Cuối năm 1974, cấp trên giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 968 nhanh chóng thay phiên cho Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 ở Pleiku để hai sư đoàn này cơ động về hướng chính thực hiện nhiệm vụ. Khi thay phiên phải tuyệt đối giữ bí mật, không để cho địch biết là ta đã rút hai sư đoàn. Thực hiện nghi binh lừa địch, Sư đoàn 968 giao cho Trung đoàn 29 dùng một tổ đài sử dụng quy ước của Sư đoàn 10 và một tổ đài của Tiểu đoàn 18 Thông tin sử dụng quy ước của Sư đoàn 320 để liên lạc với Bộ tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên, nhận và chuyển các “mệnh lệnh giả”, “báo cáo giả” giữa Bộ tư lệnh Chiến dịch với hai sư đoàn này.

Khó khăn lớn nhất của Sư đoàn 968 là bảo đảm thông tin liên lạc với sở chỉ huy (SCH) chiến dịch trong điều kiện không được sử dụng thông tin vô tuyến điện khi hướng chính chưa nổ súng. Khoảng cách từ SCH Sư đoàn đến Trạm thông tin bổ trợ phía trước của Bộ tư lệnh Chiến dịch dài hơn 17km, sử dụng thông tin hữu tuyến điện dây bọc không an toàn đối với một đường trục. Do đó, Sư đoàn giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 18 Thông tin tổ chức lực lượng tháo gỡ dây thép gai ở khu vực sân bay Đức Cơ và xây dựng đường dây trần từ SCH Sư đoàn đến Trạm thông tin bổ trợ phía trước.

“Nhận lệnh của Sư đoàn, ngày 10-1-1975, tôi cùng 30 cán bộ, chiến sĩ của Đại đội 2, Tiểu đoàn 18 Thông tin, do đồng chí Đỗ Thêm, Phó đại đội trưởng chỉ huy đến sân bay Đức Cơ để tháo gỡ dây thép gai. Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là vừa phải bảo đảm an toàn, vừa phải tháo nhanh những chiếc gai ra khỏi dây trục. Để bảo đảm an toàn, chúng tôi chỉ tháo gỡ ở những nơi đơn vị bạn đánh dấu đã tháo gỡ bom, mìn và hết sức cẩn thận. Việc tháo gỡ gai ra khỏi dây trục là khó khăn nhất, bởi gai nhọn, cứng, đơn vị không có kìm, chúng tôi phải dùng vỏ đạn 12,7mm đã đập bẹp đầu để tháo gai. Những ngày đầu, bình quân mỗi người tháo được 5-10m, sau đó rút kinh nghiệm nên dần dần nâng lên 20-30m, rồi 70-80m (tương đương 150m dài). Sau khi tháo được gai, để làm thẳng dây, chúng tôi cố định một đầu vào gốc cây, dùng một đoạn cây dài 1-1,5m, đường kính 10-12cm, vòng một vòng vào đoạn cây, một người cầm dây đi trước, hai người hai bên kéo theo. Sau 12 ngày, chúng tôi đã tháo gỡ được hơn 20.000m dây kẽm gai đơn và nhanh chóng triển khai tuyến dây trần”, cựu chiến binh Đinh Thanh Niên kể.

leftcenterrightdel

Cựu chiến binh Đinh Thanh Niên (bên trái) kể lại những kỷ niệm ở chiến trường. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG       

Công việc tháo dây thép gai đã khó nhưng nhiệm vụ phóng tuyến, mắc sứ, kéo dây càng khó hơn để vừa bảo đảm nhanh vừa tuyệt đối bí mật. Đối với việc phóng tuyến, các chiến sĩ chọn cây rừng có sẵn làm cột, hạn chế chặt cây. Sứ cách điện được thay thế bằng lốp ô tô cũ cắt ra, dùng dùi sắt nung đỏ tạo lỗ cột sứ; dây hãm dùng dây cáp sắt. Sau một thời gian thực hiện nhiệm vụ bí mật, khẩn trương, đến ngày 3-2-1975, hơn 17km đường dây trần đơn len lỏi giữa rừng già Tây Nguyên, nối thông liên lạc giữa SCH Sư đoàn 968 với SCH Chiến dịch Tây Nguyên, thông qua Trạm thông tin bổ trợ phía trước của chiến dịch đã hoàn thành...

Quá trình thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng, thiếu nước, Đinh Thanh Niên cùng anh em thông tin phải tìm khe núi có những mạch ngầm để lấy nước uống, nấu cơm, canh... “Mỗi ngày, chúng tôi cắt cử một đồng chí xuống suối bắt cá, lên rừng tìm rau về nấu ăn bằng bếp Hoàng Cầm. Khó khăn, gian khổ nhưng anh em chúng tôi luôn đoàn kết, quyết tâm, đồng lòng với mong muốn thực hiện nhiệm vụ nhanh, an toàn nhất”, cựu chiến binh Đinh Thanh Niên nhớ lại.

Ngày 3-3-1975, qua đường dây thông tin, cấp trên chỉ thị cho Sư đoàn 968 đánh mạnh hơn nữa, tăng thêm đạn cho Sư đoàn đánh vào sân bay Cù Hanh, thực hiện “đánh một, la mười”. Ngày 10-3-1975, “bão lửa” từ các loại hỏa lực của ta trùm lên trung tâm thị xã Buôn Ma Thuột. Trong khi đó, các trung đoàn cơ động của Sư đoàn 23 ngụy bị Sư đoàn 968 và các đơn vị phối hợp giam chân ở Pleiku. Trước sự tấn công như vũ bão của ta, kẻ địch bất ngờ, hoang mang và nhanh chóng tan rã, thất bại.

HOÀNG TRUNG