Cần Thơ được xem là “thủ đô thứ hai” sau Sài Gòn nên địch bố trí các căn cứ quân sự, hậu cần, kỹ thuật, sân bay, bến cảng... bảo đảm chỉ huy và tăng cường cho toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long; mặt khác, có thể chi viện cho Sài Gòn hoặc co cụm cố thủ nếu Sài Gòn thất thủ. Đầu năm 1975, Bộ tư lệnh Vùng 4 chiến thuật ngụy điều phần lớn lực lượng về trấn thủ với khoảng 20.000 tên, 400 đồn bốt, 2 tiểu khu, 11 chi khu, 2 giang đoàn, Sư đoàn 7 và 21, Sư đoàn Không quân số 4, Thiết đoàn số 8, Chi đoàn 296 ngụy... Ngoài ra, chúng còn tiếp nhận máy bay phản lực A-37 cùng nhiều trực thăng từ sân bay Tân Sơn Nhất và Biên Hòa. Tất cả bố trí 3 tuyến phòng thủ từ lộ Vòng Cung và các cửa ngõ vào cơ quan đầu não của địch.

Trước tình hình này, Đảng ta chủ trương lấy Cần Thơ để chỉ đạo giải phóng sớm nhằm có tác dụng với nơi khác. Trong tháng 3 và tháng 4-1975, Thường vụ Khu ủy Tây Nam Bộ họp Ban Chấp hành mở rộng và Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ bàn kế hoạch tiến công; đồng thời phối hợp chặt chẽ mũi công kích với quần chúng nổi dậy giải phóng.

Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Thanh Sơn (tên thường gọi là Ba Ngay), thời điểm đó là Tỉnh đội trưởng Cần Thơ, kể: “Nhiệm vụ của các đơn vị là “tỉnh giải phóng tỉnh, huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã”. Chấp hành mệnh lệnh của Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 9, đúng 17 giờ ngày 26-4-1975, LLVT Cần Thơ phối hợp với các đơn vị chủ lực Quân khu 9 chia làm 3 cánh quân đồng loạt nổ súng tiến công áp sát trung tâm thành phố, chủ yếu là Bộ tư lệnh Vùng 4 chiến thuật ngụy”.

leftcenterrightdel

 Quân giải phóng tiến vào nội ô Cần Thơ ngày 30-4-1975. Ảnh tư liệu

Cũng theo lời ông Ba Ngay thì ngày 28-4-1975, các tướng tá, nhân viên cao cấp tại Tòa lãnh sự Mỹ hoang mang cực độ, kéo nhau xuống tàu hải quân đậu ở bến Ninh Kiều chạy ra biển, trong đó có Đại tá, Tỉnh trưởng Huỳnh Ngọc Diệp. Lập tức, Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh Quân đoàn 4 và Vùng 4 chiến thuật ngụy, chỉ định Đại tá Trần Cửu Thiên lên nắm quyền Tỉnh trưởng Cần Thơ. Tướng Nam cũng ra lệnh “tử thủ”, ban hành giới nghiêm 24/24 giờ trên toàn thành phố, đồng thời gấp rút điều 4 trung đoàn chủ lực, 1 trung đoàn bảo an, 2 thiết đoàn xe M-113 về giữ tuyến lộ Vòng Cung, chống trả quyết liệt các cánh quân của ta nhằm bảo vệ cơ quan đầu não. Trong khi đó, ta đánh 2 trung đoàn chủ lực của ngụy trên lộ Vòng Cung, bắn pháo chế áp sân bay Trà Nóc.

Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Xã Hội, nguyên Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 9, cho biết: “Theo lệnh của Quân khu 9, nhiệm vụ của Sư đoàn 4 lúc đó là phối hợp với các đơn vị và LLVT địa phương tiến công giải phóng Cần Thơ. Ngày 26-4-1975, trên tuyến lộ Vòng Cung, địch tăng cường bố trí 4 trung đoàn chủ lực, 1 trung đoàn bảo an và 2 thiết đoàn xe M-113. Lực lượng địch đông nhưng tinh thần chiến đấu sa sút nghiêm trọng, tuy vậy, bọn chỉ huy vẫn hy vọng dựa vào ưu thế vũ khí, trang bị hòng “tử thủ”. Ban ngày, chúng dùng máy bay L-19 trinh sát chỉ điểm cho máy bay phản lực ném bom, trực thăng phóng rốc-két, kết hợp với pháo binh bắn phá các vị trí nghi có lực lượng của ta. Ban đêm, địch dùng máy bay C-130 ở tầm cao bắn đạn 20mm, bên dưới là trực thăng bay thấp rọi đèn pha phóng rốc-két, đại liên kết hợp pháo binh bắn các kênh, rạch hướng vào lộ Vòng Cung nhằm ngăn chặn các mũi tiến công của ta. Đêm 28-4, các đơn vị của Sư đoàn 4 vừa đánh địch vừa bí mật tiếp cận, chiếm lĩnh phía Nam lộ Vòng Cung. Ngày 29-4, địch tập trung các loại bom, pháo và xe M-113 điên cuồng đánh phá các trận địa của ta hòng đánh bật lực lượng ta ra ngoài. Ngay trong đêm đó, đơn vị đột phá qua lộ Vòng Cung, áp sát và chiếm lĩnh sân bay Trà Nóc”.

Rạng sáng 30-4-1975, các mũi tiếp tục xuất quân tiến công. Ông Ba Ngay nhớ lại: “Trưa hôm đó, qua radio, biết Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng ở Sài Gòn, báo hiệu hệ thống ngụy quân, ngụy quyền hoang mang, sụp đổ, lập tức Thành ủy Cần Thơ ra lệnh cho các lực lượng trong nội ô nổi dậy và tiến công đồng loạt vào các mục tiêu đã chọn. Khắp nơi trong thành phố, tiếng loa phóng thanh vang lời kêu gọi quân ngụy đầu hàng, giao vũ khí cho lực lượng cách mạng. Trên các con đường, ngõ hẻm, quần chúng nổi dậy giành chính quyền, truy bắt những tên tay sai bán nước. Đặc biệt, cơ sở nội tuyến của ta giải thoát hơn 4.000 thanh niên bị địch bắt đi lính và 1.000 lao công đào binh bị giam cầm tại Trung tâm nhập ngũ 4. Tiếp đó, khi ta chiếm Khám lớn Cần Thơ và Khám Nha cảnh sát miền Tây đã giải thoát hơn 6.000 tù chính trị và thường phạm bị địch giam giữ. Không khí sôi sục lắm vì ai cũng biết thời cơ thống nhất đã đến rồi”.

leftcenterrightdel

Ông Nguyễn Văn Lưu (ngoài cùng, bên trái) kể về thời điểm chiếm giữ Đài Phát thanh trong Chương trình giao lưu nghệ thuật “Đại thắng mùa xuân- bước chân hai thế hệ”, tháng 4-2015. Ảnh: KIÊN GIANG

14 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, ông Nguyễn Văn Lưu (Năm Bình), cán bộ tuyên huấn Khu Tây Nam Bộ, Trưởng ban Khởi nghĩa TP Cần Thơ cùng đồng đội nhanh chóng chiếm giữ Đài Phát thanh. Cách đây 10 năm, vào tháng 4-2015, nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tham gia Chương trình giao lưu nghệ thuật “Đại thắng mùa xuân-bước chân hai thế hệ” do Hội Cựu chiến binh thành phố phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ tổ chức, ông Lưu kể: “Khoảng 15 giờ ngày 30-4-1975, tôi đọc bản tuyên bố xóa bỏ chế độ ngụy quyền phản động. Trong nội dung tuyên bố có đoạn: “Đồng bào Cần Thơ thân mến! Đại diện Ủy ban nhân dân cách mạng Cần Thơ đã tiếp quản Đài Phát thanh. Quân giải phóng sẽ vào tiếp quản Cần Thơ, đồng bào hãy bình tĩnh, giữ gìn trật tự, an ninh, bảo vệ tài sản, tính mạng. Cương quyết trừng trị bọn cướp bóc, hãm hiếp, phá hoại, Ủy ban nhân dân cách mạng Cần Thơ tuyên bố: Xóa bỏ ngụy quyền phản động kìm kẹp đồng bào; giải tán các LLVT, bán vũ trang thuộc ngụy quyền Sài Gòn, tổ chức chính trị phản động... Cơ hội ngàn năm đã đến. Thành phố Cần Thơ kiên cường, bất khuất đã được giải phóng”.

