Theo tư liệu của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Đốc Ngữ tên thật là Nguyễn Đức Ngữ, sinh năm 1850, quê ở xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây (nay là xã Xuân Đình, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội). Xuất thân trong gia đình nông dân nghèo, bố mất sớm nên Nguyễn Đức Ngữ phải làm nghề chèo đò chở khách qua sông giúp mẹ nuôi các em. Đến tuổi trưởng thành, ông đi lính trong quân đội triều Vua Tự Đức, lập nhiều chiến công, được phong chức Đốc binh (năm 1873). Từ đó, nhân dân trong vùng thường gọi ông là Đốc Ngữ.
Khi đóng quân ở Sơn Tây, Đốc Ngữ dưới quyền chỉ huy của Thống đốc Hoàng Kế Viêm phối hợp với quân của Lưu Vĩnh Phúc lập công trong trận Cầu Giấy (ngày 19-5-1883), sau đó chuyển lên Hưng Hóa (nay là Phú Thọ) xây dựng lực lượng. Năm 1884, triều đình Huế ra lệnh bãi binh, Đốc Ngữ không tuân lệnh mà vẫn duy trì lực lượng lập căn cứ ở vùng tả ngạn hạ lưu sông Đà. Từ một võ quan lần lượt tham gia chiến đấu dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Văn Giáp, Đề Kiều (Hoàng Văn Thúy), Đốc Ngữ phát huy khả năng cầm quân, trở thành một vị chỉ huy xuất sắc. Năm 1890, nghĩa quân Đốc Ngữ đã lớn mạnh và trở thành lực lượng chiến đấu độc lập. Lực lượng nghĩa quân dưới sự chỉ huy của Đốc Ngữ phát triển lên tới 1.200 người, được trang bị vũ khí, chủ yếu là súng trường mua từ Trung Quốc.
Trong những năm 1890-1892, Đốc Ngữ chỉ huy nghĩa quân đánh nhiều trận. Tháng 9-1890, nghĩa quân Đốc Ngữ phục kích, tiêu diệt hoàn toàn đội quân tuần tra do Thiếu úy Emrre, Đồn trưởng đồn Ngọc Thạp chỉ huy. Tiếp đó, tháng 10-1890, dưới sự chỉ huy của Đốc Ngữ, nghĩa quân tập kích vào thị xã Sơn Tây, phá hủy nhà tù, giải thoát cho 174 người bị Pháp bắt giam, trong đó có Đốc Đam và nhiều nghĩa quân. Phát huy thắng lợi, đêm 29 rạng ngày 30-1-1891, nghĩa quân do Đốc Ngữ chỉ huy tiến công vào thị trấn Chợ Bờ, tỉnh Phương Lâm (nay là tỉnh Hòa Bình). Sau một thời gian chiến đấu quyết liệt, nghĩa quân thắng lớn, tiêu diệt tên Phó công sứ Rougery và nhiều binh lính địch, thu 118 khẩu súng kiểu 1874 và 40.000 viên đạn.
Những hoạt động chiến đấu mạnh mẽ trong một số trận, trong đó chiến thắng ở thị trấn Chợ Bờ của nghĩa quân Đốc Ngữ đã gây tiếng vang lớn. Biết được tin, ngày 16-6-1891, Vua Hàm Nghi đã phong cho Đốc Ngữ làm “Chưởng vệ, sung Phó tướng đạo Hà-Ninh (Hà Nội, Ninh Bình). Trong tờ dụ phong nêu rõ: “Nguyễn Đức Ngữ danh vị còn thấp kém nhưng xét đã khảng khái Cần Vương, có đủ thực trang quả là người hết lòng vì nghĩa, trẫm rất khen ngợi. Vậy phong cho Đốc Ngữ làm Chưởng vệ, sung Phó tướng đạo Hà-Ninh”.
Các trận đánh táo bạo, bất ngờ của nghĩa quân Đốc Ngữ ở vùng hạ lưu sông Đà đã khiến thực dân Pháp lo ngại và tìm cách đối phó. Một mặt, địch tập trung quân lên càn quét vùng trung du và rừng núi Tây Bắc Bắc Kỳ nhằm ngăn chặn, đẩy lùi mọi hoạt động của nghĩa quân. Mặt khác, chúng cho xây dựng đồn Yên Lãng (Hòa Bình) khá kiên cố để kiểm soát đoạn đường Gò Lao-Tu Vũ và đèo Kẽm Hem, nhằm tách nghĩa quân ra khỏi vùng đông dân ở Thanh Sơn, làm cho nghĩa quân mất sự ủng hộ và nguồn tiếp tế từ nhân dân.
Nhằm phá tan âm mưu thâm độc của địch, Đốc Ngữ quyết định tập trung lực lượng đánh đồn Yên Lãng. Theo đó, tối 5-2-1892, 300 nghĩa quân do Đốc Ngữ chỉ huy bí mật hành quân tập kích đồn giặc, giết chết Đại úy Puligone, rồi xông thẳng vào nhà bọn hạ sĩ quan và binh lính nổ súng tiêu diệt chúng. Một số binh lính sống sót hoảng sợ rút chạy về Tu Vũ. Nghĩa quân thu 50 khẩu súng, 3.500 viên đạn và nhiều quân trang, quân dụng, nổi lửa đốt đồn giặc rồi rút lui an toàn về căn cứ Khả Cửu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Hưng Hóa (nay là tỉnh Phú Thọ).
