Những ngày làm nhiệm vụ quốc tế
Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu sinh năm 1957. Tháng 2-1975, khi đang học lớp 9 (hệ 10 năm) Trường cấp 3 huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), Nguyễn Văn Hiếu nhập ngũ vào Tiểu đoàn 47, Khu đội Vĩnh Linh. Sau khi kết thúc đợt huấn luyện chiến sĩ mới, đơn vị được bổ sung cho Trung đoàn 266 thuộc Sư đoàn 341B, đơn vị thay thế Sư đoàn 341 đã hành quân vào miền Nam chiến đấu.
Sau khi miền Nam giải phóng, Sư đoàn 341B nhận nhiệm vụ lao động sản xuất, hàn gắn vết thương chiến tranh. Đơn vị của Nguyễn Văn Hiếu được giao tham gia tu sửa, khôi phục tuyến đường sắt Bắc-Nam đoạn từ ga Minh Cầm (Quảng Bình) đến ga Tiên An (Quảng Trị) dài gần 145km. Với tinh thần quyết tâm, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, đối mặt với bom đạn sót lại sau chiến tranh, toàn Sư đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần nối thông tuyến đường sắt Bắc-Nam vào tháng 12-1976.
Khi Pol Pot-Ieng Sary đưa quân gây hấn, xâm chiếm biên giới Tây Nam nước ta, Trung đoàn 266 được lệnh tăng cường cho Quân khu 9. Trong hai năm chiến đấu ở khu vực biên giới tỉnh An Giang, Nguyễn Văn Hiếu cùng đơn vị đã lập nhiều chiến công, đánh lui các đợt tiến công của địch, góp phần giải phóng nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng của chế độ Khmer Đỏ.
Tháng 3-1979, Nguyễn Văn Hiếu cùng Trung đoàn 266 được điều động ra Bắc để thành lập Sư đoàn 313 (Quân khu 2), làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới tỉnh Hà Giang. Bằng tinh thần dũng cảm bám chốt, bám trụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Nguyễn Văn Hiếu được bổ nhiệm Phó trung đội trưởng. Tháng 8-1979, Thượng sĩ Nguyễn Văn Hiếu được cử đi học văn hóa và trúng tuyển vào Trường Sĩ quan Pháo binh, khóa học 1980-1983. Tốt nghiệp, Nguyễn Văn Hiếu được bổ nhiệm Trung đội trưởng Trung đội chỉ huy thuộc Đại đội 10, Trung đoàn 11, Sư đoàn 339, Mặt trận 979, bắt đầu những năm tháng gian khổ, hy sinh khi làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Campuchia xây dựng đất nước và chống lại tàn quân Pol Pot.
“Trong 5 năm (1983-1988) làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia, tôi luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được bổ nhiệm Phó đại đội trưởng, Đại đội trưởng Đại đội chỉ huy pháo binh và là Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 11, Sư đoàn 339 khi rút về nước vào tháng 12-1988. Những năm tháng này, chúng tôi phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh khi truy quét tàn quân Pol Pot. Tôi đã chỉ huy pháo binh bắn chính xác vào các mục tiêu, chi viện cho bộ binh lên tiêu diệt tàn quân địch. Đó là các trận đánh chiếm lại Đèo Gà, Đèo Khỉ, cứ điểm Năm Nhà, Bảy Nhà, điểm cao 971, Tà Sanh, Săm Lốt... thuộc tỉnh Pursat, dọc biên giới Campuchia-Thái Lan.
Không chỉ đối mặt với việc phục kích và những bãi mìn dày đặc của địch, chúng tôi còn phải đối mặt với dịch bệnh, sốt rét rừng; thiếu thốn mọi mặt, nhất là thiếu nước uống, nước sinh hoạt vào mùa khô và thuốc men điều trị bệnh. Có lúc, tôi phải kiêm luôn nhiệm vụ anh nuôi bởi toàn đơn vị bị sốt rét, vừa nấu cháo bón cho đồng đội từng thìa vừa động viên, chia sẻ với đồng đội. Tôi nhớ lần đi trinh sát cùng Đại đội trưởng Lê Quang Linh vào ngày 20-12-1984. Anh Linh trúng mìn của địch, đưa vào được đến trạm phẫu thì hy sinh. Tôi đi xin được một chiếc quan tài để chôn cất anh.
Mấy năm sau, tôi xin phép và được Sư đoàn đồng ý cải táng, đưa hài cốt anh về nước, an táng ở Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Trong thời gian làm nhiệm vụ quốc tế, tôi cũng bị trúng mìn của địch, nhưng may mắn chỉ mất 43% sức khỏe, sau này được công nhận thương binh hạng 3/4”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu kể.
