Trong ký ức những người đồng chí
Năm ấy, khi nghe tôi nói có ý định viết truyện ký về chị Minh Khai, Tổng Bí thư Lê Duẩn rất vui lòng gặp tôi và kể lại những kỷ niệm sâu sắc của đồng chí về Lê Hồng Phong và Minh Khai.
Đồng chí Lê Duẩn nói với tôi: “Lúc sống và làm việc bên nhau, tự mình chưa cảm thấy hết đức tính tốt của đồng chí mình, đến lúc bị đặt trước tình thế phải xa nhau mới đánh giá được con người, mới càng thấm thía nỗi thiếu vắng người đồng chí thân thiết”. Sau này, khi viết xong cuốn Chị Minh Khai, tôi đưa đồng chí Lê Duẩn đọc, đồng chí đã đề tựa: “Tôi đã gặp và làm việc với nhiều cán bộ nữ nhưng chưa thấy ai có ý thức quyết vươn lên gánh vác vai trò lãnh đạo cách mạng như đồng chí Minh Khai”. Và bằng một giọng trầm lắng, đồng chí Lê Duẩn kể:
- Sau mỗi cuộc hội nghị Trung ương, chị Minh Khai thường hay hỏi tôi: “Ý kiến các anh thống nhất rồi chứ?”. Tôi còn nhớ nét mặt rạng rỡ của chị mỗi khi tôi nói: “Ý kiến chúng tôi đã thống nhất”.
Đối với chị Minh Khai, niềm hạnh phúc lớn nhất là sau những cuộc tranh luận ở cuộc họp Trung ương là ý kiến của anh Cừ (đồng chí Nguyễn Văn Cừ), anh Ba (bí danh của đồng chí Lê Duẩn), anh Lê Hồng Phong về chủ trương, đường lối đều đi đến nhất trí.
Kỷ niệm mà đồng chí Lê Duẩn nhớ nhất là một buổi tối, đồng chí và chị Minh Khai ngồi chờ cơm đồng chí Nguyễn Văn Cừ. Đó là một ngày cuối hè năm 1939, đồng chí Nguyễn Văn Cừ hẹn 6 giờ tối về nhưng trời đã khuya vẫn chưa nghe tiếng gọi cửa. Trong gian nhà lá của một ngôi chùa ở xóm lao động Ngã Sáu gần Chợ Lớn, đồng chí Lê Duẩn và chị Minh Khai đều rất sốt ruột. Nếu đế quốc bắt mất người lãnh tụ xuất sắc cả về lý luận và thực tiễn... Tình yêu thương đồng chí rộn lên trong lòng hai người xen lẫn nỗi lo âu khi nghĩ đến sự thiệt hại của Đảng.
Minh Khai ít hơn đồng chí Lê Duẩn 5 tuổi, hơn đồng chí Nguyễn Văn Cừ 2 tuổi, nhưng Minh Khai vẫn được anh Ba coi là dày dạn, từng trải hơn. Mọi việc nấu cơm, quét nhà, hai anh đảm nhiệm hết để dành thời gian cho chị đọc tài liệu và viết bài huấn luyện. Các anh đều thương Minh Khai, cùng sống ở Sài Gòn nhưng vợ một nơi, chồng một nơi, rất ít khi gặp nhau.
Trong Thành ủy Sài Gòn-Chợ Lớn lúc đó có 7 người, đồng chí Mười Cúc (đồng chí Nguyễn Văn Linh) là người ít tuổi nhất. Đồng chí Mười Cúc rất quý chị Minh Khai về trình độ, năng lực lãnh đạo cũng như về tinh thần kiên quyết đấu tranh chống bọn Trotsky biểu lộ rõ trong nhiều trường hợp. Cũng như Lê Hồng Phong, Minh Khai tỏ ra lo lắng trước mối nguy hiểm lớn nhất là bọn Trotsky phá hoại phong trào đấu tranh của công nhân. Chị họp cán bộ phân tích, rút kinh nghiệm:
- Đảng ta chủ trương đòi tăng lương 20% cho công nhân, lãnh đạo công nhân đấu tranh từng bước, giành thắng lợi từng bước. Trái lại, bọn Trotsky đã đưa yêu sách lên quá cao và chúng không để cho công nhân kết thúc cuộc đấu tranh, kéo dài tình trạng không có công ăn việc làm, vì thế cuộc đấu tranh có thể đi đến thất bại.