Nghĩa quân Đốc Ngữ chưa kịp củng cố lực lượng thì ngày 18-2-1892, Pháp huy động 540 quân do Đại tá Bouleve chỉ huy từ Hưng Hóa mở cuộc tiến công vào căn cứ Khả Cửu. Trước quân địch đông, có xe tăng và pháo binh yểm trợ, nhận thấy đánh sẽ bất lợi, Đốc Ngữ ra lệnh cho nghĩa quân chủ động rút ra ngoài để bảo toàn lực lượng chiến đấu lâu dài. Trước tình hình địch luôn càn quét, truy tìm nghĩa quân ở vùng hữu ngạn sông Đà, Đốc Ngữ chủ động rút quân vào miền Tây tỉnh Thanh Hóa, phối hợp với nghĩa quân Tống Duy Tân tiếp tục đánh Pháp.
Để tránh kẻ địch phát hiện, Đốc Ngữ chia lực lượng nghĩa quân làm hai bộ phận. Bộ phận chủ yếu gồm phần lớn nghĩa quân, do ông chỉ huy bí mật đi trước. Bộ phận nhỏ đi sau do Nguyễn Đức Nhuận (em trai Đốc Ngữ) chỉ huy vượt sông thực hiện kế nghi binh địch để bảo đảm an toàn cho bộ phận chủ yếu hành quân vào miền Tây tỉnh Thanh Hóa. Nhận được tin nghĩa quân Đốc Ngữ gần đến địa phận Thanh Hóa, Tống Duy Tân cử một đội nghĩa quân Hùng Lĩnh ra đón. Sau nhiều ngày đêm hành quân trèo đèo, lần lượt vượt qua các dãy núi hiểm trở, tháng 4-1892, toàn bộ nghĩa quân Đốc Ngữ đến Niên Kỷ (còn gọi là Mường Kỷ), một làng miền núi thuộc tổng Thiết Ống, châu Quan Hóa (nay là xã Thiết Ống, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa). Đây là một địa bàn kín đáo, nằm giữa thung lũng cây cối rậm rạp, có đường ra sông Mã, từng là nơi đóng quân của nghĩa quân Trần Xuân Soạn, Hà Văn Mao. Dựa vào công sự và địa thế hiểm trở của Niên Kỷ, Đốc Ngữ chỉ huy nghĩa quân chấn chỉnh, bố trí lực lượng sẵn sàng phối hợp với nghĩa quân Tống Duy Tân chiến đấu.
Về phía quân Pháp, sau nhiều ngày truy tìm nghĩa quân Đốc Ngữ không có kết quả, chúng tỏ ra mệt mỏi, chán nản. Nhưng sau đó, được tin nghĩa quân đã vào Thanh Hóa, toàn quyền Đông Dương ra lệnh cho Trung tá Pellekin chỉ huy một đại đội lần theo nghĩa quân vào Niên Kỷ. Đến Thanh Hóa, Pellekin còn được viên công sứ Pháp tại Thanh Hóa điều quân phối hợp truy kích nghĩa quân Đốc Ngữ.
Với tinh thần cảnh giác, ngày 18-5-1892, liên quân do Đốc Ngữ và Tống Duy Tân chỉ huy đánh chặn địch quyết liệt. Dựa vào công sự và kết hợp nghi binh, phục kích, vận động tiến công, liên quân chiến đấu dũng cảm, diệt 8 sĩ quan Pháp, 70 lính ngụy, tịch thu 15 khẩu súng, làm bị thương nhiều binh lính địch. Đề cập trận đánh này, trong thư gửi quân thứ Song Yên (Yên Mô và Yên Khánh), Tống Duy Tân viết: “Tên quan năm giặc Pháp theo sau chúng tôi bị toán binh đạo Hà-Ninh (Hà Nội-Ninh Bình) cùng chúng giao chiến, thu được thắng lợi lớn, bắn chết từ quan tư giặc trở xuống 8 tên, lính tập 70 tên, đồ vật khí giới của địch bỏ hết, chạy tán loạn vào rừng, tại chỗ thu được súng kiểu Tây 15 khẩu. Còn bọn giặc Pháp phải rút về tỉnh lỵ để phòng thủ”. Còn Pellekin, chỉ huy quân Pháp trong trận Niên Kỷ cũng phải thừa nhận tài năng của Đốc Ngữ: “Chúng ta phải đương đầu với một kẻ thù ghê gớm, biết chỉ huy và chiến đấu giỏi”.
Chiến thắng Niên Kỷ động viên khí thế tinh thần quân sĩ và gây tiếng vang lớn trong nhân dân. Tuy vậy, nghĩa quân vẫn chưa thoát khỏi tình thế khó khăn do bị địch đang tìm mọi cách vây đánh. Nhận thấy không thể tiếp tục hoạt động ở Niên Kỷ do kẻ thù huy động lực lượng siết chặt vòng vây, Đốc Ngữ quyết định rút nghĩa quân trở về căn cứ Khả Cửu củng cố lực lượng tiếp tục hoạt động. Thế nhưng, kế hoạch này đã không thể thực hiện được. Trong một trận bị địch vây đánh bất ngờ ở Khả Cửu, Đốc Ngữ trúng đạn bị thương, bị địch bắt và sát hại.
Từ một võ quan, trải qua nhiều trận đánh, Đốc Ngữ từng bước trưởng thành trong chiến đấu, phát huy tài năng cầm quân, sau đó trở thành thủ lĩnh tối cao chỉ huy nghĩa quân sông Đà. Tài năng quân sự của ông thể hiện trong tổ chức, chỉ huy nghĩa quân chiến đấu ở vùng hạ lưu sông Đà và phối hợp chiến đấu với nghĩa quân Tống Duy Tân trong trận Niên Kỷ, gây cho quân thù nhiều tổn thất. Hoạt động quân sự và những chiến công của nghĩa quân sông Đà do Đốc Ngữ chỉ huy góp phần làm sinh động phong trào nhân dân ta kháng chiến kiên cường chống thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ 19.
Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP