Mặc dù ông Trần Phương Thạc đã qua đời cách đây hơn 20 năm do bạo bệnh, nhưng những kỷ niệm về ông vẫn sống mãi trong ký ức của gia đình và người thân. Bà Hoàng Phương Trang, Chánh văn phòng Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho chúng tôi xem những kỷ vật, tư liệu về chồng mình. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, khi đang là Phó bí thư Quận đoàn Hoàn Kiếm (Hà Nội), ông tình nguyện vào chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Bà Phương Trang kể: “Chúng tôi quen nhau trong một hội nghị cán bộ đoàn tại Sầm Sơn (Thanh Hóa) năm 1960. Khi đó, tôi đang là học sinh cấp 3. Ông ấy sinh năm 1939, hơn tôi 4 tuổi và tỏ rõ là người anh lớn với những suy nghĩ chín chắn, trưởng thành”.
|
|
Gia đình ông bà Trần Phương Thạc - Hoàng Phương Trang tại Huế, năm 1980. |
Ngay phút đầu gặp gỡ, hai người đã cảm thấy đồng điệu với rất nhiều điểm chung: Cùng quê miền Trung, Phương Thạc ở Triệu Phong (Quảng Trị), còn Phương Trang ở Thừa Thiên Huế; cùng có bố mẹ hoạt động cách mạng; cả hai đều theo gia đình tập kết ra Bắc. Người con trai Quảng Trị gây ấn tượng mạnh với cô hoa khôi xứ Huế bởi dáng người to cao, nét mặt khôi ngô tuấn tú, nước da trắng như con gái nhưng cư xử, nói năng lại rất chững chạc. Nhanh chóng quen nhau và trở nên thân thiết, Phương Thạc trở thành người anh, là chỗ dựa và chỉ bảo cho Phương Trang nhiều điều trong cuộc sống. Thế nên sau đó, khi nhận được lời tỏ tình của Phương Thạc, cô sinh viên năm thứ nhất Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã gật đầu đồng ý ngay dù có rất nhiều “vệ tinh” xung quanh.
Tình yêu đầu nồng nhiệt đã trở thành chất xúc tác để hai người phấn đấu trong học tập và công tác. Phương Thạc luôn động viên người yêu phải tích cực học tập, phấn đấu để sau này có thể giúp ích cho đất nước. Bản thân ông khi đó đang là một phó bí thư quận đoàn năng nổ, nhiệt huyết, lại có giấy gọi đi học nước ngoài, nhưng có một khát vọng khác luôn nung nấu, đó là được trở lại quê nhà, trực tiếp cầm súng chiến đấu đánh đuổi quân thù. “Tuổi trẻ đầy khát vọng, hoài bão với một tình yêu nồng thắm, một môi trường học tập tốt ở nước ngoài và một vị trí công tác sẽ được đảm đương trong tương lai... Nhưng tất cả điều ấy đã “chẳng thể nào át được tiếng gọi của quê hương trong tôi”-có lần ông đã tâm sự với bạn bè như vậy. Năm 1965, Phương Thạc được trở về chiến đấu tại quê nhà Triệu Phong rồi di chuyển qua nhiều địa bàn như: Đông Hà, thị xã Quảng Trị... trên cương vị cán bộ của Đảng ủy Mặt trận Quảng Trị.
Cũng từ đây, Phương Thạc lăn lộn chiến đấu cùng cán bộ và nhân dân quê hương. Khi ông vào vùng địch hậu xây dựng cơ sở, địa bàn, khi đi với các lực lượng vũ trang làm công tác chuẩn bị chiến trường, khi ngồi trong công sự sẵn sàng đánh trả kẻ địch... Ông cũng ngủ bụi, nằm hầm và nhanh chóng trưởng thành mà như ông tâm sự là “vào đây mới có mấy tháng mà thấy lớn lên rất nhiều so với 10 năm ở miền Bắc”. Viết thư về cho người yêu, Phương Thạc tâm sự: “Anh biết là mình đang sống trong những ngày sôi nổi nhất, đẹp nhất của đời mình, đang được thử thách và tôi luyện để xứng đáng hơn với Đảng”. Phương Thạc khoe, chỉ sau một năm, ông đã được giao chịu trách nhiệm chính về công tác thanh niên của tỉnh. Nhiều lần ông thốt lên đầy tự hào về những người con quê hương anh dũng trong chiến đấu, thông minh trong các cuộc đấu trí với địch hay kiên trì bám trụ địa bàn, giành với chúng từng tấc đất, từng mét chiến hào: “Anh đã gặp những nữ thanh niên khi bị giặc bắt, bị tra tấn vẫn vững như sắt đá, rồi mưu trí cướp lựu đạn giặc tiêu diệt cả một trung đội ác ôn, rồi trở về với cách mạng. Anh đã đi công tác với những du kích gan dạ, giữa ban ngày ra chặn đánh xe địch trên Đường số 1... Chính trong lúc chiến sĩ ta chiến đấu với địch, thì các o, các chị và cả các em thiếu nhi đã chạy đi chạy lại giữa trận địa săn sóc thương binh, mang cơm nước cho bộ đội”...
