Một ngày đầu năm 1973, khi đang đứng trên bục giảng tại nơi sơ tán của Trường Đại học Ngoại ngữ (nay là Trường Đại học Hà Nội), tôi được thông báo đến Bộ Quốc phòng nhận nhiệm vụ mới. Rồi niềm vui dâng trào, Hiệp định Paris về lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết ngày 27-1-1973. Ngay sau đó, ngày 29-1, tôi có mặt tại sân bay Gia Lâm trong bộ quân phục mới, lên đường làm nhiệm vụ. Cuộc hành quân của chúng tôi không phải vượt Trường Sơn vào mặt trận hay vượt trùng dương trên những con tàu không số như các binh đoàn khác, mà bằng phương tiện máy bay Mỹ, do phi công Mỹ đón tại sân bay Gia Lâm, từ Hà Nội vào thẳng Sài Gòn.
Lần đầu tiên ngắm sông Hồng đỏ nặng phù sa từ trên cao, cánh đồng, làng mạc, đồi núi trùng điệp, biển cả bao la... lòng tôi tràn đầy xúc động mà phải reo lên: “Đất nước mình đẹp quá!”.
Sau hơn 3 giờ đồng hồ, chiếc máy bay vận tải quân sự C-130 đáp xuống đường băng sân bay Tân Sơn Nhất.
    |
 |
Đồng chí Nguyễn Huy Hiệu (đứng thứ ba, từ trái sang) cùng đồng đội tại Trại Davis, năm 1975. Ảnh do tác giả cung cấp
|
Đang từ cái se lạnh của Hà Nội, khi cánh cửa máy bay bật mở, ai nấy đều cảm nhận một luồng không khí nóng thổi ập vào. Chúng tôi chỉnh trang quần áo, chuẩn bị bước xuống thì quân cảnh ngụy lên yêu cầu “khai phiếu nhập cảnh”. Đoàn ta kiên quyết phản đối, không xuống. Chúng tôi là người Việt Nam, đây là lãnh thổ Việt Nam. Suốt gần 24 giờ đồng hồ dưới cái nắng thiêu đốt, ngồi trên máy bay chật chội không phương tiện sinh hoạt bình thường, buộc Mỹ phải “làm việc” với phía Sài Gòn đưa suất ăn và thùng vệ sinh lưu động lên máy bay.
Cuối cùng, họ buộc phải chấp nhận để Đoàn ta xuống và dẫn Đoàn về nơi ăn ở, sinh hoạt. Đây là khu trại lính dã chiến Mỹ không dùng, ngay cạnh sân bay, cách đường băng khoảng 200m, bao gồm các dãy nhà một tầng lợp phibrô xi măng với cái tên Davis Camp hay Davis Station. Trong nhà, sách báo, tranh ảnh, bơm tiêm vứt bừa bãi; trên tường đầy những dòng chữ tiếng Anh hoen ố, nguệch ngoạc: “Tôi sẽ về với Chúa”, “Ở đây tôi đang sống trong địa ngục”... Xung quanh khu trại là hàng rào kẽm gai 3 lớp; các vọng gác, ụ súng dày đặc. Tiếng máy bay lên xuống gầm rít ngày đêm; đèn pha quét rọi liên hồi nhức mắt. Đây là nơi phía Sài Gòn chọn, gọi là để “bảo đảm an ninh cho các quý vị” nhưng mục đích chính hòng cô lập cả những giao tiếp thông thường của Đoàn ta với bên ngoài thành phố.
Quán triệt tinh thần “thi hành hiệp định-Mỹ rút quân mới là quan trọng nhất”, toàn Đoàn bắt tay vào dọn dẹp; kiểm tra, tháo gỡ những “con nhện” gài cắm dưới gầm bàn, hộc tủ...
Theo thỏa thuận, ngày 28-1-1973, máy bay Mỹ đến sân bay Thiện Ngôn (Tây Ninh) đón Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Từ sáng sớm, một tổ trinh sát ém tại đó báo về: Không thấy máy bay đến đón mà có 2 máy bay lượn vài vòng rồi trút bom cày xới đất đá, cây cối gãy đổ. Ta cực lực phản đối, buộc họ phải chấp nhận đến đón Đoàn tại sân bay Lộc Ninh vào ngày 1-2-1973, vùng do ta kiểm soát.
Hôm sau đã là Ba mươi Tết Quý Sửu (2-2-1973). Cuộc gặp đầu xuân tại Trại Davis thật cảm động. Có mai vàng của các anh em ở R mang xuống. Thiếu tướng Lê Quang Hòa (sau này là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng), Trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa (Đoàn A) ôm hôn Trung tướng Trần Văn Trà (sau này là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng), Trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Đoàn B). Hoa lay ơn trắng muốt và thắm hồng được chuyển từ làng hoa Ngọc Hà vào trao tặng những người đồng chí thân yêu, những chiến sĩ anh hùng của miền Nam “Thành đồng Tổ quốc”.
Và những ngày tiếp theo là những cuộc đấu trí trên bàn làm việc, đấu lý trên dư luận truyền thông và sẵn sàng đấu cả súng nếu bị uy hiếp ngay tại nơi ở và làm việc. Từng phút, từng giờ, toàn Đoàn luôn cảnh giác, tỉnh táo và nhạy bén trước mọi tình huống.
