QĐND - Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, nguyên Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên có dáng võ tướng với khuôn mặt rắn rỏi, đôi mắt sắc sảo dưới hàng lông mày hình lưỡi mác, trong một lần nói chuyện với chúng tôi (lúc đó là học viên lớp Bổ túc tại Học viện Quân sự cấp cao, sau này là Học viện Quốc phòng) đã chỉ rõ tầm nhìn chiến lược của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Đại tướng từng nói: “Ai làm chủ được Tây Nguyên thì làm chủ được Đông Dương”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã điều đồng chí Hoàng Minh Thảo vào giữ cương vị Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên từ nhiều năm trước. Trong một lần triệu tập Thượng tướng Hoàng Minh Thảo ra Hà Nội tham khảo ý kiến, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nêu câu hỏi: “Nếu đánh Tây Nguyên thì đánh ở đâu trước?”. Thượng tướng Hoàng Minh Thảo trả lời: “Đánh Tây Nguyên thì đánh vào Buôn Ma Thuột trước. Vì Buôn Ma Thuột là thị xã lớn nhất, là hậu cứ của địch, là nơi địch yếu mà là hiểm yếu. Buôn Ma Thuột là địa bàn chiến lược cơ động, từ đây ta có thể phát triển theo ba hướng: Đánh lên bắc Tây Nguyên, xuống đồng bằng ven biển, vào miền Đông Nam Bộ, cắt chiến trường miền Nam ra làm đôi”. “Nguyên tắc chọn hướng tấn công chủ yếu là chọn nơi địch yếu mà là hiểm yếu”-Đồng chí Giám đốc Học viện Quân sự cấp cao Hoàng Minh Thảo khi nói chuyện với chúng tôi đã nhấn mạnh với các học viên như vậy.

Đó là bài học sâu sắc đối với chúng tôi.

Chiến dịch Tây Nguyên là đòn tiến công chiến lược đầu tiên trong Kế hoạch chiến lược cơ bản đã được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương duyệt.

Tư lệnh Hoàng Minh Thảo (thứ hai, từ trái sang) cùng các đồng chí trong Bộ chỉ huy Chiến dịch Tây Nguyên. Ảnh tư liệu

Do tầm quan trọng của chiến dịch, Quân ủy Trung ương cử đồng chí Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng làm đại diện Quân ủy Trung ương trực tiếp tại mặt trận.

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo nói: Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đi một “nước  cờ thần tình”: Cắm hai quân đoàn ở hai đầu (Quân đoàn 4 ở Đồng Nai, Quân đoàn 2 ở Huế) buộc địch phải điều tổng dự bị chiến lược của chúng là hai sư đoàn dù và lính thủy đánh bộ ra hai đầu để giữ hai khu vực chiến lược quan trọng là Huế và Sài Gòn, làm cho thế trận phòng ngự của địch bị căng ra hai đầu, để hở quãng giữa là Tây Nguyên.

Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp lại tăng thêm lực lượng cho Mặt trận Tây Nguyên, điều Sư đoàn 316 từ Bắc vào và Sư đoàn 968 từ Lào sang. Tây Nguyên bước vào chiến dịch, có lực lượng tới 4 sư đoàn và một số trung đoàn độc lập, lại có sự phối hợp của Sư đoàn 3 Sao Vàng thuộc Quân khu 5 và Binh đoàn 559 Trường Sơn. Tây Nguyên trở thành một quân đoàn mạnh.

Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu bằng một loạt hoạt động cài thế bao vây, chia cắt, cô lập Buôn Ma Thuột. Ta dùng mưu tăng cường hoạt động nghi binh thu hút sự chú ý của địch về phía bắc (Kon Tum), đánh  trận  “giả” ở Plei-cu, địch mắc mưu, đưa Trung đoàn 45, đơn vị mạnh của Sư đoàn 23 ngụy từ Buôn Ma Thuột lên Plei-cu, để sơ hở hướng Nam Tây Nguyên và Buôn Ma Thuột.