18 giờ ngày 30-4-1975, ông Ba Ngay chỉ huy lực lượng tiến vào dinh Tỉnh trưởng thì hắn và tùy tùng đã bỏ chạy, chỉ còn Chuẩn tướng Mạch Văn Trường, Tư lệnh Sư đoàn 21 ngụy thay mặt Tỉnh trưởng chỉ huy. Vị tướng 85 tuổi đời dày dạn trận mạc chậm rãi kể: “Khi chúng tôi vào thì có khoảng 30 tên chỉ huy của Sư đoàn 21 ngụy ngồi ghế hai bên đứng dậy như chào, súng để dưới bàn, trong đó có Chuẩn tướng Mạch Văn Trường, tôi đã chạm trán với hắn nhiều trận trên chiến trường. Hắn hỏi: “Tôi ở đây chờ các ông để bàn giao. Nhưng tôi muốn biết, các ông ở đâu mà ra rất nhanh?”. Tôi nói ngay: “Ông đầu hàng chứ không phải bàn giao. Mà ông thấy đó, hễ ở đâu có dân thì có chúng tôi. Vì vậy, ông phải ra lệnh cho các đơn vị thuộc quyền buông súng, ra lệnh cho toàn bộ binh sĩ về gia đình với vợ con, nếu không sẽ đổ máu vô ích”. Lập tức, hắn cầm bộ đàm gọi cho cấp dưới nói theo mệnh lệnh của tôi. Sau đó, chúng tôi nhanh chóng qua dinh thự cá nhân gặp Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam. Giống như các tướng lĩnh thuộc cấp, tướng Nam nói chờ Quân giải phóng vào để thương lượng. Tôi nhấn mạnh: “Thương lượng cái gì cũng phải ra lệnh cho lực lượng của ông ở các tỉnh trong khu vực hạ súng, giữ nguyên vị trí, tránh tình trạng nổ súng bất ngờ”. Tướng Nam chấp nhận. Nhờ vậy mà cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tại Cần Thơ kết thúc thắng lợi, ít đổ máu cho cả hai phía. Tuy nhiên, tôi rất đau lòng khi chứng kiến giờ khắc lịch sử mà nhiều đồng đội đã hy sinh, mãi mãi không được thấy bến Ninh Kiều giải phóng như ước hẹn”.

leftcenterrightdel
 Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Thanh Sơn. Ảnh: KIÊN GIANG

Cùng thời gian đó, các đơn vị thuộc Sư đoàn 4 nhanh chóng đánh chiếm mục tiêu theo kế hoạch như Trung đoàn 20 làm chủ sân bay Trà Nóc, tiếp nhận đầu hàng của Trung đoàn 33 ngụy trên lộ Vòng Cung; Trung đoàn 10 tiếp nhận đầu hàng của 4 tiểu đoàn ngụy, phát triển dọc lộ Sống Lươn tiến công kho bom Bình Thủy và sân bay Lộ Tẻ. Đồng thời, một bộ phận của hai đơn vị này tiến vào nội ô hỗ trợ LLVT Cần Thơ đột phá các cơ quan đầu não, trung tâm chỉ huy của địch. Riêng Trung đoàn 101 đánh chiếm khu vực Cầu Nhiếm, phối hợp với LLVT địa phương giải phóng huyện Châu Thành lúc 17 giờ; Trung đoàn 2 phối hợp với LLVT địa phương giải phóng huyện Ô Môn lúc 21 giờ-đây là điểm cuối cùng của Cần Thơ được giải phóng.

HỒ KIÊN GIANG