Trong chín năm kháng chiến chống Pháp, Bộ tư lệnh Liên khu 5 đã cử nhiều đơn vị quân tình nguyện sang hoạt động ở vùng Hạ Lào và Đông Bắc Cam-pu-chia. Quán triệt tinh thần “Giúp bạn là giúp mình”, anh em đã vượt qua nhiều khó khăn trở ngại, chịu đựng nhiều hy sinh gian khổ để hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả. Một số đồng chí đã anh dũng ngã xuống trong sự tiếc thương của đồng đội và nhân dân nước bạn.
 |
Lễ Phuộc-khẻng (chúc phúc) tại Lầu Ngăm (Nam Lào) với các cựu chiến binh quân tình nguyện Việt Nam tại Hạ Lào-Đông Bắc Cam-pu-chia
|
Ngày ấy đơn vị Liên đại Xây-chắc-cà-phát (thường gọi tắt là Liên đại Xây), gồm một đại đội quân tình nguyện và một đại đội Pa-thét Lào, hoạt động trong phạm vi tỉnh Chăm-pa-xắc, phía tây sông Mê-công. Đầu năm 1952, do tình hình chiến trường, đơn vị được lệnh tạm thời không hoạt động vũ trang, chuyển hướng theo phương thức tổ xung phong công tác. Một sự việc xảy ra trong thời kỳ đó đến nay vẫn đọng lại trong tôi.
Khoảng 2 giờ sáng 26-6-1952, tổ xung phong công tác gồm hai chiến sĩ Đoàn Mai và Lương Viết Xiêm lợi dụng địa hình đột nhập Xà Nôn (huyện Mường Mun, tỉnh Chăm-pa-xắc) làm nhiệm vụ xây dựng cơ sở. Không may, đêm đó lính đồn Mường Mun phục sẵn bên ngoài bản. Tổ trưởng Mai đi trước trúng ngay loạt đạn đầu của địch, hy sinh tại chỗ. Xiêm đi sau mấy bước, bị bắt. Đồn trưởng là tên Xu, ác ôn khét tiếng, hý hửng nhảy vào tra khảo Xiêm ngay tại chỗ. Một cuộc “đối thoại” đặc sắc diễn ra giữa người chiến sĩ kiên cường bất khuất và kẻ thù. Tiểu đội lính ngụy đồn Mường Mun hôm đó tai nghe mắt thấy, vô cùng cảm phục khí phách anh hùng của chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam. Và vì cảm phục, về sau chúng không giấu giếm mà kể lại cho cả dân khắp ba huyện Mường Mun và So-kha-ma biết.
- Mày tên gì, khai ra! — Tên đồn trưởng hách dịch hỏi.
- Tao tên là tao.
- Có phải mày là thằng y tá Liên đại Xây không?
- Biết rồi sao còn hỏi.
- Đơn vị mày bao nhiêu người?
- Nhiều lắm không đếm được.
- Cơ quan mày ở đâu?
- Ở ngay đầu gối tao đây nè. Tao ngồi đâu viết đó, nơi viết đó là cơ quan tao.
- Vùng này bản nào có cơ sở Ít-xa-la?
- Không bản nào có cả.
- Vậy chứ ai nuôi bọn mày?
- Nhân dân cả huyện Mường Mun nuôi bọn tao, trừ nhà mày là nhà tên phản bội đi đầu hàng địch, bán nước cầu vinh.
- Thế tối hôm qua mày ngủ ở đâu?
- Tao ngủ ở võng tao, ngủ ở trong rừng.
Đã không khai thác được gì lại bị hạ nhục, tên đồn trưởng Xu điên tiết. Vậy là nó thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, đấm đá vào mọi chỗ trên người Xiêm. Giày đinh đạp vào bụng, nện vào mạng sườn, mặt mày Xiêm bầm tím, miệng trào máu tươi. Nhưng anh cố kìm tiếng kêu đau, không ngớt lời nguyền rủa tên Xu, vạch tội ác của nó đối với cách mạng Lào.
Bọn lính được lệnh trói tay Xiêm để giải về đồn, nhưng chúng bị anh cự tuyệt.
- Tao thà chết ở đây với người đồng đội của tao chứ dứt khoát không đi theo chúng mày. Đi theo chúng mày bà con dân bản lại tưởng tao đi đầu hàng địch như thằng Xu thì nhục lắm đấy, Xu ạ!
Cơn điên tiết càng sôi thêm, tên Xu rút súng ngắn khỏi bao, nhắm vào đầu Xiêm nã liền mấy phát. Năm ấy Xiêm chưa đầy mười tám tuổi.
Ngay ngày hôm sau lính đồn Mường Mun tỏa về các bản xung quanh như: Vơn, May, Luông Xộ…, bắt dân ăn mặc đẹp, tập trung về Xà Nôn, chúng tổ chức một cuộc liên hoan kỳ quặc để mừng thắng lợi đã diệt được Ít-xa-la. Cơ sở của ta, trực tiếp là chị Phèng-tổ trưởng tổ ca múa của bản Xà Nôn, lãnh trách nhiệm phá hỏng trò hề này.
Điệu múa Lăm-vông bắt đầu, mở màn cho “cuộc liên hoan”. Quan và lính cùng hý hửng hò reo, chào mời chị em vào cuộc vui. Nhưng hôm nay chân tay chị em sao mà cứng đơ, không ăn nhịp tí nào với dàn nhạc, khiến chúng cụt hứng quát tháo ầm ĩ. Chị Phèng và mấy chị khác nói:
- Chị em biết các ông vừa giết hai cán bộ Ít-xa-la ngay trước bản nên sợ quá. Mà hình như oan hồn của họ ám ảnh, chị em làm sao mà múa hát được.
Người các bản cũng nói thêm vào:
- Linh hồn người mới khuất nhất định còn lảng vảng đâu đây. Chúng ta phải để ra mấy phút mặc niệm người xấu số rồi mới tính đến chuyện vui chơi ca hát sau. Quan đồn làm đi, nếu không họ báo thù thì dân khổ đã đành mà các ông cũng chẳng yên với họ đâu!
Mỗi người góp vào một câu khiến tên đồn trưởng Xu hung ác đâm sợ hãi. Vậy là nó bảo quân lính và dân các bản cùng xếp hàng nghiêm chỉnh, cúi đầu mặc niệm hai cán bộ Ít-xa-la chúng vừa giết hại. Một việc thật hy hữu ngoài ý muốn, nhưng chúng buộc phải làm vì sức ép của dân!
Còn với dân bản Xà Nôn, ngay sau khi lính đồn Mường Mun rút đi, bà con đã mời sư sãi về, bí mật tổ chức lễ cầu siêu và an táng hai anh Đoàn Mai và Lương Viết Xiêm. Các anh đã chiến đấu hy sinh vì đất nước Lào mà các anh yêu như Tổ quốc Việt Nam.
Đức Tân