Đến bản Lao Khô, giới thiệu với chúng tôi ngôi nhà gỗ thấp thoáng trên đỉnh đồi xa xa, Thượng úy Vàng A Nu bảo: “Nhà già làng Tráng Lao Lử, con trai của cụ Tráng Lao Khô, người có công cưu mang đồng chí Kaysone Phomvihane ở đó. Năm nay, già làng Tráng Lao Lử đã 90 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, chỉ có điều muốn hỏi già làng việc gì thì phải nói thật to nhé!”.

Được sự giới thiệu của Bộ đội Biên phòng, già làng Tráng Lao Lử vui vẻ dẫn chúng tôi đi một vòng xung quanh ngôi nhà gỗ mang đậm kiến trúc của đồng bào dân tộc Mông. Nhà của già làng như một nhà lưu niệm thu nhỏ, ở giữa, ngoài ảnh cụ Tráng Lao Khô còn có ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và rất nhiều ảnh, bằng khen được đóng khung treo khắp bốn bức tường.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng, Nhà nước, Quân đội, nhân dân Việt Nam đã giúp Cách mạng Lào xây dựng Đảng, mặt trận, LLVT và đưa quân tình nguyện cùng sát cánh với Quân đội, nhân dân Lào.  Để mở rộng khu tự do dọc biên giới giáp Lào, làm chỗ dựa-bàn đạp tiến vào xây dựng căn cứ kháng chiến vùng Bắc Lào, ngày 14-6-1948, Ban Xung phong Lào-Bắc được thành lập, gồm 14 người. Đồng chí Kaysone Phomvihane được cử làm Trưởng ban. Nhiệm vụ của Ban là gây dựng cơ sở chính trị trong quần chúng, tiến tới xây dựng căn cứ cách mạng trên đất Lào...

leftcenterrightdel

Già làng Tráng Lao Lử và chân chân dung cụ Tráng Lao Khô tại Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam-Lào ở bản Lao Khô.

Thời gian hoạt động tại Việt Nam, đồng chí Kaysone Phomvihane đã chọn bản Phiêng Sa (nay là bản Lao Khô) làm căn cứ đứng chân. Địa hình nơi đây hiểm trở, núi cao, có nhiều thung lũng sâu, khu rừng rậm rạp, có dòng suối Mơ Tươi chảy qua, rất thuận lợi để xây dựng thành một địa bàn vững chắc. Đồng chí Kaysone Phomvihane đã được tổ chức bố trí đến ở nhà cụ Tráng Lao Khô. Mặc dù đời sống của bà con trong bản còn khó khăn nhưng được cán bộ và ông Tráng Lao Khô vận động, bà con đã hết lòng giúp đỡ, chở che, tạo điều kiện cho Ban Xung phong Lào-Bắc hoạt động. Nhân dân trong bản đã dành từng lon gạo, hạt muối để nuôi bộ đội; cho mượn đất để xây dựng cơ sở; góp tiền mua vũ khí. Nhân dân là “tai, mắt” cung cấp cho bộ đội tin tức về địch, giữ bí mật, bảo vệ và che giấu bộ đội.

Nhắc lại chuyện xưa, già làng Tráng Lao Lử kể: “Khi đồng chí Kaysone Phomvihane về ở cùng, cả gia đình tôi đều rất nhiệt tình, vui vẻ, xem đồng chí như người thân. Bố tôi tự tay đóng giường cho đồng chí Kaysone Phomvihane ngủ. Để giữ bí mật, gia đình tôi đã đưa đồng chí Kaysone Phomvihane ra ở hang Thẩm Mế, cách nhà mấy cây số đường rừng. Cứ vài ba ngày, bố tôi lại xay ngô, giã thóc, mang thức ăn vào tiếp tế. Hồi đó, tôi mới hơn 10 tuổi, nhiều lần được theo bố vào rừng mang cơm cho Chủ tịch Kaysone Phomvihane. Những kỷ niệm về tình bạn đặc biệt với Chủ tịch Kaysone Phomvihane luôn được bố tôi trân trọng, coi đó là niềm vinh hạnh nhất trong cuộc đời.

Cuối năm 1950, khi phong trào cách mạng ở Lào đã phát triển mạnh, để thuận lợi cho việc chỉ đạo, đồng chí Kaysone Phomvihane cho dời căn cứ về Lào. Năm 1990, cụ Tráng Lao Khô qua đời khi tròn 100 tuổi. Biết tin, Chủ tịch Kaysone Phomvihane đã viết thư chia buồn. Năm 2009, Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào đã tặng Huân chương Tự do để ghi nhận những đóng góp của đồng bào Mông ở bản Lao Khô, đặc biệt là gia đình cụ Tráng Lao Khô.

Giờ đây, cụ Tráng Lao Khô và đồng chí Kaysone Phomvihane đều đã thành “người thiên cổ”, nhưng câu chuyện về một thời “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa” vẫn được già làng Tráng Lao Lử lưu giữ. Không những thế, để lưu giữ những giá trị về lịch sử, về mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Lào, năm 2022, Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam-Lào tại bản Lao Khô đã đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.

Bài và ảnh: HUYỀN TRANG