Điểm tựa hậu phương vững chắc
Năm 1982, khi đang là học viên Trường Sĩ quan Pháo binh, Nguyễn Văn Hiếu xây dựng gia đình với cô giáo Nguyễn Thị Kim Oanh, sinh năm 1961, giảng dạy ở Trường cấp 2 xã Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa. Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu nhớ lại: “Những ngày nghỉ hè, tôi về quê gặp Oanh, khi đó là giáo viên của trường ở xã tôi. Mẹ Oanh và mẹ tôi là bạn, lại cùng xóm nên chúng tôi nhanh chóng làm quen và yêu thương nhau. Nhưng bố của Oanh, người gốc Huế, khi đó là giáo viên dạy Trường cấp 3 huyện Tuyên Hóa, không muốn con gái lấy chồng bộ đội, nhất là khi chiến tranh còn ác liệt ở biên giới phía Bắc và ở Campuchia. Nhưng Oanh yêu tôi nên đã thuyết phục bố và quyết tâm gắn bó trọn đời với tôi”.
|
|
Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu và vợ - nhà giáo Nguyễn Thị Kim Oanh tại nhà riêng. Ảnh: HƯƠNG THU
|
Năm 1983, Nguyễn Văn Hiếu ra trường, đi làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, đó cũng là năm vợ ông sinh con trai đầu lòng. Những năm tháng ấy, chiến trường thì khốc liệt, hậu phương thì khó khăn, thiếu đói, đồng tiền trượt giá nên những đồng lương ít ỏi của ông gửi về cho vợ chẳng thấm vào đâu. “Vợ tôi vừa dạy học vừa đi làm thêm, vừa nhận ruộng trồng lúa. Con tôi phải nhờ ông bà nội-ngoại chăm sóc để vợ tôi đi dạy và lao động sản xuất thêm. Những lần nhận được thư vợ gửi sang, kể chuyện nhà, đời sống vất vả nhưng bà ấy luôn động viên tôi yên tâm công tác khiến tôi thương vợ vô cùng.
Hồi ấy, cả xã tôi có mấy người đi bộ đội, sang làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia đều hy sinh. Ở nhà, hai bên bố mẹ, nhất là bố vợ tôi rất lo lắng vì thương con gái. Sau này, vợ tôi kể lại là thời gian đó, bà ấy đêm nào cũng mất ngủ vì ám ảnh với những tấm giấy báo tử, lễ truy điệu liệt sĩ ở quê nhà. Năm 1986, tôi được nghỉ phép về nhà trong sự mừng tủi của vợ, nhưng con trai tôi lại gọi tôi bằng chú và không cho tôi bồng bế, buổi tối thì đuổi không cho nằm cùng mẹ. Tôi nghĩ cách lấy chiếc đèn pin có nút đỏ, bấm bật-tắt lóe sáng liên tục. Cu cậu thích thú với chiếc đèn pin, rồi “tha”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu kể.
Hơn một tháng phép trôi qua nhanh. Khi chia tay ông trở lại đơn vị, mẹ con bà Oanh đều khóc. Từ đó đến tháng 12-1988, vợ chồng ông chỉ gặp nhau qua những trang thư, mà thư phải 2-3 tháng mới nhận được. Mỗi lần có khi ông Hiếu nhận được hàng chục bức thư của vợ và gia đình gửi sang. Điều đó khiến ông an tâm công tác, chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong thời gian làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Campuchia, ông được Đảng, Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì...
Sau khi Sư đoàn 339 rút về nước vào tháng 12-1988, Đại úy Nguyễn Văn Hiếu được cử đi đào tạo quân sự ở Liên Xô. Nhưng đang trong thời gian học ngoại ngữ thì tình hình chính trị ở Liên Xô biến động, Nguyễn Văn Hiếu không sang học ở Liên Xô nữa mà được cử đi đào tạo tại Học viện Lục quân. Tốt nghiệp năm 1992, ông được điều về công tác tại Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình (Quân khu 4). Bằng năng lực chỉ huy và kinh nghiệm thực tiễn chiến đấu, công tác, ông lần lượt được giao các chức vụ: Chủ nhiệm Pháo binh Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình; Phó chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng; Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Tuyên Hóa. Từ năm 1999 đến 2002, ông cùng tập thể Ban CHQS huyện lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng cơ quan quân sự và LLVT huyện Tuyên Hóa trở thành đơn vị điển hình tiên tiến, liên tục dẫn đầu Phong trào Thi đua Quyết thắng của LLVT tỉnh Quảng Bình.
Năm 2003, Thượng tá Nguyễn Văn Hiếu được điều động lên nhận nhiệm vụ Phó tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình. Sau đó, ông lần lượt giữ các chức vụ: Phó chỉ huy trưởng (2007), Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình (2010). Trong giai đoạn 2010-2013, LLVT tỉnh Quảng Bình được Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Quân khu 4 tặng Cờ thi đua. Năm 2013, ông được phong hàm Thiếu tướng khi đảm nhiệm chức vụ Phó tham mưu trưởng Quân khu 4. Năm 2017, Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu nghỉ hưu.
“Cuộc đời quân ngũ của tôi có được như hôm nay là nhờ sự giúp đỡ của đồng đội, sự đùm bọc của nhân dân, đặc biệt là sự ủng hộ của gia đình và vợ tôi - nhà giáo Nguyễn Thị Kim Oanh. Bà ấy là hậu phương vững chắc, một người phụ nữ giàu nghị lực vượt qua khó khăn, vất vả để công tác và nuôi dạy các con tôi khôn lớn, trưởng thành. Đó thực sự là điểm tựa vững chắc để tôi phấn đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ.
GIANG ĐỨC HIẾU