Xe tăng cũng... bắn ngắm trực tiếp

Theo giới thiệu của đơn vị, chúng tôi tìm gặp Đại tá, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thái, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 7, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn Xe tăng 201 (nay là Đại đội 7, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Xe tăng 201), nguyên Phó tư lệnh Binh chủng TTG. Tại phòng khách giản dị ở Khu đô thị Văn Phú, phường Phú La, quận Hà Đông, TP Hà Nội, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thái tự hào kể: “Ngày 27-3-1972, tôi là Đại đội trưởng Đại đội 6, Tiểu đoàn 512, Trung đoàn Xe tăng 203 chỉ huy đơn vị ở Vĩnh Linh. Hôm đó, đồng chí Nguyễn Xuân Khai, Trợ lý Quân lực của Bộ tư lệnh TTG (nay là Binh chủng TTG) cho biết, cấp trên điều động tôi sang làm Đại đội trưởng Đại đội 7, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn Xe tăng 201 chỉ huy đơn vị đi đánh địch ở thị xã Đông Hà (Quảng Trị). Để đánh chiếm căn cứ Đông Hà, trước đó, từ ngày 10-4-1972, tôi trực tiếp cùng với các đồng chí trưởng xe đi trinh sát cụ thể trên thực địa, cách địch khoảng 1.000-1.500m để lực lượng công binh đào hầm, ngụy trang bí mật cho từng xe tăng bắn ngắm trực tiếp...”.

leftcenterrightdel
Xe tăng T-90S vượt sông bằng cầu phao trong diễn tập với Quân đoàn 12 (năm 2023) tại Trường bắn quốc gia khu vực 1. 

Sau khi lấy giấy vẽ sơ đồ, bố trí xe tăng để chúng tôi dễ hình dung, Đại tá Nguyễn Văn Thái kể tiếp: “Rạng sáng 27-4-1972, tôi ngồi trên xe tăng T-54 số hiệu 901 chỉ huy đơn vị đánh chiếm căn cứ Đông Hà. Khi đồng chí pháo thủ trên xe gặp sự cố, tôi liền vào thay vị trí và bắn ngắm trực tiếp ở cự ly 1.000m, tiêu diệt liên tiếp 5 xe tăng địch; các xe tăng khác của đơn vị chúng tôi tiêu diệt thêm 2 xe tăng địch... Trưa hôm đó, xe tăng 901 bị thương, tôi chuyển sang xe tăng 992 thay trưởng xe, chỉ huy đơn vị tiếp tục truy kích địch, dẫn dắt bộ binh thọc sâu đánh chiếm điểm cao 26, cùng với các đơn vị bạn tiêu diệt toàn bộ Sở chỉ huy Thiết đoàn 20 ngụy. Chiều tối, đơn vị còn bắt sống một xe tăng M-41 của địch. Trận chiến này, tôi được Nhà nước tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì...”.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thái cho hay, chiến thuật bắn ngắm trực tiếp trên xe tăng đã được các đơn vị xe tăng vận dụng hiệu quả. Hiện nay, Trường Sĩ quan TTG vẫn lấy chiến lệ trận đánh ngày 27-4-1972 là bài học kinh nghiệm để liên hệ thực tiễn cho học viên về chiến thuật bắn ngắm trực tiếp trên xe tăng. Từ tháng 4 đến tháng 7-1972, Đại đội 7 đã tham gia 7 trận đánh, lập nhiều chiến công vang dội. Với những chiến công đó, ngày 20-12-1972, Đại đội 7, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn Xe tăng 201 đã vinh dự được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

leftcenterrightdel

Lãnh đạo, chỉ huy Lữ đoàn Xe tăng 201 kiểm tra công tác chuẩn bị vận chuyển xe tăng T-90S tham gia diễn tập ĐT-23 (năm 2023). Ảnh do đơn vị cung cấp 

