Dành mọi thứ tốt nhất cho Việt Nam
“Chắc chắn phải là mối tình hữu nghị đặc biệt “vừa là đồng chí, vừa là anh em” thì các thầy thuốc, nhân viên y tế chúng tôi mới không tiếc máu xương để giúp đỡ các đồng chí thương binh, bệnh binh Việt Nam suốt từ tháng 3-1969 đến tháng 12-1975”, đó là chia sẻ của bác sĩ Liễu Hồng Lâm, Bí thư Đảng ủy Bệnh viện Nam Khê Sơn thuộc Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc), khi ông giới thiệu với chúng tôi-đoàn công tác của Bộ Quốc phòng Việt Nam trong thời gian đến thăm Bệnh viện.
Bệnh viện Nam Khê Sơn trước đây là một bệnh viện hết sức đặc biệt do Chính phủ Trung Quốc cho xây dựng ngay trên lãnh thổ Trung Quốc, nhưng chỉ nhận thương binh, bệnh binh là cán bộ, chiến sĩ của Việt Nam đến điều trị.
Bệnh viện được trù bị vào năm 1966 với tên gọi là Bệnh viện Việt Nam. Quá trình chuẩn bị để xây dựng Bệnh viện rất công phu. Phía bạn đặt ra tiêu chí khu đất phải thực sự an toàn, tiện cho quá trình vận chuyển thương binh trong trường hợp máy bay địch tấn công. Bệnh viện cũng phải là nơi có khí hậu mát mẻ, phong cảnh đẹp để thương binh thư giãn, thoải mái, nhanh hồi phục. Sau nhiều lần đi khảo sát tỉ mỉ, Ban lãnh đạo Bệnh viện mới tìm được khu đất có vị trí rất đẹp, có núi che chở, có sông bao quanh, cảnh đẹp hữu tình, lại rất an toàn cho thương binh khi có tình huống.
Bệnh viện khởi công năm 1967 và được xây dựng từ những nguyên vật liệu tốt nhất, thiết bị tốt nhất Trung Quốc thời điểm đó. Bệnh viện chính thức khánh thành, được đặt tên là Bệnh viện Nam Khê Sơn vào ngày 23-10-1968 và đón đợt thương binh, bệnh binh người Việt Nam đầu tiên đến điều trị ngày 26-3-1969.
Bác sĩ Liễu Hồng Lâm cho biết: “Đích thân Thủ tướng Chu Ân Lai đã chọn ông Lâm Quân Tài làm Viện trưởng đầu tiên của Bệnh viện. Thủ tướng Chu Ân Lai gọi ông Lâm Quân Tài là “Viện trưởng đáng tin cậy nhất Trung Quốc”.
|
|
Đoàn công tác Bộ Quốc phòng Việt Nam nghe giới thiệu về quá trình hoạt động của Bệnh viện Nam Khê Sơn, tháng 10-2024. Ảnh: XUÂN HÒA |
Ông Lâm Quân Tài từng làm Viện trưởng của 4 bệnh viện rất nổi tiếng ở Trung Quốc: Bệnh viện Đa khoa Quân khu Nam Kinh; Bệnh viện Hiệp Hòa Bắc Kinh; Bệnh viện Nam Khê Sơn và Bệnh viện Bắc Kinh.
Viện trưởng Lâm Quân Tài từng trong đoàn cố vấn quân sự do Trung tướng Trần Canh (sau này là Đại tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc) làm trưởng đoàn sang hỗ trợ Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, năm 1950. Chính những năm tháng sống cùng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc tại Việt Nam đã bồi đắp trong ông tình hữu nghị, sự chia sẻ với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Việt Nam. Trong hồi ký “Tôi làm viện trưởng bệnh viện nổi tiếng”, Viện trưởng Lâm Quân Tài nhiều lần nhắc tới tình cảm sâu đậm với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Việt Nam dành cho ông khi ở Việt Nam, cũng như sau này, trên cương vị là Viện trưởng, chữa trị cho bệnh nhân là cán bộ, chiến sĩ Việt Nam chiến đấu trên khắp các chiến trường ở Việt Nam.
Học tiếng Việt phục vụ điều trị
Kể từ tháng 3-1969, thông qua đầu mối phía Việt Nam là Bệnh viện E, Bệnh viện Nam Khê Sơn trực thuộc Bộ Y tế Trung Quốc đã thực hiện việc điều trị cho các thương binh, bệnh binh từ miền Nam Việt Nam và cán bộ trung cao cấp ở các địa phương của Việt Nam. Chính vì thế, hầu hết y, bác sĩ khi tới công tác tại Bệnh viện này đều tranh thủ học tiếng Việt để tiện cho quá trình thăm khám và chăm sóc bệnh nhân, thương binh Việt Nam.
Bác sĩ Liễu Hồng Lâm cho biết thêm, những thầy thuốc, nhân viên y tế công tác tại Bệnh viện Nam Khê Sơn thời kỳ này đều là những người có chuyên môn vững vàng, phẩm chất chính trị tốt, thậm chí có những bác sĩ còn là chuyên gia đầu ngành của Trung Quốc. Thời điểm ấy, Quế Lâm là vùng đất khó khăn, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nhưng khi biết sẽ chữa trị cho thương binh Việt Nam, ai cũng cảm động và quyết tâm xung phong.
|
|
Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng Việt Nam nghe giới thiệu về quá trình hoạt động của Bệnh viện Nam Khê Sơn. Ảnh: XUÂN HÒA |
Sau khi các y, bác sĩ từ Bắc Kinh đến Quế Lâm, nhiệm vụ quan trọng đầu tiên của họ là học tiếng Việt. Ngoài thời gian học tiếng Việt, các y sĩ, bác sĩ còn phải tham gia cùng các công nhân làm công việc dọn dẹp, trồng cây và nhiều công việc khác.
