QĐND - Thiên tài Nguyễn Trãi xưa đã nhiều lần nói đến sông Bạch Đằng.

Với cái nhìn của nhà địa lý-chiến lược, ở cuốn sách “Dư địa chí” trình bày tổng quát những hiểu biết sớm nhất về giang sơn đất nước Đại Việt đầu thế kỷ 15, khi nhận xét về sự hiểm yếu của sông Bạch Đằng, Nguyễn Trãi đã hạ bốn chữ “Quan hà bách nhị” (Ải quan trên sông, hai người có thể địch nổi trăm người) để đánh giá cái vị thế chiến lược đặc biệt của sông nước này.

Nhưng, ở thi phẩm “Quan hải” (Ngắm biển), nói về sông Bạch Đằng, nhân một lần đến sông Bạch Đằng, Nguyễn Trãi lại đã đề xuất một quan điểm, đúng hơn là một luận thuyết cực kỳ giá trị khác.

Tương truyền, bên cây quếch này có bà bán hàng nước đã chỉ dẫn cho Trần Hưng Đạo lịch con nước và địa thế dòng sông, giúp ông bố trí trận địa cọc và chọn thời điểm quyết chiến (thế kỷ 13). Trong ảnh: Cây quếch nằm trong Di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Hà Thu.

Bấy giờ là quãng thời gian 1408-1418, “Thập niên phiêu chuyển thán bình bồng” (Mười năm trôi dạt như bèo bọt) và “bần đáo cốt” (nghèo thấu xương) của tuổi tráng niên, khi quân xâm lược nhà Minh vừa đánh bại cuộc kháng chiến của triều Hồ, đặt ách thống trị tàn bạo của chúng lên toàn đất nước, Nguyễn Trãi phải lang bạt khắp nơi để tìm đường cứu nước.

Vào một buổi chiều, giữa những chuyến đi như thế, nhà chiến lược của phong trào Lam Sơn trong tương lai đã đặt chân đến cửa sông Bạch Đằng. Dấu tích trận bố phòng đánh giặc không thành công của triều đình nhà Hồ vẫn còn đó. Và qua đó, không thể nói người đứng đầu triều đại là Hồ Quý Ly đã không cẩn thận việc phòng bị. Trùng điệp những hàng cọc đóng ngăn cửa sông thông ra biển, đã được ghi nhận ngay trang thơ “Quan hải” của Nguyễn Trãi: “Thung mộc trùng trùng hải lãng tiền” (Cọc gỗ điệp trùng trước sóng biển). Và cả công trình “Trầm giang thiết tỏa” (dùng xích sắt giăng ngầm qua sông) nữa… Tuy nhiên vẫn thất bại-“Diệc đồ nhiên” (vô ích cả)!

Vì sao thế? Câu hỏi đau đáu này ngày càng lớn lên trong đầu Nguyễn Trãi, suốt thời gian vừa qua. Và bây giờ, lúc đứng “ngắm biển” tại nơi cửa sông Bạch Đằng này, câu trả lời đã vụt đến. Và gói lại, chỉ trong một chữ: DÂN!

Có thể là khi ấy, Nguyễn Trãi chưa được biết từng đã có một phiên triều nghị trọng đại bàn việc đối phó với quân Minh xâm lược của triều đình nhà Hồ vào cuối năm 1405. Vì đây là cuộc họp của các bậc khanh tướng ở Kinh đô, chỉ “mở rộng” tới cấp “An phủ sứ các lộ”, tức là quan chức đứng đầu những địa phương chính yếu được triệu về kinh đô triều hội mà thôi. Và cũng vì, chỉ mãi đến năm 1479, sử thần Ngô Sĩ Liên mới lần đầu tiên, và gần như theo một “biên bản tốc ký”-nói về cuộc nghị bàn chiến lược này.

“(Nhà vua Hồ) Hán Thương xuống chiếu truyền An phủ sứ các lộ về triều, cùng với các quan ở Kinh đô họp bàn việc nên đánh hay nên hòa. Có người bàn nên đánh, chớ để thành mối lo về sau. Trấn thủ Bắc Giang là Nguyễn Quân cho rằng nên tạm hòa, chiều theo những điều chúng muốn để hoãn binh thì hơn”.

“Tả tướng quốc (Hồ Nguyên) Trừng nói: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo thôi!”.

“(Thượng hoàng Hồ) Quý Ly bèn ban ngay cho (Hồ Nguyên Trừng) cái hộp trầu bằng vàng”.

Chép xong được những điều khách quan như thế vào bộ chính sử “Đại Việt sử ký toàn thư” rồi, thì đây là “Lời bàn” chủ quan của sử thần Ngô Sĩ Liên:

“Mệnh Trời là ở lòng Dân. Câu nói của (Hồ Nguyên) Trừng hiểu được điều cốt yếu đó-Không thể vì cớ là họ Hồ (để mất nước) mà bỏ câu nói của (Hồ Nguyên) Trừng”!

