Để tìm hiểu những chiến công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước qua những con người cụ thể, nhân chứng một thời, các đồng chí trong Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn Đặc công bộ 198 đã tổ chức cho chúng tôi chuyến đi dài hơn 200km đến TP Đà Lạt (Lâm Đồng), nơi Ban liên lạc với hàng chục cựu chiến binh của Lữ đoàn đang sinh sống, gắn bó, cũng chính là vùng đất mà 50 năm trước họ đã chiến đấu và giải phóng.
Đại tá Trần Tuấn Bình, Trưởng ban liên lạc cựu chiến binh Lữ đoàn Đặc công bộ 198 nguyên là Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 56, Tiểu đoàn 20 (sau này là Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Đặc công 198). Trung đội trưởng Bình đã chỉ huy bộ đội tập kích nhiều mục tiêu trong hậu cứ địch ở Pleiku như kho xăng dầu, vũ khí ở Căn cứ Cơ Ty Pơ Rông... Trong trận đánh kho xăng và kho đạn của địch ở trại Nguyễn Du nhằm thu hút, giam chân địch ở Bắc Tây Nguyên đầu năm 1975, Trung đội trưởng Bình bị thương nặng (nay vẫn còn 4 mảnh đạn trong cơ thể). Sau khi điều trị vết thương, Trung đội trưởng Bình được điều động lên làm Trợ lý Chính trị Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Đặc công 198. Ở cương vị mới, Trần Tuấn Bình luôn bám sát đơn vị, tuyên truyền, động viên bộ đội chiến đấu, góp phần giúp đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh sân bay Cù Hanh và các mục tiêu hậu cứ địch ở Pleiku; tạo điều kiện để lực lượng của Trung đoàn tập kích, làm chủ các mục tiêu như kho Mai Hắc Đế, sân bay Hòa Bình, sân bay thị xã Buôn Ma Thuột trong trận đánh then chốt vào Buôn Ma Thuột của Chiến dịch Tây Nguyên tháng 3-1975.
    |
 |
Các cựu chiến binh Trung đoàn Đặc công 198 tại Đà Lạt gặp mặt ôn lại kỷ niệm chiến đấu. Ảnh: XUÂN GIANG
|
Đại tá Trần Tuấn Bình cho biết, Ban liên lạc cựu chiến binh Lữ đoàn Đặc công bộ 198 tại TP Đà Lạt hiện có hơn 30 hội viên đang sinh hoạt, phần lớn đã tham gia Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh. Hằng năm, Ban liên lạc đều tổ chức gặp mặt và có nhiều hoạt động giáo dục truyền thống, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, sinh hoạt. Ông giới thiệu với tôi về cựu chiến binh, Trung tá Nguyễn Văn Khìn (thường gọi Nguyễn Khìn), nguyên Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Đặc công 198, người trực tiếp chỉ huy trận đánh và chiếm giữ cầu Bông trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4-1975. Cựu chiến binh Nguyễn Khìn hiện trú tại số 16 đường Thông Thiên Học, TP Đà Lạt.
Khi chúng tôi gặp cựu chiến binh Nguyễn Khìn, ông kể: “Tôi sinh năm 1947, quê ở thị trấn Bảo Lạc (huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng). Tôi nhập ngũ năm 1966, huấn luyện 6 tháng ở Đoàn 250, sau đó hành quân vào Mặt trận Tây Nguyên (B3). Trận chiến đấu đầu tiên của tôi vào tháng 7-1967, chống địch càn quét ở khu vực cao điểm Ngọc Linh, phía Tây Bắc Kon Tum. Khi đó, tôi là chiến sĩ thuộc Trung đội 1, Đại đội 3, Tiểu đoàn Trinh sát trực thuộc B3. Từ năm 1968 đến 1971, tôi công tác ở Đại đội Trinh sát thuộc Trung đoàn 95, cùng đơn vị chiến đấu, đánh cắt Đường 14 và các mục tiêu của địch ở Chư Thoi, Chư Pao; quận lỵ Phú Nhơn; đánh địch ở Ia H’Leo... Trưởng thành trong chiến đấu, tôi được giao các cương vị Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội trưởng Đại đội Trinh sát trực thuộc Trung đoàn 95. Đầu năm 1972, Bộ tư lệnh B3 cử tôi đi đào tạo tại Trường Quân chính B3. Học xong, tôi được giữ lại làm cán bộ khung huấn luyện cán bộ cấp đại đội. Ngày 19-8-1974, thành lập Trung đoàn Đặc công 198, tôi được điều động làm Phó trưởng ban Tác chiến của Trung đoàn. Chúng tôi cùng chỉ huy Trung đoàn, cơ quan tác chiến đi tìm điểm đóng quân ở Chư Nghé; tiếp nhận các Tiểu đoàn Đặc công 3016, 3018 bổ sung cho Trung đoàn và tổ chức huấn luyện chiến đấu, lấy cứ điểm Chư Nghé làm thao trường huấn luyện bộ đội.
