Nguyễn Xuân Ôn (hay cụ Nghè Ôn), hiệu Hiến Đình, bút danh Ngọc Đường, quê ở xã Lương Điền (nay thuộc xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Từ nhỏ, Nguyễn Xuân Ôn đã nổi tiếng là người thông minh, ham học hỏi. Ông không những thông hiểu nho, y, lý, số... mà còn là người “xuất khẩu thành chương”, tinh thông cả thi thư, binh pháp.
Do tính cương trực, lại luôn nghĩ đến việc đối phó với âm mưu của thực dân Pháp xâm lược, không hợp với chủ trương hòa hoãn của triều đình nên quá trình làm quan của Nguyễn Xuân Ôn không suôn sẻ. Đầu tiên, ông làm việc ở Viện Hàn lâm (Huế) 3 năm với công việc Biên tu, rồi được bổ làm Tri phủ Quảng Ninh (Quảng Bình). Ở đây không lâu, ông phát hiện bọn quan tỉnh có lệ bắt dân các hạt hằng tháng phải nộp gạo và củi cho quan trên. Ông đã gửi sớ về kinh vạch tội khiến các viên quan cai trị địa phương phải vội vàng bỏ lệ đó. Lần khác, vì bắt tội một viên giáo sĩ người Pháp dùng lọng vàng (màu chỉ dành riêng cho nhà vua) trong lúc đi giảng đạo, Nguyễn Xuân Ôn bị chuyển vào làm Đốc học tỉnh Bình Định.
|
|
Cụ Nguyễn Xuân Ôn. Ảnh tư liệu |
Ở Bình Định một thời gian, ông được chuyển về Huế giữ chức Ngự sử rồi Biện lý Bộ Hình. Hằng ngày chứng kiến cảnh quan lại ở kinh chỉ lo tranh giành quyền lợi, không quan tâm đến việc đối phó với âm mưu thôn tính của thực dân Pháp, Nguyễn Xuân Ôn lại lên tiếng phê phán, thì bị họ tìm cách đẩy vào làm Án sát tỉnh Bình Thuận, là nơi tiếp giáp với đất Nam Kỳ, lúc ấy đã bị thực dân Pháp chiếm đóng. Sau khi nhậm chức, thái độ của Nguyễn Xuân Ôn rất cương quyết, đề phòng sự tấn công của giặc. Thấy ông là người luôn cảnh giác với bọn thực dân, sợ xảy ra sự việc chống đối nên triều đình lại đổi ông ra làm Án sát Quảng Ngãi rồi Quảng Bình...
Trong quá trình làm quan, nhận thấy âm mưu xảo quyệt của thực dân Pháp, Nguyễn Xuân Ôn đã gửi nhiều tấu sớ về kinh phê phán thái độ chủ hòa, trình bày mọi điều lợi, hại và tha thiết đề nghị triều đình có biện pháp tích cực đối phó. Tuy nhiên, triều đình Huế chẳng những không tiếp thu mà còn chỉ trích ông kịch liệt, đến năm 1883 thì cách chức, bắt ông trở về quê nhà Nghệ An.
Trước lúc về quê, Nguyễn Xuân Ôn biết cuộc khởi nghĩa Giáp Tuất (năm 1874) ở Nghệ An tuy đã bị dập tắt nhưng nhân dân, nhất là tầng lớp sĩ phu không hề nhụt chí. Nhiều sĩ phu yêu nước vẫn đang bí mật xây dựng lực lượng, chờ đợi thời cơ. Hơn thế nữa, ở miền Tây huyện Anh Sơn, Chánh Sơn phòng Lê Doãn Nhã, bạn đồng niên chí thiết của ông, đang huấn luyện đạo quân của triều đình và ngấm ngầm mưu toan việc lớn. Về đến quê nhà, ông bắt tay ngay vào việc tập hợp lực lượng và xây dựng căn cứ Đồng Thông-Vũ Kỳ. Dưới danh nghĩa lập đồn điền, chiêu mộ dân lưu tán vỡ hoang, lập làng mới và bí mật rèn đúc vũ khí, quân số của nghĩa quân có lúc lên đến hơn 2.000 người, hầu hết là nông dân trai tráng, dưới sự huấn luyện của nhiều vị chỉ huy tài giỏi.
Biết được các hoạt động của ông, năm 1885, phái chủ chiến trong triều do Tôn Thất Thuyết đứng đầu đã lấy danh nghĩa vua Hàm Nghi, cử người ra Nghệ An phong cho ông chức An-Tĩnh Hiệp đốc quân vụ đại thần, có nhiệm vụ thống lĩnh nghĩa quân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh chuẩn bị chống Pháp. Đầu tháng 7-1885, kinh thành Huế thất thủ và đến ngày 13-7, vua Hàm Nghi xuất bôn, hạ Chiếu Cần vương kêu gọi nhân dân cả nước ra sức chống giặc Pháp. Nhân dân khắp nơi nổi dậy hưởng ứng.
Có Chiếu Cần vương, với uy tín của mình, Nguyễn Xuân Ôn đã liên hệ và hợp nhất được với nhiều lực lượng chống Pháp trong vùng trở thành một cuộc khởi nghĩa lớn ở Bắc Nghệ Tĩnh, được gọi là cuộc khởi nghĩa Đồng Thông hay cuộc khởi nghĩa Nguyễn Xuân Ôn-Lê Doãn Nhã. Ngày 12-9-1885 (có tài liệu ghi là năm 1886), Nguyễn Xuân Ôn cùng với một số văn thân như phó bảng Lê Doãn Nhã, tiến sĩ Nguyễn Nguyên Thành, các cử nhân Trần Quang Diệm, Đinh Nhật Tân... tập hợp tướng sĩ làm lễ tế cờ tại Vườn Mới, thôn Quần Phương quê ông, lập đàn bố cáo dân chúng: “Vâng lời Thượng dụ, khởi nghĩa Cần vương, rước ngự giá về cung, chu diệt bọn nịnh thần để yên dân cư”.
Sau lễ tế cờ và truyền hịch đi các nơi, nghĩa quân kéo lên Đồng Thông lập căn cứ kháng chiến lâu dài. Từ Đồng Thông, địa bàn hoạt động của nghĩa quân nhanh chóng mở rộng ra khắp huyện Yên Thành và các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Anh Sơn, Con Cuông, Thanh Chương, Nghi Lộc... Ngay từ buổi đầu, nghĩa quân đã đánh các trận phục kích hiệu quả làm cho kẻ thù bao phen khốn đốn. Nhưng sang năm 1887, do bị đàn áp khốc liệt, Phong trào Cần vương cả nước có phần lắng xuống, quân Pháp có điều kiện dồn lực lượng để đàn áp khởi nghĩa Đồng Thông. Chúng bố trí nhiều đồn bốt trên các hướng, nhất là hướng phía Đông của căn cứ, nơi tiếp giáp với đồng bằng, nguồn cung cấp lương thực chủ yếu cho nghĩa quân. Trước tình hình đó, bộ chỉ huy khởi nghĩa chủ trương huy động hơn 1.000 quân, đánh một trận lớn vào đồn Bảo Lâm, căn cứ quan trọng của địch ở làng Tràng Thành (nay thuộc xã Hoa Thành, huyện Yên Thành). Trận đánh thắng lợi nhưng nghĩa quân cũng chịu những tổn thất. Đáng tiếc hơn là dù thắng lợi cũng không xoay chuyển được cục diện.
Đầu tháng 7-1887, quân Pháp lại tập trung lực lượng đánh thọc sâu vào Xóm Hố (nay thuộc xã Phúc Thành), nơi có đồn tiền tiêu, bãi tập của nghĩa quân và thủ lĩnh Nguyễn Xuân Ôn cũng đang ở đây. Trong chiến đấu, mặc dù tuổi cao nhưng Nguyễn Xuân Ôn luôn nêu gương dũng cảm, đi hàng đầu để khích lệ tướng sĩ. Nghĩa quân rất mực tôn sùng chủ tướng của mình, coi ông là người nhà trời. Trong trận Xóm Hố, quân địch bị đánh bật ra nhưng nghĩa quân đã phải chịu một tổn thất nặng nề là thủ lĩnh Nguyễn Xuân Ôn không may trúng đạn bị trọng thương, phải đưa về làng Đồng Nhân (nay thuộc xã Mã Thành) để điều trị. Trên giường bệnh, ông đã căn dặn và giao nhiệm vụ cho những người trong bộ chỉ huy và viết thư cho cụ Phan Đình Phùng.
Vết thương của Nguyễn Xuân Ôn sắp bình phục thì đến ngày 25-7-1887, một tên vô lại ở làng Yên Mã (nay thuộc xã Mã Thành) báo cho tên đồn trưởng Le Bleu ở đồn Dừa (nay thuộc xã Thọ Thành). Tên này dẫn một toán lính cải trang làm người đốn củi vào dò la rồi vây bắt ông trên giường bệnh. Bị bất ngờ, không kịp trở tay, ông bị chúng bắt được rồi đưa về nhà lao Diễn Châu. Tri phủ Diễn Châu lo không giữ được đã đưa ông về nhà lao Vinh, rồi lại ra nhà lao Huế cho xa Nghệ Tĩnh.
Tận dụng lợi thế, thời gian sau đó, quân địch tiếp tục mở các trận đánh tiến sâu vào căn cứ Đồng Thông, nghĩa quân buộc phải lùi về hậu cứ Nghĩa Môn-Ngàn Cận (vùng giáp giới giữa 3 huyện Yên Thành, Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu) và dần rơi vào khủng hoảng. Địch tăng cường vây ráp, khủng bố quyết liệt, căn cứ chính Đồng Thông-Vũ Kỳ bị giặc chiếm và san bằng. Tuy nhiên, ngọn lửa yêu nước của Phong trào Cần vương vẫn tiếp tục cháy. Các thủ lĩnh còn lại đưa binh lính của mình trở lại căn cứ ban đầu hoặc kéo lên miền núi tiếp tục kháng chiến chống Pháp cho đến khoảng năm 1893 mới kết thúc.
Trong thời gian bị giam cầm, Nguyễn Xuân Ôn đã gửi lời trình kêu oan về việc ông tuân theo dụ Cần vương của vua Hàm Nghi mà bị kết án là đã tham gia “đảng ngụy”; đồng thời gửi thư cho các bạn đồng liêu nhờ can thiệp. Tuy vậy, phải đến năm 1889, khi vua Thành Thái lên ngôi, ông mới được ân xá nhưng không được về quê do triều đình e sợ ông lại tổ chức chống Pháp. Bị quản thúc ở Huế, không lâu sau, ông lâm bệnh nặng và mất ngày 1-10-1889, hưởng thọ 64 tuổi. Nhân dân cả nước, đặc biệt là giới sĩ phu vô cùng thương tiếc Nguyễn Xuân Ôn. Đám tang ông do văn thân sĩ phu ở Huế đứng ra tổ chức trọng thể từ Kinh đô Huế ra cửa Thuận An. Từ đó, linh cữu được đưa xuống thuyền, rước về quê.
NGUYỄN TÂM CẨN