Vậy là, vấn đề dân lòng dân, cùng sự thể vô cùng trọng đại là: Được hay không được lòng dân, trong và đối với cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, đã đặt ra từ một năm trước khi giặc đánh và đánh giặc vào năm 1406! Tuy nhiên, vì có thể không biết đến cuộc họp giữa “thâm cung bí sử” của triều Hồ này, nên dăm bảy năm sau đó, ở thi phẩm “Quan hải”, lúc đến “ngắm biển” ở cửa sông Bạch Đằng, Nguyễn Trãi mới chính là người đầu tiên, nói rất hay và đúng-bằng thơ-về nguyên nhân thất bại cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược của triều Hồ, đồng thời khái quát được hàng loạt vấn đề rất lớn, liên quan và ở quanh một chữ dân-bằng hình tượng thi ca-qua chỉ một câu: “Phúc chu thủy tín dân do thủy” (Chở thuyền và lật thuyền, đều là nước, tức: Dân”!

Câu triết lý-lịch sử này, ứng vào cho các trận đánh đã diễn ra trước đấy, ở trên dòng sông “Bạch Đằng một cõi chiến tràng/ Thây phơi trắng đất máu màng đỏ sông”-được mô tả trong sách “Đại Nam quốc sử diễn ca”-cũng hoàn toàn đúng. Và đúng ở phương diện “chở thuyền” của chữ DÂN.

Vào mùa Đông năm 938, khi đánh trận Bạch Đằng lần thứ nhất, Anh hùng dân tộc Ngô Quyền, cùng một lúc đã phải đối phó với cả hai tình huống chiến tranh đều rất hiểm nghèo: Chống lại cả “thù trong” lẫn “giặc ngoài”! Không có dân chúng ủng hộ thì không thể đem đạo “quân mới nhóm họp”-như lời nhận định của sử thần Lê Văn Hưu trong sách “Đại Việt sử ký”-đánh thắng cả kẻ phản bội Kiều Công Tiễn ở Đại La lẫn tướng Nam Hán xâm lược đầu sỏ Lưu Hoằng (Hồng) Tháo tại Bạch Đằng được”.

Diệt được Kiều Công Tiễn, thì đạo “quân mới nhóm họp”-tức đang còn rất rõ bản chất là dân binh-của Ngô Quyền, rất may mắn là đã có được cả một truyền thống đánh giặc của tòa thành Đại La, từ thời ba đời “Họ Khúc dấy nghiệp tự chủ” (từ năm 905 đến năm 923), đặc biệt là vào năm 905, khi “Khúc Tiên Chúa” là Khúc Thừa Dụ, đem lực lượng toàn là “dân binh Hồng Châu” (Hải Dương ngày nay) lên làm chủ tòa thủ phủ của nền đô hộ ngoại bang đang lúc nó bị bỏ trống vì sự rệu rã rồi tiêu vong của đế chế nhà Đường. Cộng vào đây còn là truyền thống từ “Trận quyết chiến chiến lược Đại La năm 931” do Dương Đình Nghệ-vừa là chủ tướng, vừa là nhạc phụ của Ngô Quyền-thực hiện, với sự giúp sức của đông đảo những người-được sách “Thiên Nam ngũ lục” mô tả: “Bảo nhau dắt trẻ phù già/… Chồng nguyền quẩy vác, vợ nguyền mang cơm”…

Nhưng đến khi “lật cánh” ra hướng Biển Đông, đánh soái chủ quân Nam Hán xâm lược Lưu Hoằng (Hồng) Tháo ở cửa sông Bạch Đằng, lần đầu tiên dùng chiến thuật “thực thiết đầu đại dực” (đóng cọc lớn đầu (bịt) sắt), kết hợp thủy triều lên xuống nơi dòng sông cửa biển với trận địa cọc nhọn từ đáy sông nhô lên đâm nát thủy đội giặc, đại thắng và khai mở truyền thống đánh giặc và thắng giặc trên sông Bạch Đằng, thì hàng loạt tư liệu trong văn hóa dân gian vùng Hải Phòng-từ ký ức hồi cố đến thần tức, thần phả và phong tục lễ hội… - đều thống nhất và tập trung nói rất rõ về sự tham gia, giúp rập của dân chúng trong vùng, vào diễn biến và thành công lớn lao, đặc sắc của trận Bạch Đằng lần thứ nhất, mùa Đông năm 938 này.

Theo đó thì đã có mặt ở chiến trường, nào là chàng trai họ Phạm (từ Đằng Giang, An Lão), ba anh em Lý Minh, Lý Bảo, Lý Khả (từ Hoàng Pha, Thủy Nguyên), Đào Nhuận, Nguyễn Tất Tố (từ Gia Viên), trong đó, Nguyễn Tất Tố chính là người đã được Ngô Quyền cắt cử chỉ huy đội thuyền khiêu chiến, nhử giặc sa vào trận địa cọc; đặc biệt, chàng trai họ Nguyễn (từ Lâm Động) đã giúp Ngô Quyền nhận hiểu đặc điểm của sông nước, thủy triều vùng cửa biển để bố trí trận địa cọc Bạch Đằng…