Học ngoại ngữ để làm chủ vũ khí hiện đại

Đến thăm Lữ đoàn xe tăng 201, chúng tôi tình cờ gặp Đại tá, cựu chiến binh Bùi Quang Thắng, nguyên Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng, nguyên Phó tham mưu trưởng Binh chủng TTG về thăm đơn vị cũ. Ông là người nhiều năm liền gắn bó với đơn vị, hiện đang sống ở phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội. Đại tá Bùi Quang Thắng nhớ lại: “Năm 1997, đơn vị được cấp trên cấp mô hình cắt bổ, tranh vẽ, sơ đồ và một thiết bị huấn luyện mô phỏng lái xe tăng T-55 do Liên Xô viện trợ, nhưng tất cả đều sử dụng tiếng Nga, chưa được dịch ra tiếng Việt. Tốt nghiệp Học viện Xe tăng Moskva nên tôi hiểu thiết bị này rất hữu ích cho công tác huấn luyện lái xe tăng. Tôi trực tiếp giao cho đồng chí Phan Công Hùng, Trung đội trưởng thuộc Đại đội 7, Tiểu đoàn 1 vừa tốt nghiệp đào tạo sĩ quan tại Ukraine dịch ra tiếng Việt và hiệu đính lại toàn bộ nội dung các bài tập có sẵn trong thiết bị huấn luyện lái xe T-55. Đây là thiết bị dùng cho huấn luyện trong lớp học trước khi thực hành lái trên xe tăng theo trình tự từ bài lái cơ bản đến các bài lái nâng cao theo một quy trình định sẵn. Nếu lái xe tăng thực hành thao tác tốt trên thiết bị này, cán bộ huấn luyện sẽ kiểm tra được các động tác cơ bản và nâng cao của lái xe sát thực tế chiến đấu. Lái xe thành thạo các động tác trên thiết bị mô phỏng sẽ nâng cao chất lượng huấn luyện, tiết kiệm nhiên liệu, giờ máy nổ khi thực hành lái xe tăng ngoài thực địa...”.  

Để hiểu rõ hơn việc dạy ngoại ngữ cho cán bộ, chúng tôi trò chuyện với Thượng tá, TS Dương Sỹ Hiệp, Phó lữ đoàn trưởng về kỹ thuật Lữ đoàn Xe tăng 201, người có gần 10 năm học đại học và nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Bách khoa Kharkov (Ukraine). Anh không ngần ngại chia sẻ: “Đầu năm 2024, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị đã quyết định thành lập Tổ giáo viên tiếng Nga (dạy tiếng Nga chuyên ngành và giao tiếp) để giúp đội ngũ cán bộ thuận lợi trong quá trình huấn luyện, nhất là xe tăng thế hệ mới T-90S/SK. Tổ giáo viên gồm 7 đồng chí đều được đào tạo tại Nga và Ukraine. Tôi được thủ trưởng đơn vị chỉ định làm tổ trưởng. Theo lịch huấn luyện, sáng thứ sáu hằng tuần, chúng tôi dạy tiếng Nga cho cán bộ, nhân viên trong đơn vị. Để giúp học viên từ chưa biết đến nắm được kiến thức cơ bản về tiếng Nga chuyên ngành và giao tiếp, chúng tôi đã xây dựng chương trình, giáo án huấn luyện theo phương châm “ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thuộc và dễ liên hệ thực tế”.

leftcenterrightdel
 Cán bộ Lữ đoàn Xe tăng 201 giới thiệu về xe tăng thế hệ mới T-90S/SK.  Ảnh: THÁI KIÊN

Quá trình dạy ngoại ngữ, tổ giáo viên chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1, học viên học xong bảng chữ cái, số lượng từ vựng nhất định phục vụ học ngữ pháp cơ bản; giai đoạn 2, huấn luyện tiếng Nga giao tiếp; giai đoạn 3 là huấn luyện tiếng Nga chuyên ngành. Sau huấn luyện 3 tháng, học viên đã có vốn ngữ pháp và từ vựng cơ bản. Từ tháng thứ tư, học viên học tiếng Nga chuyên ngành kỹ thuật, chuyên ngành TTG. Để dễ nhớ, giáo viên chuẩn bị các bài giảng PowerPoint với tên gọi đầy đủ và tên gọi viết tắt kèm theo cả hình ảnh trực quan sinh động các khối, cụm trên xe TTG...

Trước khi chúng tôi chia tay đơn vị, Đại tá Vũ Mạnh Từ, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Xe tăng 201 tự tin khẳng định: “Đơn vị chúng tôi rất vinh dự, tự hào được cấp trên tin tưởng giao quản lý, khai thác vũ khí, khí tài thế hệ mới. Đây vừa là nhiệm vụ vừa là trách nhiệm, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ cần phải nỗ lực học tập, nhất là nâng cao trình độ ngoại ngữ để huấn luyện khai thác, làm chủ vũ khí, trang bị mới chất lượng, hiệu quả; tích cực xây dựng đơn vị “tinh, gọn, mạnh”, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là lực lượng đột kích quan trọng của lục quân Việt Nam, viết tiếp chiến công, truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng” của bộ đội TTG Việt Nam anh hùng...”.

THÁI BẢO NGỌC