Đồng chí Mười Cúc vẫn còn nhớ:
- Trong khi tranh luận, giọng nói của chị Minh Khai lúc sôi nổi, gay gắt, lúc to tiếng, giận dữ.
Minh Khai biết rằng một số trí thức cảm tình với Đảng đang hoạt động công khai đã có lúc tỏ ra dao động trước sự công kích của bọn Trotsky. Chị đã tìm gặp từng người, có khi gặp vợ họ trình bày, thuyết phục với những lý lẽ đanh thép để họ cùng mình đấu tranh. Mới gặp Minh Khai lần đầu, thấy chị búi tóc theo kiểu nông thôn, mặc áo xuyến đen, đi đôi guốc gỗ nên có người đánh giá chị qua bề ngoài: “Ban xứ ủy hết người rồi hay sao lại cử chị này về nói chuyện về lý luận Mác-Lênin”. Nhưng cũng chỉ qua vài tiếng đồng hồ tranh luận, có khi bằng tiếng Pháp, người trí thức ấy đã bị thuyết phục và tỏ ra kính nể chị.
Những lúc gian nan, khó khăn nhất, Minh Khai đã tỏ ra xứng đáng với trách nhiệm Bí thư Thành ủy Sài Gòn-Chợ Lớn.
Hạnh phúc và lý tưởng
Trong những ngày ở Liên Xô, tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản và Đại hội Quốc tế Thanh niên lần thứ VI, năm 1935; những ngày đấu tranh thành lập Mặt trận Dân chủ chống chiến tranh và chống phát xít; ở Sài Gòn những năm 1936-1939... Lê Hồng Phong và Minh Khai đã sát cánh trong việc chuẩn bị các bản báo cáo ở hội nghị, cũng như trong cuộc bút chiến trên Báo Dân chúng. Thời gian Lê Hồng Phong và Minh Khai công tác ở Sài Gòn tuy ngắn ngủi (khoảng một năm) nhưng anh chị đã có những ngày sống hạnh phúc bên nhau.
|
|
Ảnh trong thẻ dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản của đồng chí Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh tư liệu |
Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, khi về Hóc Môn, Bà Điểm, Mười tám thôn Vườn Trầu, tôi được gặp chị Tám Cử, người liên lạc của chị Minh Khai ở cơ quan xứ ủy trong những ngày chị hoạt động ở Nam Bộ. Chị Tám Cử đã chứng kiến ngày Minh Khai sinh Hồng Minh. Hình ảnh chị Minh Khai không ai quên được: Dáng người tầm thước, hơi đậm, đôi mắt rất sáng; mặc áo bà ba đen với chiếc khăn rằn vắt vai, đi đôi guốc gỗ. Chị Minh Khai giành được cảm tình của các chị, các mẹ qua những buổi chị ngồi cặm cụi viết tài liệu quên cả ăn, qua những buổi nói chuyện về nuôi dạy con, qua những buổi diễn thuyết đầy sức thuyết phục...
Khi Lê Hồng Phong bị bắt, Minh Khai đang mang thai. Những ngày chị sắp sinh đứa con đầu lòng lại là những ngày công tác dồn dập, khẩn trương. Minh Khai hăng hái, say sưa đi hội họp, viết báo. Ngay cả lúc sắp sinh nở, bụng đã to, dáng đi đã nặng nề, đang đêm, chị vẫn ra tận cánh đồng Phú Lâm để thay mặt Thành ủy Sài Gòn-Chợ Lớn kết nạp đảng viên mới là chị Sáu Vân-người nữ công nhân 23 tuổi, cuốn thuốc lá hãng Cô-táp. Khi Minh Khai ra về, trời đã khuya quá nửa đêm, sương rơi ướt đầm vai áo. Chị Một cùng đi với Minh Khai nghĩ bụng: “Lúc này, chắc Minh Khai nghĩ đến Lê Hồng Phong ở trong tù, chị muốn làm hết sức mình và làm cả phần của anh nữa”.