Ở trận Bạch Đằng lần thứ hai-cuối Xuân năm 981-Anh hùng dân tộc Lê Hoàn đã nhận lĩnh sứ mạng chỉ huy cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược do Hầu Nhân Bảo làm soái tướng. Biết chắc giặc đã rất cảnh giác đề phòng, cả “rút kinh nghiệm” nữa, từ trận Bạch Đằng thứ nhất của Ngô Quyền, lần này, vẫn chọn chiến trường là dòng sông thiên hiểm, nhưng hoàng soái Lê Hoàn lại tìm một cách đánh khác.  Đó là: “Đập nát đầu rắn”! Chủ tướng Hầu Nhân Bảo đã trúng kế trá hàng, đưa quân đến địa điểm mà Lê Hoàn đã bố trí một trận địa mai phục xung yếu, để “nhận sự thần phục của quân dân Đại Việt”! Và thế là-đúng lúc và đúng chỗ-quân ta đổ ra đánh một trận tập kích dữ dội, bắt được Hầu Nhân Bảo, đem chém ngay tại trận (sử sách nhà Tống ngậm ngùi nói rằng: Hầu Nhân Bảo đã bị vứt xác xuống sông Bạch Đằng). Mất chủ tướng, các cánh quân giặc hoang mang nhốn nháo, đạo thì rút chạy về nước, đạo thì cố nống lên đóng giữ ở Tây Kết (Hưng Yên ngày nay) và chịu trận đánh chém, bắt trói tan tành ở đấy.

Rõ ràng, không có sự ủng hộ của dân chúng trong việc giữ kín mưu kế và trận địa mai phục, Anh hùng dân tộc Lê Hoàn không thể tổ chức trận “Đập nát đầu rắn”, cũng như là tung hoành vừa chém giết vừa bắt trói nhan nhản quan tướng và quân lính nhà Tống trên cánh đồng Tây Kết được!

Đặc biệt, khi đánh trận Bạch Đằng lần thứ ba-tháng Tư năm 1288-thì cả Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo lẫn hai vua Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông đều đã nhận được sự giúp đỡ đắc lực, nồng hậu của dân chúng trong vùng. Hầu như tất cả các làng cổ trên đôi bờ dòng Bạch Đằng-vùng Tràng Kênh, Thủy Nguyên-thậm chí cả nhiều làng ở các huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng… đều có người đi theo quân đội, dự trận, lập chiến công, hoặc hy sinh.

Điều rất lạ là trên bến Rừng, bên bờ dòng Bạch Đằng, ngay cạnh khu đền thờ Trần Hưng Đạo, đến nay vẫn còn một tòa miếu khang trang, thờ “Vua Bà”, là một bà hàng nước, xưa đã chỉ dẫn cho Trần Hưng Đạo cặn kẽ, ngày giờ con nước thủy triều ở chỗ dòng sông chiến trường này, giúp vị Quốc công Tiết chế điều binh khiển tướng, đánh trận thắng lợi giòn giã.

Vậy là, ở đầu thế kỷ 15, Nguyễn Trãi đã biết tất cả những điều thuộc về lòng dân sức dân, trong truyền thống sông Bạch Đằng, đã được kiến lập, tạo dựng, từ thời Ngô Quyền, Lê Hoàn đánh quân Nam Hán và giặc nhà Tống ở thế kỷ 10, đến thời Trần Hưng Đạo và quân dân nhà Trần, diệt giặc Mông Nguyên ở thế kỷ 13, đều tại nơi dòng sông thiên hiểm này. Bên cạnh nghệ thuật quân sự đánh giặc trên cùng một dòng sông, nhưng không lần nào giống lần nào, khiến giặc tuy biết rằng đến đây là bị đánh, đã cẩn thận đề phòng rồi, mà vẫn cứ bị đại bại, thì cùng với sự biến ảo khôn lường của cách đánh trong truyền thống Bạch Đằng, còn có ở đây, điều rất quan trọng là cái văn hóa quân sự để được lòng dân sức dân!

Vì không tranh thủ được điều quan trọng này, con thuyền kháng chiến của triều Hồ đã bị đắm chìm, mặc dù ở nơi thiên hiểm Bạch Đằng Giang, những người phụ trách cuộc chống giặc của triều đại này đã tổ chức chu đáo việc bố phòng, thậm chí còn tăng cường cả kỹ thuật ngăn sông bằng xích sắt cho chiến thuật “đánh giặc với thủy triều và trận địa cọc”.

“Ngộ” thêm ra điều trọng đại này, khi đến ngắm biển ở cửa sông Bạch Đằng vào và từ thuở còn thanh xuân, Nguyễn Trãi đã đem bài học về chữ dân đi theo suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình, qua thời trung niên đánh giặc trong phong trào Lam Sơn, đến tuổi lão thành giúp đỡ vương triều nhà Lê xây dựng cơ đồ, để vừa hành động, vừa đúc kết mà trở thành một mẫu mực của lịch sử và dân tộc, trong các trường hợp cần ứng xử hoặc vận dụng phạm trù lý thuyết và thực tiễn về chữ dân này.

GS LÊ VĂN LAN