Đà Lạt trong những ngày cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vẫn bình yên, thơ mộng. Buổi sáng, chợ Đà Lạt vẫn tấp nập kẻ bán người mua, đầy ắp hoa tươi, rau củ xứ lạnh. Các quán cà phê vẫn thơm ngào ngạt và xôn xao tiếng nói cười của thực khách. Đêm xuống, những phòng trà, vũ trường vẫn dặt dìu tiếng đàn, tiếng hát. Tuy nhiên, phía sau vẻ bình lặng và êm đềm ấy là những con sóng ngầm báo hiệu một cơn bão lớn sắp xảy ra.
Ông Nguyễn Tri Diện, Chủ tịch UBND TP Đà Lạt giai đoạn 1998-2006, thành viên Đội Công tác thanh niên, sinh viên, học sinh Đà Lạt ngày ấy, nhớ lại: “Để chuẩn bị cho ngày giải phóng Đà Lạt, chúng tôi bắt đầu nhận nhiệm vụ từ ngày 20-3-1975. Lúc đó, Đội Công tác thanh niên, sinh viên, học sinh Đà Lạt được lãnh đạo Thị ủy Đà Lạt giao cho 4 nhiệm vụ, gồm: Điều tra nắm lại toàn bộ các kho xăng, dầu, trạm xăng, dầu, các kho lương thực và các cửa hàng bán xăng, dầu ở Đà Lạt; tổ chức in và rải truyền đơn; bảo vệ các mục tiêu quan trọng, không để bị phá hoại, như: Viện Pasteur, Trường võ bị Đà Lạt, Trường Đại học Chiến tranh chính trị, nhà máy nước, chợ Đà Lạt, Nha Địa dư quốc gia, bưu điện, Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử, Đại học Đà Lạt, đài phát thanh; tổ chức lực lượng chờ sẵn, khi Quân giải phóng đánh vào những mục tiêu trong thành phố thì đón và dẫn đường cho các cánh quân”.
Tin chiến thắng của Quân giải phóng liên tiếp dội về khiến quân địch tại Đà Lạt hoang mang, lo sợ. Sáng 31-3, các cánh quân của ta tiến về giải phóng Nha Trang. Đêm 31-3, trước nguy cơ sụp đổ, ngụy quân, ngụy quyền vội vã tháo chạy khỏi Đà Lạt. Khuya 31-3, rạng sáng 1-4, người dân Đà Lạt bị đánh thức bởi những tiếng nổ và đám cháy lớn do địch tiến hành phá hủy tài liệu và một số kho tàng, vật tư. Tiếp đó là tiếng còi hú, tiếng gầm rú của đủ loại xe tăng, xe bọc thép, xe tải, xe con nối đuôi nhau xuôi đèo Prenn tháo chạy về Ninh Thuận, Bình Thuận. Sáng 1-4, bộ đội vẫn chưa vào thành phố, Đội Công tác thanh niên, sinh viên, học sinh Đà Lạt tập trung tại rạp Hòa Bình, phân công thành từng nhóm đi tới một số mục tiêu trọng yếu, tổ chức tiếp quản, bảo vệ kho tàng, mục tiêu, sử dụng loa phóng thanh tuyên truyền chính sách 10 điểm của Chính phủ Cách mạng lâm thời, tổ chức giữ gìn an ninh trật tự, kêu gọi tàn quân địch buông súng, sẵn sàng hợp tác với chính quyền cách mạng để hưởng chính sách khoan hồng.
Sáng 2-4, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc rạp Hòa Bình trong tiếng hò reo vang dội của người dân. “Lúc đó, khoảng 10 giờ, đồng đội tôi, thành viên của Đội Công tác thanh niên, sinh viên, học sinh Đà Lạt vinh dự thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng này”, ông Nguyễn Tri Diện bồi hồi nhớ lại.
|
|
Một góc thành phố Đà Lạt. Ảnh: ĐÌNH VŨ
|
Vào lúc 9 giờ 30 phút ngày 3-4-1975, niềm vui vỡ òa khi bộ đội Quân khu 6 và các lực lượng cách mạng tiến vào tiếp quản thành phố. Hình ảnh đoàn quân chiến thắng tiến vào trung tâm Đà Lạt do các chàng trai, cô gái Đà Lạt dẫn đường thật hào hùng, xúc động. Trên chiếc xe Jeep, Đại tá Đinh Sĩ Uẩn, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 6 đã trang trọng công bố chính sách 10 điểm của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, tuyên bố Quân giải phóng đã hoàn toàn giải phóng và tiếp quản Đà Lạt. Đồng chí ghi nhận, biểu dương đội ngũ trí thức, thanh niên, sinh viên, học sinh yêu nước và nhân dân Đà Lạt đã đứng ra tiếp quản, bảo vệ thành phố khi địch bỏ chạy và bộ đội chưa kịp tiến vào thành phố...
Sau khi thành phố Đà Lạt giải phóng, Ban Quân quản và Đội Công tác thanh niên, sinh viên, học sinh Đà Lạt huy động các tầng lớp nhân dân, đội ngũ trí thức, thanh niên, sinh viên, học sinh đóng góp sức người, sức của tiếp tế, vận chuyển, chi viện cho chiến trường miền Nam. Nhiều cơ sở sản xuất, in ấn được bảo vệ tốt đã tổ chức in ấn truyền đơn, biểu ngữ, hình ảnh Bác Hồ, bản đồ thành phố Sài Gòn-Gia Định, may cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng, cờ đỏ sao vàng... chuyển đến các đơn vị, địa phương miền Nam, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
VŨ ĐÌNH ĐÔNG