Tiểu đoàn 2 chủ công của Trung đoàn làm mũi xung kích. Đêm 31-3, chúng tôi theo chân du kích dẫn đường lần ra sông Ba, rồi cứ men theo bờ phía Bắc đó mà tiềm nhập, áp sát cầu Đà Rằng. Phía Đông nhìn rõ cây cầu Đà Rằng vắt ngang sông Ba. Hai bên thành cầu sáng rực đèn pha. Nhiều tốp lính canh của địch đi lại trên cầu, chốc chốc lại quăng lựu đạn xuống lòng sông nhằm ngăn đặc công nước đánh cầu.
Mờ sáng 1-4-1975, chúng tôi đã nép mình chiếm lĩnh ven các bờ ruộng và con mương gần một bốt điện nhỏ chỉ cách Đường 1 đầu cầu Đà Rằng khoảng 100m. Tụi địch đã co quân lại sát trục Đường 1, chứng tỏ chúng cũng đang nao núng trên con đường tháo chạy. Chúng tôi dàn hỏa lực ĐKZ và cối 82mm, cối 60mm, chuẩn bị nổ súng.
5 giờ, trời đã sáng rõ mặt người. Vẫn như thời gian mở màn các trận công đồn quen thuộc, chúng tôi được lệnh nổ súng. Đạn ĐKZ bắn đồng loạt vào hướng con đường bốt điện, còn cối 82mm và cối 60mm tập trung bắn lên con lộ 1 đầu cầu Đà Rằng. Đèn trên cầu Đà Rằng tắt ngấm, bọn địch bắt đầu xả súng bắn trả. Trên ngọn Nhạn Tháp, một khẩu ĐKZ của địch cũng nhả đạn về hướng chúng tôi. Do bị độ cong của quả núi và dãy nhà ven Đường 1 chắn tầm nhìn nên chúng chỉ bắn được ra xa, về phía sau lưng chúng tôi. Đại đội 6 của tôi được lệnh áp sát lên để tránh hỏa lực của địch. Cả Đại đội dồn B40 và B41 bắn mạnh vào vị trí hỏa lực địch, rồi chúng tôi xung phong.
Quân địch vốn đang hoang mang, lại không có công sự ẩn nấp nên rệu rã nhanh chóng. Chỉ 20 phút tính từ lúc nổ súng, chúng tôi đã chiếm lĩnh được mặt Đường 1. Trên Đường 1 và mặt cầu Đà Rằng chỉ còn lại một số xác lính. Quân địch đã rút vào trong thị xã. Tôi cùng trung đội theo con đường nhựa đánh thẳng lên khu đồi Nhạn Tháp. Trên căn cứ này chỉ có 1 khẩu đội pháo 105mm của địch kèm 1 trung đội bộ binh bảo vệ. Tụi lính pháo đã bỏ chạy hết. Đám bộ binh còn lại mươi tên, chống cự yếu ớt và nhanh chóng đầu hàng. Chúng tôi làm chủ khu Nhạn Tháp cũng chỉ trong vòng 20 phút, không có ai bị thương vong. Bộ đội địa phương cũng nhanh chóng theo chân chúng tôi và tiếp quản tù binh.
    |
 |
Nhà văn Vũ Công Chiến (bên phải) và đồng đội. Ảnh do tác giả cung cấp |
Trong khi nhiệm vụ của trung đội tôi diễn ra khá thuận lợi thì đội hình chính của Đại đội tôi vất vả hơn nhiều. Tiến công dọc theo Đường 1 lên phía Bắc chừng vài trăm mét, đơn vị gặp một con đường lớn rẽ về bên phải có tên đường Trần Hưng Đạo. Thị xã Tuy Hòa chủ yếu nằm lệch về bên phía Đông của Đường 1, kéo dài ra tới biển. Áp đánh vào từ phía Tây, hầu như trên mặt Đường 1 lúc này đã thuộc về quân ta kiểm soát. Các đơn vị của địch đổ về thị xã và chạy ra hướng biển. Trên cánh Bắc, Trung đoàn 48 của Sư đoàn đã đánh vào thị xã, xe tăng phối hợp của ta đi theo hướng đó. Một vài chiếc xe tăng cũng chạy xuống phía Nam để phối hợp, tăng cường cho Trung đoàn 9 chúng tôi.