Triển khai kế hoạch tác chiến của trên và nhiệm vụ được giao, Trung đoàn bố trí Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 3 và Đại đội 16 trực thuộc Trung đoàn đánh các mục tiêu ở Gia Lai, Kon Tum, phối hợp, hiệp đồng nghi binh chiến lược. Tiểu đoàn 6 do Bộ tư lệnh B3 sử dụng. Tiểu đoàn 2 hành quân về Quảng Đức, đánh cụm cứ điểm Đắk Song (Đức Lập). Các Tiểu đoàn 4, 5, 7 hành quân về hướng Buôn Ma Thuột, chuẩn bị chiến trường, đánh các mục tiêu sân bay thị xã Buôn Ma Thuột, sân bay Hòa Bình, kho Mai Hắc Đế của địch. Thời gian này, tôi được bổ nhiệm Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, bảo vệ hậu cứ Bộ tư lệnh B3 và tác chiến ở hướng Tây Bắc thị xã Pleiku.
Sau Chiến thắng Buôn Ma Thuột, ngày 26-3-1975, Quân đoàn 3 thành lập. Trung đoàn Đặc công 198 được điều động về đội hình Quân đoàn 3 và được giao nhiệm vụ tiến công giải phóng Đà Lạt. Trước khi tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, các đơn vị thuộc Trung đoàn tập trung ở Buôn Ma Thuột để củng cố và nhận nhiệm vụ mới. Sau đó, toàn Trung đoàn hành quân bằng cơ giới về Đồng Xoài, rồi đi Chơn Thành, tới Bến Súc (nay thuộc Bình Dương), tiếp tục hành quân và tập kết ở Củ Chi. Tiểu đoàn 1 chúng tôi nhận nhiệm vụ đánh chiếm và chốt giữ cầu Bông, sau đó tổ chức một đại đội phối hợp với Tiểu đoàn 5 đánh chiếm, giữ thành Quan Năm (thành Công Binh của ngụy). Tiểu đoàn 4 đánh chiếm, giữ cầu Sáng. Nhiệm vụ đánh chiếm và giữ cầu rất quan trọng, nhằm bảo đảm cho các lực lượng của Quân đoàn 3 tiến công vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu ngụy và sân bay Tân Sơn Nhất...
Nhận nhiệm vụ, Ban chỉ huy Tiểu đoàn chúng tôi họp bàn, xác định quyết tâm chiến đấu, hiệp đồng đánh địch với các đơn vị bạn tỉ mỉ, chặt chẽ, không để khi địch thua tháo chạy sẽ phá cầu, ngăn bước tiến công của quân ta. Chúng tôi xác định, đánh chiếm cầu Bông, cầu Sáng... rất khó khăn vì không có thời gian chuẩn bị chiến trường; đánh theo mệnh lệnh, hình thức cường tập; khó vận dụng những yếu tố, cách đánh đặc công. Tôi được phân công đi cùng Đại đội 58, đi đầu đội hình, mục tiêu là đánh chiếm, giữ cầu Bông.
    |
 |
Lãnh đạo, chỉ huy Lữ đoàn Đặc công bộ 198 kiểm tra mô hình huấn luyện của Tiểu đoàn 35 trong ngày ra quân huấn luyện. Ảnh: LÊ THÔNG |
Chiều tối 27-4-1975, các lực lượng tổ chức hành quân. Ngay trong đêm đó xảy ra tình huống tiểu đoàn đi phía sau bị địch bất ngờ pháo kích vào đội hình nên phải vòng tránh. Đại đội 58 do tôi phụ trách, cùng với 2 đại đội của Tiểu đoàn 5, có 3 dân quân địa phương dẫn đường, đi trước, vẫn hành tiến theo kế hoạch.