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo nói với chúng tôi: “Ta ghìm địch ở đầu mạnh (Bắc Tây Nguyên) để phá vỡ địch ở đầu yếu là Nam Tây Nguyên. Đó là một thành công trong nghệ thuật dùng mưu”-Nói câu này đôi mắt của ông long lanh trí tuệ. Công tác chuẩn bị chiến đấu cũng rất công phu: San rừng, xẻ núi, bắc cầu, cưa cây sẵn nhưng chưa cho đổ, khi cần vượt qua thì đánh đổ cho nhanh. Tất cả đều phải giữ bí mật. Hơn 3 sư đoàn bộ binh với nhiều trung đoàn pháo binh, xe tăng thiết giáp-nghĩa là hàng chục ngàn bộ đội với các loại vũ khí, xe cộ, lán trại, kho tàng, hành quân từ Bắc xuống Nam Tây Nguyên, áp sát Buôn Ma Thuột và Đức Lập, thậm chí ăn Tết rồi mới vào trận mà địch không hề hay biết. Ta vẫn giữ được bí mật tuyệt đối đến trước giờ G. Đó là một thành công lớn trong sự chuẩn bị chiến đấu.

Hai giờ sáng ngày 10-3-1975, ta nổ súng đánh Buôn Ma Thuột. Trung đoàn Đặc công 198 và pháo phản lực (DKB, H12, rốc-két) bắn vào sân bay và khu kho Mai Hắc Đế. Công binh cho đổ các cây cưa sẵn. Xe tăng, xe bọc thép bật đèn sáng trong đêm mở hết tốc lực tiến vào thành phố, đột phá, thọc sâu, vu hồi, trút bão lửa khiến địch không kịp trở tay. Vũ Thế Quang, đại tá, Sư phó Sư đoàn 23 ngụy; Nguyễn Trọng Luật, đại tá, Chỉ huy trưởng Tiểu khu Đắc Lắc phải bỏ Sở chỉ huy tháo chạy.

Trận Buôn Ma Thuột tiếp diễn với trận tiêu diệt phản kích của địch bằng đổ bộ đường không. Trong hai ngày 12 và 13-3-1975, địch đổ quân xuống đông Buôn Ma Thuột, Phước An và tây sân bay Hòa Bình. Địch sa ngay vào các bẫy ta giăng sẵn. Các trung đoàn 44, 45, Sở chỉ huy nhẹ của Sư đoàn 23 ngụy lần lượt bị tiêu diệt. Cuộc phản kích của địch hòng chiếm lại Buôn Ma Thuột bị đập tan.

Ngày 14-3-1975, Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu họp với Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, Tổng Tham mưu trưởng Cao Văn Viên, các tướng Đặng Văn Quang, Phạm Văn Phú ở Cam Ranh, quyết định rút khỏi Kon Tum và Plei-cu để bảo toàn lực lượng, thực hiện rút lui chiến lược, co cụm chiến lược.

Nhưng, địch không thể rút lui nổi, không thể co cụm nổi, vì quân ta với ý chí quyết thắng vượt lên trên sức lực của mỗi người, lập tức truy kích, tiêu diệt toàn bộ quân địch rút chạy trên đường số 7. Con đường đã bị bỏ từ lâu, cầu hỏng, phà qua sông không có, hàng trăm xe, pháo của địch ùn tắc. Quân địch bỏ xe tháo chạy. Ta tiêu diệt và bắt sống toàn bộ cánh quân địch rút lui, thu hàng trăm xe pháo các loại. Kon Tum, Plei-cu không đánh mà được giải phóng.

Chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng, đã tạo ra một bước phát triển đột biến trong tình hình chiến cuộc.

Thời cơ chiến lược xuất hiện.

Ngày 18-3-1975, Bộ Chính trị họp, hạ quyết tâm “Khẩn trương chuyển hẳn sang phương án thời cơ, chuyển cuộc tiến công chiến lược thành Tổng tiến công chiến lược, hoàn thành kế hoạch hai năm (1975-1976) ngay trong năm 1975”.

Đây là một quyết tâm rất lớn, rất kịp thời, phát hiện thời cơ chiến lược, nắm bắt thời cơ để chuyển biến cục diện chiến tranh, đưa cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam mùa xuân năm 1975 đến toàn thắng.

Cuộc nói chuyện của Thượng tướng Hoàng Minh Thảo đã đưa đến cho chúng tôi một bài học sâu sắc về vận dụng phép biện chứng kết hợp lực, thế, thời, mưu trong nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Trung tướng PHẠM HỒNG CƯ