Địch bám trụ lại ở nhiều điểm dọc theo đường Trần Hưng Đạo nên chúng nổ súng chống cự điên cuồng. Hai bên đường, nhà cửa san sát. Lính ta cứ men dọc theo hai bên đường, dựa vào các mái hiên nhà mà tiến lên. Cối cá nhân lúc này không mấy hiệu quả vì vướng nhiều vật cản. Hỏa lực B40 và đặc biệt là B41 có tác dụng tốt nhất. Nằm từ vệ đường bên này, dịch khỏi tường nhà một chút là có thể bắn sang nhà mặt phố bên kia, trúng đâu là bung đó. Một vài chỗ, địch cũng dựng lô cốt sát mặt đất, xen vào các khu nhà. Những chỗ như thế, bộ đội ta phải áp sát, ném lựu đạn vào lỗ châu mai để diệt địch, hệt như cha anh đánh đồn thời kháng chiến chống thực dân Pháp. Sơn “con” (người Nghệ An) hăng máu, ném được lựu đạn vào 2 cái lô cốt như thế xong liền xông lên, tiếp tục tìm lô cốt địch. Một tốp địch bên kia đường bắn sang, đạn thia lia trên mặt đường khiến anh Hồng, Tiểu đội trưởng, phải xô Sơn “con” ngã xuống và lăn vào nấp ở một cái rãnh bên đường. Rất tiếc là các loại hỏa lực đi cùng của ta không thể chi viện hiệu quả được cho bộ binh vì phạm vi bắn hẹp, thế nên chúng tôi buộc phải đánh gần như thế. Tuy địch bị tiêu diệt không nhiều nhưng chúng cũng sợ nên phải vừa đánh vừa rút.
Hai trung đội của Đại đội 6 chúng tôi tiến được vài trăm mét thì thấy phố xá mở ra rất rộng. Bên trái có một cái nhà hai tầng, bên ngoài có dấu hồng thập tự. Chúng tôi đoán chắc là bệnh viện, không biết của quân đội hay dân sự. Trên hành lang tầng hai, hai khẩu trung liên M60 của địch nhả đạn xuống đường như mưa. Đạn găm trên hè phố, bật nảy lửa. Chúng còn bắn cả đạn M79 xuống đường. Lúc này, lính ta bị lộ ra trên đường vì không có vật che chắn. Anh Hùng “cối” vừa định chạy vào núp nhờ mái hiên một căn nhà thì bị một viên đạn trung liên bắn trúng bắp chân phải, xẻ một đường dài chéo theo chân, anh ngã vật ra. Mấy anh em vừa bắn yểm trợ vừa ra kéo anh vào chỗ ẩn nấp. Bấy giờ, chúng tôi cũng chưa xác định được hướng xung phong để đánh vào ổ hỏa lực của địch trong bệnh viện... Đang tính toán thì bỗng nghe tiếng xe tăng gầm lên từ phía sau. Chỉ một chốc, hai chiếc xe tăng của ta đã xộc tới.
Đang chạy thì một viên đạn chống tăng của địch từ khu bệnh viện bắn trúng vào tháp pháo chiếc xe tăng thứ nhất khiến nó khựng lại. May sao chiếc xe tăng thứ hai từ phía sau chạy đến đã nã pháo thẳng vào ổ hỏa lực của địch, khiến chúng câm bặt. Bấy giờ, bộ đội ta liền thừa cơ tràn vào, đánh chiếm các căn nhà và làm chủ khu bệnh viện. Trên tầng hai ngôi nhà, địch bị thương và chết rất nhiều. Đại đội 6 chúng tôi ở lại lùng sục khu bệnh viện và giải quyết thương binh, tử sĩ của đơn vị. Tiểu đoàn lệnh cho các Đại đội 7 và 5 tiếp tục cùng xe tăng tiến công ra khu căn cứ quân sự của địch ở ven biển.
Quân địch tháo chạy, vứt lại xe ô tô, vũ khí, quân trang, quân dụng... ngổn ngang trên con đường ven biển. Chúng leo lên các xuồng, thuyền rồi chèo ra một chiếc tàu lớn đang neo đậu ngoài xa. Rất nhiều tên không có thuyền cũng nhảy đại xuống biển hòng bơi ra tàu. Nhiều tên bị bộ đội ta truy kích nên buộc phải đầu hàng...
Thị xã Tuy Hòa đã được giải phóng. Chiều tối, theo lệnh của trên, chúng tôi nhập vào cánh quân chính của Tiểu đoàn và rút tạm ra ngoài thị xã, tiếp tục củng cố lực lượng, chuẩn bị cho các trận đánh tiếp theo...
Nhà văn VŨ CÔNG CHIẾN