Theo lời kể của chị Kim Chi, người bạn gái trong tù cùng Minh Khai, khi hai người chung nhau một chiếc gối, Minh Khai đã tâm tình với bạn:
- Mình mong có một đứa con giống anh ấy như hệt.
Chỉ mấy tháng sau khi Lê Hồng Phong bị địch bắt, vào Tết Nguyên đán năm 1940, Minh Khai sinh con gái trong căn nhà hộ sinh ở đường Mắc-ma-hông gần chợ Bến Thành. Mật thám Pháp không ngờ rằng, trong lúc chúng đang truy lùng Minh Khai ráo riết thì chị đã vượt tường nhà thương Sài Gòn giữa 12 giờ trưa và về sinh nở mẹ tròn con vuông trong tình thương yêu sâu sắc và sự tận tình giúp đỡ của cô mụ Trinh-một bà đỡ giỏi và là một cơ sở cách mạng của Đảng.
Minh Khai đặt tên con là Hồng Minh, ghép tên Lê Hồng Phong và Minh Khai. Chị đặt họ con là Lê Nguyễn: Họ anh và họ chị.
Theo chị Hai Sóc cho biết, thực dân Pháp không để Lê Hồng Phong ở Khám Lớn nữa. Minh Khai không biết rằng, lúc này chúng đã đày anh ra Côn Đảo. Nhìn con, chị khẽ hát nho nhỏ bên tai Hồng Minh. Trong trí nhớ lúc này hiện rõ những kỷ niệm thân thương giữa anh và chị. Một bài thơ anh ngâm cho chị nghe mùa xuân năm ngoái. Bài thơ tuy dài mà nay chị vẫn nhớ, đó là bài “Hồng Lam xưa nay”, anh viết bằng chữ Hán Nôm, sau đó anh lại tự dịch sang Việt văn. Minh Khai muốn truyền cho con hơi ấm những lời thơ của người cha xa cách.
Rồi chị Hai Sóc trở lại, Minh Khai lo lắng hỏi thăm tình hình chồng. Biết anh Hồng Phong không ở Khám Lớn nữa, chị lặng người, lo cho tính mệnh của anh. Chị Hai Sóc nắm chặt tay Minh Khai. Minh Khai nhớ lại bà má chị Hai Sóc ở Bà Điểm, nhớ bà con, cô bác quanh vùng Mười tám thôn Vườn Trầu, nhớ những buổi họp xứ ủy, thành ủy có các đồng chí thân yêu... Minh Khai càng sốt ruột mong trở về với bà con Hóc Môn, Bà Điểm, trở về với vị trí của mình. Tình hình khẩn trương đang đòi hỏi sự có mặt của chị...
Đồng chí Lê Hồng Phong (1902-1942) là một trong những người cộng sản lớp đầu tiên, là Tổng Bí thư của Đảng ta, Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản. Tháng 1-1940, thực dân Pháp bắt giam Lê Hồng Phong, rồi giam vào Khám Lớn Sài Gòn. Cuối năm 1940, chúng đày đồng chí ra Côn Đảo. Trước những đòn tra tấn dã man, liên tục của địch, đồng chí vẫn nêu cao chí khí cách mạng, không khai báo một lời. Chúng hành hạ đồng chí cho đến kiệt sức. Trước khi trút hơi thở cuối cùng vào trưa 6-9-1942, đồng chí nhắn lại: “Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng”.
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai (1910-1941) là Ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ, Bí thư Thành ủy Sài Gòn-Chợ Lớn, là người đồng chí, người bạn đời của đồng chí Lê Hồng Phong. Nguyễn Thị Minh Khai là nữ chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Năm 1940, đồng chí bị địch bắt. Trong tù, đồng chí đã bí mật liên lạc với tổ chức bên ngoài tiếp tục lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng. Ngày 28-8-1941, đồng chí bị xử bắn cùng với một số đồng chí khác ở Hóc Môn. Khi còn trong tù, đồng chí có những câu thơ nói lên ý chí cách mạng của mình: “Vững chí bền gan ai hỡi ai!/ Kiên tâm giữ dạ mới anh tài/ Thời cuộc đẩy đưa người chiến sĩ/ Con đường cách mạng vẫn chông gai”.
|
Nhà văn NGUYỆT TÚ