Bản thân ông cũng biết bao lần rơi vào nguy hiểm khi trực tiếp đối diện với kẻ thù. Như lần ông và đồng chí liên lạc gặp một đại đội lính Mỹ đi càn. Chẳng hề sợ hãi, họ dùng tiểu liên và súng ngắn bắn phủ đầu, tiêu diệt tại chỗ 4 tên, làm chúng sợ hãi, chạy tán loạn vì tưởng quân ta phục kích. Hay trong trận chống càn đánh tan hai tiểu đoàn dù ở xã Triệu Trạch quê nhà, ông bị lạc đơn vị. Đồng đội tưởng ông đã hy sinh nên đưa tên vào điếu văn truy điệu của Huyện ủy Triệu Phong. Lại thêm những cơn sốt rét rừng hành hạ cả năm trời, sức khỏe giảm sút vì phải sinh hoạt trong điều kiện thiếu thốn khi hoạt động trong lòng địch. Nhưng chưa bao giờ ông thoái lui ý chí. Ông tâm sự trong nhật ký: “Nhìn thấy đồng đội hy sinh hết người này đến người khác thấy đau đớn vô cùng... Mở mắt ra là chứng kiến cảnh địch tàn phá xung quanh mình, nhưng không hiểu sao, không rõ sức mạnh nào mách bảo cho mình rằng nhất định rồi chúng ta sẽ chiến thắng... Vậy làm sao có thể xa bà con, xa đồng đội lúc này”.
Năm 1972, trong chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị, cùng với các cán bộ của Thường vụ Tỉnh ủy, ông gấp rút đưa lực lượng biệt động, bộ đội địa phương... đang đứng chân ở giáp ranh huyện Hải Lăng hành quân giữa ban ngày, vừa đánh địch vừa mở đường về Triệu Phong, cùng quân chủ lực đánh địch phản kích chiếm lại Cửa Việt. Phương Thạc bị thương nặng. Giữa lúc cuộc chiến căng thẳng, đồng đội phải đưa ông xuống hầm bí mật. Không có điều kiện để chữa trị, hằng ngày phải chịu đau đớn với vết thương lở loét, nhức nhối, nhưng ý chí mạnh mẽ và niềm tin vào chiến thắng đã giúp ông vượt qua cái chết.
Bà Phương Trang kể rằng, ông Phương Thạc “đi B” từ năm 1964, đến năm 1969 thì ra Bắc cưới bà. Khi con gái đầu lòng Ngọc Lan được 6 tháng, tháng 10-1970, ông trở lại chiến trường. Suốt quãng thời gian ấy, những lá thư động viên luôn tràn đầy tình yêu và niềm tin chiến thắng đã giúp ông bà vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để thủy chung chờ đợi, gìn giữ cho nhau. Sau ngày chiến thắng, ông quyết định ở lại xây dựng quê hương, trên các cương vị: Bí thư Thị ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời thị xã Đông Hà, Tỉnh ủy viên tỉnh Bình Trị Thiên rồi Bí thư Tỉnh đoàn kiêm Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Trị Thiên. Gia đình chuyển vào Quảng Trị rồi vào Huế. Cậu con trai thứ ba của ông bà cũng được sinh ra ở mảnh đất cố đô. Đầu thập niên 1980, ông Trần Phương Thạc có quyết định làm Bí thư Trung ương Đoàn, gia đình mới chuyển ra Hà Nội. Nhưng cũng chỉ sau đó một thời gian, ông lại bôn ba khắp các nước từ Iraq đến Algeria rồi sang Liên bang Nga với cương vị của cán bộ ngoại giao, phụ trách các đảng viên ở nước ngoài. Cho đến khi ông đột ngột mất ở Liên bang Nga sau một cơn đau tim vào năm 2000, thì quãng đời vợ chồng của ông bà ở bên nhau trọn vẹn chỉ được tính bằng vài... năm.
Năm 2007, ông Trần Phương Thạc được Đảng, Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng Ba vì những đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Năm 2009, tập hợp những bức thư, nhật ký ông viết trước và sau khi “đi B”, bà Phương Trang cho xuất bản cuốn sách “Tình yêu và lẽ sống” với mong muốn chia sẻ câu chuyện đẹp về người cán bộ Thành đoàn Hà Nội năm xưa tới công chúng.
“Là bạn với anh chị Phương Thạc-Phương Trang, tôi rất cảm phục trước mối tình của họ. Chính tình yêu, lẽ sống, sự thủy chung của anh chị là mối dây bền chặt, kết nối lòng yêu thương, che chở, giúp đỡ nhau trong công tác, chiến đấu, cùng nhau vượt qua những hoàn cảnh khó khăn, ác liệt để hòa hợp và vươn lên...”. (Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết) |
PHẠM THU THỦY