Tháng 10-1966, do yêu cầu của cách mạng và nhiệm vụ của quân đội, đồng chí Hoàng Minh Thảo được điều động vào chiến trường miền Nam giữ chức Phó tư lệnh, rồi Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (B3). Mặc dù được Trung ương chi viện và nhân dân giúp đỡ, nhưng điều kiện ăn ở, sinh hoạt của bộ đội vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Là Tư lệnh mặt trận, nhưng ông không bao giờ nhận tiêu chuẩn hơn cán bộ, chiến sĩ. Bàn làm việc, giường nằm của ông cũng giống như của tất cả cán bộ, chiến sĩ, đều làm bằng tre, nứa. Ông thường xuyên xuống các đơn vị kiểm tra tình hình bảo đảm vật chất và tinh thần cho bộ đội, nhất là thương binh, bệnh binh. Nhờ đó, ông kịp thời nắm bắt thông tin và chỉ thị cho cơ quan hậu cần bảo đảm thuốc men, nhắc nhở các bác sĩ chăm sóc, điều trị cho thương binh, bệnh binh một cách chu đáo.

Ngoài chăm lo đời sống cho cán bộ, chiến sĩ, ông còn rất quan tâm đến đời sống của nhân dân địa phương nơi đơn vị đóng quân. Tây Nguyên thuộc Khu 5 về mặt hành chính, nhưng B3 lại là mặt trận trực thuộc sự chỉ huy, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Quốc phòng. Dưới sự chỉ huy của ông, các đơn vị thuộc Mặt trận B3 không chỉ làm tốt công tác phối hợp với các địa phương trong chiến đấu, mà còn sẵn sàng chi viện phương tiện, vật chất, lương thực, thực phẩm trong điều kiện bộ đội còn rất thiếu thốn. Chia sẻ và cảm thông với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên vừa thiếu đói, vừa khổ cực vì chiến tranh, Tư lệnh Hoàng Minh Thảo đã nhiều lần ra chỉ thị giúp đỡ đồng bào, thậm chí có lúc ông còn chỉ đạo rút bớt tiêu chuẩn ăn của mình để chia sẻ cho đồng bào. Nhờ vậy mà đồng bào các dân tộc ở khu vực bộ đội đóng quân đã được cung cấp lương thực, thực phẩm lúc giáp hạt, thuốc men chữa bệnh lúc đau yếu...

Trong cuộc sống thời bình, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo cũng không quên những đồng đội đã một thời gắn bó với mình trong quân ngũ. Bằng đồng lương ít ỏi, ròng rã hàng chục năm, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo âm thầm giúp đỡ các gia đình liệt sĩ, những đồng đội là thương binh, bệnh binh. Khi đã nghỉ hưu, ông vẫn dành ra một phần lương lúc thì gửi sang trường học cho trẻ nhỏ, lúc thì đóng vào quỹ hỗ trợ người nghèo và luôn dặn: “Đừng nói người góp tiền là ai, chỉ nói đó là của một ông già...”.

Mặc dù rất quan tâm giúp đỡ mọi người, nhưng Thượng tướng Hoàng Minh Thảo lại không bao giờ để ý đến việc đãi ngộ bản thân và càng không đòi hỏi chế độ gì cho riêng mình. Với ông, vật dụng nào cũng tốt, quân đội cấp cho cái gì, sử dụng cái ấy, không nhất thiết xấu đẹp, cũ mới. Giường nằm, tủ đựng quần áo của ông có từ thời bao cấp, cách đây mấy chục năm. Chiếc ti vi nhỏ là quà tặng của quân đội Indonesia từ năm 1978 vẫn được ông sử dụng cho đến những ngày cuối đời.

Mọi người luôn coi ông là một vị tướng đặc biệt, người luôn trăn trở với sự nghiệp cầm quân. Ông đã nhiều lần tâm sự, đời người cầm quân không phải lúc nào cũng đúng và trận nào cũng thắng. Năm 1972, ông trực tiếp chỉ huy trận đánh ở Kon Tum không thành công. Ông đã tự kiểm điểm, “mình kém, đáng lẽ phải sử dụng lực lượng dự bị tập trung thì lại xé lẻ”.

leftcenterrightdel

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo (bên trái) kể về những

năm tháng ở chiến trường Tây Nguyên. Ảnh: CÔNG LUẬN 

Là một vị tướng có tri thức uyên thâm về khoa học và nghệ thuật quân sự, hiểu rất rõ về những yêu cầu chỉ huy tác chiến, xử lý các tình huống trong chiến đấu, chiến dịch, nên ngay từ khi về làm Viện trưởng Học viện Quân sự cao cấp (nay là Học viện Quốc phòng), ông rất ủng hộ, tạo mọi điều kiện cho cán bộ khoa học Trung tâm Toán-Máy tính Quân đội (một trong 3 đơn vị tiền thân của Viện Công nghệ thông tin trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự hiện nay) thâm nhập học viện để nghiên cứu, thiết kế hệ thống xử lý thông tin quân sự.

Một số cán bộ nòng cốt, những người có mặt đầu tiên từ khi Trung tâm Toán-Máy tính của Quân đội ta được thành lập luôn nhớ mãi sự động viên, khuyến khích, ủng hộ của Viện trưởng Học viện Quân sự cao cấp Hoàng Minh Thảo và Thượng tướng Vũ Lăng, Giám đốc Học viện Quân sự (nay là Học viện Lục quân) đối với cán bộ trung tâm.

Vào thời điểm đó, những khái niệm như C4I (Command, Control, Communications, Computers and Intelligence: Chỉ huy, kiểm soát, truyền tin, máy tính và tình báo), cơ sở dữ liệu (data), lập trình hướng đối tượng (OOP)... đối với Quân đội ta còn rất mới mẻ, thậm chí là xa lạ. Việc ứng dụng toán-tin học vào công tác chỉ huy, tham mưu là một nhiệm vụ hoàn toàn mới. Điều quan trọng hơn, vì đây là lĩnh vực tuyệt mật, nên không có quân đội nước nào chia sẻ với ta. Chúng ta phải tự nghiên cứu và phát triển.

Từ những nghiên cứu ban đầu dựa theo các chương trình huấn luyện chiến dịch của quân đội Liên Xô trước đây và quân đội Nga sau này, các cán bộ của Trung tâm Toán-Máy tính Quân đội đã xây dựng các nội dung xử lý, so sánh tương quan lực lượng, tính toán hành quân, tính toán vượt sông, tính toán hỏa lực, bảo đảm quân y, hậu cần, kỹ thuật... Trong quá trình đó, Trung tâm Toán-Máy tính Quân đội đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu của đồng chí Hoàng Minh Thảo.

VŨ VĂN KHANH