Kể lại quyết tâm học tiếng Việt của các y, bác sĩ Trung Quốc, bác sĩ Liễu Hồng Lâm dẫn lại câu chuyện của bác sĩ Vu Thục Tuệ hồi năm 1969. Lúc đó, bác sĩ Tuệ làm ở khoa ngoại của Bệnh viện, có một bệnh nhân phải làm phẫu thuật tai nên phải cắt trọc tóc. Bác sĩ Tuệ liền thông báo cho bệnh nhân: “Mời đồng chí đi cắt đầu”. Đồng chí bệnh nhân sợ hãi kêu to: “Tôi không đi, không đi đâu”. Bác sĩ Tuệ cảm thấy lạ liền mời phiên dịch đến. Chị phiên dịch nghiêm khắc nhắc nhở: “Sao chị lại bảo bệnh nhân đi cắt đầu. Phải nói là cắt tóc chứ”.
Thực ra bệnh nhân đó cũng hiểu ý, nhưng là vì muốn bác sĩ Tuệ học tốt tiếng Việt hơn, có thể nói chuyện được nhiều hơn, không chỉ trong công tác chữa trị mà còn có thể chia sẻ với nhau về cuộc sống.
Nghĩa tình còn mãi
Bác sĩ Liễu Hồng Lâm dẫn lời của Giáo sư Phan Thụy Cần, chuyên gia ngoại khoa nổi tiếng hàng đầu Trung Quốc, đã được ghi trong sổ vàng truyền thống của Bệnh viện: “Chúng tôi dùng máu đào của nhân dân Trung Quốc dâng hiến cho nhân dân Việt Nam. Sau khi được chúng tôi điều trị, các thương binh, bệnh binh Việt Nam xuất viện, về nước trở lại cương vị chiến đấu và công tác của họ. Chính phủ Việt Nam và các thương binh, bệnh binh đã hết lời khen ngợi công tác của chúng tôi. Chúng tôi đã chi viện cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Việt Nam bằng tuổi trẻ của mình, viết nên một trang sáng ngời...”.
Mỗi khi bệnh nhân Việt Nam cần máu, tất cả y, bác sĩ đều tình nguyện hiến máu để cứu chữa cho bệnh nhân. Hầu hết thầy thuốc, nhân viên y tế của Bệnh viện đều có nhiều lần hiến máu để cứu chữa thương binh từ các chiến trường Việt Nam gửi đến. Từ đợt đầu tiên ngày 26-3-1969 đến đợt thương binh, bệnh binh Việt Nam cuối cùng xuất viện vào ngày 18-12-1975, Bệnh viện Nam Khê Sơn đã chữa trị được 5.432 bệnh nhân, trong đó, tiến hành hơn 2.000 ca phẫu thuật và tiếp 780.000ml máu cho các thương binh, bệnh binh.
Trở lại Phòng truyền thống của Bệnh viện, bác sĩ Liễu Hồng Lâm tiếp tục giới thiệu tỉ mỉ từng bức ảnh, từng hiện vật, như: Các máy chiếu phim phục vụ thương binh; những chiếc áo, màn, chăn chiếu của bệnh nhân... Rồi ông chỉ vào một bức ảnh chụp tòa nhà hình chữ “vương” (tiếng Trung), kể: Đây là tòa nhà nội trú dùng để điều trị và chăm sóc bệnh nhân. Các thiết bị trong nhà này là những thiết bị cao cấp nhất Trung Quốc thời kỳ những năm 60 của thế kỷ 20. Hồi đó, các thương binh, bệnh binh được Chính phủ Trung Quốc và Bệnh viện ưu tiên những thức ăn ngon, bổ dưỡng nhất, tiêu chuẩn bữa ăn của bệnh nhân khi ấy ngang với tiêu chuẩn ăn của phi công. Các món ăn được nhà bếp chế biến công phu, theo khẩu vị người Việt Nam để bệnh nhân ăn ngon, ăn hết suất.
|
|
Các hiện vật trưng bày tại Nhà truyền thống Bệnh viện Nam Khê Sơn. Ảnh: XUÂN HÒA
|
Bệnh viện còn được Chính phủ Trung Quốc đầu tư xây dựng một hội trường lớn để làm địa điểm chiếu phim, biểu diễn văn nghệ và tổ chức các hoạt động vui chơi khác. Hội trường có diện tích còn lớn hơn cả Nhà hát Lệ Giang tiên tiến nhất Quế Lâm thời điểm đó. Các loại sách báo cũng được cung cấp đầy đủ. Bệnh nhân khi muốn tìm hiểu, các phiên dịch có thể giúp dịch lại...
Trong suốt quá trình Bệnh viện triển khai chữa trị cho thương binh Việt Nam, đã có nhiều đoàn cán bộ cấp cao của Việt Nam tới thăm, động viên, trao quà tặng bác sĩ và bệnh nhân. Năm 1974, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất đối với tập thể cán bộ, thầy thuốc, nhân viên y tế Bệnh viện Nam Khê Sơn.
Sau đợt thương binh, bệnh binh Việt Nam cuối cùng xuất viện tháng 12-1975, từ năm 1976, Bệnh viện Nam Khê Sơn được đặt dưới sự quản lý của tỉnh Quảng Tây. Hiện nay, Bệnh viện Nam Khê Sơn thuộc Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Bệnh viện đang có bước phát triển vượt bậc về trình độ chuyên môn, có nhiều trang thiết bị tiên tiến, là một trong những bệnh viện lớn nhất, uy tín nhất tại Quế Lâm, Trung Quốc.
NGUYỄN HÒA