Tối 28-4, Đại đội 58 đến vị trí tập kết cách mục tiêu cầu Bông khoảng 200m. Tôi tổ chức cho cán bộ các tổ, mũi trinh sát bổ sung, so sánh với những thông tin thu thập được từ cơ sở cung cấp, nhận định đơn vị vẫn giữ được yếu tố bí mật và trinh sát nhận thấy phía Bắc cầu Bông (từ hướng Đồng Dù về), địch bố phòng cẩn mật, có hỏa lực mạnh, lô cốt chắc chắn, nhưng phía Nam cầu (từ hướng Hóc Môn ra), địch bố phòng lỏng lẻo hơn. Tôi hội ý với chỉ huy Đại đội, giao nhiệm vụ cho các mũi, lấy mũi của Trung đội 1 do đồng chí Phấn làm Trung đội trưởng làm hướng chính, bí mật tiếp cận sát hàng rào phía Nam cầu; hiệp đồng khi hỏa lực quân ta khai hỏa vào Đồng Dù, các tổ, mũi đồng loạt tiến công địch ở cầu Bông.
3 giờ 30 phút ngày 29-4, các tổ, mũi của Đại đội 58 nổ súng. Lực lượng địch bảo vệ cầu bị bất ngờ, lại bị ta chia cắt nên không chi viện cho nhau được. Sau hơn một giờ đồng hồ chiến đấu, Đại đội 58 đã làm chủ cầu Bông, bảo đảm nguyên vẹn. Khoảng 5 giờ, lực lượng của Tiểu đoàn 1 đã đến nơi, phối hợp với Đại đội 58 chốt giữ cầu, đồng thời tổ chức lực lượng cùng Tiểu đoàn 5 đánh thành Quan Năm theo kế hoạch”.
Trên hướng cầu Sáng, lúc 5 giờ ngày 29-4, Đại đội 1 (Tiểu đoàn 4) nổ súng đánh địch. Trận chiến đấu kéo dài gần một giờ đồng hồ, ta làm chủ cầu Sáng, bảo đảm nguyên vẹn và tổ chức lực lượng giữ cầu.
Khi lực lượng của Quân đoàn 3 hành quân cơ giới tiến vào trung tâm thành phố, các lực lượng giữ cầu Bông và cầu Sáng của Trung đoàn Đặc công 198 bàn giao cầu cho đơn vị bạn bảo đảm, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trên giao...
Chúng tôi mang theo những câu chuyện của các cựu chiến binh trực tiếp tham gia Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh trao đổi với Đại tá Phạm Ngọc Hưng, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Đặc công bộ 198. Đại tá Phạm Ngọc Hưng cho biết: “Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn luôn sáng tạo cách đánh, vận dụng những chiến lệ đặc công do chính đơn vị thực hiện để huấn luyện, truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu cho bộ đội.
Trước tháng 3-1975, Trung đoàn Đặc công 198 có sở trường tiến công, đánh tiêu diệt, phá hủy các loại mục tiêu như sân bay, kho tàng, trận địa pháo, sở chỉ huy của địch trong công sự; quy mô nhỏ lẻ, tác chiến độc lập. Tham gia Chiến dịch Tây Nguyên, Trung đoàn được giao đánh chiếm các mục tiêu lớn như sân bay Hòa Bình, sân bay thị xã Buôn Ma Thuột, kho Mai Hắc Đế và tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Trung đoàn được giao đánh chiếm cầu và giữ cầu nguyên vẹn, tác chiến hiệp đồng chặt chẽ trong khi không có thời gian, điều kiện chuẩn bị chiến trường. Dù gặp rất nhiều khó khăn song Trung đoàn luôn hoàn thành đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ.
Trung đoàn Đặc công 198 và 3 tập thể trực thuộc, 5 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Vận dụng những chiến lệ, kinh nghiệm chiến đấu, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn Đặc công bộ 198 đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị luôn bám sát nhiệm vụ, cụ thể hóa nghị quyết, kế hoạch, chỉ đạo của trên, nắm chắc tư tưởng, trình độ của bộ đội và địa hình, tình hình địa bàn đóng quân; ứng dụng kỹ thuật, tiến bộ khoa học, công nghệ mới để huấn luyện, nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu của bộ đội. Nhờ đó, toàn Lữ đoàn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Bộ Quốc phòng tặng cờ “Đơn vị huấn luyện giỏi” và là đơn vị điển hình toàn diện của Binh chủng Đặc công”...
HƯƠNG HỒNG THU