời gian và công sức trong quá trình vận hành hệ thống cho các đơn vị.

leftcenterrightdel
Việc quét mã vạch được thực hiện có hiệu quả ở Tiểu đoàn 78, Lữ đoàn 205, Binh chủng Thông tin liên lạc. Ảnh: ANH TUẤN 

Quá trình vận hành phần mềm, Hường và các cộng sự liên tục cập nhật, tiến hành sửa chữa, nâng cấp. Sẵn sàng tiếp nhận những góp ý, thay đổi để tối ưu hóa hệ thống, tốc độ xử lý nhanh hơn luôn là mục tiêu để Hường và đồng đội hoàn thiện mỗi sản phẩm công nghệ của mình. Cô khẳng định: “Để một hệ thống thông tin “sống” phụ thuộc vào hệ thống ấy có thân thiện với người dùng không. Với công nghệ, không bao giờ hài lòng với sản phẩm của mình chính là mục tiêu để nghiên cứu viên chúng tôi vượt qua và bứt phá”.

Trò chuyện với chúng tôi, Thiếu tá Nguyễn Thị Hường say sưa kể về những dự án nghiên cứu các công nghệ kỹ thuật tiên tiến mình chủ trì và tham gia cùng đồng đội. Đối với cô, công nghệ với ưu thế của nó luôn đem lại những kết quả không ngờ. Những năm qua, cô đã tham gia các đề tài, sáng kiến mang lại giá trị hữu ích, như: Tham gia xây dựng phát triển phần mềm hệ thống kết quả thống kê bắn súng, đánh thuốc nổ, ném lựu đạn và giám sát phương pháp tổ chức điều hành, đã được Binh chủng Thông tin liên lạc áp dụng trong huấn luyện kiểm tra bắn súng hằng năm; tham gia đề tài cấp Bộ Quốc phòng về xây dựng hệ thống kiểm soát xâm nhập trái phép vào mạng vệ tinh quân sự-VSAT; chủ trì triển khai trong toàn quân hệ thống quản lý, điều hành sửa chữa, sản xuất tại xí nghiệp thông tin; nghiên cứu thiết kế hệ thống điều hành thiết bị tích hợp điều khiển ACE-IP để quản lý, giám sát toàn bộ hệ thống thông tin, từ đó đưa ra các dự báo về những nguy cơ có thể xảy ra, giúp người chỉ huy nhận định được trạng thái của toàn bộ hệ thống...

leftcenterrightdel

Thiếu tá Nguyễn Thị Hường giới thiệu về phần mềm quản lý, giám sát, khai thác thông tin quân bưu, năm 2020. Ảnh: NAM TIẾN

Trăn trở với mỗi đề tài, cô nhận thấy, việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn sẽ giúp ích rất nhiều cho công việc. Cô đề xuất với chỉ huy tự học thêm với chuyên gia về tối ưu hóa cơ sở dữ liệu. Hiện tại, cô cũng đang gấp rút hoàn thành khóa học đào tạo thạc sĩ tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Trung tá Vũ Hữu Thắng cho biết: “Luôn lắng nghe góp ý từ cấp trên, đồng đội và tích cực, chủ động với mỗi công việc được giao, Thiếu tá Nguyễn Thị Hường là một nghiên cứu viên trẻ đầy triển vọng của chúng tôi”.

THỦY TIÊN