Không gian “vàng” kích cầu du lịch

leftcenterrightdel

Cảnh mua bán “trên bến dưới thuyền” ở bến Bạch Đằng thập niên 1960. Ảnh tư liệu 

Nói Công viên bến Bạch Đằng là điểm đến “vàng”, hấp dẫn bậc nhất ở TP Hồ Chí Minh hiện nay, bởi đây là vị trí trung tâm, điểm nhấn của một không gian văn hóa lịch sử mang tính quần thể. Từ tầng cao của những tòa nhà bên đường Tôn Đức Thắng nhìn xuống, Công viên bến Bạch Đằng mang hình dáng như một con tàu đang neo đậu bên bờ sông Sài Gòn. Hai cầu tàu nhô ra lòng sông tựa hai chiếc mỏ neo giúp cho “con tàu” ấy có thế vững chãi. Công viên bến Bạch Đằng có chiều dài hơn 1,3km, kéo dài từ chân cầu Khánh Hội đến cảng Ba Son, là nơi lưu giữ nhiều dấu tích các thế hệ tiền nhân từ thời khẩn hoang, qua các giai đoạn lịch sử hơn 300 năm của vùng đất Sài Gòn. Phía đối diện bên kia đường Tôn Đức Thắng là Công viên Mê Linh với điểm nhấn là hệ thống tượng đài Đức Thánh Trần Hưng Đạo, cũng vừa được chỉnh trang, tu sửa. Bên kia sông Sài Gòn, Di tích bến Nhà Rồng (Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh TP Hồ Chí Minh) với lối kiến trúc cổ, gam màu vàng thẫm chủ đạo nổi bật trên sóng nước mang cảm giác linh thiêng. Cầu Khánh Hội nối đôi bờ rạch Bến Nghé tạo một đường cong mềm mại, kết nối các công trình, di tích, tạo nên quần thể văn hóa hài hòa trong một không gian rộng lớn. Các mảng xanh trong Công viên bến Bạch Đằng được thiết kế theo mô hình những bông hoa sen cách điệu, kết nối với phố đi bộ Nguyễn Huệ, Công viên Mê Linh, giúp người dân và du khách thoải mái tản bộ, ngắm cảnh phố xá, sông nước... Ban đêm, không gian văn hóa bên bờ sông Sài Gòn rực lên sắc màu hiện đại, hấp dẫn, đẹp lung linh. Từ bến Bạch Đằng, du khách có thể theo các tuyến buýt sông hoặc du thuyền đi tham quan bằng các tour du lịch đường thủy, ngồi trên khoang thuyền ngắm phố xá từ lòng sông, nghe đờn ca tài tử...

Từ khi hoàn thành dự án cải tạo, đưa vào sử dụng, Công viên bến Bạch Đằng trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách, nhất là vào ban đêm. Mỗi ngày có hàng chục nghìn lượt người đến đây dạo chơi, tham quan, thưởng lãm. Đây là địa điểm lý tưởng để giới trẻ thỏa mãn nhu cầu “check in” với rất nhiều khuôn hình đẹp mang đặc trưng của một đô thị vừa cổ kính, vừa hiện đại bên bờ sông. Hệ thống các khách sạn hạng sang có tuổi đời hàng trăm năm đã được cải tạo, nâng cấp theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, khám phá... của du khách. Bến Bạch Đằng cũng là điểm xuất phát và đích đến của các tuyến tàu cao tốc đưa du khách từ trung tâm TP Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu, Cần Giờ, Củ Chi... và ngược lại.

Dự án cải tạo Công viên bến Bạch Đằng và các hạng mục liên quan nằm trong chiến lược bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy, đa dạng hóa các sản phẩm, loại hình du lịch ở thành phố đông dân và năng động nhất cả nước. Chiến lược này nhằm tạo bước chuyển căn bản và bền vững về phát triển “ngành công nghiệp không khói” ở TP Hồ Chí Minh, từ điểm trung chuyển sang điểm dừng chân, lưu trú dài ngày của khách du lịch.

Phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử đặc trưng

leftcenterrightdel

Công viên bến Bạch Đằng đẹp lung linh về đêm. Ảnh:PHAN TÙNG 

Bên trong sắc màu rực rỡ, không gian văn hóa giải trí hiện đại, hấp dẫn ở bến Bạch Đằng là những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể được hình thành, lưu truyền, phát triển cùng lịch sử vùng đất Sài Gòn hơn 300 năm. Trong hệ thống các bến sông, cảng biển gắn với lịch sử phát triển giao thương đường thủy ở Sài Gòn xưa, bến Bạch Đằng nằm ở vị trí, vị thế trung tâm. Sử sách chép rằng, cuối thế kỷ 17, chúa Nguyễn Phúc Tần đã chọn khu vực này lập đồn, dinh cai quản địa hạt, phát triển đời sống kinh tế-xã hội. Nhiều hạng mục thuộc giá trị văn hóa vật thể ra đời từ buổi sơ khai vùng đất Sài Gòn-Gia Định trải dài qua các giai đoạn lịch sử, đến nay vẫn còn dấu vết và được bảo tồn. Những hạng mục như: Cột cờ Thủ Ngữ được người Pháp xây dựng, cảng Ba Son, hệ thống các tòa nhà hàng trăm năm tuổi... là những điểm nhấn của “hồn muôn năm cũ”. Từ các tài liệu khảo cứu cho thấy, bến Bạch Đằng và vùng đất ven sông Sài Gòn này từ xưa gọi là Bến Nghé. Tên gọi này xuất phát từ việc, ở thời kỳ đầu khai khẩn, những đoàn thuyền từ cửa biển vào khu vực này thường bắt gặp những đàn trâu trên bến sông. Về sau, khu vực này là nơi người dân mua bán trâu, nghé nên gọi là Bến Nghé. Từ thế kỷ 17, dưới quyền cai trị của chúa Nguyễn, khu vực này được gọi là Tân Bình, về sau gọi là Gia Định. Địa điểm có một bến sông, gọi là Bến Ngự, nghĩa là bến dành cho vua chúa. Khu vực này trong thời chúa Nguyễn còn có một công trình kiến trúc độc đáo, gọi là Thủy Các (nhà của vua dựng trên sông). Từ đầu thế kỷ 18, hàng loạt công trình trụ sở được xây dựng dọc theo các bến sông, tuyến kênh, rạch lần lượt ra đời, như: Dinh Điều Khiển, thành Bát Quái (tức thành Quy), thành Phụng, Phủ Toàn quyền Đông Dương... Đến nay, những công trình này vẫn được bảo tồn.

Nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến, người có nhiều bài viết, ý kiến đóng góp tích cực cho quá trình cải tạo Công viên bến Bạch Đằng cho rằng, bên cạnh việc hiện đại hóa cảnh quan và các dịch vụ tham quan, giải trí, bến Bạch Đằng còn là không gian bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, lan truyền thông điệp về niềm tự hào, tri ân các thế hệ tiền nhân. Du khách đến bến Bạch Đằng không chỉ để ngắm cảnh sông nước, phố xá mà đó còn là nơi để tự hào về lịch sử, giúp thế hệ hôm nay tự tin vững bước ra biển lớn...

Trong thời kỳ Pháp thuộc và ngụy quyền Sài Gòn trước năm 1975, bến sông này không chỉ là nơi buôn bán, giao thương, nơi tập trung các tụ điểm giải trí của quan chức và giới nhà giàu, mà còn giữ vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh. Người Pháp đã xây dựng nơi đây thành một thương cảng lớn gắn với các công trình quân sự. Hành trình hiện đại hóa bờ sông Sài Gòn phục vụ phát triển kinh tế gắn với quân sự được người Pháp thực hiện từ đầu thế kỷ 18, đan xen giữa các bến giao thương là các bến quân sự, nơi neo đậu của các loại tàu chiến. Thời kỳ trước năm 1975, tính lưỡng dụng, đa năng của các bến dọc bờ sông Sài Gòn ở khu vực này được tiếp tục vận dụng, khai thác. Đó chính là lý do nơi đây lưu giữ nhiều công trình kiến trúc cổ, gắn với các thời kỳ lịch sử thăng trầm. Tên gọi bến Bạch Đằng ra đời từ thập niên 1960, gợi nhớ chiến công 3 lần đánh thắng giặc Nguyên Mông xâm lược gắn liền với tên tuổi anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo.

Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Lê Minh Quốc cho rằng, để đưa du lịch TP Hồ Chí Minh phát triển xứng tầm, các chiến lược, kế hoạch, chương trình đầu tư nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch phải bắt đầu và bắt nguồn từ dấu ấn văn hóa khai khẩn. Bến Bạch Đằng chính là một trong những biểu tượng lâu đời của phong tục sinh hoạt kiểu “trên bến dưới thuyền” của người Sài Gòn xưa. Sinh thời, nhà văn, nhà Nam Bộ học Sơn Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với địa danh này. Trong các tài liệu, cuốn sách khảo cứu về văn hóa Sài Gòn-Nam Bộ, ông có nhiều trang viết về bến Bạch Đằng. Từ việc tận dụng lợi thế trời cho bằng hệ thống cảng biển, sông, kênh, rạch chằng chịt để phát triển giao thương đường thủy, các lớp người đến vùng đất này khai khẩn lập nghiệp từ hơn 300 năm trước đã đặt nền móng cho một đô thị hội tụ những đặc trưng văn hóa sông nước. Tiến trình phát triển, mở mang, chỉnh trang đô thị trong thời hiện đại đã làm hàng vạn ki-lô-mét kênh, rạch biến mất. Những gì còn được đến hôm nay thì phải ra sức giữ gìn. Thu hẹp đặc trưng sắc thái văn hóa, văn minh sông nước, đồng nghĩa với việc làm mai một, biến mất sắc thái, lợi thế đặc trưng này. Chính vì vậy, ngành văn hóa, du lịch TP Hồ Chí Minh cần có các hình thức quảng bá, giới thiệu, khơi dậy sức sống mạnh mẽ từ hệ thống các di tích, công trình văn hóa, lịch sử trên bến Bạch Đằng và dấu ấn văn hóa khẩn hoang. Cần có thêm các mô hình tái hiện nếp sinh hoạt giao thương “trên bến dưới thuyền” gắn với ẩm thực mang sắc thái khẩn hoang phục vụ du khách. Tại những địa danh, di tích cần gắn biển, bảng giới thiệu lịch sử truyền thống để người dân và du khách có điều kiện thẩm thấu truyền thống qua trực quan sinh động...

KHÁNH LINH