Khi bắt đầu viết bài này về ông, người chiến sĩ quốc tế Kostas Sarantidis-Nguyễn Văn Lập, điều đầu tiên tôi tâm niệm là phải làm sao thể hiện được nhiều nhất những ân tình sâu nặng của ông đối với quê hương thứ hai Việt Nam, bởi viết bao nhiêu cũng là không đủ về một người yêu Việt Nam vô điều kiện và đã dành tuổi thanh xuân trên chiến trường Liên khu 5 để sát cánh cùng đồng đội Việt Nam chiến đấu.

Tôi còn nhớ lần gặp ông ở Lễ trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân tại Hà Nội năm 2013, sức khỏe ông không được tốt. Bằng giọng rất yếu, ông kể đã dặn vợ con nếu lần này có mệnh hệ gì thì để ông nằm lại luôn ở Việt Nam, nhất định không được đưa về Hy Lạp. Tâm nguyện được an nghỉ mãi mãi ở quê hương Việt Nam của người chiến sĩ quốc tế sau đó đã trở thành hiện thực. Sau khi qua đời năm 2021, đến năm 2022, tro cốt của ông từ Hy Lạp được chuyển sang Việt Nam để an táng tại Nghĩa trang Quân khu 5 theo di nguyện của ông.

Theo lời kể của chị Foteini Sarantidis, tên Việt Nam là Nguyễn Thị Bạch Tuyết-con gái ông, trong phòng của cha chị luôn có một tấm vải xanh với dòng chữ thêu bằng chỉ vàng “Thây tôi về Hy Lạp, linh hồn tôi ở lại Việt Nam”. Về Hy Lạp nhưng ông vẫn giữ nếp sống như một người Việt Nam và luôn dõi theo các tin tức về Việt Nam, dành nhiều thời gian cống hiến, vun đắp tình hữu nghị giữa hai quốc gia Việt Nam và Hy Lạp. Ông chính là người đã giúp cộng đồng người Việt Nam thành lập Hội Những người Việt Nam ở

Hy Lạp. Nhưng sau đó, ông đề nghị đăng ký tên gọi chính thức là Hội Hữu nghị Hy Lạp-Việt Nam, vì theo ông: “Nên có chỗ cho những người Hy Lạp yêu quý Việt Nam cùng tham gia”. Khi xem ti vi, biết tin Việt Nam giải phóng đất nước sau Đại thắng mùa Xuân 1975, ông đã bật khóc rồi đi tìm tất cả đầu báo để đọc những tin tức liên quan. Đặc biệt, chị Bạch Tuyết kể, cha chị vẫn luôn giữ bên mình bộ quân phục mang quân hàm Đại úy, bộ quân phục ông mặc khi còn chiến đấu ở Việt Nam với cái tên Nguyễn Văn Lập.

leftcenterrightdel

 Anh hùng LLVT nhân dân Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập. Ảnh: HỒNG VÂN

Kể từ khi cùng người vợ Việt Nam trở về Hy Lạp sinh sống, đã có 8 lần ông quay lại Việt Nam. Tuổi cao, sức yếu nên sinh thời, ông chỉ mong sẽ thực hiện được tròn 10 lần trở về quê hương thứ hai của mình, nhưng mong muốn ấy đã không thành hiện thực. Giờ đây, người anh hùng đã an nghỉ mãi mãi trên chính mảnh đất có quá nhiều kỷ niệm năm xưa. Ông sẽ không còn phải đau đáu với mong muốn quay trở lại Việt Nam lần nữa sau mỗi lần từ Việt Nam trở về Hy Lạp. Con cái của các đồng đội cũ (Đại tá Lâm Quang Minh, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 803; Đại tá Võ Văn Minh ở Trung đoàn 108, Liên khu 5) năm xưa mỗi khi có dịp vẫn không quên tới thắp cho người đồng đội quốc tế của cha những nén hương tình nghĩa, dâng lên phần mộ ông những món ăn dân dã của vùng đất Quảng Nam, những món mà ông vẫn bảo là “thèm ăn”, trong đó không thể thiếu món bánh tổ.

Khi hay tin tro cốt của chiến sĩ quốc tế Nguyễn Văn Lập được đưa về Việt Nam, bà Lâm Thị Mỹ Hạnh (con gái Đại tá Lâm Quang Minh) cùng các anh chị em đã vội bay ra Đà Nẵng để kịp tiễn đưa người đồng đội của cha mình lần cuối. Bà từng có lần sang tận Hy Lạp để thăm người đồng đội của cha và càng cảm nhận rõ hơn nghĩa tình sâu nặng của ông đối với đất nước Việt Nam, với những đồng đội ở “Tiểu đoàn Lá Mít” năm xưa. Đại tá Võ Văn Minh cùng hai đồng đội nữa, chân không còn vững vì tuổi cao, sức yếu, cũng tới tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng, buổi lễ được tổ chức theo nghi lễ của Quân đội nhân dân Việt Nam vào sáng 2-8-2022, tại Nhà tang lễ Quân khu 5 (Đà Nẵng).

Khi đó, Đại sứ Việt Nam tại Hy Lạp Lê Hồng Trường đã nói rằng, ông Kostas Sarantidis-Nguyễn Văn Lập không chỉ là người nước ngoài duy nhất tới nay được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân mà còn là người hiếm hoi xin đưa tro cốt của mình tới một đất nước không phải nơi mình sinh ra. Điều đó đủ để nói lên nghĩa tình sâu nặng của người chiến sĩ quốc tế đối với Việt Nam và ngược lại, của quê hương Việt Nam đối với một người con rất đặc biệt như ông. Danh hiệu cao quý mà ông được trao tặng cũng chính là nhờ có những đồng đội chí nghĩa chí tình như Đại tá Lâm Quang Minh, Đại tá Võ Văn Minh-những cựu chiến binh dù tuổi cao, sức yếu đã không quản đường sá xa xôi và trở ngại trong quá trình tìm lại hồ sơ lưu trữ, gặp các nhân chứng lịch sử để chứng minh cho thành tích của người đồng đội đặc biệt!

MỸ HẠNH