Hằng ngày, Ban Bảo vệ nội bộ phải kiểm tra kỹ lưỡng thức ăn, nước uống. Có những lúc đối phương gây sức ép cắt nước, ta đào giếng dự phòng. Khi bị cắt điện thì thật như một chảo rang trong cái nóng thiêu đốt dưới mái nhà thấp lợp phibrô xi măng. Nhưng chúng tôi vẫn duy trì cuộc sống ngăn nắp, kỷ luật trong suốt hơn 2 năm... Các hoạt động thể thao, văn nghệ vẫn diễn ra sôi nổi. Có cả những cuộc thi đấu bóng chuyền, giao hữu bóng bàn với các bạn Ba Lan, Hungary trong Ủy ban Quốc tế kiểm soát và giám sát thi hành Hiệp định Paris vào tham gia, động viên. Vẫn có phim từ Hà Nội gửi vào theo các chuyến bay làm việc và ngay cả khi đối phương gây sức ép đình chỉ thực hiện chuyến bay thì đèn vẫn sáng, phim vẫn chiếu, dù đôi khi phải chiếu đi chiếu lại vì không có phim mới.
Những ngày tháng 4-1975 khẩn trương, ác liệt, Đoàn ta ở Trại Davis vẫn duy trì liên lạc với Ủy ban Quốc tế và các nhà báo, mặc cho bốn bề kẻ thù vây hãm gắt gao. Đại tướng Võ Nguyên Giáp điện động viên và chỉ đạo Đoàn tổ chức sẵn sàng chiến đấu để bảo toàn lực lượng cũng như đề phòng kẻ địch có những hành động tàn bạo đối với Đoàn. Bộ chỉ huy Miền và Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh báo sẽ có một tổ đặc công vào đón Đoàn ra nơi an toàn. Sau khi phân tích thấu đáo, Đoàn xin ở lại bám trụ chiến đấu và được chấp thuận. Chỉ trong 10 ngày bí mật, chúng tôi lặng lẽ đào công sự ngay trong nhà ở thành 7 khu vực chiến đấu, 2 hầm chỉ huy, hầm quân y, 2 kho dự trữ lương thực và hệ thống giao thông hào liên hoàn từ nhà nọ sang nhà kia suốt chiều dài gần 40 căn nhà chỉ với xà beng và xẻng cá nhân, sử dụng cả cọc màn và đĩa ăn bằng sắt. Đất đào lên lặng lẽ đựng hết vào các tủ đồ, góc khuất...
Hệ thống hầm hào vừa xong thì chiều 28-4 bỗng nghe tiếng nổ rung mái nhà, tiếng máy bay rít qua đầu. Chiến sĩ điện báo Nguyễn Ngọc Sơn mở hẳn cửa phòng làm việc, nhìn lên trời thấy có 3 chiếc máy bay A-37 bay từ hướng Tây lần lượt bổ nhào xuống sân bay. Mỗi lần bổ nhào là tiếng nổ lại rung chuyển cả khu nhà, thêm 2 chiếc nữa vòng đi vòng lại và tiếp sau là tiếng bom nổ chát chúa. Một cột khói cuộn cao ngay phía bên kia hàng rào, cách Trại Davis khoảng 200m. Sau này chúng tôi mới được biết về chuyện phi công Nguyễn Thành Trung, sau khi ném bom Dinh Độc Lập gây hoang mang cao độ và hỗn loạn cho đối phương, đã lập tức tới vùng giải phóng huấn luyện cấp tốc cho các chiến sĩ lái máy bay MiG sử dụng máy bay A-37 của Mỹ và dẫn phi đội ném bom sân bay Tân Sơn Nhất chiều 28-4 ấy.
    |
 |
Đồng chí Nguyễn Huy Hiệu (ngoài cùng, bên phải) biểu diễn văn nghệ cùng đồng đội tại Trại Davis, năm 1973. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Những ngày tiếp theo, máy bay đối phương dồn về sân bay Tân Sơn Nhất rất nhiều, đậu sát hàng rào gần nơi Đoàn ta ở. Lãnh đạo Đoàn điện cho Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh bắn pháo mạnh vào sân bay: “Đề nghị pháo binh ta cứ bắn thật mạnh, đừng lo cho chúng tôi ở trong này”.
Đúng ngày 30-4, quân ta vào tiếp quản nơi làm việc của Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng ngụy, trên bàn vẫn còn bản chỉ thị cho thuộc cấp rằng: “Không cần xin ý kiến, khi phát hiện tiếng súng từ đó (Trại Davis) thì dùng pháo và cối hủy diệt hoặc cho xe tăng tràn ngập hoặc ném bom hoặc rải chất độc hóa học với điều kiện gió không thổi vào phía sân bay”, nhưng hắn đã cuốn gói thoát thân lúc nào không hay!
Trong nhật ký của tôi ghi vào ngày 30-4-1975: “Pháo vẫn bắn rất căng vào buổi sáng. Nghe đài biết là địch đã đầu hàng. Tuy vậy vẫn chưa có lệnh ra khỏi hầm, thỉnh thoảng vẫn còn tiếng súng. Im lặng, vẫn sẵn sàng chiến đấu... Thấy có tiếng nói là anh em mình đã vào đến Trại Davis... chúng tôi nhảy vọt lên khỏi hầm, ra đường và gặp anh em đầu tiên chạy vào. Mừng quá, cảm động rơi nước mắt. Phương Nam và Độ ra chụp ảnh. Đứng xen vào giữa tốp bộ đội, cũng quần áo như họ, toàn đất cát, chân đi dép cao su, đeo súng lục. Xong về nhà soi gương thì thấy mắt sâu hoắm lại, râu quá dài phải cạo đi vội vàng. Rồi lại ra chuyện trò với anh em... Trên nóc tháp nước của Trại Davis, lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay phấp phới...”.
Như vậy, cho đến ngày toàn thắng, đúng 823 ngày đêm, gần 300 cán bộ, chiến sĩ đã kiên cường bám trụ ngay trong sào huyệt của kẻ địch!
NGUYỄN HUY HIỆU