Đầu năm 1969, Nguyễn Tất Thắng được điều động về Ban Thông tin, Trung đoàn 45 (nay là Lữ đoàn Pháo binh 45, Binh chủng Pháo binh). Khi đi tìm hiểu và làm quen với đơn vị, anh đến Trạm sửa chữa xe-máy của Trung đoàn. Điều anh không ngờ là anh em tiếp đón rất nhiệt tình. Biết Thắng đã học xong trung cấp cơ điện, từ Trạm trưởng Nguyễn Văn Bàn đến Tổ trưởng Vũ Quang và các anh em khác trong Trạm đều muốn kéo anh về công tác ở Trạm.
Ở Trạm sửa chữa xe-máy về, Thắng kể chuyện với anh Đào Văn Thân, Chủ nhiệm Thông tin và trình bày nguyện vọng. Anh Thân bảo: “Nguyện vọng của cậu, tôi ủng hộ. Nhưng băn khoăn là khi máy nổ của Ban Thông tin hỏng thì ai sửa chữa?”. Anh Thắng liền báo cáo: “Chủ nhiệm đề nghị Trung đoàn khi ra quyết định điều động tôi thì đồng thời cũng giao cho Trạm sửa chữa xe-máy có trách nhiệm sửa chữa máy nổ cho Ban Thông tin”. Anh Thân gật gù bảo: “Để tớ báo cáo trên xem đã!”.
Và nguyện vọng của Nguyễn Tất Thắng được trên chấp nhận. “Khi mang quyết định về Trạm sửa chữa xe-máy, tôi được anh em trong Trạm chào đón rất hồ hởi, như đón một đứa em đi xa lâu ngày trở về. Vốn đã được trang bị kiến thức cơ bản, lại tích cực học hỏi và được các anh trong Trạm tận tình chỉ bảo nên tôi tiến bộ khá nhanh. Ngoài công việc chính tôi đảm nhiệm, Trạm trưởng còn giao cho tôi dạy văn hóa cho một đồng chí trong Trạm. Khi anh ấy tự viết được thư về cho gia đình, cả Trạm hết sức vui mừng”-anh Thắng kể.
|
|
Đồng chí Nguyễn Tất Thắng (bên trái) cùng đồng đội sửa chữa xe-máy, năm 1972. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Sau Chiến dịch Đường 9-Nam Lào, đầu năm 1972, Nguyễn Tất Thắng được điều động trở lại Ban Thông tin. Trong suốt thời gian tham gia chiến dịch giải phóng Quảng Trị và 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ, tuy cùng Trung đoàn nhưng rất ít khi Thắng gặp được anh em trong Trạm. Cuối năm 1972, tình hình chiến sự ở Quảng Trị tạm lắng xuống, nhân một chuyến công tác, Thắng ghé vào thăm các anh, lúc ấy, Trạm đang đóng quân ở Cam Lộ. Thấy Nguyễn Tất Thắng về thăm Trạm, anh em rất vui mừng.
“Hôm ấy, anh Quang, Trạm trưởng hỏi tôi: “Em có ở được với các anh một, hai ngày không?”. Tôi gật đầu: “Vâng, được ạ!”. Vậy là cả Trạm nhộn nhịp hẳn lên. Các anh liền tổ chức bữa liên hoan, có thịt gà và cả bún gạo do Trạm tăng gia, chế biến. Các anh hỏi tôi đủ thứ chuyện, từ chuyện thư nhà đến chuyện có bạn gái chưa. Tôi vô cùng xúc động và cố ngăn những giọt nước mắt sắp trào ra. Tôi cũng không ngờ đây là lần cuối tôi gặp gỡ anh em Trạm sửa chữa xe-máy của Trung đoàn 45. Bởi sau chuyến công tác ấy, tôi được trên quyết định điều đi học. Đầu tháng 2-1973, tôi khoác ba lô ra Bắc, không kịp đến chia tay các anh!” - Đại tá Nguyễn Tất Thắng bồi hồi nhớ lại.
HOÀNG QUÝ LÊ