Đầu tháng 6-2025, chúng tôi đến thăm Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Minh Giám ở phường Phương Lâm, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Ở tuổi 76, ông Giám còn khỏe, tác phong nhanh nhẹn. Khi chúng tôi hỏi chuyện về trận đánh đáng nhớ, bằng chất giọng hào sảng, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Minh Giám kể: “Tôi nhập ngũ tháng 7-1970, là chiến sĩ Đại đội Đặc công 24, Trung đoàn 866 (nay thuộc Sư đoàn 31, Quân đoàn 34). Tháng 4-1971, tôi cùng đơn vị hành quân sang nước bạn Lào làm nhiệm vụ quốc tế. Trận đánh mà tôi nhớ nhất là trận tiêu diệt Điểm cao 1433 thuộc căn cứ Loong Chẹng trong Chiến dịch Z.

Để bảo vệ Loong Chẹng, địch tổ chức tuyến phòng thủ gồm các cụm cứ điểm liên hoàn, trong đó có Điểm cao 1433. Điểm cao này cách trung tâm Loong Chẹng 4km về phía Đông Nam. Đây là ngọn núi đá có vách dựng đứng, vừa làm nhiệm vụ của một đài canh không lưu, chỉ điểm máy bay oanh tạc các mục tiêu nghi có đối phương tại khu vực Cánh Đồng Chum, vừa có nhiệm vụ tuần tra, cảnh giới, hỗ trợ các mục tiêu phụ cận khi có chiến sự. Chốt giữ trên điểm cao này là một đơn vị thám báo của địch, kết hợp dùng máy bay trực thăng trinh sát tuần không.

leftcenterrightdel
Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Minh Giám (ngoài cùng, bên trái) cùng đồng đội trong lần thăm chiến trường xưa. Ảnh do nhân vật cung cấp

Căn cứ nhiệm vụ trên giao cho Đại đội 24 là luồn sâu, tiêu diệt Điểm cao 1433 để mở đường phía Đông Nam cho các đơn vị của ta tiến đánh căn cứ Loong Chẹng, mọi người ai cũng biết đây là trận đánh quyết tử không có chi viện, không có đường lui. Chỉ huy Đại đội 24 giao trọng trách nặng nề này cho mũi chúng tôi, do Mũi trưởng Hoàng Văn Đá chỉ huy, mỗi người được trang bị 16 thủ pháo, 4 lựu đạn và 1 khẩu AK kèm 3 băng đạn.

Chiều 8-1-1972, chúng tôi bí mật luồn rừng, đến khoảng 11 giờ đêm, cả mũi đến khu vực yên ngựa. Từ đây muốn lên đến đỉnh của điểm cao chỉ có một lối mòn nhỏ với 6 đoạn cầu thang bắc nối các vách đá. Tại đây, chúng tôi phát hiện dây mìn claymore địch gài cạnh chân cầu thang. Mũi trưởng Hoàng Văn Đá cử người cảnh giới, còn lại nhanh chóng tháo gỡ... Mũi trưởng rỉ tai mọi người: “Phải lợi dụng tiếng nổ lựu đạn cầm canh của địch để leo lên đỉnh”. Lát sau, khi tiếng lựu đạn địch ném theo quy luật vừa nổ, đồng chí Đá bật người leo lên trước. Tôi, Chiến, Nhiệm và Đức bám sát ngay. Bỗng Chiến phát hiện trên đỉnh có tên địch ngó đầu ra nhìn xuống, chuẩn bị ném lựu đạn. Lập tức, Chiến nghiêng người hướng nòng AK lên bóp cò, tên địch lộn nhào xuống vách đá, Chiến nhanh chóng vọt lên.

Nghe tiếng súng nổ, ngay lập tức địch tập trung hỏa lực bắn tới tấp vào phía đầu cầu thang, cho nổ mìn đã bố trí từ trước và bắn pháo sáng, khiến toàn Điểm cao 1433 sáng rực. Lợi dụng địa hình, ánh sáng và theo phương án tác chiến, chúng tôi cùng vọt tiến. Hai đồng chí Đá và Chiến nhanh chóng vọt lên tấn công các hầm bên phải, tôi lao lên tiến thẳng vào khu trung tâm, vừa tiến vừa ném thủ pháo vào các hầm hào, vừa hô xung phong.

Khi vận động đánh hết mục tiêu, tôi quay lại thì thấy hai đồng chí Đá và Chiến đã hy sinh. Kiểm tra trận địa, cảm thấy an toàn, tôi quay lên trung tâm Điểm cao 1433. Tôi cũng tìm kiếm hai đồng chí Nhiệm và Đức nhưng không thấy. Sau này được biết, khi bị địch bắn chặn, hai đồng chí không lên được, tưởng chúng tôi đã hy sinh nên quay trở lại đơn vị. Bấy giờ thấy máu chảy xuống mặt, tôi mới biết mình bị thương ở đầu. Tôi tự băng bó vết thương, sau đó trở lại chỗ hai đồng đội hy sinh, đưa các anh về cạnh hầm, đặt tựa vào vách đá, đề phòng sáng ra địch có thể ném bom oanh tạc. Lúc này đã hơn 1 giờ sáng. Tôi lấy khẩu AK bắn báo hiệu đã dứt điểm mục tiêu. Đến 5 giờ sáng, tôi xuống dưới chân núi, tìm về báo cho đơn vị lên đưa hai đồng đội đi chôn cất”.

Kể chuyện về hai đồng đội đã hy sinh, ông Giám rưng rưng: “Những năm sau này, Đội Quy tập hài cốt liệt sĩ thuộc Bộ CHQS tỉnh Nghệ An được sự phối hợp của các lực lượng chức năng Lào tổ chức tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ nhưng đều không có kết quả. Tháng 3-2017, người thân của các đồng chí liên lạc với tôi, tôi đã cùng đội công tác về lại chiến trường xưa, xác định được vị trí chôn cất các đồng chí hy sinh trên Điểm cao 1433, chúng tôi cất bốc hài cốt và đưa các anh về đất mẹ. Vậy là tôi đã thấy thanh thản vì trọn nghĩa tình với đồng đội!”.

LÊ XUÂN MINH