QĐND - Sinh ra trong một gia đình nghèo có 8 người con trên quê hương Nhân Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình)-làng biển nổi tiếng anh hùng với truyền thống “bám biển” trong kháng chiến chống Mỹ, đầu xuân 1965, người thanh niên Nguyễn Thanh Viên rời ghế nhà trường lên đường nhập ngũ khi tuổi đời vừa tròn 20.
Tháng 3-1968, đơn vị ông gia nhập Bộ tư lệnh Đặc công. Đơn vị ém quân và tham chiến ở vùng Quảng Đà-Hội An-Đà Nẵng. Nhiều lần cải trang, trà trộn với dân Cẩm Thanh đi biển ra đảo Cù Lao Chàm: Trinh sát tàu Mỹ nhằm có phương án đánh chính xác. Trong những năm 1968-1970, ông cùng đơn vị nhiều lần đánh sập cầu Câu Lâu ở Điện Ngọc, Điện Bàn, Quảng Nam nhằm ngăn chặn quân Mỹ-ngụy đánh vào Đà Nẵng.
|
CCB Nguyễn Thanh Viên với tác phẩm đoạt giải ba cuộc thi “Mãi mãi xứng danh Bộ đội Cụ Hồ trên quê hương Bác” của Quân khu 4.
|
Trong trận chiến đấu đêm 10-4-1970, Chuẩn úy Nguyễn Thanh Viên bị thương nặng ở hai chân và đầu, được chuyển về hậu phương an dưỡng ở Đoàn 253 Quân khu Tả ngạn đóng ở Nam Sách, Chí Linh, Hải Dương. Khi hồi phục được vài phần, Nguyễn Thanh Viên tha thiết xin trở lại chiến trường nhưng tổ chức không chấp thuận vì ông không đủ sức khỏe. Trong nhật ký của những ngày tháng rực lửa ấy, ông đã viết: “Say chiến đấu bị thương mất sức / Đảng cho ra miền Bắc dưỡng thương / Tình dân nghĩa Đảng sắt son / Chưa tan Mỹ ngụy chiến trường xin vô”. Thấy ông có trình độ (7/10) và có công lao, tổ chức cử ông đi học hàng hải ở Ba Lan 7 năm nhưng “tôi im lặng và xin về với mạ, với quê hương”-ông kể.
Năm 1977, Chi bộ Đảng ở địa phương cử ông lãnh đạo xã viên đi làm thủy lợi, mặc dù chưa hề có kinh nghiệm trong chuyện này. Nhưng với tư chất của người lính Cụ Hồ “khó khăn nào cũng vượt qua, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành”, nghĩ được làm được, ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao. Lúc này đang còn bao cấp, nạn tham nhũng bòn rút của công bắt đầu nổi lên trong hợp tác xã đánh bắt và sản xuất thủy hải sản trên quê hương, nơi ông công tác sau khi phục viên, nhưng ông vẫn một lòng trinh bạch. Nhật ký chiến trường ông còn ghi: “Tham ô là mình hữu ý đục khoét xương máu của đồng đội, của cha mẹ và anh chị em mình” khi ông làm quản lý của đơn vị hồi còn là bộ đội. Nay, đức tính liêm khiết ấy vẫn theo ông đi suốt cả cuộc đời.
Năm 1992, hợp tác xã của địa phương giải tán, “tôi chẳng có tài sản riêng”-ông bộc bạch, đành “đi bạn” (làm thuê ăn công) cho các chủ thuyền. Là thương binh hạng 2/4 với nhiều thương tật nên càng khó khăn gấp bội nhưng ông cũng phải vật lộn mưu sinh kiếm sống vì phụ cấp cho thương binh không đủ nuôi vợ con, đã thế lại còn bệnh tật. Hai con trai của ông cũng vì hoàn cảnh đó nên đành phải vào Nam ra Bắc tìm kế sinh nhai.
Vất vả là thế nhưng những lúc rảnh rỗi CCB Nguyễn Thanh Viên còn viết hồi ký, tự truyện, viết về những người lính trở về sau cuộc chiến và những đổi thay trên quê hương Nhân Trạch, với ông đó là những mảng đề tài không bao giờ cạn. Ông đã đoạt giải ba cuộc thi tìm hiểu “Mãi mãi xứng danh Bộ đội Cụ Hồ trên quê hương Bác” của Quân khu 4 năm 2005 với một bài viết về một đồng đội cùng quê với ông-CCB Nguyễn Văn Xoài từng tham gia chiến đấu ở mặt trận Lào. Trong những trang hồi ký và tự truyện của ông, CCB Nguyễn Thanh Viên vẫn tự nhận mình chỉ là “viên cát nhỏ” trên bãi biển của quê hương. Nhưng trong mắt người dân làng biển, đặc biệt là bạn bè, đồng đội thì CCB Nguyễn Thanh Viên là người được nể phục vì những chiến công trong chiến đấu, biết vượt qua nhiều nỗi đau và mất mát do cuộc chiến mang lại.
Chuyện là vào tháng 3-1966, khi ông được 7 ngày phép trước khi lên đường theo Trung đoàn 126 Hải quân ra huấn luyện ở Bạch Đằng, Hòn Gai, Tuần Châu…, ông xin phép gia đình cưới vợ, người bạn gái mồ côi cha từ khi 6 tuổi: Cha hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, mẹ ở vậy thờ chồng nuôi con. Đám cưới nhanh chóng được tổ chức, ái ân vợ chồng được vài ngày thì ông lại ra đi. Phục viên trở về vào tháng 10-1974, sau hơn 9 năm lăn lộn ở chiến trường với đôi nạng khập khiễng cùng những vết thương chưa lành, ông lại phải đối mặt với một nỗi đau còn lớn hơn cả nỗi đau chiến tranh: Vợ có con với người khác. Ông nghẹn ngào. Vợ ông cũng bưng mặt khóc nức nở, không dám nhìn chồng. Vượt qua bao gièm pha, ông quyết định lấy lại người vợ “lỡ lầm” ấy và vẫn nhận đứa con lúc đó mới 3 tháng tuổi là con của mình. “Tất cả cũng tại chiến tranh và thằng Mỹ”-ông bày tỏ trong tự truyện của mình. Thấu hiểu cùng nhau những nỗi đau, hai vợ chồng ông lại sống hạnh phúc đến bây giờ. Họ có thêm 5 người con nhưng chất độc da cam từ chiến trường theo ông về và lần lượt cướp đi 3 người con khi các cháu chưa qua tuổi 15, còn lại 2 người con trai nhưng cũng bị dị tật nhẹ. Học đức tính siêng năng từ cha nên giờ đây các con của ông đã là ông chủ của những ghe thuyền ăn nên làm ra.
Giờ đây, khi tuổi đã cao, sức đã yếu, ông sống hạnh phúc cùng vợ và các con, các cháu. Những dịp lễ trọng đại của đất nước, ông đến với các trường học trên địa bàn để kể cho các cháu học sinh, những chủ nhân tương lai của đất nước biết về một thời oanh liệt của các thế hệ đi trước với những hy sinh mất mát của ông cha vì độc lập tự do của dân tộc.
Bài và ảnh: PHAN ANH XUÂN